Yếu Tố Nội - Ngoại Sinh Trong Quá Trình Giao Lưu Văn Hóa ở Hội An
Có thể bạn quan tâm
Thực tế lịch sử đã chứng minh một cách hiển nhiên rằng sự phát triển văn hóa của bất kỳ một cộng đồng nào, một dân tộc nào trên thế giới cũng đều là quá trình vừa kế thừa biện chứng những giá trị di sản nội thân của các thế hệ trước để lại, vừa tiếp xúc, giao lưu với các cộng đồng khác, dân tộc khác, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại để ngày càng làm giàu thêm cho nền văn hóa của cộng đồng mình, dân tộc mình. Nói cách khác, một trong những quy luật phát triển của một nền văn hóa là việc thích ứng hài hòa giữa hai yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Đây là một vấn đề không những hết sức thú vị về phương diện lý luận văn hóa mà còn có ý nghĩa to lớn đối với thực tiễn hoạt động văn hóa, nhất là trong giai đoạn hiện nay, nhằm “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin góp vài suy nghĩ về mối quan hệ giữa nội - ngoại sinh trong quá trình giao lưu văn hóa ở Di sản Văn hóa Thế giới - Đô thị cổ Hội An.
1. Mối quan hệ nội - ngoại sinh:
Giao lưu văn hóa là sự vận động thường xuyên của xã hội, gắn liền với tiến hóa xã hội và là quy luật phát triển của mọi nền văn hóa.
Từ buổi bình minh của lịch sử loài người, con người đã sống thành cộng đồng và ngày càng thể hiện bản chất tổng hòa các mối quan hệ với tự nhiên và với xã hội. Đã là con người thì ai cũng có nhu cầu trong cuộc sống cơ bản như nhau. Để đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu đó, họ đã chế tác những công cụ sản xuất, công cụ sinh hoạt cần thiết từ buổi ban đầu. Trải qua thời gian, sống trong những điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, mỗi cộng đồng khác nhau đã tạo nên những nền văn hóa riêng biệt in đậm dấu ấn của họ. Dần dần, khi xã hội phát triển ở quy mô và mức độ cao hơn, con người không tự thỏa mãn với những gì vốn có của bản thân và cộng đồng mình. Vì thế, việc giao lưu văn hóa, mà bắt đầu là trao đổi kinh tế, đã trở thành một nhu cầu tất yếu. Giữa các cộng đồng sống trên các địa bàn khác nhau thường có sự trao đổi nguyên liệu, vật phẩm với nhau trong nền kinh tế giản đơn mà về sau là sự giao thương hàng hóa trong nền kinh tế thị trường.
Trên bước đường phát triển của lịch sử xã hội loài người, cơ sở kinh tế là yếu tố quyết định. Sự biến đổi này được đẩy nhanh thêm do giao lưu văn hóa, ban đầu là giữa các tộc người gần gũi nhau, cùng trình độ và về sau là là giữa các tộc người hay dân tộc có trình độ phát triển xã hội khác nhau. Sự biến đổi của bản sắc văn hóa dân tộc chịu sự chi phối của nhiều nhân tố. Những cái lạc hậu, lỗi thời sẽ dần mất đi để thay thế bằng những gì được cộng đồng khẳng định là văn minh, hiện đại. Ngoài hoạt động trao đổi kinh tế, còn có những hoạt động trao đổi “phi kinh tế” mà ảnh hưởng của chúng đến giao lưu văn hóa không nhỏ như sự trao đổi tặng phẩm, vật phẩm tôn giáo,... Sự tiếp xúc văn hóa còn có thể có được nhờ những tiếp xúc khác nhau qua quan hệ hôn nhân, quan hệ ngoại giao,... Các cuộc thiên di lớn nhỏ xảy ra thường xuyên trong thời nguyên thủy và cổ trung đại đã làm cho các tập đoàn người có văn hóa khác nhau tiến đến bên nhau hoặc sống xen kẽ vào nhau. Đó cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa.
Giao lưu văn hóa vừa là kết quả của trao đổi, vừa chính là bản thân sự trao đổi. Có hiểu như vậy mới thấy hết tầm quan trọng của giao lưu văn hóa trong lịch sử nhân loại, vì sản xuất, trao đổi là động lực thúc đẩy sự phát triển của lịch sử. Giao lưu văn hóa là sự tiếp nhận văn hóa bên ngoài bởi dân tộc chủ thể. Quá trình này luôn đặt ra cho mỗi tộc người phải xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh. Hai yếu tố này luôn có khả năng chuyển hóa cho nhau và rất khó tách biệt trong một thực thể văn hóa. Có yếu tố ở giai đoạn này là ngoại sinh nhưng đến giai đoạn sau, những tính chất của nó nhạt dần hoặc không còn, đến nỗi người ta cho rằng đó là yếu tố nội sinh đích thực! Hơn nữa, kết quả của sự tương tác giữa hai yếu tố này thường diễn ra theo hai trạng thái: một là yếu tố ngoại sinh lấn át, triệt tiêu yếu tố nội sinh, hai là có sự cộng hưởng lẫn nhau, yếu tố ngoại sinh dần dần biến thành yếu tố nội sinh hoặc bị phai nhạt căn tính của nó.
Nhìn ở phương diện thái độ của tộc người chủ thể, sự tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh cũng có hai dạng thể hiện: một là tự nguyện tiếp nhận, hai là bị cưỡng bức tiếp nhận. Mức độ tiếp nhận cũng cũng có sự khác nhau: tiếp nhận có sáng tạo hay chỉ tiếp nhận đơn thuần. Sự tiếp nhận đơn thuần khi nhìn ở ý nghĩa tương đối là phổ biến trong mọi thành viên của tộc người chủ thể. Trong khi đó, sự tiếp nhận có sáng tạo lại là sự tiếp nhận có kiểm soát của lý trí và nó được thể hiện ở 3 mức độ khác nhau:
Một là, không tiếp nhận toàn bộ mà chỉ chọn lọc những giá trị thích hợp cho tộc người mình;
Hai là, tiếp nhận cả hệ thống nhưng có sự sắp xếp lại theo quan niệm giá trị của tộc người chủ thể;
Ba là, mô phỏng, biến thể một số thành tựu của văn hóa tộc người khác bởi tộc người chủ thể.
Như vậy, quan hệ biện chứng giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh diễn ra theo xu hướng nào, ở mức độ nào là do nội lực của tộc người chủ thể, hay nói cách khác là do bản lĩnh và truyền thống văn hóa của tộc người tiếp nhận. Trên cái nhìn lịch sử, bản sắc và truyền thống văn hóa không phải là yếu tố nhất thành bất biến. Sự vận động của mỗi nền văn hóa trong không gian và thời gian luôn luôn là sự vận động của các yếu tố bất biến và khả biến, của cái cố hữu và cái cách tân. Cái khả biến phát triển đến mức độ nào đó thì sẽ làm thay đổi chính thực thể văn hóa ấy như quy luật lượng đổi - chất đổi.
Giao lưu văn hóa và thông qua nó để xử lý hài hòa mối quan hệ biện chứng giữa hai yếu tố nội sinh và ngoại sinh là quy luật phát triển của văn hóa, là quy luật tất yếu của đời sống con người. Là một bộ phận hữu cơ cấu thành nền văn hóa xứ Quảng - Việt Nam, bản sắc văn hóa Hội An cũng được hình thành từ quy luật đó.
2. Yếu tố nội - ngoại sinh trong giao lưu văn hóa ở Hội An:
Ngay từ nửa sau thế kỷ XV, nhà nước phong kiến Đại Việt thành lập một thừa tuyên mới và đặt tên là Quảng Nam với ý nghĩa là vùng đất mở rộng về phương Nam không chỉ về không gian địa lý mà cả về không gian văn hóa. Quảng Nam đã hoàn thành nhiều hơn thế trọng trách lịch sử của mình vì đã vươn tầm rộng mở ra cả phương Bắc, phương Đông, phương Tây. Hội An là một bộ phận hữu cơ của Quảng Nam và vinh dự đại diện cho vùng đất này đi tiên phong trong hành trình mở cõi và giao lưu quốc tế.
Với lợi thế là một vùng đất nằm ở cửa sông - ven biển, là đầu mối giao thông đường thủy của cả hệ thống sông ngòi chằng chịt ở Quảng Nam (Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang, Chiên Đàn) và trước đây còn thông với sông Cổ Cò ra Đà Nẵng, mà từ hơn 2.000 năm nay, Hội An đã và đang là nơi giao lưu kinh tế - văn hóa mạnh mẽ giữa các cộng đồng, các dân tộc khác nhau qua các thời kỳ lịch sử.
Có thể xếp các hệ tầng văn hóa Hội An theo trình tự thời gian như sau:
Tầng văn hóa Sa Huỳnh (từ khoảng thế kỷ -X đến thế kỷ II):
Kết quả khai quật khảo cổ học trong những năm qua đã phát hiện khá nhiều hiện vật chứng minh cho sự giao lưu kinh tế - văn hóa từ rất sớm của cư dân Sa Huỳnh ở Hội An. Đó là các đồng tiền Ngũ Thù (Tây Hán), Vương Mãng (Đông Hán), lưỡi qua (phong cách Hán),... đã được người Sa Huỳnh tiếp nhận, sử dụng. Có thể xem đây là những yếu tố ngoại sinh đầu tiên du nhập vào mảnh đất này thông qua con đường giao lưu kinh tế, mở đầu cho quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ hơn vào các giai đoạn sau.
Tầng văn hóa Champa (từ thế kỷ II đến thế kỷ XV):
Căn cứ nguồn di vật phong phú được phát hiện từ trong lòng đất, căn cứ hệ thống di tích Chăm phân bố tại khu vực Hội An và vùng phụ cận cộng với những địa danh cổ và nguồn tư liệu thành văn của người Trung Quốc, có thể khẳng định rằng Hội An vốn đã là một cảng thị phồn vinh từ thời đại Champa. Đấy có thể là Lâm Ấp phố của Thủy Kinh Chú thế kỷ VI mà Cù Lao Chàm (Chiêm Bất Lao) là bức bình phong ngoài cửa biển, và bến Cồn Chăm (Bàn Thạch) là cảng cuối từ cửa biển vào trước khi ngược sông Bà Rén để lên kinh đô Trà Kiệu Simhapura.
Trong thời kỳ Champa, người Chăm ở Hội An đã giao lưu với văn hóa Đại Việt, văn hóa Trung Hoa và cả văn hóa của các quốc gia Ả Rập xa xôi mang đến. Bên cạnh các di tích Chăm hoặc trong tầng văn hóa Chăm, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều đồ gốm - sứ, tiền đồng cổ của các triều đại Đại Việt (Đinh, Lê, Lý, Trần), Trung Hoa (Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh), đặc biệt là khá nhiều mảnh gốm Islam của Ả Rập và rất nhiều đồ thủy tinh màu gốc gác từ Ấn Độ. Lúc bấy giờ, người Chăm là cư dân chủ thể của vùng đất này nên các yếu tố văn hóa của Việt, Hoa, Ấn, Trung Đông du nhập vào đây hiển nhiên là những yếu tố ngoại sinh đối với họ và được họ tiếp nhận, dung hòa một cách tự nguyện.
Tầng văn hóa Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam (từ thế kỷ XV đến nay):
Dù danh nghĩa, Hội An là một phần đất của Châu Rí đã thuộc về Đại Việt từ sau cuộc hôn nhân chính trị giữa Huyền Trân Công chúa và vua Chăm Chế Mân vào năm 1306, nhưng trên thực tế, phải đợi đến cuộc Nam tiến của vua Lê Thánh Tông năm 1471, với việc lập thừa tuyên Quảng Nam, thì Hội An mới thực sự thuộc về Đại Việt. Sau sự kiện lịch sử này, người Việt xuất hiện ngày càng đông đảo ở Hội An. Họ không hề có sự tiêu diệt và khu trục người Chăm ra khỏi vùng đất mới của mình, mà cộng cư hòa bình bên nhau, thiết lập quan hệ hôn nhân với nhau, như các bia mộ và tộc phả của một số dòng họ Việt gốc Chăm đã ghi lại.
Cũng như mọi vùng đất khác của Đàng Trong, khi người Việt vào đây đã vốn mang trong mình truyền thống trồng lúa nước - tiểu nông - làng xã của các nền văn minh sông Hồng - sông Mã - sông Lam, song điều đặc biệt là khi đặt chân đến Hội An, nơi đây đã từng là cảng thị của người Chăm phát triển phồn thịnh, lại được chính sách của các Chúa Nguyễn khuyến thương, nên tư tưởng “dĩ nông vi bản” của người Việt đã ít nhiều biến đổi cho phù hợp với môi trường mới của vùng đất mới. Người Việt vừa biết kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc mình, vừa nhanh chóng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của người Chăm vẫn đang hiện hữu xung quanh họ, để tiếp tục khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế của một cảng thị sông nước, khôi phục và phát triển nền kinh tế thương nghiệp - ngoại thương đang bị ngưng trệ (do nhiều nguyên nhân) ở nơi này. Chính vì lẽ đó, bên cạnh việc nắm giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế, từ thế kỷ XV trở đi, văn hóa của người Đại Việt cũng dần dần trở thành văn hóa chủ thể.
Từ cuối thế kỷ XVI, thương nhân các nước Hoa, Nhật, Ấn, Xiêm, Bồ, Hà, Anh, Pháp,... đã xuôi thuyền đến Hội An để thiết lập quan hệ giao thương mậu dịch. Trong số đó, có hơn 1.000 người Nhật (đầu thế kỷ XVII) và hơn 6.000 người Hoa (cuối thế kỷ XVII) đã được Chúa Nguyễn cho phép lập phố, định cư, buôn bán tại Hội An. Vậy là bên cạnh người Chăm (cư trú chủ yếu ở ngoại vi), người Việt tiếp tục cộng cư với người Hoa, người Nhật và trực tiếp giao thương với nhiều dân tộc khác nữa. Trong giai đoạn này, song song với dòng văn hóa cồn - bàu của cư dân nông - ngư nghiệp - thủ công vùng cửa sông - ven biển, còn có một dòng văn hóa nữa mang tính cảng thị của cư dân thương nghiệp ở trung tâm và dòng văn hóa này dần phát triển lấn át, trở thành dòng văn hóa chủ đạo của Hội An phố cảng.
Qua nhiều thế kỷ giao lưu kinh tế, những yếu tố văn hóa từ nhiều nguồn đã trải qua quá trình giao thoa, thẩm thấu, quyện hòa, tiếp biến lẫn nhau để rồi ngưng kết thành bản sắc Hội An rất riêng và độc đáo. Đó là quá trình nền văn hóa chủ thể Đại Việt đã tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh hoàn toàn tự nguyện, nhờ vậy mà các yếu tố Đông - Tây thoạt đầu ngỡ như quá xa lạ ấy đã từ từ thấm vào máu thịt của nền văn hóa chủ thể và không biết tự bao giờ, nó đã hóa thân một cách trọn vẹn vào yếu tố nội sinh!
Đối với đô thị cổ Hội An - một đô thị bé nhỏ nhưng luôn mang tính quốc tế cả trong quá khứ lẫn hiện tại - có thể chỉ ra rất nhiều thực thể văn hóa là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa hòa bình giữa các dân tộc đã từng chung sống bên nhau qua nhiều thế hệ, nhưng hoàn toàn không đơn giản khi tách biệt rạch ròi đâu là yếu tố nội sinh, ngoại sinh ngay trong từng thực thể.
Chẳng hạn như trong kiến trúc: Ngôi nhà rường 3 gian 2 chái theo kiểu người Việt ở cố hương Đàng Ngoài, khi vào đến Hội An đã “mọc thêm” vì kèo hiên kiểu “chồng rường giả thủ” theo phong cách Hoa Nam - Trung Hoa và lợp ngói âm dương thay cho ngói vảy cá hoặc ngói mũi hài. Hầu hết các ngôi nhà cổ hình ống ở Hội An đều có sự đan xen, hài hòa các phong cách kiến trúc Việt - Hoa - Nhật - Pháp, thể hiện trong bố cục không gian, kiểu thức kiến trúc, trong từng chi tiết chạm trổ nghệ thuật. Một vì kèo “cột trốn kẻ chuyền” (phong cách Việt) vẫn tồn tại hợp lý bên cạnh vì “chồng rường giả thủ” (phong cách Hoa) và hệ ban công trang trí hình con tiện (phong cách Pháp) ngay trong một ngôi nhà. Một hình tượng con rồng rất Nguyễn, rất Việt vẫn ung dung tọa vị ngay trong lòng một di tích kiến trúc rất Hoa như hội quán Phúc Kiến. Ngoài những mô típ hoa văn phương Đông quen thuộc như tứ quý, bát bửu, con dơi, cá chép, quả phật thủ, quả đào,... còn xuất hiện quả nho như một đề tài trang trí trong các ngôi nhà cổ dù cây nho lúc bấy giờ hãy còn xa lạ đối với Việt Nam.
Sự giao lưu văn hóa hòa bình còn thể hiện cả trong quy hoạch không gian đô thị cổ: Đầu thế kỷ XX, khi Hội An được chỉnh trang phố xá, không phải ngẫu nhiên mà đường “Hội An” (nay là đường Lê Lợi) của người Việt giữ vị trí là trục giao thông chủ đạo, xuyên nối, kết liên với các đường “Cầu Nhật Bản” (nay là đường Trần Phú) của người Nhật Bản, đường “Quảng Đông” (nay là đường Nguyễn Thái Học), đường “Phúc Kiến” - “Triều Châu” - “Hải Nam” (nay là đường Bạch Đằng) của người Hoa Ngũ Bang, và đường “Minh Hương” (nay là đường Phan Châu Trinh) của người Hoa Minh Hương. Nếu nhìn trên bản đồ, sẽ dễ dàng nhận ra một điều thú vị rằng, dù chỉ là một bộ phận trong quần thể kiến trúc đô thị Hội An, nhưng đường phố Việt (đường Lê Lợi) đã khẳng định chủ quyền và nắm giữ vai trò trung tâm của một cư dân chủ thể tại một cảng thị quốc tế thời trung - cận đại.
Một loại hình kiến trúc đặc thù nữa là hệ thống giếng cổ cũng vậy. Có nhiều giếng Chăm phần đáy thì hình vuông, xây bằng gạch dày với loại vữa đặc biệt, phần thân lại tròn, xây gạch mỏng bằng vữa vôi và phần trên thành miệng được xây bằng xi măng hiện đại do qua nhiều lần tu bổ tự phát của cộng đồng. Loại hình mộ cổ cũng thế. Ở Hội An, nếu không dựa vào nội dung ghi trên bia mộ cổ thì khó mà xác định đâu là mộ Việt, mộ Hoa hay mộ Nhật, vì chúng thường được xây bằng cùng một loại hợp chất (vôi, nhựa thực vật, vỏ nhuyễn thể) theo kiểu “trong quan ngoài quách, trong nấm ngoài quynh” và đều dùng chữ Hán để khắc bia.
Chữ Quốc ngữ hiện chúng ta đang dùng cũng là một kết quả tốt đẹp của quá trình giao lưu mà Hội An có may mắn được là một trong hai trung tâm (cùng với kinh kỳ - Hà Nội) các giáo sĩ phương Tây chọn làm nơi phiên âm La-tinh hóa tiếng Việt từ nửa đầu thế kỷ XVII. Chữ viết La-tinh ban đầu là yếu tố ngoại sinh, phục vụ chủ yếu cho công cuộc truyền giáo của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo, nó đã trải qua những bước thăng trầm, thậm chí có lúc bị tẩy chay, phản đối, nhưng càng về sau, do ý thức được tính ưu việt, tiện lợi và hữu dụng của nó, người Việt đã tự nguyện tiếp nhận để rồi biến nó thành ngôn ngữ chính thống của dân tộc mình. Điều thú vị là người Hội An có cơ may tiếp xúc với yếu tố ngoại sinh này ngay từ đầu tiên khi nó mới du nhập.
Cũng trên phương diện giao lưu ngôn ngữ nhưng tiếng Hoa ở Hội An (gồm tiếng Quảng Đông, tiếng Phúc Kiến, tiếng Triều Châu, tiếng Hẹ) lại diễn ra theo hướng khác. Cần nhớ rằng, vào cuối thế kỷ XVII, người Hoa có mặt ở cảng thị Hội An với số lượng đáng nể: hơn 6.000 người. Lúc bấy giờ, người Việt vẫn đang dùng chữ Hán như một quốc ngữ. Vậy mà, ngay cả thị dân người Việt ở Hội An cũng không bị Hoa hóa về tiếng nói, ngược lại, toàn bộ người Hoa ở đây đều học tiếng Việt, nói tiếng Việt trong mọi giao tiếp xã hội đến nỗi nhiều người Hoa hiện nay, nhất là lớp trẻ, đã không còn nói được tiếng Hoa. Về điểm này, yếu tố Việt nội sinh đã hoàn toàn thắng thế.
Trên lĩnh vực tôn giáo - tín ngưỡng, quá trình giao lưu cũng đã để lại nhiều dấu ấn đậm nhạt trong các công trình kiến trúc và cả trong tâm thức của con người Hội An bao thế hệ. Năm 1615, giáo sĩ người Ý Francisco Buzomi đã đến Hội An, mang theo một thứ tôn giáo hoàn toàn mới lạ, gọi là Thiên Chúa giáo. Từ Hội An, ông thành lập Giáo đoàn Thiên Chúa giáo Đàng Trong, biến nơi đây thành cái nôi hình thành một tôn giáo mới ở Đàng Trong bên cạnh Nho giáo vốn ăn sâu vào tư tưởng của mọi người.
Vào nửa sau thế kỷ XVII, Thiền sư Minh Hải (đời thứ 34, dòng Phật giáo Lâm Tế - Trung Quốc) cùng với sư đệ Minh Lượng đã đến Hội An và chính thức du nhập Phật giáo vào nơi này. Hai ông đã khai sơn các chùa Chúc Thánh, Vạn Đức và khai sinh dòng tu Lâm Tế - Chúc Thánh mà sau này các thế hệ đệ tử của họ đã phát triển đến hơn 100 ngôi chùa ở Đàng Trong và một số nước trên thế giới. Vậy là, đến cuối thế kỷ XVII, ở cảng thị Hội An có đến 3 tôn giáo (Nho giáo, Thiên Chúa giáo, Phật giáo) cùng tồn tại. Cả 3 đều là yếu tố ngoại sinh, đều mang những đặc trưng của các nền văn hóa Trung Hoa, phương Tây, Ấn Độ, song do truyền thống không chối từ văn hóa, người Việt đã tiếp nhận nó dưới các mức độ khác nhau và bằng các hình thức khác nhau.
Xét về tín ngưỡng dân gian, có thể nói Hội An có một phức hệ tín ngưỡng hết sức đa dạng của cư dân - thị dân thương nghiệp, của cư dân nông nghiệp, chài lưới, thủ công vùng cửa sông - ven biển. Trong phức hệ đó, các yếu tố nội - ngoại sinh cũng giao hòa và chuyển hóa lẫn nhau. Vào các di tích tín ngưỡng ở Hội An hôm nay, dễ dàng nhận thấy bên cạnh tín ngưỡng thờ Thành hoàng, thờ Cá Ông, thờ Tiền hiền,... của người Việt, còn có tục thờ Quan Công, Thiên Hậu Thánh mẫu, Bắc đế Trấn Võ, Mã Viện, Lục tánh Vương gia,... của người Hoa và thờ cả Linh Cẩu (chó thần), Thần Hầu (khỉ thần) theo tín ngưỡng tô tem của người Nhật; bên cạnh lễ hội Cầu ngư - tế Cá Ông - hát bả trạo - đua thuyền, lễ Cầu an - rước Long chu,... của người Việt, lại có lễ Vía Quan Thánh, lễ Vía Thiên Hậu, tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu, tết Đoan ngọ, tết Trung thu,... đan cài các yếu tố Hoa - Việt, Việt - Hoa. Phải chăng, do bận rộn nhiều trong việc doanh thương thường nhật, cư dân cảng thị không có được những thời khoảng nhàn rỗi như cư dân nông nghiệp sau mỗi vụ thu hoạch mà đặc trưng của lễ hội ở Hội An là thường có quy mô nhỏ, diễn ra trong thời gian ngắn và chú trọng phần lễ hơn phần hội dù chúng được tổ chức hầu như quanh năm?
Quá trình giao lưu kinh tế - văn hóa còn để lại khá nhiều dấu ấn trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Nhờ quá trình đó mà người Việt tiếp thu được kỹ thuật đóng ghe bầu, nghề đi biển,... của người Chăm; học được kinh nghiệm buôn bán, nghề chế biến thuốc Bắc, nghề chế biến một số món ăn, nghề sản xuất vàng mã,... của người Tàu; tiếp nhận được chữ Quốc ngữ, cách trang phục Âu Tây của người châu Âu. Nhờ quá trình đó mà đô thị cổ Hội An có được hầu hết các loại hình kiến trúc của Việt Nam nhưng lại dung hợp các phong cách Việt - Hoa - Nhật - Pháp, trở thành “biểu hiện nổi bật của sự giao lưu giữa các nền văn hóa trong một cảng thị quốc tế” như UNESCO đã đánh giá khi công nhận Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới.
*
* *
Dẫu đã qua rồi một thời phát triển thịnh đạt, huy hoàng trong vai trò là một cảng thị ngoại thương quốc tế quanh năm tấp nập thương thuyền Á - Âu vào ra buôn bán; dẫu đã qua rồi một thời giao lưu trực tiếp và mạnh mẽ giữa các nền văn hóa Đông - Tây, song hầu như vẫn còn nguyên đó quần thể di tích kiến trúc quyện hòa các yếu tố nội sinh - ngoại sinh thể hiện phong cách Việt - Hoa - Nhật - Pháp, vẫn còn nguyên đó tâm hồn của bao nghệ nhân phảng phất trong từng chi tiết chạm trổ, trong từng đường cong mềm mại của bờ nóc, bờ hồi, vẫn còn nguyên đó các giá trị văn hóa phi vật thể được truyền lưu liên tục qua bao thế hệ...
Nếu như ngày xưa, “Hội An là nơi buôn bán dễ dãi, xâu thuế nhẹ nhàng, nam canh nữ chức, tục mỹ phong thuần, khiến cho lòng khách viễn phương ai nấy đều muốn kiết cư lập nghiệp” như gia phả của một dòng họ người Hoa ở Hội An đã ghi nhận, thì ngày nay, Hội An vẫn luôn là nơi “hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa vô cùng đa dạng” như lời một nhà khoa học nổi tiếng đã khẳng định trong cuộc hội thảo quốc tế từ năm 1990. Và Hội An lại được trở về với vai trò quốc tế của nó để tiếp tục tiếp xúc, giao lưu kinh tế - văn hóa thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học, phối hợp tổ chức hội thảo, hội nghị, liên kết phát triển du lịch,... tiếp tục tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh một cách có chọn lọc để không ngừng làm giàu thêm cho văn hóa của địa phương, của dân tộc mình.
T.A
Từ khóa » Thế Nào Là đan Xen Văn Hóa Tự Nguyện
-
Thế Nào Là Đan Xen Văn Hóa Tự Nguyện ... - Indembassyhavana
-
Câu Hỏi ôn Tập Môn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam - TaiLieu.VN
-
[DOC] Đan Xen Văn Hóa Trong Cộng đồng Các Dân Tộc ở Quảng Bình Hiện Nay
-
Thế Nào Là đan Xen Văn Hoá Tự Nguyện? Và Cho Ví Dụ? - Hoc247
-
ĐÁP ÁN ÔN TẬP MÔN CƠ SỞ VĂN HOÁ VIỆT NAM
-
Danh Sách Quá Trình Giao Lưu Và Tiếp Biến Văn Hóa Tiêu Biểu
-
Bài 4: Tiếp Xúc Và Giao Lưu Văn Hóa - Học Hỏi Net
-
[PDF] GIAO LƯU VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI
-
Vì Sao Lại Có Giao Lưu Văn Hóa , Mối Quan Hệ Môi Trường Tự Nhiên
-
[PDF] VIỆT TRONG NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1884 - 1945
-
[PDF] CÁC CON ĐƯỜNG GIAO LƯU VĂN HÓA TRONG LỊCH SỬ
-
[PDF] GIAO LƯU VÀ TIẾP BIỂN VĂN HÓA