Những câu chuyện tình yêu cho người trẻ thêm niềm tin vào hôn nhân: Từ cô gái Triều Tiên đợi 31 năm để lấy chồng Hà Nội đến ông lão “nhặt” được vợ 50 năm sống ở bãi giữa sông Hồng
Tình yêu luôn là thứ tình cảm không phân biệt tuổi tác, mãnh liệt và sâu sắc nhất. Ở lứa tuổi đã ở bên kia của con dốc cuộc đời, tình yêu lại càng nên quý trọng và khắc ghi.
Chắc hẳn, trong cuộc sống đời thường và trên MXH bạn vô tình biết hay đọc được những câu chuyện gia đình lục đục, những cặp đôi ly hôn vì những mâu thuẫn trong cuộc sống mà không thể hàn gắn. Tuy nhiên, cũng có không ít câu chuyện tình yêu đẹp tiếp thêm niềm tin cho những bạn trẻ để mạnh mẽ bước qua ngưỡng cửa hôn nhân. Hạnh phúc nhất có lẽ là khi chúng ta gặp đúng người, đúng thời điểm…
Chuyện cụ bà 94 tuổi 52 năm chờ chồng về cùng vợ mới
Dù không phải là tình yêu khắc cốt ghi tâm, nhưng câu chuyện tình yêu của cụ bà Nguyễn Thị Xuân (khi ấy 94 tuổi, ở thôn Vĩnh Thanh, Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội) được chia sẻ vào năm 2017 chắc hẳn đã khiến nhiều người xúc động. Đặc biệt là cách cụ bà 94 tuổi nói về tình yêu đã dạy cho chúng ra rất nhiều điều.
Câu chuyện ấy đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người. Bởi lâu lắm rồi, họ mới thấy có tình yêu cao thượng đến thế. Người phụ nữ dành hơn nửa thế kỷ hướng về một tình yêu để rồi ngày đầu tiên gặp lại, chồng cũ lại xuất hiện cùng vợ mới và những người con của họ đang sống yên ấm, hạnh phúc ở cách đó hơn 4.000km.
Chuyện tình của cụ Nguyễn Thị Xuân (94 tuổi, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, H.Đông Anh, Hà Nội) kể ra rất dài nhưng khi nhắc lại, cụ chỉ muốn tóm tắt nó như một tiểu sử.
Năm 1945, cụ Xuân kết hôn cùng ông Shimizu. Sau đám cưới giản dị ở đơn vị công tác, họ về sống chung 1 nhà và có với nhau 4 mặt con. Chiến tranh khốc liệt, cả 2 nhiều lần phải tản cư hoặc di chuyển theo đơn vị bộ đội. Rồi dịch sốt rét đã cướp đi tính mạng người con gái út ở chiến trường. 9 năm bên nhau là 9 năm gian khó, đối mặt với biết bao hiểm nguy cận kề khi mưa bom bão đạn hay những lúc nắm chặt đôi tay, khóc cạn nước mắt vì đồng đội ngã xuống… Và rồi… hạnh phúc cũng đã đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc.
Ông Đức ngày còn trẻ
Hòa chung niềm vui cùng người dân cả nước, cụ Xuân lúc ấy mang hy vọng mãnh liệt rằng rồi đây, cuộc sống của mình sẽ yên ổn hơn. Không còn những chuyến công tác xa nhà, chồng lên Thái Nguyên vợ ở Hà Nội, không còn những ngày 2 vợ chồng con bồng, con bế dắt díu nhau đi tản cư… Hạnh phúc lúc ấy cụ mơ ước chỉ là mỗi sớm mai bình yên thức dậy, chồng cày cấy, vợ làm thuê sáng tối gần nhau.
Thế rồi thực tế không như cụ mong đợi. 1954 cũng là năm mà ông Shimizu chào cụ Xuân lên đường về Nhật Bản. Chuyến đi dài như cả đời người ấy, ông Shimizu vốn đã biết nhưng lại không dám nói thật với cụ Xuân. Chỉ có mình cụ vẫn ngỡ rằng, lần này chồng đi, cũng như bao lần khác, 5-10-15-20 ngày rồi sẽ về…. Cụ cứ đợi, chớp mắt đã 52 năm đẵng đẵng trôi qua.
Nhiều lần dò la tin tức, năm 2006, cặp vợ chồng ngày nào gặp lại nhau nhưng lúc này, ông Shimizu đã có vợ và 3 người con ở Nhật Bản. Đáp lại bức thư dài nhận lỗi của chồng, cụ Xuân chỉ kịp nói 1 câu thật xót xa: “Tôi không ngờ, tôi lại mất anh”.
Nỗi đau, chua chát từng xâm lấn tâm hồn và trái tim cụ Xuân. Nhưng vì yêu 1 người, cụ sẵn sàng gạt qua tất cả, vượt lên trên những ranh giới mà người ta vẫn nghĩ là, 1 người phụ nữ yếu đuối không thể nào làm nổi để thứ tha trọn vẹn, thứ tha trọn đời cho ông Shimizu. Ngày gặp lại, 2 đôi tay nhăn nheo nắm chặt lấy nhau. Họ đã cùng già đi nhưng năm tháng chỉ có thể làm tẩy nhòa màu tóc mà chẳng thể khiến tình yêu phôi pha.
Lần gặp lại đó, cụ Xuân và người vợ của ông Shimizu cũng bắt tay nhau, ân cần chuyện trò. Cụ Xuân nói mình rất quý vợ ông Shimizu và hiểu rằng, trong tất cả chuyện này, bà ấy không hề có lỗi.
Cụ Xuân nói điều làm cụ mãn nguyện nhất là đã gặp lại được người cũ, biết ông có gia đình và sống bình an. “Lúc gặp lại, ông ấy nói mình hối hận nhiều lắm. Trên sân thượng, ông ấy nắm tay tôi rưng rưng, hỏi rằng bây giờ anh phải làm thế nào. Tôi bảo tôi chẳng cần gì cả, chỉ cần ông về thăm, thế là đủ”.
Có buồn, vui, giận hờn và cả một chút than trách nhưng sau cùng, tình yêu đã giúp cụ Xuân thứ tha tất cả. Điều người ta vẫn tưởng là mong manh, dễ vỡ, cuối cùng lại trở thành sức mạnh to lớn, kết nối 2 gia đình với hàng chục con người gần nhau hơn. Mùa xuân năm 2018, cụ Xuân và ông Shimizu đều không còn trên thế gian này. 2 người đã lần lượt đi về thế giới bên kia, khép lại hành trình yêu thương trọn vẹn – 1 tình yêu sắt son, bền bỉ.
Câu chuyện tình yêu đầy xúc động của cụ bà chạy thận sống bằng những vần thơ của chồng
Câu chuyện tình yêu của ông Hữu Nhan khi đồng hành cùng vợ là bà Phan Thị Tảo suốt hơn 11 năm rong ruổi từ Hưng Yên lên Hà Nội chạy thận được PV ghi lại vào năm 2018 đã từng khiến nhiều người xúc động.
Được biết, bà Tảo bị thận, mà nặng đến độ phải lên bàn mổ 3, 4 lần. Rồi một quả thận bị cắt mất, quả còn lại cũng “ọp ẹp” cần lọc máu sống qua ngày. Do bệnh nặng, nên từ năm 2006, bà Tảo chia tay chồng con thuê căn phòng trọ ở xóm chạy thận co tiện việc điều trị. Mấy bố con ông Nhan dắt díu nhau về quê Hưng Yên trông nom nhà cửa cho vợ yên tâm chữa bệnh.
Mỗi tuần, bà Tảo chạy thận 3 buổi. 10h sáng bà lóc cóc trên con xe qua viện, đến 2- 3h chiều lại đạp về nhà trọ. Bữa nào mệt quá thì 10h30 mới đi, nhất là mấy hôm trời nắng nóng người cứ lả đi nhiều chẳng hiểu lý do. Tối về nếu còn sức, bà theo chân mấy chị em trong xóm đi bán nước kiếm thêm đồng ra đồng vào. Đến năm 2016, bà Tảo bị hỏng một quả thận và buộc phải cắt bỏ. Sức khỏe yếu dần, việc bán nước dừng lại, những chiếc cốc nhựa bà Tảo vẫn chất đầy trong phòng. Còn chứng thoái hóa cột sống lưng gây đau nhức nữa, nên thành thử nhiều khi không có việc gì, bà chỉ muốn nằm trong phòng nghỉ ngơi. Những lúc như thế, bà lại thấy nhớ chồng, nhớ con, nhớ quê hương da diết.
Hoàn cảnh gia đình không cho phép ông Nhan sát cánh bên vợ lúc ốm đau, căn nhà ở quê với mấy đứa cháu chẳng ai lo cho. Những lúc nhớ nhau, hai ông bà lại gọi điện thủ thỉ tâm tình, mỗi ngày 5 – 6 cuộc là chuyện bình thường. Chọn những hôm sức khỏe tốt, bà Tảo bắt xe buýt về Hưng Yên thăm chồng con, hoặc ông Nhan lại tự đi xe lên Hà Nội ở với vợ được một ngày rồi lại về.
Những hôm về quê, bà Tảo chỉ mong được gần gũi con cháu. Chẳng bao giờ bà đi quá được 2 ngày vì lịch chạy thận cứ xen kẽ trong thời gian biểu. Nếu bà ở cháu ngoại 1 tối thì thôi cháu nội, nếu không thì phải chia ra, nửa buổi chiều ở với cháu nội, nửa sau chơi với cháu ngoại. Tự nhiên thấy thiếu thời gian lắm.
Suốt khoảng thời gian đó, ông Hữu Nhan, chồng bà, đều đặn viết tặng vợ những bài thơ thể hiện sự nhớ nhung, mong ngóng. Bà Tảo giữ thói quen đọc thơ của chồng trước khi ngủ hoặc lúc rảnh rỗi. Bà bảo đó là cách tự khích lệ bản thân trong những ngày một mình chống chọi bệnh tật nơi đất khách quê người.
Ngày bà Tảo chuẩn bị bước vào phòng mổ cắt bỏ một quả thận, trong căn phòng trọ 10m2 của vợ, ông Nhan biên bài thơ “Thương lắm mình ơi!”. Không chỉ là món quà động lực gửi đến vợ, ông còn thân tặng các bệnh nhân khác trong phòng 503 Khoa Thận tiết niệu – Bệnh viện Bạch Mai. Trước ngày lên bàn mổ, tối hôm trước bà Tảo tổ chức một buổi hát văn nghệ. Bà thủ thỉ: “Chị em à, chết nó có số. Ngày mai tôi lên bàn mổ nhưng hôm nay cứ phải vui cho đã!”.
Rồi bà cất giọng hát, phía dưới mọi người đều bật khóc vì thương.
Mùa xuân 2015, thương vợ phải ở lại Hà Nội không được về quê đoàn tụ cùng gia đình, ông Nhan rơi nước mắt. Đúng cái ngày 27 Tết, ngoài vườn đào đã nở 1, 2 bông; khắp dọc đường, từng cặp vợ chồng lai nhau đi sắm Tết, ông Nhan nghĩ tới cũng chạnh lòng. Ông vội viết bài “Nhớ em” trong vài chục phút để ngay sáng hôm sau đi xe lên Hà Nội tặng vợ.
Gần hết cuộc đời, bà Tảo và chồng chẳng mấy ngày được bên nhau, nhưng bà cảm nhận rõ, ông Nhan chưa một phút ngừng yêu vợ. Không có những dòng thơ da diết ông gửi tặng, bà Nhan sợ mình không đủ nghị lực bước qua những năm chạy thận.
Đã trả qua hơn 10 năm chạy thận liên miên chưa biết đích đến, những năm tháng sống xa quê hương, năm tháng vợ chồng mỗi người một nơi may sao có dịp gặp lại như Ngưu Lang Chức Nữ đoàn tụ ngày thất tịch. Chung quy lại, bà Tảo đã quen, và hàng ngày bà vẫn sống nhờ những vần thơ của chồng. Với bà, vài trang A4 gần như nhàu nát vì đọc mỗi tối như một kho báu vô giá, một liều thuốc kiên cường suốt bao năm qua.
Câu chuyện tình yêu đầy xúc động của ông ăn xin và bà ăn mày ở xóm bãi giữa sông Hồng
Chuyện tình yêu bình dị nhưng lãng mạn giữa đời thường của ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Thị Thủy đã khiến bao người nể phục. Ngày xưa nghèo đói, ông Thành lang thang từ miền Trung ra Bắc để nhặt nhạnh, kiếm sống qua ngày. Tình cờ ông gặp bà Thủy từ Thái Bình lên Hà Nội lao động. Giữa hoàn cảnh khó khăn ngày đấy, ông bà gặp nhau như một định mệnh.
Ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Thị Thủy bên tổ ấm của mình. Ảnh: Gia đình và xã hội
Thấy bà Thủy cũng cùng cảnh lang thang kiếm ăn như mình, ông Thành chủ động đến làm quen và hỏi chuyện bà Thủy. Bà Thủy hỏi: “Ông ở đâu”, ông Thành đáp: “Tôi đi lang thang”, thấy vậy bà Thủy đáp: “Tôi cũng lếch thếch”. Ông Thành liền gợi ý: “Hay mình về ở cùng nhau, tôi lang thang, bà lếch thếch, tôi đôi sọt, bà đôi sọt, mình cùng nhau nương tựa”. Không chần chừ suy nghĩ, bà Thủy đồng ý ngay.
Từ đó, họ trở thành vợ chồng của nhau. Không một ngày yêu, không một ngày tìm hiểu, đôi trai gái bỗng nên duyên vợ chồng. Có lẽ cảnh nghèo đói đã gắn kết cuộc đời họ với nhau. Và sự cảm thông, đồng cảm đã khiến họ chung sống đến khi tuổi già.
Suốt những năm tháng bên nhau, không biết bao năm tháng ông bà sống cảnh màn trời chiếu đất, lang thang từ nơi này qua nơi khác ăn xin kiếm sống, nhưng chưa một lần hai đôi bàn tay đó buông nhau ra. Dù đói khổ nhưng ông Thành bà Thủy vẫn dắt nhau đi qua những ngày tháng đó.
Vợ chồng ông Thành – bà Thủy dựa vào nhau sống qua ngày trên chiếc thuyền dựng tạm ở sông Hồng
Ngày 26/9/1969 là ngày ông Thành bà Thủy nên duyên vợ chồng. Hơn 50 năm, ông bà về sống chung với nhau, từng đấy thời gian, ông bà vẫn luôn hạnh phúc, vui vẻ bên nhau mà chưa một lần cãi vã dù bà Thủy là một người rất nóng tính.
Còn với bà Thủy, bà luôn dành dụm, tiết kiệm cho gia đình. Ông mua bán gì cũng hỏi ý kiến bà, nhặt nhạnh được đồng nào, bà cũng là người cất giữ. Bà thương chồng và cũng thương bản thân mình vì hai vợ chồng không có nấy một mụn con. Chính vì thế, bà càng muốn bù đắp, vun vén cho tổ ấm của mình.
Bà Thủy cũng thừa nhận, bà là người nóng tính, cũng có lần bà nghi ngờ ông có người khác và có những lần tức giận nhưng ông đều nhịn bà. Khi bình tĩnh bà nghĩ lại, chỉ cần ông ở bên bà là điều quý giá rồi.
Cũng có lúc bà cảm thấy chán ông, chán cuộc sống bên cạnh ông nhưng khi nghĩ đến cuộc sống của ông không có mình bên cạnh, ai sẽ chăm sóc cho ông, ai là người chuyện trò mỗi ngày với ông, bà lại không đành lòng bỏ ông đi.
50 năm qua đi, nhưng tình yêu của cặp vợ chồng già đó chưa bao giờ nguội lạnh. Bây giờ, mắt của bà không nhìn thấy nữa, tai của ông không còn nghe rõ nhưng bà sẽ là đôi tai của ông, ông sẽ là đôi mắt của bà. Cặp vợ chồng già sẽ chẳng bao giờ buông tay nhau ra. Chỉ mong, ông bà có thật nhiều sức khỏe để đi cùng nhau đến cuối chặng đường đời.
Cô gái Triều Tiên đợi 31 năm để lấy chồng Hà Nội, Chủ tịch nước đích thân mở lời xin dâu
Bà Ri Yong Hui và ông Phạm Ngọc Cảnh thuở chớm yêu
Được biết, ông Phạm Ngọc Cảnh, người Hà Nội là 1 trong 200 sinh viên đến Triều Tiên những năm 1960, 1970 để học tập. Năm 1971, ông Cảnh là sinh viên Đại học Hóa học Công nghiệp Hàm Hưng và đến thực tập tại nhà máy phân hóa học Hưng Nam. Tại thành phố sát bờ biển ấy, ông đã gặp tình yêu của đời mình, bà Ri Yong Hui, là nhân viên phòng thí nghiệm ở nhà máy.
Ngay từ khi nhìn thấy Yong Hui, chàng thanh niên Việt Nam đã rung động, thầm nghĩ: “Nếu cô ấy là vợ mình thì hay quá!”. Cô gái Triều Tiên cũng ấn tượng với cậu sinh viên đẹp trai, nhưng “từ lúc đầu tiên nhìn vào mắt ông ấy, tôi đã rất buồn vì tình yêu sẽ không thành”.
Lúc bấy giờ, cả Triều Tiên và Việt Nam đều không cho phép yêu đương, kết hôn với người nước ngoài. Nhiệm vụ của sinh viên Việt Nam là tập trung học tập để trở về tái thiết Tổ quốc sau chiến tranh. Phía Triều Tiên thì còn nghiêm khắc hơn, họ tuyệt đối không cho phép kết hôn với người nước ngoài.
Nhưng trái tim thì có lý lẽ riêng. Chàng sinh viên tìm cách “cưa đổ” tình yêu sét đánh trong vòng bí mật. Mỗi khi thấy nàng đi lấy mẫu phân tích, chàng lại cố tình đi ngược chiều, chào hỏi một câu và rồi lướt qua nhau. Khi thời gian thực tập kết thúc, chàng đến trực tiếp phòng phân tích hóa học gặp mặt nàng.
Sau thời gian tìm hiểu, họ đã yêu nhau nhưng phải xa nhau hơn 30 năm do những biến động chính trị ở hai nước. Trong suốt hơn 30 năm ấy, ông Cảnh chỉ gặp lại bà Ri Yong Hui đúng 1 lần vào năm 1978 trong một chuyến công tác sang Triều Tiên sau đó lại phải về nước.
Ông dặn người yêu chờ, hẹn sẽ tìm cách để kết hôn. Bà Ri Yong Hui, cứ thế mà khép lòng với chuyện yêu đương, đợi chờ người tình sống cách mình 5.000 cây số.
20 năm sau đó, đến ngày 25/4/1997, thúc giục con trai duy nhất lấy vợ bất thành, cha ông Cảnh viết thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm: “Chúng tôi tha thiết đề nghị ông xem xét giải quyết trong chuyến đi này, chấp nhận cho hai cháu Cảnh và Ri Yong Hui được kết hôn và sống với nhau những năm còn lại của cuộc đời hai cháu.
Kính mong ông thông cảm với nỗi buồn day dứt của gia đình chúng tôi, con trai lớn tuổi mà chưa lập gia đình…”.
Sau 31 năm chia cắt, cặp đôi đã được về một nhà |
Đó là những lời tràn đầy tâm tư của một bậc sinh thành đã tuổi cao sức yếu, dồn mọi hy vọng vào cậu con trai duy nhất muốn tác động đến phía Triều Tiên tác hợp cho hôn sự. Đó cũng là lần đầu tiên gia đình ông Cảnh được ông cho biết về mối tình câm lặng trong 26 năm.
Thế nhưng, phía Triều Tiên không hồi đáp đề nghị của đoàn Việt Nam. Bà Ri Yong Hui vẫn chờ đợi, và ông Cảnh cũng không bỏ cuộc. Sau nhiều nỗ lực Bộ Ngoại giao và sự chờ đợi của cặp đôi,
Tháng 9/2002, Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại Việt Nam gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo, việc kết hôn được Ủy ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên phê chuẩn. “Sau khi kết hôn, việc mà họ sống ở đâu là theo hy vọng của họ. Nếu cô Ri Yong Hui cư trú và sống tại Việt Nam thì cô ấy trở thành Công dân Triều Tiên ở nước ngoài”, công hàm đề ngày 4/9/2002 nêu rõ.
Sau hơn 30 năm nỗ lực, năm 2002, ông Phạm Ngọc Cảnh đã được chính phủ Triều Tiên cho phép kết hôn với bà Ri Yong Hui – một công dân của đất nước này. Tuy nhiên, dù đã được nắm tay vợ trong ngày cưới ở đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên, ông vẫn lo sợ chỉ một lời nói, một hành động không phù hợp với văn hóa nước này, bà Ri sẽ bị giữ lại. Điều đó đồng nghĩa họ sẽ đánh mất tình yêu dùng cả thanh xuân mới có được.
Sau đám cưới, đôi vợ chồng son đón tàu hỏa rời Triều Tiên đến Bắc Kinh, rồi từ Bắc Kinh đi tàu về Việt Nam.
Ngày 31/12/2002, cuộc hôn nhân vượt biên giới, xuyên thế kỷ mới được tổ chức Hà Nội với 800 khách mời. Đám cưới bên nhà trai tổ chức linh đình, giải tỏa bao mong đợi, khát khao dồn nén 31 năm của đôi trẻ đã không còn trẻ nữa.
Chuyện tình xuyên thế kỷ, xuyên biên giới đã nở hoa. (Ảnh Reuters chụp năm 2019)
Họ cưới nhau khi ông đã 53 tuổi, bà đã 54, đến được với nhau sau những năm tháng tuổi trẻ bị chia cắt. Nguyện vọng của gia đình với người con trai duy nhất, gần 30 năm tốt nghiệp về nước, cuối cùng cũng đã thành.
Là một người Triều Tiên – đất nước bí ẩn nhất thế giới – sống tại nước ngoài, không biết tiếng Việt, không có gia đình người thân, bà Ri Yong Hui luôn đau đáu nỗi nhớ cố hương. Nhưng bên bà luôn có người chồng và tình yêu cháy bỏng.
Từ khi đón được vợ về Hà Nội, ông Cảnh đi đâu cũng đưa vợ theo, như thể bù đắp lại những tháng năm xa cách. Nghĩ về mối tình xuyên thế kỷ của mình, ông trầm tư: “Người Việt Nam mình rất thủy chung, tôi thừa hưởng cái đạo đức, tư cách, tình cảm ấy”.
Câu chuyện tình yêu đẹp bất chấp âm dương cách biệt: Bạn trai qua đời 7 năm vì tai nạn, năm nào cô gái cũng đến thăm gia đình và mộ người yêu
Câu chuyện về tình yêu đẹp bất chấp âm dương cách biệt ở Buôn Ma Thuột được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội khiến nhiều người vô cùng xúc động.
Đó là câu chuyện của bạn Vũ Ngọc Bích (sinh năm 1995, ở Buôn Ma Thuột). Bích có một chuyện tình đẹp trong khi đang học năm nhất đại học. Tuy nhiên, một tai nạn giao thông bất ngờ ập đến vào năm 2015 khi Bích và bạn trai đang trên đường đi lên thành phố để đi học. Tai nạn này đã khiến tình yêu đẹp mãi mãi âm dương cách biệt. Người yêu Bích qua đời vào ngày 8/3/2015.
Câu chuyện tình đẹp bất chấp âm dương cách biệt
Sau khi người yêu qua đời, Bích đã trải qua một quãng thời gian vô cùng khó khăn. Để bắt đầu lại, cô đã quyết định rời bỏ Buôn Ma Thuột và quyết định ra Sài Gòn, tiếp tục theo đuổi ước mơ dang dở của người yêu.
“Mình quyết định rời bỏ Buôn Ma Thuột, ra Sài Gòn, một nơi không có một kỷ niệm nào của hai đứa để bắt đầu lại cuộc sống. Đồng thời, mình tiếp tục đi theo ước mơ của bạn trai mình. Đó là làm giáo viên dạy nhạc, mặc dù đó không phải chuyên ngành của mình”, Bích chia sẻ.
Từ sau khi người yêu mất, Bích vẫn luôn thường xuyên về thăm gia đình và mộ người yêu mỗi khi trở về cô. Cả gia đình đều coi Bích như con cái trong nhà.
Bích tiếp tục theo đuổi ước mơ dang dở của người yêu
“Từ khi anh ấy mất, mình đã gọi bố mẹ anh ấy là ba má. Anh chị trong nhà cũng rất thương mình, coi như em gái út trong nhà, nhà có gì cũng gọi mình. Mình như một thành viên trong gia đình. Thấy mình về là mọi người sẽ về nhà ông bà để tụ tập nấu ăn”, Bích tâm sự.
Mỗi lần về thăm nhà người yêu cũ, Bích sẽ ôm chầm lấy bố mẹ và khóc như một đứa trẻ. Biết cô thích ăn rau cải luộc, mẹ sẽ ra vườn hái. Ăn xong thì sẽ nằm ngủ trưa với mẹ. Buổi tối, cả gia đình sẽ tụ tập ăn uống, sau đó được chị chở về tận nhà.
Bích hiện tại vẫn còn độc thân
“Mỗi lần mình về, cả gia đình thường xuyên hỏi khi nào lấy chồng. Mình chỉ cười và nói khi nào tìm được người phù hợp và chấp nhận cho mình được thoải mái ra vào gia đình anh ấy. Còn thực tế thì mình không muốn lấy chồng.
Mình cũng có bắt đầu thử quen người mới khi vừa giỗ 3 năm anh ấy xong. Nhưng mà thực sự mình không quên được, mình chỉ nhớ đến anh ấy. Thật sự mình còn nặng lòng quá, nên để quen một người nào đó, mình chưa làm được. Mặc dù giờ đã gần 30 nhưng mình chỉ thích kiếm tiền và đi du lịch”, Bích chia sẻ.
https://kenh14.vn/nhung-cau-chuyen-tinh-yeu-cho-nguoi-tre-them-niem-tin-vao-hon-nhan-tu-co-gai-trieu-tien-doi-31-nam-de-lay-chong-ha-noi-den-ong-lao-nhat-duoc-vo-50-nam-song-o-bai-giua-song-hong-20220213170141671.chn