10 Con Vật Biết Nói
Có thể bạn quan tâm
Tinh tinh lùn biết khen khi ăn ngon, cá heo biết xưng tên hay voi biết tiếng Hàn Quốc là những điều các nhà khoa học đang chú tâm nghiên cứu để chứng minh động vật cũng có ngôn ngữ riêng.
1. Khỉ titi biết sử dụng trật tự gần giống câu nói
Các nhà khoa học gần đây đã giải mã được tiếng nói của loài khỉ titi, tên khoa học là Callicebus, và so sánh hình thức giao tiếp của loài linh trưởng nhỏ bé này với con người. Nghiên cứu mới nhất cho thấy những tiếng gọi báo động khi có kẻ săn mồi của khỉ titi là không giống nhau, tùy theo từng kẻ địch. Tiếng gọi còn có thể thông báo vị trí nơi kẻ săn mồi đang ẩn nấp, dưới mặt đất hay đang bay liệng trên trời.
Những tiếng kêu này phát ra theo một trật tự nhất định, gần giống với cấu trúc câu nói của con người. Tác giả bài nghiên cứu, bà Cristiane Casar và đồng nghiệp tại Đại học St. Andrews, Anh, ghi nhận đó là "lần đầu tiên một hệ thống tiếng gọi báo động có trật tự của một loài động vật không phải con người đạt được khả năng hàm chứa thông tin về cả vị trí và chủng loại của kẻ ăn thịt".
2. Cá heo biết gọi tên nhau
Cá heo đặt tên cho mình bằng một tiếng kêu huýt đặc trưng, trong đó bao gồm cả những thông tin như giới tính, độ tuổi, khả năng tiếp nhận giao phối và tình trạng sức khỏe. Chúng tự kêu tên mình khi cô đơn và cần bạn đời.
"Động vật biết bắt chước và tạo thành bản sao khi chúng bị tách xa khỏi đồng loại thân thiết. Điều này khiến chúng tôi tin rằng một con cá heo thường bắt chước tiếng kêu đặc trưng của một con khác khi muốn đoàn tụ với riêng con cá heo đó", nhà nghiên cứu Stephanie King thuộc đơn vị nghiên cứu động vật có vú dưới nước của Đại học St. Andrews, cho hay.
3. Khỉ đột gorilla có thể học ngôn ngữ ký hiệu
Khỉ đột trong tự nhiên có những cách giao tiếp riêng rất cụ thể, thông qua tiếng gọi, cử chỉ, vỗ tay và nhiều cách khác nữa. Trong môi trường nuôi nhốt, khỉ đột gorilla có thể được dạy cách giao tiếp với con người bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Một con khỉ đột tên là Koko, do tổ chức The Gorilla Foundation chăm sóc, được cho là có "vốn từ vựng bằng ngôn ngữ ký hiệu trên 1.000 từ, được sử dụng trong các câu nói và câu hỏi phức tạp". Phần lớn các ký hiệu này theo đúng tiêu chuẩn Ngôn ngữ ký hiệu Mỹ (ASL), nhưng có một số là cử chỉ tự nhiên (theo bản năng loài khỉ đột), một số do Koko tự nghĩ ra chứ không phải được dạy, và một số là ký hiệu ASL nhưng được Koko biến đổi nên được các nhà khoa học gọi là Ngôn ngữ kí hiệu khỉ đột (GSL).
4. Voi biết nói tiếng Hàn Quốc
Một con voi châu Á giống đực tên là Koshik có khả năng bắt chước tiếng nói của con người. Theo lời giáo sư Tecumseh Fitch và đồng nghiệp thuộc Đại học Vienna, Áo, vốn từ của Koshik cho đến thời điểm này gồm có năm từ: annyong (xin chào), anja (ngồi xuống), aniya (không), nuo (nằm xuống), và choah (tốt).
"Một số từ là những mệnh lệnh mà Koshik đã học để thực hiện theo, như "nằm xuống" và "ngồi xuống", còn một số từ là lời nhận xét của con người. Chúng tôi hoàn toàn tin rằng con voi hiểu được nghĩa của những từ nó nói", giáo sư Fitch phát biểu.
5. Tinh tinh biết diễn đạt ý của mình
Loài tinh tinh giao tiếp qua một tổ hợp những cử chỉ đầy biểu cảm, những cách phát âm và cả ngôn ngữ ký hiệu, tất cả được tận dụng để truyền đạt đúng thông điệp của chúng cho nhau. Các cử chỉ thường diễn ra theo trật tự, vì vậy, giống như tiếng gọi báo động của khỉ titi, chúng được đối chiếu với cấu trúc câu của người.
"Có rất nhiều sự trùng khớp giữa các cử chỉ của tinh tinh và của người", bà Mary Lee Abshire Jensvold, viện phó Viện giao tiếp giữa người và tinh tinh, Washington, Mỹ, cho biết. "Rất nhiều động tác quan sát được trong trò chơi của con người, như là đập tay, cù, xô đẩy, chặn ngang và đá chân, cũng có thể quan sát thấy trong trò chơi của tinh tinh. Khi bạn hình dung một trận đấu vật giữa hai người tức là bạn hình dung được ra cảnh hai con tinh tinh chơi đùa với nhau rồi".
6. Vẹt không chỉ biết nhại tiếng người
Những con vẹt không chỉ là những kẻ nhái giọng không biết suy nghĩ. Theo tiến sĩ nghiên cứu tập tính động vật Jonathan Balcombe, người nuôi vẹt có thể dạy cho vẹt biết nói bằng ngôn ngữ của người, và khi đó vẹt sẽ hiểu được ý nghĩa của những từ nhất định. Những chú vẹt đã được dạy nói có thể báo cho người chủ biết được món ăn ưa thích cũng như món ăn nào chúng thấy không ngon.
7. Đười ươi biết diễn kịch câm
Đười ươi có thể dùng cơ thể mình để diễn xuất theo những kịch bản với độ chi tiết đến khó tin. "Dĩ nhiên những gì loài đười ươi làm được không thể đem so sánh với Marcel Marceau (diễn viên kịch câm nổi tiếng người Pháp). Nhưng chắc chắn chúng có thể làm giả những điệu bộ cơ thể của mình, về bản chất đó chính là diễn kịch. Điều này mở ra một thế giới hết sức phong phú cho việc giao tiếp, mà chúng ta chưa từng tin là có thể thực hiện được", bà Anne Russon, giáo sư tâm lý học trường đại học Glendon, Canada, cho hay.
8. Cá voi lưng gù chia sẻ các điệu nhạc và bí quyết
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa giải mã được hết các giai điệu và tiếng gọi của cá voi, nhưng loại hình giao tiếp này có vẻ rất đầy đủ chi tiết. Người ta biết rằng cá voi có những âm thanh phân biệt dùng trong giao phối, kiếm ăn hay các hoạt động khác. Ngôn ngữ cơ thể cũng đóng vai trò quan trọng, Giáo sư sinh học Luke Rendell của Đại học St. Andrews nói về nghiên cứu của ông cùng đồng nghiệp về loài cá voi lưng gù ngoài khơi bờ biển New England, Mỹ.
"Nghiên cứu của chúng tôi thực sự cho thấy việc truyền tín hiệu trong cộng đồng cá voi lưng gù mang tính văn hóa rất cao và tầm quan trọng sống còn. Qua đó, chúng không chỉ học thuộc các giai điệu của nhau, mà còn học được cả cách thức kiếm ăn để chống lại những ảnh hưởng của biến đổi sinh thái", ông cho hay.
9. Sóc đồng cỏ có giọng nói riêng
Kimberley Pollard, một nhà nghiên cứu ở Khoa Sinh thái và Sinh học tiến hóa, UCLA, cùng đồng nghiệp Daniel Blumstein quan sát sóc đồng cỏ và các loài gặm nhấm khác. Họ phát hiện ra rằng mọi con sóc đồng cỏ đều có chất giọng riêng đặc trưng cho từng cá thể.
"Sự khác nhau trong giọng của loài gặm nhấm cũng giống với sự khác nhau của giọng người", bà Pollard giải thích. "Có những con có giọng cao, cũng có những con giọng trầm. Có những giọng dễ nghe hơn và những giọng gắt gao hơn. Từng con có thanh sắc riêng, cách nhấn giọng riêng. Mỗi tiếng kêu đều có một dấu ấn giọng nói đặc trưng của con vật".
10. Tinh tinh lùn bonobo thấy sao nói vậy
Loài bonobo thường hét to những gì chúng nghĩ về đồ ăn, đó là những tiếng cảm thán nghe tương tự như những tiếng của con người, như là "Yum!" hay "Ewww!". Giáo sư khoa tâm lý học trường Đại học St. Andrews Klaus Zuberbühler và đồng nghiệp Zanna Clay phát hiện ra điều này khi cho bonobo ăn thử các loại thức ăn khác nhau. Quả sung và nho khô nhận được nhiều lời tán thưởng "Yum!" từ các chú tinh tinh lùn, còn ớt chuông bị chê là "Ewww".
Các nhà khoa học cho rằng có thể có một loại cấu trúc tiếng kêu cơ bản của toàn thể các loài linh trưởng. Nếu vậy, việc nói chuyện với loài vật theo phong cách Dr. Doolittle (nhân vật trong series phim cùng tên) có thể cũng là một phần trong cấu trúc di truyền của chúng ta.
Từ khóa » Cá Có Biết Nói Không
-
Nguyên Nhân Loài Cá Không Thể Nói Chuyện - VnExpress
-
Vì Sao Cá Không Thể Nói Chuyện
-
Đây Là Cách Cá Nói Chuyện, Dù Chúng Không Có Thanh Quản - Genk
-
Vì Sao Cá Không Thể Nói Chuyện? - 24H
-
Đây Là Cách Cá Nói Chuyện, Dù Chúng Không Có Thanh Quản
-
Chính Tả: Vì Sao Cá Không Biết Nói?
-
Thế Giới động Vật: Cá Cũng Có Thể "nói Chuyện" Bằng âm Thanh
-
Cá Cũng Biết “nói Chuyện”
-
Đổ Xô đi Xem “cá Lạ Biết Nói Tiếng Người”
-
Kết Luận Một Câu Cho Vuông: 'Cá Biết Nói Chuyện Và Nói Chuyện Với ...
-
Cá Có Thể Nói Chuyện Với Nhau - Dân Việt