05 Bản án Về Tội Thiếu Trách Nhiệm Gây Hậu Quả Nghiêm Trọng

Dấu hiệu cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 bao gồm:

- Chủ thể: là người đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự, có chức vụ, quyền hạn. Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

- Khách thể: tội phạm xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.

- Mặt chủ quan: tội phạm thực hiện với lỗi vô ý, có thể là vô ý do cẩu thả hoặc vô ý vì quá tự tin. Người phạm tội có thể nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó nhưng cho rằng hậu quả nguy hiểm không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy trước hậu quả nhưng người đó phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả nguy hiểm đó.

- Mặt khách quan: thể hiện ở hành vi khách quan là thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao; hành vi trên phải gây hậu quả nghiêm trọng như thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác với các mức độ quy định tại Điều 360 BLHS 2015.

Dưới đây là 05 bản án về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:

1. Bản án 77/2019/HS-ST ngày 06/12/2019 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

+ Nội dung tóm tắt: Bị cáo H là người đứng đầu đơn vị phê duyệt giải quyết cho doanh nghiệp N vay vốn tín dụng xuất khấu bằng 06 hợp đồng; tuy nhiên bị cáo H cùng các bị cáo L, K đã thực hiện chưa đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao khi phê duyệt cho Doanh nghiệp N vay tiền. Mặt khác, khi thẩm định 08 hợp đồng ký kết giữa DN N với Công ty TNHH O VN không kiểm tra lại tính hợp pháp của hồ sơ vay vốn, không kiểm tra lại nội dung thẩm định nên không phát hiện việc DN N có chỉ tiêu tài chính rất thấp, kinh doanh thua lỗ, sử dụng vốn vay sai mục đích, lập khống phiếu chi tiền, phiếu nhập kho thủ mua cà phê của hộ dân để chiếm đoạt tiền vay.

2. Bản án 170/2021/HS-PT ngày 14/04/2021 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

+ Nội dung tóm tắt: Bị cáo Nguyễn Văn C là chấp hành viên được phân công thực hiện quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành khoản bồi thường theo bản án 08/2014/DSPT ngày 29/9/2014 của TAND tỉnh Bình Định. Khi thực hiện nhiệm vụ, bị cáo C không điều tra xác minh đầy đủ tài sản thi hành án, kê biên tài sản gắn liền trên đất là nhà xưởng nhà kho nhưng không mở cửa khóa kho để xác định tài sản có trong kho. Sau khi kê biên chậm thực hiện việc thông báo cho Doanh nghiệp tư nhân P, gây thiệt hại tài sản đối với DNTN P và DNTN H.

3. Bản án 55/2020/HS-PT ngày 22/06/2020 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

+ Cấp xét xử: Phúc thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa

+ Nội dung tóm tắt: Bị cáo Lâm Điền Ph làm công tác địa chính xã, đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất đối với các hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các ông, bà Trương B, Nguyễn Thị N; Võ A1, Huỳnh Thị H; Nguyễn Thị R; Bùi Thanh T, Nguyễn Thị T; Ngô Minh C, Hồ Thị C; Ngô Quốc A, Hồ Thị L; Hồ Văn S, Nguyễn Thị N; Nguyễn Đình Â, Nguyễn Thị Trang N gây thiệt hại 406.324.000đ; Bị cáo Bùi Thanh P, ngoài việc thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo cho Lâm Điền Ph còn thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo cho Võ Đông Ph trong việc kiểm tra, xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất đối với hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Võ Đình H, bà Nguyễn Thị T gây thiệt hại 17.749.200đ.

4. Bản án 35/2020/HSST ngày 30/09/2020 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

+ Nội dung tóm tắt: Từ tháng 01/2019 đến đầu tháng 3/2019, với chức vụ Trạm trưởng, Hoàng Văn T được giao nhiệm vụ phân công, đôn đốc, giám sát, quản lý, bảo vệ rừng nhưng đã không kiểm tra, phát hiện kịp thời, không báo cáo đúng sự thật, không làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình để Dương Trọng H, Nguyễn Đức C, Hồ Văn V, Hồ Văn H, Hồ Văn T khai thác trái phép 10 (mười) cây gỗ Lim nhóm IIA với khối lượng 22,899m³ tại khoảnh 7 tiểu khu 329 thuộc địa bàn Trạm quản lý, gây thiệt hại số tiền 354.934.500 đồng

5. Bản án 12/2021/HSST ngày 15/06/2021 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

+ Cấp xét xử: Sơ thẩm

+ Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện KBang, tỉnh Gia Lai

+ Nội dung tóm tắt: Lê Hữu Đ có nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng thuộc lâm phần Công ty Lơ Ku quản lý. Trong quá trình công tác, Đ đi tuần tra, kiểm tra rừng tại các tiều khu do mình quản lý không thường xuyên, chỉ kiểm tra theo đường mòn mà không đi sâu bên trong các tiểu khu nên không phát hiện việc khai thác gỗ trái phép; khi gặp lâm tặc thì khai thác gỗ trái phép thì không quyết liệt xử lý. Sự thiếu trách nhiệm của bị cáo đã tạo điều kiện cho các nhóm lâm tặc khai thác ỗ trái phép, gây hậu quả thiệt hại về lâm sản là 127,438 m3 gỗ tròn, thành tiền là 804.845.800 đồng, giá trị thiệt hại về môi trường là 3.139.741.200 đồng, tổng giá trị thiệt hại là 3.944.587.000 đồng.

Từ khóa » Tội 360