Yêu Tiếng Việt Qua Game Show - Báo Phụ Nữ

Toát mồ hôi với các con chữ

Chỉ qua năm số phát sóng, chương trình Vua tiếng Việt (20g30 thứ sáu hằng tuần trên VTV3) đã sớm gây tiếng vang, nhanh chóng lọt vào top 10 chương trình ăn khách nhất tháng Chín nhờ định dạng và nội dung mới lạ. Như tên gọi, chương trình là một sân chơi ngôn ngữ mà ở đó, người chơi phải vượt qua những câu đố, những thử thách liên quan đến từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt.

Cấp độ dễ nhất là viết đúng chính tả, sắp xếp các chữ thành từ có nghĩa, điền vào chỗ trống các câu ca dao, tục ngữ, câu thơ (vòng một: Phản xạ). Khó hơn một chút là giải nghĩa từ cho người khác đoán (vòng hai: Giải nghĩa), sắp xếp từ thành câu trong bài thơ, bài hát (vòng ba: Xâu chuỗi). Khó nhất là làm thơ theo thể loại quy định từ, cụm từ đã cho (vòng bốn: Soán ngôi). Thử thách nào cũng khiến người chơi và khán giả toát mồ hôi.

Chương trình Vua tiếng Việt khiến người xem thích thú vì khai phá sự phong phú của tiếng Việt
Chương trình Vua tiếng Việt khiến người xem thích thú vì khai phá sự phong phú của tiếng Việt

Rất nhiều từ ít phổ biến (chẳng hạn cùi dìa, mông sấn, quềnh quàng, sỏ gà…) được chương trình nhắc đến khiến người xem phải ngạc nhiên vì kho tàng tiếng mẹ đẻ quá phong phú, mênh mông. Sự thú vị nằm ở chỗ để vượt qua các thử thách, ngoài sự nhanh nhẹn, vốn liếng từ ngữ bao quát, người chơi còn phải thông thạo thơ nhạc, có phông nền văn hóa tốt, cũng như phải có các trải nghiệm vùng miền, mới đưa ra được đáp án chính xác.

Sự phức tạp của tiếng Việt và cách chương trình tạo ra tính tương tác với khán giả (khuyến khích khán giả tham gia các thử thách tiếng Việt trên hệ thống fanpage, TikTok; nhiều câu đố, kiến thức, thông tin cập nhật trong chương trình bắt nguồn từ chính những bình luận, tin nhắn của khán giả gửi về), đã khiến một chương trình thoạt đầu tưởng như khô khan bỗng trở nên thu hút.

Tương tự Vua tiếng Việt, mùa một chương trình Thử thách bất ngờ (phát lúc 21g15 thứ Sáu hằng tuần trên HTV9) cũng “đánh đố” người chơi và khán giả bằng những thử thách khó nhằn như kiểm tra vốn từ (vòng một: Biệt đội ngôn ngữ), kiểm tra chính tả và ngôn ngữ (vòng hai: Câu hỏi ngôn ngữ), sắp xếp tổ hợp âm tiết thành câu có nghĩa rồi kể thành một câu chuyện (vòng ba: Câu chuyện ngôn ngữ) và giải nghĩa đoán từ (vòng bốn: Thử thách bất ngờ). So với Vua tiếng Việt, độ khó của Thử thách bất ngờ không hề thua kém, trong đó phần tìm từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa cũng “hành” nhiều người chơi và khán giả, không khác gì yêu cầu nhận diện từ loại ở Vua Tiếng Việt.

Có hiểu mới yêu

Game show hiện nay đa dạng hơn về chủ đề lẫn định dạng, nhưng một game show thuần Việt ngay từ cách lựa chọn nội dung đề cập như Thử thách bất ngờ và Vua tiếng Việt là khá hiếm trên màn ảnh nhỏ. Vì vậy, sự có mặt của game show tiếng Việt là nỗ lực đáng khen của những người làm chương trình.

Chương trìng Thử thách bất ngờ
Chương trình Thử thách bất ngờ

Ở góc độ chuyên môn, thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi - giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư Phạm TP.HCM, cố vấn kịch bản và là người thẩm định câu trả lời người chơi của chương trình Thử thách bất ngờ - đánh giá cao mục đích ý nghĩa của các game show tiếng Việt. Anh chia sẻ cái khó của vai trò cố vấn: “Những trò chơi truyền hình xoay quanh chủ đề tiếng Việt tạo ra sự cân bằng về nhu cầu cho người xem, vừa mang tính giải trí, vừa cung cấp ít nhiều kiến thức. Khi nhận lời cố vấn chương trình, tôi phải chuẩn bị tinh thần đón nhận những phản ứng nhất định. Đó là do trong tiếng Việt vẫn còn một số hiện tượng mà ngay cả giới chuyên môn cũng chưa hoàn toàn đồng thuận với nhau. Thêm vào đó, trên thực tế vẫn có một số khác biệt giữa tiếng Việt trong đời sống và tiếng Việt như một đối tượng của khoa nghiên cứu ngôn ngữ. Do vậy, cố vấn phải tìm cách dung hòa các quan điểm. Mọi sự kiến giải đều phải căn cứ vào tài liệu, chuyên luận uy tín. Khi xem lại chương trình, tôi có chút ngậm ngùi khi việc sử dụng đúng tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vẫn chưa được một số người chơi ý thức đầy đủ và quan tâm đúng mức”.

Có thể thấy những tranh cãi về tiếng Việt như lo ngại của những người làm chương trình hoàn toàn không thừa, vì đã xuất hiện phản biện về chuyên môn trong Vua tiếng Việt. Điển hình là trong tập hai, khi ban cố vấn chương trình giải thích từ “càn rỡ” để đi đến kết luận là “Tính từ bổ ngữ cho động từ”, đã khiến người xem “dậy sóng” vì không đủ sức thuyết phục. Khán giả cũng không hài lòng khi người dẫn chương trình và người chơi thỉnh thoảng dùng tiếng Anh chen vào ở một chương trình tôn vinh tiếng Việt. Còn trong Thử thách bất ngờ, ở tập 23, chương trình đưa hình ảnh con cóc để gợi ý câu thành ngữ “Cốc mò cò xơi”, trong khi từ “cốc” trong câu thành ngữ là chỉ chim cốc. Để xảy ra lỗi chính tả sai cơ bản ở một chương trình như vậy là những sơ suất khó chấp nhận.

Trailer Vua tiếng Việt

Truyền hình, ngoài chức năng giải trí còn là phương tiện giáo dục, và sự xuất hiện của những game show như Thử thách bất ngờ, Vua tiếng Việt mang lại ý nghĩa tích cực, giá trị nhân văn. Hiện nay, không khó để bắt gặp những lỗi câu chữ trong nội dung các văn bản, trong phát ngôn của nhiều người trên phương tiện truyền thông.

Sự lên ngôi của văn hóa mạng - môi trường vốn dung túng những từ ngữ, câu chữ buông tuồng, dễ dãi - càng khiến nỗi lo về sự mai một tiếng Việt ngày một lớn. Việc khám phá, giữ gìn tiếng Việt trở thành yêu cầu cấp bách. Những game show tiếng Việt như Thử thách bất ngờ, Vua tiếng Việt không chỉ giúp người chơi, khán giả hiểu được vẻ đẹp và sự tinh tế của tiếng Việt, mà còn khiến chúng ta thêm yêu quý, trân trọng giá trị tiếng mẹ đẻ.

Hương Nhu

Từ khóa » Game Show Nếu Như Yêu