1 Năm Có Bao Nhiêu Ngày Làm Việc - Kinh Nghiệm Trader

Hãy cùng nhau làm một phép tính đơn giản, để tính xem trong một năm, thời gian làm việc của chúng ta là bao nhiêu. Mỗi năm có 365 ngày, 52 tuần với 104 ngày nghỉ cuối tuần và những nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước:

Tết Dương lịch: 1 ngày

Tết Âm lịch: 4 ngày (30, mùng 1, mùng 2, mùng 3)

Giỗ Tổ Hùng Vương: 1 ngày

Giải phóng miền Nam (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5): 2 ngày

Ngày Quốc khánh: 1 ngày

Nghỉ phép: 12 ngày

Sau tính toán, chúng ta chỉ làm 240 ngày/năm. Trong khi thời gian làm việc của một người chỉ là 8h/ngày. Như vậy, thời gian thực cho công việc chúng ta chỉ là 80 ngày (tương đương 22% thời gian của năm) và 285 ngày còn lại của năm chính là ngày… không làm việc!

Quá nhiều công chức đang "ăn cắp" thời gian làm việc.

Ấy là chưa kể đến 1001 lý do để nghỉ làm như bệnh tật, đau ốm, thăm nom, đám cưới, đám ma…, nếu tính chi li, mỗi người chúng ta có lẽ chỉ thực sự làm việc 60-70 ngày/năm. So với khoảng thời gian nghỉ ngơi, thì thời giờ để làm việc thực sự chỉ bằng 1/5, và tất nhiên chất lượng của công việc cũng bị kéo tụt tương ứng.

Người làm công bình thường đã vậy, các vị… công chức còn cao siêu và tinh vi hơn trong kỹ nghệ “ăn gian” thời giờ làm việc.

Vừa qua, dư luận, báo chí và các nhà quản lý đã (lại) lên tiếng về tình trạng công chức “ăn cắp” giờ công để làm việc riêng, nhiều người đã gọi việc một bộ phận người lao động, công chức làm việc qua loa, đại khái, phung phí thời gian và tiền bạc của Nhà nước là “căn bệnh lạ”. Khi mà “bệnh lạ” thuần túy về mặt y học vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị thì mới đây, người ta còn phát hiện ra một loại bệnh lạ còn “lạ” hơn rất nhiều, đó là bệnh về ý thức, về tư tưởng. Và nguy hiểm hơn là căn bệnh này xuất hiện ở khoảng 30% trong số 2,8 triệu cán bộ, công chức của cả nước- lực lượng được gọi là trí thức trong xã hội.

Tại nhiệm kỳ cuối của Quốc hội khóa XII (năm 2011), đại biểu đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về thông tin khoảng 30% cán bộ làm được việc, 30% cán bộ công chức phải "cầm tay chỉ việc" và hơn 30% còn lại có "cầm tay chỉ việc" cũng... không biết việc mà làm.

Gần đây, chính Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.

Nếu như ở Quảng Bình, đích thân Bí thư Tỉnh ủy vi hành đến các quán cà phê để bắt quả tang nhân viên của tỉnh mình “lai rai hết buổi sáng” rồi nêu ra trong các cuộc họp, thì ở Quảng Trị có vẻ mạnh tay hơn khi địa phương này lập hẳn một đoàn kiểm tra gồm 6 thành viên do Chánh thanh tra Sở Nội vụ làm trưởng đoàn và Trưởng phòng Thời sự của Đài PT-TH làm phó đoàn, không những “vi hành” ở các quán xá mà còn vào tận các cuộc họp để ghi hình những công chức nào “ăn cắp giờ công” rồi đưa lên truyền hình “bêu danh”! Nếu phê bình nhau trong cuộc họp, xong là quên ngay chứ “bêu” lên ti vi, bàn dân thiên hạ nhìn vào hằng ngày như thế, quả thật ê mặt cho những ai xui rủi bị thu vào ống kính truyền hình.

Tuy nhiên, nếu “bình tâm” hơn thì thấy những biện pháp trên đây của các địa phương chỉ làm cho người dân “hả hê” hơn là để giải quyết một cách triệt để câu chuyện “ăn cắp” này. Vì sao?

Một giáo viên đến giờ lên lớp, không ai dám bỏ dạy để la cà nơi quán cà phê. Một anh bộ đội đến phiên đổi ca trực, chả anh nào dám bỏ vọng gác để ra quán uống trà. Một cán bộ thu ngân của ngân hàng không thể bỏ khách hàng đợi nhận tiền để tranh thủ đi chợ. Một bác sĩ đến phiên mổ của mình, chả anh nào dám bỏ mặc bệnh nhân để đi ăn cỗ. Thủ trưởng của anh giáo viên, của chú bộ đội, của anh bác sĩ, của cô thu ngân nói trên sẽ “không để yên” nếu như nhân viên của mình vắng mặt trong thời gian mà họ buộc phải có mặt để thực thi công việc.

Ở những cơ quan đó, người lao động đã được phân công công việc một cách rõ ràng và hợp lý, không còn một kẽ hở nào để “kẻ cắp” chen vào. Điều đó nói lên rằng, sở dĩ có tình trạng “ăn cắp giờ công” là vì cái gọi là “giờ công” ấy đang thừa. Nhiều vị trí chỉ cần một người là đủ nhưng có đến 2-3 biên chế cùng làm một việc nên thừa là đúng thôi. Thừa người, thiếu việc nên... ra quán vậy.

Vừa qua, Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2012 nhằm xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”. Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2015 có 70% các cơ quan, tổ chức của Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện xây dựng và được phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch; sửa đổi, bổ sung và xây dựng được 100% các chức danh và tiêu chuẩn công chức; nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức; thi nâng ngạch công chức.

Đề án là vậy, lại thêm nhiều địa phương đã sử dụng chiêu “bêu danh” cán bộ, công chức ăn gian giờ làm việc lên truyền hình, thế nhưng nếu người lao động không thay đổi nhận thức, hành động thì “bêu” cũng bằng… thừa.

Từ khóa » Một Năm Có Bao Nhiêu Ngày Làm Việc