Bàn Chân Khoèo Bẩm Sinh: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu & Cách điều Trị

Bàn chân khoèo là một trong những dị tật bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. Khoèo chân bẩm sinh không gây đau đớn cho trẻ, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Hình ảnh dị tật bàn chân khoèo

Bàn chân khoèo là một trong những dị tật bẩm sinh rất thường gặp ở trẻ sơ sinh.

Khoèo chân bẩm sinh là gì?

Khoèo chân bẩm sinh là sự biến dạng của một hoặc cả hai bàn chân ngay từ lúc trẻ vừa lọt lòng. Khoèo chân bẩm sinh có 3 biến dạng điển hình, tương ứng với các bất thường của các xương và khớp bàn chân như sau:

  • Phần trước bàn chân bị khép
  • Gót và phần sau bàn chân vẹo trong
  • Bàn chân duỗi đổ kiểu bàn chân ngựa
  • Vòm gan chân lõm

Thông thường, bé sẽ bị khoèo ở cả hai chân. Trong trường hợp chỉ bị khoèo một bên, đa số sẽ ở chân phải.

> Xem thêm: 12 vấn đề cơ xương khớp thường gặp ở trẻ em

Nguyên nhân gây khoèo chân bẩm sinh ở trẻ sơ sinh

Hiện nay, nguyên nhân trẻ sơ sinh bị khoèo chân vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi. Nhiều nhà khoa học cho rằng, dị tật này là hậu quả của yếu tố di truyền và yếu tố môi trường lúc mẹ mang thai. Cụ thể:

Chân khoèo bẩm sinh do di truyền

Nhiều nghiên cứu cho thấy, khoèo chân bẩm sinh mối quan hệ với yếu tố di truyền. Loch Miller và cộng sự nghiên cứu trên 285 trẻ bị khoèo chân bẩm sinh và nhận thấy 24,4% trường hợp trẻ có tiền căn gia đình mắc bệnh khoèo chân bẩm sinh. 

Các yếu tố di truyền của bàn chân khoèo bẩm sinh có thể kể đến như: Bất thường về gen, bất thường về mô học, bất thường về mặt giải phẫu.

bàn chân khoèo là một bệnh lý di truyền

Nhiều nghiên cứu cho thấy bàn chân khoèo là một bệnh lý di truyền.

Chân khoèo bẩm sinh do thai kỳ bị ảnh hưởng 

Các nhà khoa cho rằng, nguyên nhân trẻ sơ sinh bị khoèo chân còn bao gồm cả yếu tố thai kỳ bị ảnh hưởng do:

  • Mẹ bầu hút thuốc lá và dùng chất kích thích khi mang thai. Theo đó, các chất chuyển hóa từ những chất trong thuốc lá gây ảnh hưởng đến bộ máy di truyền của trẻ, gây ra nhiều dị tật ở trẻ sơ sinh.
  • Mẹ bầu sống trong môi trường nhiều khói bụi như khói bụi công nghiệp, khói thuốc lá từ những người xung quanh.
  • Rượu bia cũng được cho là một yếu tố gây ra bàn chân khoèo bẩm sinh ở trẻ.
  • Mẹ bầu mắc các bệnh nền làm thay đổi quá trình chuyển hóa bình thường, đặc biệt đái tháo đường.
  • Mẹ bầu có quá ít nước ối khiến màng ối bị co kéo, cơ tử cung và dây rốn chèn lên bàn chân lâu ngày gây biến dạng chân khoèo.
  • Sự thay đổi nhiệt độ của môi trường gây ảnh hưởng phần nào đến thân nhiệt mẹ bầu và do đó, cũng được cho là một nguyên nhân gây khoèo chân ở trẻ.

hút thuốc, nguyên nhân bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh

Hút thuốc lá khi mang thai là một trong những nguyên nhân chính gây ra bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh.

Những yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh bàn chân khoèo ở trẻ

Từ những nguyên nhân có thể gây ra bàn chân khoèo, các nhà khoa học còn đưa ra danh sách các yếu tố nguy cơ gây ra dị tật này:

  • Tiền căn gia đình: Nếu bố mẹ hoặc anh chị của trẻ từng bị khoèo chân bẩm sinh, khả năng cao trẻ… cũng có bàn chân khoèo bẩm sinh.
  • Các tình trạng bẩm sinh: Trong vài trường hợp, bàn chân khoèo có thể xuất hiện cùng với các vấn đề cơ xương khớp bẩm sinh như: biến dạng xương, gai đôi cột sống.
  • Môi trường sống, mẹ bầu hút thuốc, uống rượu, dùng chất kích thích…
  • Mẹ bị thiểu ối…

Một số bệnh lý đi kèm khi trẻ bị bàn chân khoèo

Theo thống kê, có khoảng 20% trường hợp trẻ bị khoèo chân còn mắc một số bệnh lý đi kèm như: Cứng khớp ngọn chi, loạn dưỡng cơ bẩm sinh, thoát vị tủy – màng tủy, hội chứng dải sợi ối, các hội chứng liên quan đến gen như: Hội chứng Edward và hội chứng DiGeorge.

Dấu hiệu trẻ bị bàn chân khoèo bố mẹ nên biết

Bàn chân khoèo là một dị tật bẩm sinh ở trẻ dễ rất nhận diện. Bố mẹ có thể dễ dàng nhận ra dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh qua:

  • Phần trước và giữa của bàn chân khép và nghiêng vào trong
  • Bàn chân gập lòng rõ rệt
  • Mép ngoài bàn chân cong
  • Nếp lằn da sâu ở sau gót chân và phần giữa bàn chân
  • Không sờ thấy khoảng giữa mắt cá trong và xương ghe
  • Ngón chân cái ngắn
  • Cơ bắp chân teo nhỏ
  • Không thể kéo thẳng bàn chân, không thể đưa chân vào tư thế bình thường. 
  • Các dị tật kèm theo như: trật khớp háng, cứng khớp gối, trật khớp xương bánh chè, cứng khớp khuỷu, bàn tay khoèo

dấu hiệu Bàn chân khoèo

Bàn chân khoèo có thể xuất hiện đi kèm với các tình trạng bẩm sinh như biến dạng xương, gai đôi cột sống.

Một số dạng bàn chân khoèo thường gặp ở trẻ sơ sinh

Dựa vào hình dạng, bàn khoèo chân bẩm sinh được phân loại như sau:

  • Bàn chân thuổng (Talipes equinus)
  • Bàn chân đụng gót (Talipes calcaneus)
  • Vòm cao (Talipes cavus)
  • Bàn chân nghiêng trong (Talipes varus)
  • Bàn chân nghiêng ngoài (Talipes valgus)

Phương pháp chẩn đoán bàn chân khoèo bẩm sinh ở trẻ

Khi trẻ mới chào đời, dị tật khoèo chân bẩm sinh có thể được bác sĩ chẩn đoán dựa trên quan sát, thông thường qua 3 đặc điểm điển hình: bàn chân duỗi cổ, vẹo trong và khép. 

Bên cạnh đó, chụp X-quang sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán, xác định bệnh chân khoèo của trẻ chính xác.

  • Phim thẳng: Ở trẻ khoèo chân bẩm sinh, trục dọc của xương sên và xương gót song song hoặc có xu hướng song song nhau. Ở trẻ bình thường, hai trục này thường tạo góc 30 – 35º và mở ra trước.
  • Phim nghiêng: Bàn chân khoèo có trục dọc của xương sên và xương gót cũng gần song song nhau. Trong khi đó, hai trục này sẽ tạo góc 20º ở trẻ bình thường.

Điều trị dị tật bàn chân khoèo ở trẻ

Bàn chân khoèo là một dị tật bẩm sinh phổ biến ở trẻ, có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện kịp thời. Hiện nay, phương pháp điều trị tốt nhất chính là nắn chỉnh và định hình lại bàn chân của trẻ. 

Nổi bật nhất trong số này là phương pháp Ponseti, thường được thực hiện sau khi trẻ sinh ra khoảng 1 tuần. Ở những trường hợp phức tạp hoặc phát hiện muộn, trẻ có thể được phẫu thuật để đưa bàn chân trở lại hình dạng bình thường.

Phòng ngừa bàn chân khoèo cho trẻ

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được đâu là nguyên nhân chính xác gây ra tật khoèo chân bẩm sinh nên không có phương pháp nào có thể phòng ngừa hoàn toàn dị tật này. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn có thể lưu ý các vấn đề sau để giảm bớt nguy cơ khoèo chân ở trẻ:

  • Không hút thuốc hoặc hít khói thuốc lá
  • Không sử dụng cồn, các chất kích thích
  • Tránh sử dụng các thuốc chống chỉ định cho phụ nữ có thai

Phòng ngừa dị tật bàn chân khoèo

Các mẹ bầu cần lưu ý kỹ chế độ dinh dưỡng, tránh sử dụng thuốc lá, chất kích thích và hạn chế sống trong môi trường khói buổi để bảo vệ trẻ.

Khoèo chân bẩm sinh là dị tật ở trẻ sơ sinh khi mới chào đời. Theo đó, khoèo chân bẩm sinh nếu phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ dễ dàng, khả năng hồi phục cao, thậm chí không cần phẫu thuật. Do đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa sớm để được tư vấn nếu phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường ở chân sau sinh.

Nutrihome – Y học Vận động 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hall, Judith G. “Single Gene and Chromosomal Disorders.” In Cecil Textbook of Medicine , 22nd ed. Edited by Lee Goldman, et al. Philadelphia: Saunders, 2003, pp. 191–7.
  2. Hassold, Terry, and Stuart Schwartz. “Chromosome Disorders.” In Harrison’s Principles of Internal Medicine , 15th ed. Edited by Eugene Braunwald, et al., New York: McGraw Hill, 2001, pp. 396–403.
  3. Thompson, George H. “Talipes Equinovarus (Clubfoot).” In Nelson Textbook of Pediatrics , 17th ed. Edited by Richard E. Behrman, et al. Philadelphia: Saunders, 2003, pp. 2256–7
  4. Pavone, Vito, et al. “The etiology of idiopathic congenital talipes equinovarus: a systematic review.” Journal of orthopaedic surgery and research 13.1 (2018): 206.
  5. Lochmiller, CarolLynn, et al. “Genetic epidemiology study of idiopathic talipes equinovarus.” American journal of medical genetics 79.2 (1998): 90-96.
  6. Gurnett, Christina A., et al. “Asymmetric lower-limb malformations in individuals with homeobox PITX1 gene mutation.” The American Journal of Human Genetics 83.5 (2008): 616-622.
  7. Sharp, Linda, et al. “The C677T polymorphism in the methylenetetrahydrofolate reductase gene (MTHFR), maternal use of folic acid supplements, and risk of isolated clubfoot: A case-parent-triad analysis.” American journal of epidemiology 164.9 (2006): 852-861.
  8. Loren, Gregory J., Nancy C. Karpinski, and Scott J. Mubarak. “Clinical implications of clubfoot histopathology.” Journal of Pediatric Orthopaedics 18.6 (1998): 765-769.
  9. Shapiro, Frederic, and M. J. Glimcher. “Gross and histological abnormalities of the talus in congenital club foot.” JBJS 61.4 (1979): 522-530.
  10. Ionasescu, V., MAYNARD JA, and I. V. Ponseti. “The role of collagen in the pathogenesis of idiopathic clubfoot. Biochemical and electron microscopic correlations.” (1974).
  11. Ippolito, Ernesto. “Update on pathologic anatomy of clubfoot.” Journal of Pediatric Orthopaedics B 4.1 (1995): 17-24.
  12. Hootnick, David R., et al. “Congenital arterial malformations associated with clubfoot. A report of two cases.” Clinical Orthopaedics and Related Research 167 (1982): 160-163.
  13. Pavone, Vito, et al. “The etiology of idiopathic congenital talipes equinovarus: a systematic review.” Journal of orthopaedic surgery and research 13.1 (2018): 206.
  14. Barrie, Alasdair, and Matthew Varacallo. “Clubfoot.” StatPearls [Internet]. StatPearls Publishing, 2019.
  15. Parker, Samantha E., et al. “Multistate study of the epidemiology of clubfoot.” Birth Defects Research Part A: Clinical and Molecular Teratology 85.11 (2009): 897-904.
  16. Barker, Simon L., and Malcolm F. Macnicol. “Seasonal distribution of idiopathic congenital talipes equinovarus in Scotland.” Journal of Pediatric Orthopaedics B 11.2 (2002): 129-133.
  17. http://www.ninhthuan.gov.vn/chinhquyen/soyt/Pages/Australia.aspx
  18. http://nhidong.org.vn/chuyen-muc/ban-chan-khoeo-bam-sinh-va-ban-chan-ap-sinh-ly-phan-biet-va-huong-xu-tri-c57-722.aspx
  19. http://www.healthofchildren.com/C/Clubfoot.html#ixzz6gczNafS0
Đánh giá bài viết

Từ khóa » Hinh Anh Chan Khoeo