10 Cách Dự Báo Nguy Cơ đột Quỵ

Các xét nghiệm và thử nghiệm sau đây có thể giúp bạn dự báo nguy cơ bị đột quỵ.

Nghe tim

Phương pháp nghe tim mạch mà các bác sĩ thường thực hiện sẽ xác định được các bất thường về van tim hoặc nhịp tim - các vấn đề có thể dẫn đến cục máu đông gây tắc mạch và hình thành đột quỵ.

May mắn là bệnh van tim và các bất thường về nhịp tim có thể dễ dàng phát hiện sớm trong quá trình khám sức khỏe định kỳ và điều trị hiệu quả.

Đo điện tâm đồ

Trong một số trường hợp, nếu bạn có tiếng tim bất thường, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm điện tâm đồ ECG hoặc siêu âm tim. Khi đo ECG, một dạng sóng do máy tính tạo ra sẽ được tạo ra tương ứng với nhịp tim của bạn. Nhịp tim bất thường hoặc nhịp tim không đều có thể khiến bạn có nguy cơ bị đột quỵ. Một trong những bất thường về nhịp tim phổ biến nhất là rung nhĩ, làm tăng sự hình thành các cục máu đông có thể di chuyển đến não gây ra đột quỵ.

 đột quỵĐiện tâm đồ có rung nhĩ chỉ ra nguy cơ đột quỵ tương lai.

Siêu âm tim

Siêu âm tim không được coi là một xét nghiệm sàng lọc, vì vậy ít phổ biến hơn các xét nghiệm khác trong danh sách các xét nghiệm đánh giá nguy cơ đột quỵ. Siêu âm tim được sử dụng để cho ra một đánh giá tổng thể của trái tim đang hoạt động.

Tăng huyết áp

Hơn 2/3 số người bị đột quỵ bị mắc bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể dẫn đến thương tổn các mạch máu ở tim, động mạch cảnh và các mạch máu trong não, tất cả đều có thể gây ra đột quỵ. Tăng huyết áp là một tình trạng bệnh lý có thể kiểm soát được bằng kiểm soát chế độ ăn uống, hạn chế muối, kiểm soát cân nặng, kiểm soát căng thẳng và dùng thuốc hạ huyết áp theo đơn.

Nghe động mạch cảnh

Bạn có một cặp động mạch khá lớn, được gọi là động mạch cảnh ở hai bên cổ. Các động mạch cảnh cung cấp máu đến não. Bệnh của các động mạch này dẫn đến sự hình thành các cục máu đông có thể di chuyển đến các mạch não. Những cục máu đông này gây ra đột quỵ bằng cách làm gián đoạn lưu lượng máu đến các động mạch não. Bác sĩ kiểm tra động mạch cảnh bằng ống nghe. Nếu có dấu hiệu gợi ý bệnh lý động mạch cảnh, bạn có thể cần siêu âm động mạch cảnh, đo độ dày trung nội mạc động mạch cảnh hoặc chụp động mạch cảnh, để đánh giá thêm tình trạng bệnh lý của động mạch cảnh.

Đôi khi, nếu bệnh nặng, người bệnh cần phẫu thuật động mạch cảnh để ngăn ngừa đột quỵ.

Nồng độ chất béo và cholesterol máu

Nồng độ cholesterol và chất béo trong máu được đo bằng một xét nghiệm máu đơn giản.  Nếu nồng độ triglyceride và cholesterol LDL trong máu cao cũng là nguy cơ đột quỵ. Quá nhiều chất béo và cholesterol có thể dẫn đến bệnh mạch máu và góp phần hình thành các cục máu đông, gây đột quỵ và cơn đau tim.

Tuy vậy, nồng độ chất béo và cholesterol máu có thể kiểm soát được thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc.

Chỉ số đường huyết

Những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn gấp 2-3 lần và khả năng bị đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn so với những người không mắc bệnh đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường là một bệnh có thể điều trị được, có thể được quản lý bằng chế độ ăn uống, thuốc men hoặc cả hai.

Bản đánh giá tự chăm sóc bản thân một cách độc lập

Đây là một “bài tự kiểm tra” dễ làm nhưng có giá trị nhất định, vì giúp xác định xem bạn có thể tự chăm sóc bản thân thường xuyên hay không, thực hiện được hay không. Nội dung đánh giá bao gồm khả năng thực hiện các công việc như mặc quần áo, đánh răng, tắm rửa, tự chăm sóc vệ sinh cá nhân và tự ăn uống... Nếu các khả năng này bị suy giảm là một yếu tố dự báo đột quỵ. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu nhận thấy bạn hoặc người thân của bạn đang dần mất khả năng tự chăm sóc bản thân một cách độc lập.

Không thể đi bộ tốc độ nhanh

Một nghiên cứu khoa học từ Đại học Y khoa Albert Einstein đã xem xét tốc độ đi bộ của 13.000 phụ nữ cho thấy những người có tốc độ đi bộ chậm nhất có nguy cơ đột quỵ cao hơn 67% so với những người có tốc độ đi bộ nhanh nhất. Tốc độ đi bộ liên quan đến một số yếu tố như sức mạnh cơ bắp, sự phối hợp của cơ thể, sự thăng bằng và chức năng tim, phổi. Do đó, nếu bạn chỉ có thể đi bộ chậm dù muốn tăng tốc, thì đây là một “báo động đỏ” về nguy cơ đột quỵ tiềm ẩn. Cụ thể tốc độ đi bộ được nghiên cứu xác định: Tốc độ đi bộ nhanh là 1,24 mét/giây, tốc độ đi bộ trung bình là 1,06-1,24 mét/giây và tốc độ đi bộ chậm là chậm hơn 1,06 mét/giây.

đột quỵĐứng một chân và nhắm mắt 20 giây là bài kiểm tra có thể phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ.

Đứng trên một chân không quá 20 giây

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản đã kết luận rằng, khả năng đứng thăng bằng một chân lâu hơn 20 giây là một chỉ số giúp xác định khả năng bị đột quỵ của một người. Nghiên cứu cho thấy những người trưởng thành không thể đứng trên một chân lâu hơn 20 giây thường có tiền sử đột quỵ im lặng. Đột quỵ im lặng là đột quỵ thường không gây ra các triệu chứng thần kinh rõ ràng, nhưng chúng có thể có các tác động nhẹ hoặc không gây chú ý như suy giảm khả năng thăng bằng, trí nhớ và khả năng tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng bị đột quỵ im lặng, điều này thường có nghĩa là bạn có nguy cơ bị đột quỵ và bạn nên bắt đầu hành động để giảm khả năng bị đột quỵ trong tương lai.

Từ khóa » Cách Dự đoán đột Quỵ