Zwift - Game Giả Lập 3D Hấp Dẫn Dành Cho đạp Xe, Chạy Bộ Trong Nhà

Như đã giới thiệu sơ lược trong bài viết về Wahoo KICKR Snap, Zwift là trò chơi thực tế ảo dành cho việc tập luyện đạp xe trong nhà mình bị mê hoặc ngay từ lần đầu tiên khám phá.

Bài viết này mình sẽ giới thiệu kỹ hơn về Zwift – cách thức hoạt động, đồ nghề cần thiết nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về trò chơi hấp dẫn này. Đồng thời có thể lên kế hoạch… tiết kiệm tiền ngay và luôn để có thể trải nghiệm Zwift trong thời gian sớm nhất.

Quảng Cáo Xem Nhanh
  • I. Zwift là gì?
  • II. Làm sao để chơi Zwift?
    • 1. Căn bản ($)
    • 2. Linh hoạt ($$)
    • 3. Cao cấp ($$$)

I. Zwift là gì?

Zwift là một trò chơi giả lập 3D nhiều người chơi (multiplayer game). Trong đó bạn đóng vai 1 vận động viên trong thế giới ảo, thi đấu cùng lúc với rất nhiều các người chơi khác trên toàn thế giới. Thành tích được tính dựa vào thành tích đạp xe thực tế của bạn, được đo bằng các thiết bị tương thích (smart trainer, speed sensor, cadence sensor,…).

Bên cạnh đó, Zwift còn là một mạng xã hội thu nhỏ nơi thành viên có thể chat, theo dõi, thi đấu và động viên lẫn nhau. Hoạt động y hệt như Strava.

Zwift được ra mắt bản thử nghiệm vào tháng 9/2014 và sau đó bắt đầu thu phí từ tháng 10/2015. Trong hơn 2 năm đầu tiên, Zwift chỉ hỗ trợ môn xe đạp. Đến đầu năm 2018, Zwift mở rộng sang môn chạy bộ, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho việc chạy bộ trên máy.

Bạn có thể chơi Zwift ở bất cứ nơi đâu: trong phòng ngủ, trong phòng khách, dưới tầng hầm,… miễn là có đủ đồ nghề hỗ trợ. Bạn có thể sát cánh cùng bạn bè, chiến hữu trên khắp thế giới. Tất cả quy tụ trong thế giới ảo của Zwift.

II. Làm sao để chơi Zwift?

Để chơi Zwift (đạp xe), bạn phải cần có thiết bị tương thích: smart trainer (thiết bị đạp thông minh) hoặc classic trainer (thiết bị đạp thông thường) kết hợp với cảm biến tốc độ (speed sensor) và cảm biến vòng đạp (cadence sensor). Trong đó, smart trainer sẽ mang lại trải nghiệm tốt nhất với Zwift do nó có khả năng tự động thay đổi lực cản, sức nặng. Còn sử dụng trainer thường, bạn phải tự điều chỉnh bằng tay.

Yêu cầu kết nối thiết bị khi đăng nhập Zwift

Bộ thiết bị chơi Zwift được chia làm 3 loại chính:

  • Căn bản: classic trainer + speed sensor
  • Linh hoạt: classic trainer + power meter
  • Cao cấp: smart trainer

Bất kể bạn chọn loại thiết bị nào kể trên, bạn còn cần chuẩn bị thêm:

  • Bản quyền trò chơi Zwift (dùng thử 7 ngày miễn phí, sau đó $15/tháng)
  • Máy tính (PC hoặc Mac) / Apple TV / iPad để chạy Zwift.
  • Cảm biến ANT+ hoặc Bluetooth 4.0 để kết nối với trainer, cadence sensor, speed sensor. (Nếu sử dụng Laptop, Apple TV hay iPad thì đã có sẵn Bluetooth trên máy)
  • 1 chiếc xe đạp (dĩ nhiên!)

Nếu có điều kiện, bạn nên sắm thêm 2 món nữa (không bắt buộc) để mang lại trải nghiệm tốt hơn với Zwift

  • Cảm biến vòng quay (cadence sensor) để đo vòng đạp
  • Thiết bị đo nhịp tim (heart rate monitor): đo nhịp tim khi tập luyện. Một số giải đua (virtual race) yêu cầu phải sử dụng thiết bị đo nhịp tim để tránh gian lận.
  • Tivi: kích thước càng lớn càng tốt.

Dưới đây là giới thiệu kỹ hơn về các bộ thiết bị chơi Zwift:

1. Căn bản ($)

Sử dụng trainer truyền thống (classic trainer) kết hợp với cảm biến tốc độ (speed sensor)

Đây là lựa chọn tiết kiệm nhất để chơi Zwift dành cho các bạn nào không muốn đầu tư quá nhiều tiền cho việc đạp xe trong nhà. Nếu bạn đã có sẵn classic trainer, chỉ cần có thể sắm thêm speed sensor là có thể chiến đấu ngay với Zwift.

Trainer Minoura

Trainer truyền thống giá tầm khoảng 3 đến 7 triệu, các bạn có thể tham khảo một số sản phẩm bên shop Indochina Bike.

Cảm biến tốc độ (Speed sensor): Chọn mua loại cảm biến không dây của Garmin (ANT+, giá $40) hoặc Magene (ANT+ / Bluetooth, giá 440.000đ). Cả hai đều tương thích tốt với Zwift.

2. Linh hoạt ($$)

Sử dụng trainer truyền thống (classic trainer) kết hợp với power meter.

Tương tự như cách 1, bạn cũng cần có sẵn một classic trainer. Thay vì sử dụng speed sensor, chúng ta sẽ sử dụng power meter làm bộ truyền tín hiệu đến Zwift.

Cách này chỉ phù hợp với những bạn đã có sẵn power meter gắn trên xe đạp. Nay chỉ cần kết nối nó với Zwift và gắn xe lên trainer là có thể bắt đầu ngay.

Nếu bạn chưa có bất kỳ thiết bị nào, hãy chọn cách 1 hoặc cách 3 (bên dưới). Đừng chọn cách 2 này vì power meter xịn giá chẳng rẻ tí nào (từ $300 trở lên), lại còn phải mua thêm trainer. Gom tiền lại sắm smart trainer sẽ mang đến trải nghiệm tuyệt vời hơn nhiều!

3. Cao cấp ($$$)

Nếu bạn muốn tận hưởng trải nghiệm tốt nhất với Zwift, hãy sắm smart trainer!

Smart Trainer là tên gọi của các loại trainer / rulo đạp xe trong nhà được trang bị kết nối Bluetooth hoặc ANT+ hoặc cả hai, có thể đồng bộ trực tiếp với các chương trình tập luyện như Zwift hay Trainer Road để tự động thay đổi lực cản dựa vào bài tập hoặc đường chạy mô phỏng.

Ví dụ: khi bạn đạp ngược gió hoặc đạp xe lên dốc, smart trainer sẽ tự động điều chỉnh sức nặng để giả lập trải nghiệm như ngoài đời thật. Nếu sử dụng classic trainer, bạn phải điều chỉnh bằng tay hoặc tốc độ của bạn sẽ tự động bị giảm xuống khi đạp lên dốc.

Smart Trainer Wahoo KICKR Snap

Smart Trainer được chia ra làm hai loại chính: Direct-Drive và Wheel-On.

  • Direct-Drive: truyền động trực tiếp. Bạn cần phải tháo bánh xe sau và gắn cốt sau của xe trực tiếp lên thiết bị.
  • Wheel-On: sử dụng lực cản bởi ma sát với bánh sau. Bạn chỉ cần gác bánh sau của xe đạp lên thiết bị và gài chốt là xong.

Dưới đây là một số smart trainer tương thích với Zwift

  • Wahoo KICKR – Direct-Drive – $1199.99
  • Tacx NEO – Direct-Drive – $1199.99
  • CycleOps H2 – Direct-Drive – $1199.99
  • Elite Drivo II – Direct-Drive – $1199.99
  • Wahoo KICKR Core – Direct-Drive – $899.99
  • Elite Direto – Direct-Drive –  $849.99
  • Wahoo KICKR Snap – Wheel-on – $599.99
  • CycleOps M2 – Wheel-on – $599.99
  • Elite Rampa – Wheel-on – $599
  • Tacx Vortex – Wheel-on – $429.99
  • Kinetic Road Machine Control – Wheel-on – $569.99
  • Tacx Flow – Wheel-on – $369.00

Các bạn nên tam khảo bài tổng hợp đánh giá Smart Trainers của DC Rainmaker: 2018 Bike Trainer Guide để tìm ra loại nào phù hợp nhất với nhu cầu và túi tiền của mình.

Mình chọn Wahoo KICKR Snap vì nó được đánh giá là chắc chắn nhất (và nặng nhất) trong số các lựa chọn trên. Ngoài ra nó còn tương thích với Wahoo Kickr Climb, mình có thể nâng cấp thêm sau này nếu có nhu cầu.

Bộ đôi Wahoo Kickr Snap + Kickr Climb. Ngầu chưa!

Các bạn tham khảo lại bài giới thiệu Wahoo KICKR Snap bên dưới nhé

Giới thiệu Wahoo KICKR Snap – Smart Trainer dành cho đạp xe trong nhà

Các bạn bấm vào trang 2 bên dưới để xem tiếp nhé

Quảng Cáo Pages: 1 2

Từ khóa » Cách Sử Dụng Zwift