K Phạm Tội “Thiếu Trách Nhiệm Gây Hậu Quả Nghiêm Trọng”

Điều 360 BLHS quy định: “Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng…”. Chủ thể của Điều 360 là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn, hành vi của chủ thể này là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao tức là không làm những việc là nhiệm vụ của mình hoặc làm sai hay làm không đầy đủ, không kịp thời nhiệm vụ của mình dẫn đến hậu quả xảy ra.

Điều 308 BLHS quy định về Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng: “1. Người nào được giao vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng…”. Chủ thể của tội này cũng là chủ thể có chức vụ, quyền hạn tuy nhiên hành vi thiếu trách nhiệm ở đây là thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí quân dụng, theo đó, điều luật quy định hành vi thiếu trách nhiệm phải dẫn đến việc người khác đã sở hữu và sử dụng được vũ khí mà người phạm tội đang giữ và có hậu quả xảy ra.

Điều 414 BLHS quy định về tội “Làm mất vũ khí quân dụng”: “1. Người nào được giao quản lý, được trang bị vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự mà làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.” Chủ thể của điều luật này là quân nhân hoặc người khác có hành vi làm mất vũ khí được giao, hành vi này vi phạm các quy định về bảo quản, giữ gìn… làm vũ khí thoát ly ra khỏi sự quản lý của đơn vị hoặc thoát ly ra khỏi người được giao quản lý, sử dụng, và hành vi làm mất đó gây ra hậu quả về người và tài sản.

Để xác định anh K phạm tội gì thì phải xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Tức là, hành vi thiếu trách nhiệm của anh K có phải là nguyên nhân dẫn đến việc mất vũ khí hay không? Hay hành vi thiếu trách nhiệm của anh K dẫn tới để người khác sở hữu được vũ khí rồi từ đó dẫn tới hậu quả xảy ra? Hay hành vi làm mất súng của anh K mới dẫn đến gây thiệt hại?

Qua tình huống trên có thể xác định một số nội dung như sau: Anh K là người được đơn vị giao chức vụ, quyền hạn để thực hiện quản lý kho vũ khí, anh K là chủ thể đặc biệt, là chủ thể có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên anh K đã thực hiện không đầy đủ các quy định về quản lý vũ khí, đạn dược như: không tiến hành kiểm tra, nắm chắc số lượng vũ khí trang bị trong kho; không ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi người ra vào kho; chìa khóa kho và chìa khóa tủ súng để không đúng nơi quy định, cuối giờ làm việc không gửi chìa khóa vào bảo mật của đơn vị. Hơn nữa, anh K còn không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao là đã 02 lần không có sự chỉ đạo của chỉ huy đơn vị mà bàn giao chìa khóa kho cho người khác. Từ những hành vi trên, vì không nắm được số lượng vũ khí trong kho, không theo dõi người ra vào kho, chìa khóa kho không gửi vào bảo mật, giao khóa khi không có sự cho phép của Chỉ huy, bởi chìa khóa kho vũ khí là cực kỳ quan trọng, để chìa khóa kho rơi vào tay người không có trách nhiệm quản lý là cực kỳ nguy hiểm, hành vi của anh K đã dẫn tới việc làm thất thoát vũ khí mà anh K không hề hay biết, như vậy, có thể khẳng định, hành vi thiếu trách nhiệm của anh K đã dẫn tới hậu quả mất tài sản là 8 khẩu sung K54 như vậy, K phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 BLHS là có căn cứ.

K không phạm tội Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 308 BLHS vì sự thiếu trách nhiệm của K không khiến người khác lấy được súng và hành vi người khác lấy được súng lại gây ra thiệt hại; K cũng không phạm tội Làm mất vũ khí quân dụng tại Điều 414 BLHS vì hành vi K không phải là do làm mất mà gây ra thiệt hại mà do thiếu trách nhiệm nên mới làm mất (làm mất súng đã là thiệt hại xảy ra).

Trên đây là ý kiến tác giả mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến!

Toà án nhân dân huyện Đăk Tô, Kon Tum xét xử vụ án hình sự - Ảnh: HN

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án quân sự Quân khu 4)

Từ khóa » Tội 360