"1 Quả Cà Bằng 3 Chén Thuốc" - Thực Hư Thế Nào?

Quả cà – món ăn ngon, vị thuốc quý

1 quả cà = 3 chén thuốc - Ảnh 1.

Cà là món ăn dân dã của người Việt.

"Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương".

Từ trong tâm thức của người Việt, quả cà là thứ không thể thiếu trong mâm cơm.

Quả cà còn có tên khác là già tử, lạc tô, ải qua. Tên khoa học: Solanum melongena L., họ Cà (Solanaceae).

Cà có nguồn gốc ở vùng biên giới Ấn độ và Mianma; trong quá trình di thực và chọn giống nên hiện nay có nhiều thứ, loài khác nhau. Ở Việt Nam, cà bát và cà pháo có lịch sử trồng trọt lâu đời, là loại cây thích hợp với mọi miền đất nước.

Thành phần hóa học: Quả cà có anthocyan, alcaloid, acid cafeic, choline và trigonellin …

Cà là tác nhân kích thích chuyển hóa cholesterol ở gan nên có tác dụng hỗ trợ làm giảm nồng độ các men SGOT, SGPT và lợi niệu.

1 quả cà = 3 chén thuốc - Ảnh 2.

Cà tím.

Trong cà có chất solanin, một alcaloid độc, có nhiều khi quả còn non xanh, nên Hải Thượng Lãn Ông khuyên không ăn nhiều cà sống.

Cà chọn để muối thường quả già, hàm lượng chất solanin giảm; hơn nữa khi muối, lượng acid lactic tăng trong quá trình lên men kết hợp với solanin tạo thành muối làm giảm độc.

Tính vị qui kinh: Vị hơi ngọt, tính mát; vào tỳ, vị, đại tràng.

Công năng chủ trị: Thanh nhiệt, giải độc, hoại huyết, tiêu thũng, chỉ thống. Dùng cho các trường hợp nhiệt độc, mụn nhọt, lở ngứa, viêm loét da cơ, đại tiện xuất huyết. Trong dân gian thường dùng giã đắp ngoài.

Liều dùng cách dùng: 3 - 7 quả; nấu, nướng, xào, muối.

Kiêng kỵ: Không ăn nhiều quả non xanh tươi.

Một số đơn thuốc chữa bệnh có cà

1 quả cà = 3 chén thuốc - Ảnh 3.

Cà dái dê.

- Làm giảm sưng tấy: Quả cà giã nát, thêm ít giấm hoặc chưng với rượu để đắp.

- Khắc phục đại tiện ra máu, phụ nữ rong kinh: Quả cà già (cả cuống), thái mỏng sao giòn, tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g, uống với giấm loãng.

- Trị đau răng, viêm lợi: Cà muối lâu năm đốt tồn tính; dùng bột than cà xát vào răng lợi.

Một số thực đơn chữa bệnh từ quả cà

-Cháo cà: Cà tía hoặc cà dái dê cùng nấu cháo với gạo tẻ, cho ăn liên tục trong 7 - 10 ngày. Dùng cho bệnh nhân viêm gan vàng da.

-Cà xào tỏi: Cà bát 500g thái lát, ngâm qua nước để sẵn. Tỏi già 30g bóc vỏ giã nát. Đem cà bát xào với dầu thực vật cho chín, thêm gừng tươi (đập dập), gia vị, sau cùng cho tỏi vào đảo nhanh. Thực đơn này dùng cho các trường hợp viêm ruột xuất huyết, viêm loét da cơ, mụn nhọt.

-Canh cà ghém: Cà ghém 250g nấu dạng canh, có thể thêm thịt nạc, đậu phụ. Dùng cho các bệnh nhân sốt nóng, bệnh sốt rét cơn, u bướu, viêm tấy sưng nề.

- Cà hấp: Cà tím 500g, gừng tươi 3 lát, tỏi bóc vỏ 3 củ. Cà bổ dọc thái lát, gừng và tỏi đập dập, thêm tương, muối, đường. Hấp chín để ăn. Tốt cho người bệnh viêm phế quản cấp, táo bón.

- Cà muối:

1 quả cà = 3 chén thuốc - Ảnh 4.

Cà muối.

Cà muối xổi: Cà pháo 5 kg, muối 250g, tỏi 3 – 5 củ. Cà cắt bỏ núm (phần lá đài và cuống quả), rửa sạch; tỏi bóc bỏ vỏ cứng, giã nát. Cho cà, muối và tỏi giã vào hũ (âu, vại), đảo đều, đậy kín, để 4 – 6 giờ. Đặt vỉ có đè vật nặng lên trên, đổ nước sạch ngập vỉ. Để 3 – 5 ngày là ăn được.

Cà muối mặn: Dùng cà bát, cắt bỏ núm, rửa sạch, phơi héo, cho vào vại; cứ mỗi lượt cà rải lượt muối, lượng muối sử dụng khoảng 15 – 25%. Đặt vỉ, đổ nước sạch gần ngập vỉ và đổ lên trên phần muối còn lại, đặt lên trên một vật nặng. Sau 15 ngày -1 tháng mới dùng được. Cà muối theo cách này thường mặn chát nên trước khi ăn phải ngâm trong nước rất lâu mới bớt mặn.

Trong dân gian và sách vở có chỉ dẫn trái ngược nhau: Có người giải thích là ăn 1 quả cà mất không 3 chén thuốc; có người cho rằng 1 quả cà có giá trị bằng 3 chén thuốc. Mân cơm gia đình Việt Nam thường có món canh (luộc, xào), món mặn (thịt hay cá), nước chấm và món cà (dưa muối); nên món cà muối trong mân cơm chỉ là món kích thích tăng nước bọt, tăng hương vị trong bữa ăn.

Lưu ý không thể bỏ qua khi ăn cà

- Không ăn cà non xanh, cà sống, cà muối xổi vì chúng có chứa chất solanin, một alcaloid độc với sức khỏe con người. Chỉ ăn cà già, cà đã qua chế biến, chất solanin đã được chuyển hóa và sản phẩm chuyển hóa của solanin lại chính là nhân tố tạo ra hormon có nhân steroid rất cần cho sự sống.

- Các loại cà bát, cà dái dê... nên chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng, rất tốt cho sức khỏe.

- Riêng cà muối vì có vị mặn, hàm lượng muối cao nên không thích hợp với những người bị tăng huyết áp, tim mạch, có bệnh về thận... Vì vậy những đối tượng này nên hạn chế ăn cà muối và khi ăn cà muối cần chú ý làm giảm lượng muối trong cà bằng cách ngâm trong nước trước khi ăn. Nhờ muối lâu nên chất solanin trong cà đã kết hợp với acid lactic trong quá trình lên men nên đã giảm độ độc.Bản thân các sản phẩm chuyển hóa của solanin là nhân tố tạo ra hormon có nhân steroid rất cần cho sự sống, nên "một quả cà sẽ lợi bằng 3 chén thuốc" với những người chán ăn và ngũ tạng hao tổn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Từ khóa » Cà Bát Xanh Có độc Không