1. Thế Nào Là ăn Uống Quân Bình âm Dương? | ĐÀM LINH THẤT

quan-binh-am-duong

1. Thế nào là ăn uống quân bình âm dương? 

1. Ăn uống là đưa những thực phẩm bên ngoài vào trong cơ thể và chúng được hấp thu nhằm nuôi dưỡng và duy trì sự sống. Thực phẩm như thuốc men, nếu lành mạnh, cơ thể sẽ khỏe mạnh, còn ngược lại, cơ thể yếu đuối và bệnh tật. Ăn uống quân bình âm dương là tiêu thụ thực phẩm đúng với quy luật trật tự của vũ trụ. Con người là một phần của thiên nhiên hay một yếu tố của vũ trụ, nói chính xác hơn là vũ trụ thu nhỏ nên con người và thiên nhiên nuôi dưỡng lẫn nhau. Thức ăn là cầu nối giữa con người và thiên nhiên. Nhìn vào thân thể, con người thấy thiên nhiên trong đó. Người sống ở nơi khí hậu lạnh (âm) nên sử dụng thức ăn có tính dương hơn và người ở nơi khí hậu nóng (dương) nên sử dụng thức ăn có tính âm hơn. Sự uyển chuyển trong ăn uống này là giúp cơ thể hòa hợp và quân bình với thiên nhiên. (1)

2. Việc tiêu thụ thực phẩm cần điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh bao gồm trật tự sinh thái, thời tiết và cơ địa từng người. Mùa đông lạnh hay trời mưa thì thực phẩm dương cần được sử dụng trong khi mùa hè nóng bức hay nhiệt độ gia tăng, thực phẩm âm cần được sử dụng. Thực đơn thay đổi thích ứng với đòi hỏi về cân bằng âm dương của cơ địa với sự tương tác của thiên nhiên bên ngoài. Cơ địa là thiên nhiên của chính con người. Nó không phải là thực thể riêng biệt mà liên tục chịu sự tác động qua lại với thiên nhiên.

3. Vũ trụ được cân bằng bởi hai sức mạnh đối nghịch nhau nhưng lại bổ sung cho nhau là cân bằng âm dương hay quân bình âm dương. (2) Phật Thích Ca nói đến mười hai nhân duyên nhưng không thể vượt ra khỏi tính cân bằng này. Nếu không quân bình âm dương, tức là âm quá hoặc dương quá, cơ thể sẽ bệnh tật, đất nước rơi vào khủng hoảng, chiến tranh tàn khốc hoặc thậm chí dẫn tới sự hủy diệt. Nhờ cân bằng mà sự sống duy trì và thay đổi, điều được nhắc đến trong nhân duyên, mọi pháp diễn ra đều do trùng trùng duyên khởi, tức là có nguyên nhân của nó. Khi các điều kiện hội đủ, một pháp sẽ biểu hiện và cũng khi các điều kiện hội đủ, một pháp sẽ không biểu hiện. Cơ thể cũng vậy, nó biểu hiện do hội đủ các điều kiện nhân duyên và các điều kiện này chịu sự chi phối của âm và dương, trong đó có tính quân bình âm dương hoặc tính mất quân bình âm dương.

4. Hoạt động của cơ thể nếu cân bằng âm dương sẽ rất tốt, trong đó có sự trợ giúp của việc ăn uống. Cơ thể có khuynh hướng axit khiến hoạt động tế bào suy giảm, các chức năng yếu, chất thải khó bài tiết, tăng hoạt động của gan và thận, suy giảm sức đề kháng và làm xuất hiện các bệnh mãn tính. Thức ăn mang tính axit như thịt, lòng đỏ trứng, thực phẩm tinh chế, thực phẩm công nghiệp. Trong khi đó, một số loại rau, củ, đậu, rong biển, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt có tính sinh kiềm, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

5. Ăn uống quân bình âm dương không chỉ là phương pháp phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe mà còn là một triết lý sống, ảnh hưởng trực tiếp đến thân và tâm của con người. Sự lựa chọn những loại thực phẩm có năng lượng âm hoặc dương thích hợp có tác dụng phát triển thân tâm, đặc biệt ứng dụng phù hợp với người hành thiền, người ăn chay và người muốn bảo vệ sức khỏe, theo đó họ ăn uống ngũ cốc và rau quả toàn phần không có sự hỗ trợ của hóa chất.

6. Trong năm loại ngũ dục, thực nói về ăn uống và nếu đúng cách, việc tiêu thụ mang lại sức khỏe và tu tập thăng tiến. Việt Nam là vùng có khí hậu nhiệt đới nên thực phẩm âm phát triển nhiều, là biểu hiện rõ ràng tính quân bình âm dương trong thiên nhiên nhưng do lạm dụng thực phẩm âm quá mức nên người dùng dễ sinh các bệnh âm liên quan đến lục phủ ngũ tạng. Vũ trụ là một thực thể thống nhất, con người cũng vậy nên con người cần biết cách điều tiết để bản thân tương thích với hoàn cảnh xung quanh. Bệnh tật về thân hay tâm đều do mất quân bình trong cách sống, hoạt động của thân và tâm, trong đó có cách ăn uống chưa phù hợp với tính quân bình của tự nhiên.

7. Mỗi loại thực phẩm đều có tính âm hoặc tính dương, trong đó, cá thịt, thực phẩm chứa nhiều khí huyết…là thức ăn dương tính (hoặc dương tính chiếm ưu thế), còn rau quả, thực phẩm chứa nhiều nước… là thức ăn âm tính (hoặc âm tính chiếm ưu thế). Việc ăn uống hằng ngày nếu đảm bảo sự quân bình âm dương sẽ mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, giúp phòng tránh các căn bệnh nan y. Đối với các vị ăn chay hay ăn chay trường, việc ăn chay thuần túy có thể dẫn tới béo phì hoặc ốm o gầy gò xanh xao do ăn uống không đúng cách, theo đó thức ăn có nhiều rau, cơm trắng, bánh ngọt, chè đa phần mang tính âm.

8. Những thức ăn dương tính (thịt, cá, thức ăn chứa khí huyết…) khi ăn đúng mức, con người sẽ khỏe mạnh, tráng khí, hoạt bát. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều sẽ dẫn đến nóng nảy, thô bạo, dâm đãng, tính khí thường đi theo hướng hung hăng. Giống ngư người Mông cổ xưa thường quan niệm, khi ăn thịt xu hướng người ta thường nóng tính hơn, gây táo bón, tắc nghẽn mạch máu. Tuy nhiên, nếu chỉ chuyên tâm vào ăn rau củ hoặc thức ăn âm tính, thì chỉ một thời gian ngắn là rất dễ lâm bệnh. Người ăn nhiều thức ăn âm tính thường có thiên hướng nhu nhược, e dè, tự ti mặc cảm. (3)

9. Cơ thể chỉ có thể phát triển khoẻ mạnh nếu đạt đến sự cân bằng. Chính vì lẽ đó mà khi ăn những món trong nhóm thực phẩm cực dương có thể sẽ đòi hỏi phải ăn thêm nhóm thực phẩm cực âm để cân bằng. Đó là lý do nhiều người theo chế độ ăn giảm cân (ăn nhóm thực phẩm cực dương nhiều) thì sẽ rất thèm trái cây. Nhóm thực phẩm dương gồm nhiều chất protein phức, đối nghịch với đường ở cực âm. Khi nhu cầu đó của cơ thể không được thoả mãn, buộc lòng cơ thể phải rút khoáng chất trong xương và nội tạng ra để đạt được cân bằng âm – dương hoặc cân bằng axit – kiềm theo quan điểm phương Tây. Khi lượng dự trữ cạn kiệt thì những bệnh thuộc dạng thoái hoá sẽ xuất hiện, cơ thể sẽ báo hiệu đau nhức, sưng, sốt cho biết nó đang có vấn đề.

10. Để biết một số thực phẩm nào đó là âm hay dương có thể xem xét dựa trên các yếu tố như: Cách thức thực phẩm phát triển bao gồm cả tốc độ và hướng; nơi thực phẩm sinh trưởng ở khí hậu phía Bắc hay miền Nam; hàm lượng kali và natri trong nó; tác động của thực phẩm trên cơ thể. Theo đó, thực phẩm tính âm có xu hướng trương nở, lạnh tẽo, nhiều nước và mềm. Còn thực phẩm có xu hướng co rút, ấm nóng, khô và cứng lại được xem là đặc điểm cơ bản của tính dương. Và nếu như đường trắng, sữa động vật, rượu bia, trái cây nhiệt đới… được xem là thực phẩm tiêu biểu thuộc nhóm cực âm thì muối, thịt, trứng là những thực phẩm tiêu biểu của nhóm cực dương. (4)

(1) Anh Minh Ngô Thành Nhân, Phương pháp thực dưỡng Ohsawa, NXB Đà Nẵng. (2) Đoàn Thanh Hương, Quy luật cân bằng âm dương, 29/8/2016, xem ngày 26/11/2016, http://sucmanhvothuc.com/News.aspx?id_tin=188&%C3%81nh_sang_tam_linh/QUY_LU%E1%BA%ACT_C%C3%82N_B%E1%BA%B0NG_%C3%82M_D%C6%AF%C6%A0NG (3) Bùi Văn Hùng, Thuyết âm dương trong thực phẩm, xem ngày: 20/1/2017, http://thegioianchay.com/kien-thuc-an-chay/thuyet-am-duong-trong-thuc-pham.html/ (4) Huyền Châu, Nguyên lý âm – dương trong ẩm thực, Món ngon Việt Nam, 12/6/2014, xem ngày: 20/1/2017, http://www.24h.com.vn/am-thuc/nguyen-ly-am-duong-trong-am-thuc-c460a636326.html

Chia sẻ:

  • In
  • Twitter
  • Thêm
  • Facebook
  • Pinterest
  • Reddit
  • Tumblr
  • LinkedIn
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Thức ăn Quân Bình âm Dương