1. Hình Tượng Nhân Vật Bê-li-cốp. - Củng Cố Kiến Thức

I. Tiểu dẫn

- An-tôn Páp-lô-vích Sê-khốp (1860 - 1904) sinh ra và lớn lên ở trong một gia đình buôn bán nhỏ ở thị trấn Tan-ga-rốc, bên bờ biển A-dốp, nước Nga.

- Ông vừa là nhà văn vừa tham gia nhiều hoạt động xã hội, văn hóa, giáo dục. Là nhà văn Nga kiệt xuất, được giải thưởng Pu-skin của viện hàn lâm Nga, là viện sĩ danh dự của viện hàn lâm khoa học Nga.

Tác phẩm tiêu biểu: Anh béo và anh gầy, Con kì nhông, Phòng số 6… Truyện ngắn Người trong bao được sáng tác trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen.

II. Văn bản (SGK)

1. Hình tượng nhân vật Bê-li-cốp.

- Chân dung Bê-li-cốp được khắc hoạ rất kì dị: Cặp kính đen trên gương mặt nhợt nhạt, nhỏ bé, choắt lại như mặt chồn, cách ăn mặc, phục sức cũng khác người; tất cả đều để trong bao (giày, ủng, kính, ô...). Đến ý nghĩ của mình, y cũng giấu vào bao, không bao giờ có ý kiến riêng về bất cứ vấn đề nào.

- Khát vọng mãnh liệt kì dị của Bê-li-cốp là thu mình trong vỏ để ngăn cách, bảo vệ khỏi những ảnh hưởng, tác động của cuộc sống bên ngoài. Sống giữa mọi người trong môi trường xã hội nên khát vọng ấy trở nên khó hiểu, trái khoáy và lập dị.

- Bê-li-cốp tôn sùng quá khứ (say mê tiếng Hi Lạp cổ), thích sống theo những thông tư, chỉ thị một cách máy móc, giáo điều.

- Tính cách kì quặc của Bê-li-cốp còn thể hiện trong cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày (buồng ngủ, quan hệ với đồng nghiệp, mối tình đầu muộn mằn với Va-ren-ca...).

- Bê-li-cốp sống trong cô độc, luôn luôn lo lắng, sợ hãi. Câu nói cửa miệng của hắn là "Nhỡ lại xảy ra chuyện gì thì sao!".

- Bê-li-cốp luôn thỏa mãn, luôn hài lòng với lối sống cổ lỗ, hủ lậu, kì quái của mình. Y cho rằng sống như y mới là sống, làm việc như y mới là làm việc, mới là người có trách nhiệm, là công dân tốt, viên chức mẫn cán đối với cấp trên.

- Bê-li-cốp tự nguyện tuân thủ nghiêm túc lối sống trong bao. Y không hề biết và không thể biết mọi người nghĩ về y, sợ y, chế giễu y, khinh ghét y, ghê tởm y như thế nào.

- Bê-li-cốp luôn tự tin ở cách sống đúng mực của mình. Y rất ngạc nhiên và không thể chịu đựng được cách sống của chị em Va-ren-ca.

- Bê-li-cốp không hiểu mọi người xung quanh, không hiểu xã hội, cuộc sống đương thời. Y đắm chìm trong quá khứ, trong những xác tín cực kì lạc hậu, đen tối. Bê-li-cốp là người lạc lõng, cô độc, kì quái. Là kẻ hèn nhát, cô độc, máy móc, giáo điều, thu mình trong bao, trong vỏ ốc và cảm thấy yên tâm, sung sướng, hạnh phúc, mãn nguyện.

- Lối sống của Bê-li-cốp đã ảnh hưởng mạnh mẽ, dai dẳng đến lối sống và tinh thần của đồng nghiệp nơi y làm việc, nơi y sống. Mọi người ghét y, sợ y, tránh xa y, không muốn dây với y.

- Đôi khi có người muốn thử thay đổi cách sống của y bằng cách gán ghép y với Va-ren-ca, nhưng chẳng ăn thua gì! Có người như Cô-va-len-cô khinh ghét ra mặt, nói thẳng vào mặt Bê-li-cốp, gây gổ với y, to tiếng với y, đẩy y ngã lăn xuống cầu thang...

- Nhưng tất cả đều không làm thay đổi cách sống, tính cách của Bê-li-cốp mà còn bị tính cách, lối sống ấy đầu độc, ám ảnh tinh thần cho đến khi Bê-li-cốp chết.

- Ngay cả khi Bê-li-cốp chết, tính cách và lối sống của y vẫn tồn tại và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hiện tại và tương lai của thành phố. Bê-li-cốp là điển hình cho kiểu người, hiện tượng xã hội đang tồn tại trong bộ phận trí thức Nga cuối thế kỉ XIX.

2. Thái độ, tình cảm của mọi người đối với Bê-li-cốp.

- Trong cấu trúc nghệ thuật của truyện, nhà văn đã để Bê-li-cốp chết bất ngờ. Cái chết của y làm những người xung quanh, trong trường, trong thành phố nơi y sống và làm việc ngạc nhiên.

- Để Bê-li-cốp chết bất ngờ là cách đẩy tính cách nhân vật lên tới đỉnh cao. Với việc nằm trong quan tài, Bê-li-cốp đã tìm được cho mình cái bao tốt nhất, bền vững nhất.

- Với mọi người, khi Bê-li-cốp còn sống, họ sợ hãi, căm ghét y; khi y chết, họ cảm thấy thoát khỏi gánh nặng, thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Nhưng sau đó cuộc sống của họ lại diễn ra như cũ, như khi Bê-li-cốp còn sống: Nặng nề, mệt nhọc, vô vị và tù túng.

- Kiểu người Bê-li-cốp, lối sống Bê-li-cốp đã ám ảnh, đầu độc bầu không khí ngột ngạt, nặng nề của văn hóa, đạo đức xã hội nước Nga đương thời.

3. Ý nghĩa tư tưởng nghệ thuật của cái bao.

- Hình ảnh cái bao là một trong những sáng tạo độc đáo của tác giả, nó gợi ra cho người đọc những ý nghĩa sau:

+ Nghĩa đen (nghĩa gốc): Vật dùng để bao, gói, đựng đồ vật, hàng hóa hình túi, hình hộp...

+ Nghĩa bóng (nghĩa chuyển): Lối sống và tính cách của Bê-li-cốp.

+ Nghĩa tượng trưng: Kiểu người trong bao, lối sống trong bao là kiểu người, lối sống không chỉ tồn tại ở nước Nga cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX mà còn có ý nghĩa phổ quát.

- Chủ đề tư tưởng của truyện:

+ Người trong bao lên án mạnh mẽ kiểu người hèn nhát, cá nhân, ích kỉ, hủ lậu của một bộ phận trí thức Nga và tác hại của nó đối với hiện tại và tương lai của nước Nga.

+ Truyện cũng cảnh cáo và kêu gọi mọi người cần phải thay đổi cuộc sống, cách sống, không thể sống tầm thường, vô vị và hủ lậu.

4. Những đặc sắc nghệ thuật của truyện.

- Tác giả sử dụng hai hình thức người kể chuyện và nhân vật kể chuyện. Nhân vật trong truyện đồng thời cũng là nhân vật kể chuyện (Bu-rơ-kin) ở ngôi thứ nhất (tôi). Tác giả vẫn giữ ngôi thứ ba, kể lại câu chuyện của Bu-rơ-kin. Nhờ cách chọn ngôi kể, tác giả vừa đảm bảo được tính khách quan vừa thể hiện được tính chủ quan, tạo cảm giác gần gũi và chân thật của câu chuyện.

- Tạo ra cấu trúc kể truyện lồng trong truyện:

+ Truyện kể của tác giả về hai người đi săn về muộn.

+ Truyện kể của Bu-rơ-kin về Bê-li-cốp.

- Giọng kể mỉa mai, châm biếm mà trầm tĩnh, chậm buồn, bề ngoài có vẻ khách quan, bình thản nhưng giấu bên trong sự bức xúc, trăn trở.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Bê-li-cốp được khắc hoạ một cách rất điển hình, một tính cách kì quái mà chân thực từ ngoại hình, lời nói, cử chỉ, hành động đến tính cách, lối sống.

- Biện pháp đối lập giữa các kiểu người, các tính cách và lối sống trái ngược:

+ Bê-li-cốp và chị em Va-ren-ca, Cô-va-len-cô.

+ Bê-li-cốp và cán bộ giáo viên trường trung học, nơi y làm việc và mọi người trong thành phố.

- Nghệ thuật xây dựng biểu tượng: Hình ảnh cái bao và lời nói "Nhỡ lại xảy ra việc gì thì sao?". Hình ảnh và lời nói này vừa có ý nghĩa cụ thể vừa có ý nghĩa biểu tượng.

5. Ý nghĩa thời sự của truyện ngắn.

- Người trong bao có ý nghĩa thời sự rộng rãi và sâu sắc, lối sống trong bao, kiểu người trong bao với những biến thể, dị bản khác nhau có ý nghĩa toàn thế giới, lâu dài cho đến tận ngày nay. – Chỉ đến khi nào xã hội loài người lành mạnh, tự do, khi mỗi cá nhân ý thức được mục đích và cách sống của mình thống nhất với các chuẩn mực văn hóa, đạo đức của cộng đồng hiện đại... thì lối sống trong bao mới triệt để chấm dứt.

Từ khóa » Nhân Vật Bê-li-cốp Làm Nghề Gì