Thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Zebu hóa, bò chất lượng cao cùng với việc xây dựng mạng lưới dẫn tinh viên cơ sở, mỗi năm Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã cung cấp xuống cho các huyện 24.000 liều tinh bò Zebu để phối giống nhân tạo cho đàn bò ở các xã. Chương trình cải tạo đàn bò được triển khai theo 2 hướng, các huyện vùng đồng bằng tập trung phát triển đàn bò nái lai Zebu và chăn nuôi bò vỗ béo theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ; vùng núi, bán sơn địa phát triển chăn nuôi nông hộ với quy mô 5 - 7 con và hình thành các trang trại chăn nuôi bò quy mô lớn. Bằng phương pháp này, mỗi năm cho ra đời trên 12.000 con bê lai có trọng lượng sơ sinh lớn hơn và cho tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với bê con đẻ ra bằng phương pháp phối giống trực tiếp từ 15-20%. Riêng về năng suất, chất lượng, đàn bò lai Zebu có tầm vóc lớn, tăng trọng lượng, khả năng cho thịt và sức kéo của con lai cao hơn hẳn đàn bò địa phương. Được triển khai thực hiện từ năm 1998 đến nay, sau 20 năm với không ít khó khăn như đội ngũ dẫn tinh viên, dụng cụ bảo quản tinh bò còn thiếu, người dân có tập quán nuôi thả rông nên bò phối giống tự do dẫn đến chất lượng còn thấp. Ngoài ra, vì người dân thường bán bê lai nên tỷ lệ Zebu hoá đàn bò tăng chậm nhưng chương trình Zebu hóa đàn bò địa phương vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay, phong trào chăn nuôi bò hàng hóa đang phát triển mạnh ở tất cả các huyện trong tỉnh. Đến tháng 6/2016, tổng đàn bò là 226.099 con, trong đó bò lai Zêbu và bò thịt chất lượng cao chiếm 59,5% tổng đàn và đạt tỷ lệ cao ở một số địa phương như Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn, Nghi Xuân,…. Để đạt được kết quả đó, Hà Tĩnh đã đưa ra những chính sách khuyến khích hợp lý như: Tổ chức, cá nhân chăn nuôi bò cái sinh sản phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với tinh bò nhóm Zêbu, bò chất lượng cao, được hỗ trợ 100% kinh phí mua tinh và vật tư phối giống theo quy định (ni tơ, ống ghen, găng tay); các tổ chức, cá nhân chăn nuôi bò thịt có liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô từ 10 con trở lên, được hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới chuồng trại, mua con giống, xây dựng mới công trình xử lý môi trường với mức 500 nghìn đồng/con, tối đa 100 triệu đồng/tổ chức, cá nhân. Với những chính sách khuyến khích hợp lý đó, Hà Tĩnh đang đặt ra mục tiêu nâng tổng đàn bò lên 362.000 con và tỷ lệ bò Zebu, bò chất lượng cao lên 80% vào năm 2020. Kết quả đạt được của chương trình Zê bu hoá đàn bò ở các địa phương trong thời gian qua không những đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi mà còn giúp nông dân đổi mới tư duy, suy nghĩ trong cách làm ăn kinh tế. Đặc biệt kết quả này là tiền đề cho công tác cải tạo đàn bò theo hướng Zêbu hoá trong thời gian tới ở tỉnh ta nhằm đẩy nhanh số lượng, nâng cao chất lượng đàn bò địa phương và tạo công ăn việc làm tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo tiến tới làm giàu cho người dân. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả chương trình cải tạo đàn bò, ngoài chính sách hỗ trợ các ban, ngành địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc nuôi bò lai. Về lâu dài, cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò; xây dựng mối liên kết giữa cơ sở chế biến với người chăn nuôi để tạo thuận lợi cho sản xuất, tiêu thụ. Riêng đối với đàn bò, vấn đề đặt ra hiện nay là phải xây dựng được đàn bò nái nền giống ngoại, nếu chỉ dừng lại ở việc tạo ra con lai F1 làm bò thịt sẽ gây ra sự lãng phí năng lực sinh sản của đàn bò và năng suất thịt rất thấp. Có như vậy chương trình cải tạo đàn bò mới đạt hiệu quả cao và bền vững. Đặng Thị Thuận |