Hà Nội dự báo tăng lên 2.000 – 3.000 ca Covid-19 mỗi ngày dịp cuối năm, quận/huyện nào hiện có nhiều F0 nhất?
Những quận, huyện nào có số ca Covid-19 nhiều nhất?
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 26/12 ghi nhận “kỷ lục” 1.887 ca mắc Covid-19. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp, Hà Nội “dẫn đầu” cả nước về số ca nhiễm. Cộng dồn số ca mắc trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4), thành phố có tổng 39.409 ca, trong đó 14.333 ca cộng đồng và 25.076 người đã được cách ly.
Dịch lan ra toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, 2 quận Đống Đa và Hoàng Mai vượt 4.000 ca mắc với lần lượt 4.203 và 4.000 ca.
Các quận, huyện vượt 2.000 ca mắc gồm: Hai Bà Trưng (2.614), Ba Đình (2.334), Nam Từ Liêm (2.174), Thanh Xuân (2.139), Long Biên (2.064).
Các quận, huyện từ 1.000 đến dưới 2.000 ca mắc gồm: Thanh Trì (1.872), Gia Lâm (1.869), Hà Đông (1.851), Đông Anh (1.782), Bắc Từ Liêm (1.540), Hoàn Kiếm (1.158), Tây Hồ (1.015).
Các quận, huyện từ 500 đến dưới 1.000 ca gồm: Cầu Giấy (991), Thường Tín (980), Chương Mỹ (953), Mê Linh (847), Quốc Oai (801), Hoài Đức (799), Sóc Sơn (648), Thanh Oai (549).
Các quận, huyện, thị xã dưới 500 ca gồm: Đan Phượng (482), Ứng Hòa (335), Mỹ Đức (326), Thạch Thất (306), Ba Vì (250), Phú Xuyên (215), Sơn Tây (198), Phúc Thọ (114).
Tình hình dịch Covid-19 tại cộng đồng trong đợt dịch thứ 4 (Nguồn: CDC Hà Nội)
Về công tác điều trị, hiện Hà Nội có 20.154 F0 đang được điều trị, trong đó 2.460 ca tại bệnh viện; 2.429 ca tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố; 5.005 ca tại cơ sở thu dung của quận, huyện và 10.260 người đang cách ly điều trị tại nhà (tăng 226 người so với ngày 25/12). Số bệnh nhân chuyển tầng điều trị là 229, tăng 24 bệnh nhân so với ngày 25/12.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội hiện có 1.477 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình; 332 ca ở mức nặng, nguy kịch. Trong số các bệnh nhân nặng, nguy kịch có 290 trường hợp phải thở oxy mask, gọng kính; 12 trường hợp thở oxy dòng cao HFNC; 7 trường hợp thở máy không xâm lấn; 23 trường hợp thở máy xâm lấn.
Số bệnh nhân tử vong từ khi dịch bùng phát là 109 trường hợp (trong ngày 25/12 có 2 bệnh nhân tử vong), hầu hết đều có bệnh lý nền và chưa tiêm vaccine.
Về công tác tiêm chủng, đối với người trên 18 tuổi, toàn thành phố đã tiêm được 5.376.825 mũi 1 (đạt 98,3%), 5.191.493 mũi 2 (đạt 94,7%), 116.627 mũi bổ sung và 54.234 mũi nhắc lại.
Đối với người trên 50 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 98,4%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 95,5%. Số lượng mũi bổ sung đã tiêm là 38.690 và số lượng mũi nhắc lại đã tiêm là 2.645.
Đối với trẻ từ 12 – 14 tuổi, Hà Nội đã tiêm 366.731 mũi 1 (đạt 98,1%) và 86.165 mũi 2.
Đối với trẻ từ 15 – 17 tuổi, Hà Nội đã tiêm 300.481 mũi 1 (đạt 99,2%) và 252.483 mũi 2.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, tất cả người dân trên địa bàn thành phố, khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
Đống Đa và Hoàng Mai là 2 quận hiện có số ca mắc cao nhất Hà Nội
Dự báo số ca mắc mỗi ngày tăng lên 2.000 – 3.000
Một lãnh đạo CDC Hà Nội sáng 27/12 cho biết, dự kiến số ca mắc mới mỗi ngày ở Hà Nội có thể tăng lên đến 2.000 – 3.000 ca trong dịp cuối năm. “Tuy nhiên vẫn trong dự báo và thành phố cũng đã có phương án đáp ứng”, vị này nói.
Hiện nay, Hà Nội có 8 quận ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao), gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm và Tây Hồ. Các địa phương này đã quyết định điều chỉnh, siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.
“Hà Nội sẽ khoanh vùng gọn theo khu vực nguy cơ, chứ không cách ly xã hội như trước đây”, lãnh đạo CDC khẳng định.
Hà Nội dự báo số ca mắc mỗi ngày tăng lên 2.000 – 3.000
Trước đó, trao đổi với báo chí sau cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy họp bàn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 13/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày; tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập.
Ông Dũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã sẵn sàng các phương án phòng chống dịch bệnh ở mức độ cao hơn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Trực tiếp Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải lãnh đạo, chỉ đạo việc xác định cấp độ dịch và biện pháp tương ứng; nâng cao năng lực hệ thống y tế, thành lập mới các trạm y tế lưu động; tổ chức quản lý điều trị F0, cách ly F1 tại nhà đối với tất cả các phường, xã, thị trấn; tăng cường kiểm tra, giám sát từ cơ sở.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố có phương án chỉ đạo chung để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trên toàn địa bàn thành phố, nhất là tại các điểm vui chơi, nơi thường tập trung đông người vào những ngày lễ lớn. Cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã chỉ đạo các lực lượng, nòng cốt là công an có phương án bảo đảm an ninh trật tự, điều tiết phân luồng giao thông tránh tụ tập đông người trong dịp này.
Clip: Các quận trung tâm Hà Nội dừng ăn uống tại chỗ, hạn chế tối đa tập trung đông người