1. Đề Thi Thử TN THPT 2021 - Môn Ngữ Văn - Nhóm GV MGB - Đề 1

  1. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu:

…(1)“Khi còn trẻ, hãy ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Hãy nhào vô xin người khác “bóc hết, lột sạch” khả năng của mình. Chỉ sợ bất tài nộp hồ sơ “xin việc”, mà chả ai thèm cho, chả ai thèm bóc lột. Khi đã được bóc và lột hết, dù sau này đi đâu, làm gì, bạn đều cực kỳ thành công. Vì năng lực được trui rèn trong quá trình làm cho người khác. Sự chăm chỉ, tính kỷ luật, quen tay quen chân, quen ngáp, quen lười… cũng từ công việc mà ra. Mọi ông chủ vĩ đại đều từng là những người làm công ở vị trí thấp nhất. Họ đều rẽ trái trong khi mọi người rẽ phải. Họ có những quyết định không theo đám đông, không cam chịu sống một cuộc đời tầm thường, nhạt nhòa… rồi chết.

(2) Còn những bạn thu nhập 6 triệu cũng túng thiếu, 20 triệu cũng đi vay mượn đế tiêu dùng, thì thôi, cuộc đời họ chấm dứt giấc mơ lớn. Tiền nong cá nhân quản lý không được, thì làm sao mà quản trị tài chính một cơ nghiệp lớn? Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó.”

(Trích Trên đường băng, Tony Buổi Sáng, Nxb Trẻ, 2015)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính đuợc sử dụng trong văn bản?

Câu 2. Em hiểu như thế nào về từ “bóc lột” trong câu: “Khi còn trẻ, hãy ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Hãy nhào vô xỉn người khác “bóc hết, lột sạch” khả năng của mình. Chỉ sợ bất tài nộp hồ sơ “xin việc”, mà chả ai thèm cho, chả ai thèm bóc lột”.

Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: “Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó?”

Câu 4. Anh/chị rút ra được thông điệp, bài học gì sau khi đọc hiểu văn bản.

  1. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày quan điểm của em về ý kiến: rẽ trái trong khi mọi người rẽ phải.

Câu 2. Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà (Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân) trong hai đoạn trích dưới đây:

Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về.

Và:

Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổỉ xưa.

LỜI GIẢI CHI TIẾT

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính của văn bản là nghị luận.

Câu 2.

Từ ghép “bóc lột” trong câu: “Khi còn trẻ, hãy ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Hãy nhào vô xin người khác “bóc hết, lột sạch ” khả năng của mình. Chỉ sợ bất tài nộp hồ sơ “xin việc”, mà chả ai thèm cho, chả ai thèm bóc lột” có nghĩa là để người khác khai thác những kiến thức, kỹ năng mình có. Từ quá trình bị bóc lột đó, bản thân người trẻ sẽ nhận ra và phát huy thế mạnh, năng lực của mình cũng như khắc phục những hạn chế để hoàn thiện và nâng cao giá trị bản thân.

Câu 3.

“Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó ” bởi lẽ:

+ Tư duy sẽ quyết định bạn nói gì, làm gì, bạn muốn mình trở nên như thế nào, đó chính là hiện tại và tương lai của bạn.

+ Tư duy ở đây cần được hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm cách suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề trí tuệ và năng lực tư duy sáng tạo.

+ Theo quan niệm này, số phận giàu hay nghèo, sướng hay khổ không đến từ may mắn, từ thần thánh mà đến từ chính bản thân mỗi người.

Câu 4.

Thí sinh chủ động đưa ra ý kiến của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

– Nội dung: trình bày được bài học/thông điệp cá nhân rút ra từ văn bản và bàn luận ngắn gọn về thông điệp đó.

Bài học/ Thông điệp: cần linh hoạt và tích cực trui rèn trong những môi trường lao động thực tế; trải nghiệm giúp ta trưởng thành; kinh nghiệm chỉ có được khi ta lăn lộn trong cuộc sống; học cách quản lý tài chính cá nhân;…

– Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8-10 dòng, diễn đạt mạch lạc.

  1. LÀM VĂN

Câu 1.

  • Yêu cầu chung:

– Nội dung:

+ Xác định đúng vấn đề nghị luận;

+ Thể hiện được quan điểm cá nhân, đảm bảo được tính nhân văn trong bài viết;

+ Triển khai vấn đề thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, trình tự hợp lí, lập luận chặt chẽ; sử dụng phù hợp các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

– Hình thức:

+ Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận;

+ Đoạn văn mạch lạc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết;

+ Lời văn có cá tính và cảm xúc;

+ Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

  • Yêu cầu cụ thể:
Hệ thống ý Dẫn dắt – Nêu từ khóa: tư duy độc lập và sáng tạo
Giải thích Rẽ trái khi mọi người rẽ phải:

Mọi người rẽ phải: lối suy nghĩ phổ biến của cộng đồng.

Rẽ trái: biết nhìn nhận và quyết định khác biệt, đột phá.

Nghĩ khác làm khác, biết sáng tạo.

Phân tích – Tư duy độc lập biểu hiện như thế nào?

+ Người có tư duy độc lập là người cầu thị và sẵn sàng đổi mới: Steve Jobs với công nghệ đột phá là một ví dụ.

+ Tư duy độc lập luôn đi kèm với bản lĩnh, dũng cảm và sự quyết đoán.

+ Khác biệt mà không có cơ sở dễ dẫn đến sự cố chấp, bảo thủ quan điểm chưa hợp lí của cá nhân. Vì vậy, bản lĩnh cá nhân và sự sáng tạo phải đi kèm với tầm nhìn và năng lực thực tế.

– Vì sao cần tư duy độc lập và sáng tạo?

+ Vì biết nghĩ khác và làm khác đi là tố chất đầu tiên của người có tư duy sáng tạo, có ý chí vươn lên, cũng là của người thành công.

+ Vì xã hội hiện đại, ý tưởng và sự cạnh tranh rất lớn, phải khác biệt mới có thể thành công.

Phản biện + Có những người sợ thất bại, không dám mạo hiểm, không dám thử thách.

+ Họ chọn phương án an toàn theo tư duy đám đông, rẽ phải khi mọi người rẽ phải.

Liên hệ – Bài học/Liên hệ + Từ khóa.

+ Tôn trọng sự khác biệt và sáng tạo.

+ Mạnh dạn dấn thân, bộc lộ năng lực cá nhân.

Câu 2.

  • Yêu cầu chung:

– Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ.

– Văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng phân tích, cảm thụ, nhiều những khám phá mới mẻ, diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

  • Yêu cầu cụ thể:
ĐỌC HIỂU YÊU CẦU ĐỀ

Đối tượng chính, trọng tâm kiến thức: Người lái đò Sông Đà

– Dạng bài: Phân tích, so sánh

– Yêu cầu: Hai đoạn văn đề yêu cầu là hai đoạn đã làm nổi bật nét trữ tình, thơ mộng của dòng sông Đà ở hạ nguồn, người viết cần chỉ rõ được bút pháp lãng mạn cũng như sức hấp dẫn độc đáo của hình tượng.

TIẾN TRÌNH BÀI LÀM
KIẾN THỨC HỆ THỐNG Ý NỘI DUNG CẦN ĐẠT ĐIỂM
CHUNG Tác giả – tác phẩm – Nguyễn Tuân là một trong chín tác giả lớn của văn học nước nhà. Chữ “ngông” chính là từ dùng khi người ta nhắc về phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Cái ngông trong nghệ thuật thể hiện ở sự tài hoa và uyên bác trong trang văn, trong cách sử dụng Tiếng Việt, mới, lạ, không giống ai trong hệ thống đề tài… Mỗi một nhà văn vẽ lại thế giới theo cách riêng của mình, Nguyễn Tuân là nhà văn tô điểm cho thế giới bằng cái đẹp. Đối với Nguyễn Tuân, văn phải đẹp, phải trau chuốt. Cả một đời người nghệ sĩ ấy say mê và truy tìm cái đẹp, cái thật, làm phát lộ nó dưới ngòi bút tài hoa của mình.

– Người lải đò Sông Đà là một tùy bút xuất sắc được in trong tập Sông Đà 1960, đó là thành quả của một chuyến đi gian khổ nhưng rất hứng thú của nhà văn vào những năm 1958 – 1960. Chuyến đi đã thỏa mãn niềm khát khao xê dịch, đi để tìm kiếm vẻ đẹp của thiên nhiên, miền đất Tây Bắc, tìm ra thứ “vàng mười” đã qua thử lửa trong vẻ đẹp của con người miền Tây Bắc.

0.5
TRỌNG TÂM Phân tích Cảm nhận đoạn 1 – sông đà góc nhìn từ trên cao – sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ khác biệt hoàn toàn với sông đà ở thượng nguồn

– Khác với dòng sông hung bạo ở thượng nguồn, với hình ảnh con thủy quái hung ác, kẻ thù số một của con người, Sông Đà đoạn này chuyển mình, hóa thân thành người thiếu nữ mộng mơ, xinh đẹp, kiều diễm và dịu dàng. Mang trong mình hai nét vẽ tương phản, đối chọi như vậy, sự độc đáo của dòng sông càng được khắc họa.

– Hình dáng và màu sắc Sông Đà – vẻ đẹp kiều diễm và đầy quyến rũ

+ Từ trên cao nhìn xuống, quả là điểm quan sát thật lý tưởng để có thể thu vào tầm mắt dòng chảy Sông Đà. Nguyễn Tuân đã đưa ra hai liên tưởng vô cùng mới mẻ, chưa từng thấy về hình dáng con sông. Có lẽ, từ điểm nhìn rất cao, hình ảnh Sông Đà đã hóa thành sợi dây thừng ngoằn ngoèo, và khi tàu bay hạ xuống, dòng sông đã hóa thành áng tóc trữ tình tuôn dài tuôn dài. Liên tưởng dòng sông như mái tóc óng ả để buông lơi, chảy dài đến bất tận. Hoa ban trắng, hoa gạo đỏ đôi bờ bung nở như nhánh xuân cài lên mái tóc, lại ẩn hiện mờ ảo trong sương khói Tây Bắc, đó là vẻ đẹp rất thơ, vẻ đẹp của người thiếu nữ bước ra từ cõi tiên, mà mái tóc nàng làm bừng hương sắc, xao động đất trời.

+ Xuyên qua màn mây, dòng sông còn hiện lên qua màu sắc biến ảo. Chính vẻ đẹp của mây trời đã tạo cho con sông Đà một vẻ đẹp riêng không trộn lẫn. Nguyễn Tuân phát hiện ra vẻ đẹp của sắc nước sông Đà thay đổi theo mùa. Mùa xuân, nước sông Đà xanh ngọc bích “chứ không xanh màu xanh canh hến của nước sông Gâm, sông Lô”. Xanh ngọc bích là xanh trong, xanh sáng, xanh biếc – một sắc màu gợi cảm, trong lành. Đó là sắc màu của nước, của núi, của da trời. Mùa thu, nước sông Đà “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mẫn bực bội độ thu về”. Câu văn sử dụng phép so sánh “lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa”.

1.5
Cảm nhận đoạn 2 – sông đà góc nhìn của người trôi thuyền trên sông phía hạ lưu – niềm say sưa, sự thích thú trước vẻ đẹp của chốn hoang sơ, thoát hắn khỏi xã hội hiện đại ngoài kia

+ Quá khứ: Sông Đà đã hiện lên trong tầm mắt một vẻ đẹp hoang sơ, với hai bờ đúng như tác giả đã so sánh “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Đó là vẻ đẹp của ngàn năm kiến tạo còn vẹn nguyên đến tận bây giờ.

+ Hiện tại: Một vẻ đẹp đầy sức sống “một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa mà tịnh không một bóng người, cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp”. Cảnh tượng đó còn ấn tượng bởi một “đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”.

Tất cả tạo cho Sông Đà ở hạ nguồn nét hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích, chẳng lưu mang hơi thở hiện đại.

+ Tương lai: Trước cái tĩnh lặng của Sông Đà, tác giả bỗng thèm nghe một tiếng còi xúp – lê, tiếng còi ấy là tiếng còi của tương lai, của nhịp sống, hơi thở hiện đại. Tiếng còi sẽ phá đi sự tĩnh lặng, báo hiệu những đoàn tàu sẽ lên Tây Bắc để xây dựng quê hương.

1.5
Bàn luận – Sông Đà là nơi hội tụ hai nét tiêu biểu, đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc vừa hung vĩ, uy nghiêm, dữ dội lại vừa trữ tình, thơ mộng.

– Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên từng nhận định: Nguyễn Tuân là “nhà thơ bị đóng đinh trên cây thập giả của văn xuôi”, ý nói rằng những trang văn Nguyễn Tuân thấm đẫm chất trữ tình, thấm đẫm chất thơ, hơi thở của không gian thơ. Và với hai đoạn văn trên, ta cảm nhận chất thơ thấm vào từng câu chữ.

1.0

Bài làm mẫu

Nguyễn Tuân là nhà văn duy mỹ – suốt đời tôn thờ và phụng sự cái đẹp. Tác phẩm của ông là những trang viết sống động về con người và thiên nhiên với cảm hứng ngợi ca. Người láỉ đò Sông Đà là tác phẩm tiêu biểu cho khuynh huớng thẩm mĩ đó của nhà văn. Dưới ngòi bút của ông, Sông Đà hiện lên hung bạo như một “loài thủy quái nham hiểm và độc dữ” nhưng cũng rất dịu dàng và say đắm như một mỹ nhân Tây Bắc. Đặc biệt là hai đoạn văn tả lại cảnh sông Đà ở hạ nguồn – một vẻ đẹp khiến người ta đắm đuối: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài… bực bội gì mỗi độ thu về.” và “Thuyền tôi trôi trên sông Đà… một nỗi niềm cổ tích cổ xưa.”

Nguyễn Tuân là một trong chín tác giả lớn của văn học nước nhà. Chữ “ngông” chính là từ dùng khi người ta nhắc về phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Cái ngông trong nghệ thuật thể hiện ở sự tài hoa và uyên bác trong trang văn, trong cách sử dụng Tiếng Việt, mới, lạ, không giống ai trong hệ thống đề tài. Mỗi một nhà văn vẽ lại thế giới theo cách riêng của mình, Nguyễn Tuân là nhà văn tô điểm cho thế giới bằng cái đẹp. Đối với Nguyễn Tuân, văn phải đẹp, phải trau chuốt. Cả một đời người nghệ sĩ ấy say mê và truy tìm cái đẹp, cái thật, làm phát lộ nó dưới ngòi bút tài hoa của mình. Người lái đò Sông Đà là một tùy bút xuất sắc được in trong tập Sông Đà 1960, đó là thành quả của một chuyến đi gian khổ nhưng rất hứng thú của nhà văn vào những năm 1958 – 1960. Chuyến đi đã thỏa mãn niềm khát khao xê dịch, đi để tìm kiếm vẻ đẹp của thiên nhiên, miền đất Tây Bắc, tìm ra thứ “vàng mười” đã qua thử lửa trong vẻ đẹp của con người miền Tây Bắc.

Phần đầu của đoạn trích, tác giả chủ yếu miêu tả sự hung bạo, hùng vĩ, hiểm nguy của một dòng sông lắm thác nhiều ghềnh. Đó là sự dữ dội của cảnh đá dựng bờ sông, cảnh ghềnh Hát Loóng “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”, cảnh những hút nước rùng rợn; cảnh thác đá gào thét; dòng sông với biết bao cửa tử cửa sinh… Đến cuối đoạn trích tác giả chủ yếu bàn về vẻ đẹp trữ tình của con sông Đà.

Nguyễn Tuân quan sát sông Đà ở nhiều điểm nhìn. Đầu tiên là từ trên cao nhìn xuống với điểm nhìn bao quát. Ở điểm nhìn ấy tác giả đã hình dung con sông Đà giống như một người đàn bà kiều diễm với áng tóc trữ tình đằm thắm: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núỉ Mèo đốt nương xuân”. Hình ảnh so sánh Sông Đà như một áng tóc kết hợp với điệp ngữ “tuôn dài tuôn dài” như mở ra trước mắt của người đọc độ dài vô tận của dòng sông; mái tóc của Đà giang như nối dài đến vô tận, trùng điệp giữa bạt ngàn màu xanh lặng lẽ của núi rừng. Phép so sánh “như một áng tóc trữ tình” tạo cho người đọc một sự xuýt xoa trước vẻ đẹp diễm tuyệt của sông Đà. Sông Đà giống như một kiệt tác của trời đất. Chữ “áng” thường gắn với áng thơ, áng văn, nay được họ Nguyễn gắn với “tóc” thành “áng tóc trữ tình”. Hai chữ “ẩn hiện” càng tăng lên sự bí ẩn và trữ tình của dòng sông. Sắc đẹp diễm tuyệt của sông Đà – của người thiếu nữ còn được tác giả nhấn mạnh qua động từ “bung nở” và từ láy “cuồn cuộn” kết hợp với hoa ban nở trắng rừng, hoa gạo đỏ rực hai bên bờ làm người đọc liên tưởng mái tóc như được trang điểm bởi mây trời, như cài thêm hoa ban hoa gạo và đẹp mơ màng như sương khói mùa xuân.

Xuyên qua màn mây, dòng sông còn hiện lên qua màu sắc biến ảo. Chính vẻ đẹp của mây trời đã tạo cho con sông Đà một vẻ đẹp riêng không trộn lẫn. Nguyễn Tuân phát hiện ra vẻ đẹp của sắc nước sông Đà thay đổi theo mùa. Mùa xuân, nước sông Đà xanh ngọc bích “chứ không xanh màu xanh canh hến của nước sông Gâm, sông Lô”. Xanh ngọc bích là xanh trong, xanh sáng, xanh biếc – một sắc màu gợi cảm, trong lành. Đó là sắc màu của nước, của núi, của da trời. Mùa thu, nước sông Đà “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đỉ vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội độ thu về”. Câu văn sử dụng phép so sánh “lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa” khiến người đọc hình dung được vẻ đẹp đa dạng của sắc nước sông Đà. Cách miêu tả sắc đỏ mùa thu sông Đà của Nguyễn Tuân cũng thật độc đáo. Đỏ bầm, màu đỏ không gắt, không nhạt, mang trong mình chút hồng hào, pha vào đó sắc phù sa, lại không đục ngầu, màu sắc ấy còn mang dáng hình của kẻ say, hay là vì người đã quá say dòng sông, quá mê đắm cảnh sông nước Tây Bắc.

Sông Đà qua góc nhìn của người trôi thuyền trên sông phía hạ lưu lại trở thành niềm say sưa, sự thích thú trước vẻ đẹp của chốn hoang sơ, thoát hẳn khỏi xã hội hiện đại ngoài kia. Bằng cảm quan góc của người đi ròng và của người trôi thuyền trên sông phía hạ lưu, tức là điểm nhìn cận cảnh, dòng sông Đà đã hiện lên trong tầm mắt một vẻ đẹp hoang sơ, với hai bờ đúng như tác giả đã so sánh “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổỉ xưa”. Đó là vẻ đẹp của ngàn năm kiến tạo còn vẹn nguyên đến tận bây giờ. Tưởng như, thế giới ngoài kia đã bỏ quên chốn này, nơi đây, vẫn giữ cho nó khối hình, dáng vóc của hoang sơ nguyên thủy. Trôi thuyền trên sông quãng này, quá khứ còn vọng dư âm bởi sự tĩnh lặng, im ắng, tưởng như Thời Lí, Trần, Lê… quãng sông cũng chỉ im ắng như vậy.

Qua cái nhìn đầy say mê và thưởng thức, hai bên bờ sông Đà đã hiện lên một vẻ đẹp đầy sức sống “một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa mà tịnh không một bóng người, cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp”. Cảnh tượng đó còn ấn tượng bởi một “đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”. Vẻ đẹp ấy vừa mang trong nó một sức sống căng tràn, đó là màu xanh của nương ngô, của cỏ gianh mới nhú, màu xanh của trù phú, mỡ màng, non trẻ, thanh khiết vô cùng. Là hình ảnh con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương chẳng sợ sệt ông khách Sông Đà. Là đàn cá dầm xanh quẫy đuôi để lộ cái bụng trắng như bạc thoi. Tất cả tạo cho Sông Đà ở hạ nguồn nét hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích, chẳng lưu mang hơi thở hiện đại.

Trước cái tĩnh lặng của Sông Đà, tác giả bỗng thèm nghe một tiếng còi xúp – lê, tiếng còi ấy là tiếng còi của tương lai, của nhịp sống, hơi thở hiện đại. Tiếng còi sẽ phá đi sự tĩnh lặng, báo hiệu những đoàn tàu sẽ lên Tây Bắc để xây dựng quê hương.

Sông Đà là nơi hội tụ hai nét tiêu biểu, đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ, uy nghiêm, dữ dội lại vừa trữ tình, thơ mộng. Con sông Đà hùng vĩ dài trên năm trăm cây số, ở nơi thượng nguồn nó mang một vẻ đẹp hào hùng và thách thức, vậy mà vượt qua đoạn thượng nguồn dòng sông hoàn toàn mang bộ mặt khác: thơ mộng, trữ tình, thanh bình, yên ả; nó giống như một cô thiếu nữ xinh đẹp trút bỏ cái vẻ “đỏng đảnh” đế trở về với vẻ đẹp dịu dàng lãng mạn của mình. Nguyễn Tuân đã gợi lên vẻ đẹp của sông Đà bằng hai từ “gợi cảm”. Và quả thực, vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông khiến cho người ngoạn cảnh gặp lại có cảm giác “đằm đằm ấm ấm”, gợi biết bao thi vị. Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên từng nhận định: Nguyễn Tuân là “nhà thơ bị đóng đinh trên cây thập giá của văn xuôi”, ý nói rằng những trang văn Nguyễn Tuân thấm đẫm chất trữ tình, thấm đẫm chất thơ, hơi thở của không gian thơ. Và với hai đoạn văn trên, ta cảm nhận chất thơ thấm vào từng câu chữ.

Sông Đà là dòng sông của miền non tản Tây Bắc. Đó cũng là một dòng sông hiểm nguy rình rập với “trăm bảy cái thác, trăm ba cái ghềnh”. Nhưng đó cũng là một dòng sông lai láng chất thơ trong cảm nhận của Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân đã miêu tả con sông như một công trình nghệ thuật, một tác phẩm hội họa mà tạo hoá ban tặng tô điểm cho đất nước; ông khám phá dòng sông ở phương diện thẩm mỹ thể hiện phong cách tài hoa. Trang sách khép lại rồi mà dường như tâm hồn của bạn đọc vẫn đang trôi mênh mang trên một dòng sông “hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích…”.

đề thi thử THPT quốc gia ngữ văn

Từ khóa » đọc Hiểu Trên đường Băng Khi Còn Trẻ