10 điều Bố Mẹ Cần Biết Về Bàn Chân Khoèo ở Trẻ - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Bàn chân khoèo là gì?
  • 2. Các bệnh lý có thể mắc kèm
  • 3. Dấu hiệu của bàn chân khoèo
  • 4. Nguyên nhân gây bàn chân khoèo ở trẻ
  • 5. Phân dạng chân khoèo
  • 6. Chẩn đoán bàn chân khoèo 
  • 7. Cách điều trị bàn chân khoèo 
  • 8. Phòng ngừa bàn chân khoèo ở trẻ 
  • 9. Những câu hỏi cần thiết khi gặp bác sĩ

Một ngày bạn đi khám thai được bác sĩ siêu âm thông báo bé có bàn chân khoèo. Đây là bệnh lý gì, có nguy hiểm không? Tại sao con bạn lại mắc phải tình trạng này? Có những dạng khoèo chân như thế nào? Bạn có thể làm gì cho bé trước và sau khi sinh không? Đó là những thắc mắc của rất nhiều bậc cha mẹ mà YouMed sẽ giải đáp qua bài viết sau đây!

1. Bàn chân khoèo là gì?

Bàn chân khoèo là một tình trạng bẩm sinh (có từ lúc mới sinh ra) khiến bàn chân của em bé bị vẹo vào trong hoặc ra ngoài. Biến dạng này thay đổi từ nhẹ đến nặng và có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bàn chân. Ở các em bé có bàn chân khoèo, các gân cơ nói từ cơ bắp chân đến gót chân rất ngắn. Chính các gân cơ bị kéo căng này làm cho bàn chân bị trật khỏi vị trí bình thường.

Bàn chân khoèo là một trong những khiếm khuyết bẩm sinh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Biến dạng tại bàn chân này gân ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động cũng như dáng đi sau này của trẻ.

Tỷ lệ xuất hiện tình trạng này là khoảng 1/1000 trẻ sinh ra tại Việt Nam và ảnh hưởng đến các bé trai nhiều hơn bé gái. Cụ thể, các bé trai có khả năng bị khoèo chân gấp đôi bé gái.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Các bệnh thường gặp ở trẻ, tải ngay ứng dụng YouMed.

2. Các bệnh lý có thể mắc kèm

Ít nước ối hay tư thế bất thường trong tử cung có liên quan đến bàn chân khoèo
Ít nước ối hay tư thế bất thường trong tử cung có liên quan đến bàn chân khoèo

Thông thường, em bé sinh ra với bàn chân khoèo đều khoẻ mạnh và không gặp thêm vấn đề sức khoẻ nào khác. Chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ trẻ sinh ra còn bị thêm các tình trạng nghiêm trọng khác như dị tật đốt sống chẻ đôi. Một số dị tật khác cũng được ghi nhận ở trẻ khoèo chân có thể kể đến như vẹo cổ, trật khớp háng, cứng đa khớp, sứt môi, hở hàm ếch.

Bạn cần biết rằng tình trạng khoèo chân không gây đau đớn cho trẻ. Đa phần biến dạng này có thể được sửa chửa khi con vẫn còn bé. Việc điều trị nên được bắt đầu từ một đến hai tuần sau sinh. Các phương pháp có thể thay đổi từ nắn chỉnh thủ công bàn chân trong một thời gian hoặc phẫu thuật chỉnh sửa bàn chân.

Tỷ lệ điều trị thành công bàn chân khoèo rất cao. Sau khi chỉnh sửa, con bạn có thể tham gia vào rất nhiều hoạt động thể chất và sống một cuộc sống bình thường. Các bé không được điều trị sẽ không thể đi lại một cách bình thường. Bàn chân các bé sẽ tiếp tục biến dạng.

3. Dấu hiệu của bàn chân khoèo

Triệu chứng của bàn chân khoèo có thể dễ dàng xác định bởi các bác sĩ nhi khoa. Biến dạng này có thể hơi khó phát hiện hơn khi tình trạng khoèo chân không nặng và nếu bạn lần đầu làm bố mẹ. Các dấu hiệu nhận biết bao gồm:

  • Một bàn chân gập vào trong và gập xuống, với các ngón chân hướng vào trong, về phía bàn chân còn lại
  • Bàn chân khoèo có thể nhỏ hơn bàn chân còn lại (có thể ngắn hơn đến khoảng 13 mm)
  • Gót chân của bàn chân khoèo có thể nhỏ hơn bình thường
  • Trong những trường hợp nặng, bàn chân có thể bị xoắn vặn từ trên xuống dưới.
  • Cơ bắp chân của chân khoèo sẽ hơi nhỏ hơn.
  • Khả năng vận động của bàn chân bị giới hạn.

4. Nguyên nhân gây bàn chân khoèo ở trẻ

Hiện nguyên nhân chính xác gây khoèo chân vẫn chưa rõ. Một số bằng chứng cho biết tình trạng này có liên quan đến yếu tố di truyền. Điều này có nghĩa là bất thường này có thể xuất hiện trong gia đình. Nếu bạn đã có một bé sinh ra bị bàn chân khoèo, nguy cơ em bé tiếp theo cũng bị bàn chân khoèo là khoảng 1/35 trẻ sinh sống. Ngoài ra, giới tính cũng có liên quan đến biến dạng chân này. 2/3 trẻ sinh ra với tình trạng này là trẻ trai.

Một số nghiên cứu khác cũng cho rằng khoèo chân thường xuất hiện ở các em bé có mẹ hút thuốc lá hoặc dùng chất kích thích khi mang thai. Điều này đặc biệt chính xác nếu đã có tiền sử dị dạng bàn chân khoèo trong gia đình.

Thêm vào đó, một số bằng chứng cũng gợi ý mối liên hệ giữa nước ối ít và bàn chân khoèo. Dịch ối là chất lỏng quanh em bé khi bé nằm trong tử cung mẹ. Ít nước ối làm cho màng ối bị co kéo, dây rốn và cơ tử cung có thể đè ép lên bàn chân.

Nếu bạn đang mang thai và có tiền sử gia đình có người bị biến dạng này, bạn có thể cần gặp chuyên gia tư vấn di truyền. Bác sĩ di truyền sẽ cho bạn biết thêm về khả năng bé có thể mắc phải biến dạng này. Nếu một trong hai bố hoặc mẹ đều bị dị tật, khả năng bé cũng có bàn chân khoèo là 1/30. Nếu có cả bố và mẹ đều bị dị tật, khả năng bé mắc phải là 1/3.

5. Phân dạng chân khoèo

Một số dạng bàn chân khoèo thường gặp
Một số dạng bàn chân khoèo thường gặp

Mức độ nặng hay nhẹ của khoèo chân phụ thuộc vào mức độ tổn thương của phần mô mềm, cũng như sự sắp xếp và biến đổi của xương cổ bàn chân.

Dựa vào hình dạng, chân khoèo có thể có các dạng sau :

  • Bàn chân cong
  • Gót bàn chân xoay ra ngoài
  • Gót bàn chân xoay vào trong
  • Bàn chân bị cứng trong tư thế gấp vào mu bàn chân
  • Bàn chân bị cứng trong tư thế gập vào lòng bàn chân

Mức độ khoèo chân sẽ quyết định đến kết quả điều trị. Nếu khoèo chân nhẹ, việc điều trị có thể gần như hoàn toàn.

6. Chẩn đoán bàn chân khoèo 

Trong đa số trường hợp, biến dạng này được chẩn đoán sau khi bé được sinh ra. Bác sĩ nhi khoa sẽ xác định tình trạng dị dạng khi quan sát hình dạng bàn chân bé. Sau khi thăm khám, đôi khi bác sĩ sẽ cho chụp thêm phim X quang bàn chân để chẩn đoán. 

Bàn chân khoèo cũng có thể được phát hiện khi bé còn trong bụng mẹ nhờ siêu âm. Siêu âm là một kỹ thuật dựng hình lại em bé nằm bên trong tử cung.

Mặc dù chân khoèo có thể được phát hiện khi bé còn trong tử cung, không thể can thiệp gì cho đến khi bé được sinh ra. Tuy nhiên, bạn có thể có nhiều thời gian hơn để lên kế hoạch điều trị cho bé trước khi sinh.

7. Cách điều trị bàn chân khoèo 

Bé có thể phải dùng một số loại giày đặc biệt để tái định hình bàn chân
Bé có thể phải dùng một số loại giày đặc biệt để tái định hình bàn chân

Lựa chọn điều trị tốt nhất cho phần lớn các bé là nắn chỉnh và tái định hình bàn chân. Có một vài kĩ thuật đáng tin cậy để nắn chỉnh điều trị khoèo chân. Kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất hiện nay có tên là Ponseti. Quá trình điều trị nên được bắt đầu sớm nhất khi có thể, thường làm trong vòng một tuần sau sinh. Đây là thời điểm tốt nhất và sớm nhất để điều chỉnh bàn chân. Trong những trường hợp khó, có thể cần phải phẫu thuật bàn chân.

Phương pháp Ponseti

Bác sĩ sẽ nắn chỉnh bàn chân về vị trí đúng và bó bột chân để cố định. Mỗi tuần bác sĩ sẽ tháo bột và nắn thêm bàn chân rồi bó bột trở lại. Việc này sẽ được thực hiện trong nhiều tháng cho đến khi bàn chân trở về vị trí bình thường. Vì biến dạng đã có sẵn từ trong bụng mẹ, phải nắn từ từ nhằm làm ngược lại biến dạng đã có từ giai đoạn phôi trong tử cung. Bố mẹ cần tuân thủ điều trị để tránh tái phát dị dạng.

Phẫu thuật

Nếu bàn chân khoèo nghiêm trọng, phẫu thuật thường là lựa chọn tốt nhất cho trẻ. Phẫu thuật viên (thường là bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình) sẽ kéo dài gân gót chân và có thể điều chỉnh trục các xương và khớp bàn chân. Sau khi phẫu thuật, em bé thường phải bó bột trong vài tháng. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu dùng thêm giày đặc biệt hoặc khung cố định khi tháo nạng. Trong một số trường hợp hiếm, khoèo chân không thể được chỉnh sửa hoàn toàn.

Nếu con bạn không được chữa trị, bé sẽ không thể đi lại một cách bình thường. Một số trường hợp vẫn có thể đi lại với bàn chân khoèo nhưng rất khó khăn.  Trẻ bị dị dạng này có xu hướng đi bằng cạnh bàn chân. Việc này sẽ làm chân bị chai cứng và đau mạn tính. Khi trẻ lớn hơn, khoèo chân sẽ làm con không thể sống năng động như người bình thường.

8. Phòng ngừa bàn chân khoèo ở trẻ 

Vì nguyên nhân gây ra bàn chân khoèo là không xác định được, việc dự phòng là không thể. Tuy nhiên, mẹ có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách không dùng bia rượu hay chất kích thích khi mang thai.

Ngoài ra, sau khi điều trị khoèo chân vẫn có thể tái phát. Điều này xảy ra đặc biệt nếu không tuân thủ chính xác điều trị của bác sĩ. Nếu bị tái phát, các giai đoạn điều trị có thể cần phải được lặp lại.

9. Những câu hỏi cần thiết khi gặp bác sĩ

bàn chân khoèo ở trẻ
Bàn chân khoèo ở trẻ

Trước khi bắt đầu quá trình chẩn đoán và điều trị, một số câu hỏi quan trọng bạn nên hỏi bác sĩ gồm: 

  • Nếu bạn có bàn chân khoèo, khả năng con bạn cũng bị dị dạng này là bao nhiêu?
  • Chế độ chăm sóc theo dõi cho con cần phải như thế nào ?
  • Liệu bé có thể hồi phục hoàn toàn về cấu trúc và chức năng bàn chân sau điều trị không ?
  • Sau này bé có chơi thể thao được không ?
  • Có tác dụng phụ dài hạn nào sau khi điều trị khoèo chân không ?

Bàn chân khoèo là một tình trạng xuất hiện ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ. Hiệu quả chỉnh sửa dị dạng khá tốt tuy nhiên vẫn có thể tái phát nếu không tuân thủ chính xác điều trị. Nếu trẻ không được chữa trị, có thể sẽ gây khó khăn trong đi lại và sinh hoạt khi trưởng thành. Nếu còn thắc mắc về tình trạng này, đừng quên để lại câu hỏi bên dưới cho YouMed bạn nhé!

Bác sĩ Hoàng Lê Trung Hiếu

Từ khóa » Hinh Anh Chan Khoeo