CHÍNH THỨC: Khởi tố vụ lợi dụng tôn giáo, từ thiện để trục lợi ở Tịnh thất Bồng Lai

Theo điều tra, năm 2014, bà Cao Thị Cúc (SN 1960, hộ khẩu thường trú xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) mua lại nhà, đất (gần 2.000m2) ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa. Sau đó, bà Cúc chuyển về đây sinh sống, sửa chữa nơi này lại làm điểm tu tại gia.

Qua xác minh, ông Lê Tùng Vân (SN 1932, hộ khẩu thường trú phường 10, quận 6, TP.HCM) cũng chuyển về đây sinh sống cùng nhà với bà Cúc từ năm 2015. Trước đây, ông Vân trú ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM và tự phong là giám đốc trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức. Năm 2007, do hoạt động không đúng theo quy định pháp luật về điều kiện vật chất, vệ sinh môi trường tại cơ sở không bảo đảm, việc chấp hành đăng ký tạm trú và đăng ký nhận nuôi con nuôi không tuân thủ quy định.

CHÍNH THỨC: Khởi tố vụ lợi dụng tôn giáo, từ thiện để trục lợi ở Tịnh thất Bồng Lai - Ảnh 1.

Ông Lê Tùng Vân và những người đang sinh sống ở Tịnh thất Bồng Lai

Ngày 25/7/2007, UBND huyện Bình Chánh có quyết định chấm dứt hoạt động đối với cơ sở Thánh Đức. Năm 2015, ông Vân bán hết đất tại địa chỉ trên về tạm trú tại hộ bà Cao Thị Cúc ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và hành nghề nhận nuôi con nuôi làm từ thiện.

Tuy nhiên, thực tế, đa số trẻ sống trong hộ bà Cúc đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Hiện tại, hộ bà Cúc có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú.

Thời gian qua, nơi đây lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dư luận xã hội.

Đặc biệt, nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai đã sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội cá nhân khác nhau đăng nhiều video với nội dung không đúng sự thật về diễn biến vụ việc xảy ra tại đây. Lúc đầu, do chưa hiểu rõ vấn đề, bản chất nên dư luận ủng hộ “Tịnh thất Bồng Lai”.

Tuy nhiên, sau khi nhiều báo thông tin về việc chấp hành đăng ký tạm trú, tạm vắng và đăng ký nhận con nuôi không tuân thủ quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, những chiêu trò lợi dụng tôn giáo, lợi dụng nuôi trẻ mồ côi để trục lợi, gắn mác tu hành nhưng lại sinh hoạt, sinh sống như những người bình thường thì dư luận xã hội đã hiểu rõ bản chất, hoạt động của nhóm “Tịnh thất Bồng Lai” nên đã chuyển hướng sang lên án, phê bình.

Ngày 1/1/2020, ông Vân đã làm lễ đổi tên “Tịnh thất Bồng Lai” thành “Thiền am bên bờ vũ trụ”. Thời điểm này, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin tố cáo các hoạt động nhận nuôi trẻ sai quy định, lừa đảo, quan hệ với trẻ vị thành niên bị bệnh tâm thần… và các hoạt động phức tạp của ông Vân trước đây.

Về việc này, Cơ quan chức năng ở tỉnh Long An cũng nhận được nhiều thông tin ở nhiều nơi gửi đến phản ánh, tố cáo ông Vân với nội dung tương tự như trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng khẳng định đây không phải là cơ sở tôn giáo.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã có văn bản khẳng định Tịnh thất Bồng Lai, xã Hòa Khánh Tây không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban Trị sự giáo hội phật giáo tỉnh quản lý. Những người đang sống và sinh hoạt tại đó không phải là tu sĩ phật giáo. Do đó, không liên quan đến sự quản lý của giáo hội. Sự việc mang tính chất lợi dụng hình thức tu sĩ phật giáo để lừa gạt lòng tin của tín đồ phật giáo để trục lợi.

Cơ quan chức năng xác minh số trẻ em, thanh niên sinh sống tại “Tịnh thất Bồng Lai”, “Thiền am bên bờ vũ trụ” đa số không phải trẻ em mồ côi, cơ nhỡ.