05 Bản án Liên Quan đến Di Chúc Không Hợp Pháp

Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc hợp pháp như sau:

"1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này."

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Như vậy, mọi trường hợp lập di chúc không thỏa mãn các điều kiện trên sẽ bị tuyên bố là không hợp pháp.

Dưới đây là tổng hợp 05 bản án liên quan đến tuyên bố di chúc không hợp pháp, mời bạn đọc tham khảo.

1. Bản án 05/2020/DS-PT ngày 26/02/2020 về yêu cầu hủy di chúc

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông

- Tóm tắt nội dung vụ án: Bà Vàng Thị G và ông Thào Seo S chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1986, không đăng ký kết hôn. Ông bà có 5 con chung và 01 con riêng của bà G. Năm 2015 ông S có quan hệ với người phụ nữ khác là bà S. Đến năm 2018 ông S đang điều trị bệnh tại bệnh viện đa khoa tỉnh Đăk Nông thì bà Sùng Thị S đến bệnh viện bắt ông S viết di chúc để lại toàn bộ tài sản gồm nhà và đất cho bà, trong khi đất rẫy bà G và các con đang quản lý, sử dụng nhưng không hề biết. Sau khi ông S chết bà Sùng Thị S căn cứ vào bản di chúc này để chiếm nhà và đất rẫy của bà G.

- Quyết định của Tòa án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vàng Thị G đối với bà Sùng Thị S. Tuyên bố di chúc có nội dung ông Thào Seo S để lại tài sản cho bà S vô hiệu.

2. Bản án 139/2020/DS-PT ngày 22/05/2020 về tranh chấp chia thừa kế

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội

- Tóm tắt nội dung vụ án: Di chúc của Bà T có người làm chứng là ông L. Tuy nhiên, tại Biên bản xác minh của TAND TP. Hà Nội thì ông L cung cấp ý kiến v/v ông không trực tiếp chứng kiến Bà T lập di chúc và ký tên vào di chúc. Bản di chúc này do Bà T và con gái là cô H đưa đến nhà ông và ông ký xác nhận. Như vậy không thể coi ông L là người làm chứng trong bản di chúc của Bà T được. Còn xác nhận của UBND xã T.T cũng chỉ xác nhận về chữ ký của ông L nên không có căn cứ xác định đó là chứng thực di chúc. Như vậy di chúc Bà T lập là di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Trong khi đó , Bà T lập di chúc ở tuổi 75 nên bà là “Người cao tuổi”; Bà T lập di chúc nhưng không có người làm chứng nên không thể biết được thời điểm Bà T lập di chúc bà có còn minh mẫn không? Bà có tự nguyện lập di chúc hay không? Bà có nhận thức và làm chủ được hành vi của mình không? Nên không có căn cứ để chấp nhận di chúc này là hợp pháp theo Điều 667, cần hủy bản di chúc này của bà T.

- Quyết định của Tòa án: Hủy di chúc của bà Đ.T.K.T đã lập ngày 01/4/2014.

3. Bản án 80/2020/DS-PT ngày 13/05/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản liên quan đến yêu cầu tuyên bố bản di chúc là vô hiệu

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

- Tóm tắt nội dung vụ án: Vào ngày 23/4/2014 cụ ông Hồ Đắc V1 có tiến hành lập Di chúc tại Văn phòng công chứng N1, tỉnh Thừa Thiên Huế thể hiện việc để lại 1/2 tài sản của cụ trong khối tài sản chung với cụ bà Nguyễn Thị Hồng L tại thửa đất 27, tờ bản đồ 14 tọa lại tại 92/6/2 Đường Đ1 (nay là 184/6/2 Đường Đ1 (số cũ) và 6/2 đường T1 (số mới)) cho bà Hồ Thị H1. Các nguyên đơn cho rằng bản Di chúc này không đúng pháp luật vì di chúc có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật về hình sự cũng như pháp luật dân sự; nội dung di chúc không nêu đúng diện tích trên thực tế của thửa đất và không có tinh thần đạo đức, tập quán truyền thống của Việt Nam. Bởi các lý do nói trên nên các nguyên đơn đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản di chúc của cụ ông Hồ Đắc V1 lập vào ngày 23/4/2014 tại Văn phòng Công chứng N1, tỉnh Thừa Thiên Huế là vô hiệu.

- Quyết định của Toà án: Công nhận di chúc do cụ Hồ Đắc V1 lập vào ngày 23/4/2014 tại Văn phòng Công chứng N1 là bản Di chúc hợp pháp.

4. Bản án về yêu cầu tuyên bố di chúc không hợp pháp, chia thừa kế theo pháp luật số 05/2022/DS-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình

- Tóm tắt nội dung vụ án: Khoảng tháng 4/2020, ông H đưa ra bản di chúc ghi ngày 01/9/2016, có chữ ký của cụ Phạm Thị N và cụ Đặng Văn H4, nói rằng cụ H4 và cụ N viết di chúc cho cháu Đặng Văn A là con ông H thửa đất số: 15. Nguyên đơn thấy rằng bản di chúc trên không đúng quy định của pháp luật. Trước khi chết ngoài di chúc ngày 01/9/2016 cụ H4 không để lại di chúc nào khác. Đến nay nguyên đơn yêu cầu Tòa án: Tuyên bản di chúc ghi ngày 01/9/2016, có chữ ký của cụ Phạm Thị N và cụ Đặng Văn H4 mà ông Đặng Văn H đưa ra để yêu cầu các đồng thừa kế thực hiện là không hợp pháp

- Quyết định của Toà án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Phạm Thị N: Tuyên bố di chúc ghi ngày 01/9/2016, có chữ ký của cụ Phạm Thị N và cụ Đặng Văn H6 không hợp pháp.

5. Bản án 432/2020/DS-PT ngày 18/11/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, yêu cầu hủy di chúc

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội

- Tóm tắt nội dung vụ án: Nguyên nhân xảy ra tranh chấp là do anh K không cho ông U sử dụng nhà đất của ông, mặt khác do anh K nói cụ G có di chúc để lại diện tích đất đang tranh chấp cho anh K. Ông U khẳng định bố ông và cụ G chết không để lại di chúc. Di chúc mà anh K đưa ra không phải là ý nguyên của cụ Giá vì diện tích đất đang tranh chấp không phải của cụ G nên cụ G không có quyền định đoạt. Trong các văn bản chia đất của cụ G năm 1987 và 1995 bà Giá không hề nhắc đến diện tích đất này, nếu có thì cũng đã chuyển nhượng cho bà Tâm luôn chứ không thể bớt lại một phần đất mà không có lối vào. Bản di chúc lập ra khi cụ G đã ở trong tình trạng tinh thần không minh mẫn, sức khỏe suy yếu, cụ G viết di chúc này khi bị lừa dối, cưỡng ép.. cả gia đình đều biết cụ G đọc thông viết thạo, vì vậy cụ G điểm chỉ trong bản di chúc là điều không có căn cứ, tại phần điềm chỉ cũng không nêu rõ là ngón tay nào, nay cụ G đã chết, không có căn cứ gì để xác nhận những ngón tay điểm chỉ kia là của cụ G.

- Quyết định của Toà án: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn M U đối với anh Nguyễn M K: Hủy bản di chúc ngày 02/01/2006 do cụ Nguyễn Thị G lập phân chia tài sản cho anh Nguyễn M K.

Từ khóa » Di Chúc Không Hợp Pháp Khi Nào