10 Loài Cá được ưa Thích Nhất Trong ẩm Thực Nhật Bản
Có thể bạn quan tâm
Nếu là một “tín đồ” ẩm thực Nhật Bản, chắc chắn du khách sẽ nhận ra rằng người dân nơi đây rất thích ăn cá. Người ta có thể chế biến cá thành nhiều món ăn đặc sắc như: Sushi, Sashimi, cá nướng,… Thưởng thức những món cá nổi tiếng ở “xứ Phù Tang”, du khách sẽ được đắm chìm trong nhiều cung bậc vị giác tinh tế và hảo hạng.
Người Nhật rất thích ăn cá. Đa số những người Nhật khi được phỏng vấn đều trả lời thích ăn cá nhất và ăn cá nhiều lần trong tuần. Dưới đây là 10 loại cá mà người Nhật ưa thích để chế biến thành nhiều món đặc sản:
1. Cá Nóc
Cá Nóc (Fugu) là một trong những sinh vật độc nhất trên thế giới khi sở hữu chất độc kinh hoàng có thể dễ dàng tước đoạt mạng người chỉ trong chốc lát. Nó chứa chất độc “Tetrodotoxin” – loại độc tố gây chết người cao gấp 1.200 lần so với chất độc xyanua và một con cá duy nhất có đủ chất độc để giết 30 người. Bởi thế, loài cá này từ lâu đã được nhiều quốc gia liệt vào danh sách đen tuyệt đối không được ăn. Tuy nhiên, bất ngờ là riêng tại Nhật Bản, cá Nóc lại được xem là một loại đặc sản đáng giá.
Hiện nay, trên thế giới có hơn 120 loài Cá Nóc, trong đó có khoảng 50 loài được tìm thấy ở Nhật Bản và chỉ có 22 loài có thể ăn được. Torafugu (Cá Nóc Hổ) được coi là phổ biến nhất, ngon nhất và cũng đắt tiền nhất.
Với miếng thịt cá vừa “độc”, vừa “đắt”, thực khách có thể yêu cầu chế biến theo sở thích, như: Sashimi Cá Nóc, Lẩu Chirinabe, Fugu Karaage (Cá Nóc chiên giòn – thịt Cá Nóc được tẩm bột và chiên trong dầu), Fugu No Hirezake (Phần vây của cá nóc được làm khô, nướng với lửa và thêm rượu nóng), Cháo Cá Nóc, túi tinh hoàn của Cá Nóc, cá Nóc ngâm rượu Sak,…
2. Cá Ayu
Cá Ayu hay có tên khác là “cá hương”, “cá ngọt” (Sweetfish), có tên khoa học là “Plecoglossus altivelis”, chúng là loài duy nhất thuộc giống Plecoglossus, họ Plecoglossidae. Đây là một trong những loại cá nước ngọt có giá trị nhất. Bởi có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau và hương vị ngon tuyệt, loại cá này chiếm một vị trí đặc biệt trong đời sống của người Nhật.
Ayu trông giống như các loại cá bình thường khác, có kích thước khoảng 2-3 ngón tay và dài không quá một bàn tay. Điểm đặc biệt của cá Ayu là chỉ sống trong những con sông sạch nhất ở Nhật Bản. Do được sống hoàn toàn trong môi trường nước không bị nhiễm bẩn nên cá Ayu này không chỉ sạch mà phần thịt còn rất thơm và ngọt.
Mặc dù Ayu là một trong những loại cá đắt tiền và được ưa chuộng số một tại Nhật Bản, nhưng cách thức chế biến món cá này lại vô cùng giản dị, chủ yếu chỉ đem nướng muối. Cá Ayu sẽ được xiên tre và nướng muối trên lửa than. Vị tinh khiết, thơm ngọt không pha lẫn tạp chất của thịt cá Ayu kết hợp cùng chút muối mằn mặn, cùng hương củi thanh thanh đã tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn.
Trong các nhà hàng, Cá Ayu cũng được chế biến thành nhiều món khác nhau như: Sashimi, Sushi,… tạo nên hương vị đa dạng hơn cho người thưởng thức.
3. Cá Hồi
Tại Nhật Bản, khi nói đến Cá Hồi là phải nhắc đến mùa thu. Cứ mỗi độ thu đến là từng đoàn cá Hồi mẹ sẽ cùng nhau bơi ngược dòng nước để lên thượng nguồn sinh sản. Sau cuộc hành trình lội ngược dòng và sản sinh ra thế hệ cá hồi tiếp theo thì những đàn cá hồi mẹ cũng đã kiệt sức. Tận dụng thời cơ này, người Nhật thường rủ nhau đi câu Cá Hồi. Một thú vui tao nhã của người dân nơi đây!
Cá Hồi thông thường có tỉ lệ mỡ chiếm khoảng 2-15% và Cá Hồi Keiji có lượng mỡ nhiều khoảng 20-30%. Những con Cá Hồi ngon là những con có thịt chắc, ngọt và mịn chứ không hề bị bở.
Cá Hồi là một trong các loại cá giàu axit béo Omega-3 mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: chống các dấu hiệu lão hóa, giảm mức cholesterol và huyết áp, kéo giảm nguy cơ bị đột quỵ, giúp giảm đau và cứng khớp gây ra bởi viêm khớp,…
Có thể nói, Cá Hồi được xem là nguyên liệu thực phẩm số một khi nhắc đến ẩm thực Nhật Bản. Và Sashimi Cá Hồi chính là món ăn nổi tiếng không thể không thưởng thức khi du khách đặt chân đến “xứ sở hoa anh đào”. Với những miếng fillet Cá Hồi lọc sạch da, Sashimi Cá Hồi sẽ có độ giòn dai, đậm đà và vị ngon ngọt tự nhiên. Một miếng Cá Hồi kèm với một chút gừng hồng, lá tía tô và chấm mù tạt, tất cả hòa quyện tạo nên hương vị ngon khó cưỡng đấy!
Ngoài Sashimi Cá Hồi, người Nhật còn chế biến Cá Hồi thành nhiều món khác nhau như: Cháo Cá Hồi, Cá Hồi hấp, Cá Hồi nướng, Salad Cá Hồi,…
4. Cá Ngừ vây xanh
Cá Ngừ vây xanh được tìm thấy chủ yếu ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ngoài ra chúng còn có thể sống ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Chúng có thể sống đến 40 năm và lặn ở độ sâu hơn 1.200m. Một con cá có cân nặng trung bình khoảng 150kg.
Trong ẩm thực “xứ Phù Tang”, Cá Ngừ vây xanh (Maguro) chính là một trong những đại diện tiêu biểu. Chúng xuất hiện trong hầu hết các món ăn đặc trưng như: Sushi, Sashimi…
Loài cá này được yêu thích bởi vì mọi bộ phận đều có thể tận dụng với nhiều kiểu chế biến hấp dẫn. Nếu đuôi và nắp mang cá thích hợp với kiểu Steak hay BBQ thì bụng cá chính là điểm nhấn ngọt tươi trong set Sashimi. Thậm chí phần xương còn được tận dụng lại để tạo thành một bữa Maguro Nakaochi, thưởng thức kiểu lóc thịt bằng vỏ sò.
5. Cá Ngừ vằn
Cá Ngừ vằn (Bonito hay còn gọi là Katsuo) được đánh bắt phổ biến ở các vùng như: Shizuoka, Miyazaki… Chúng gây ấn tượng ban đầu với phần thịt màu đỏ ửng cùng lớp da rất mỏng. Thịt loài cá này được đánh giá cao khi kết hợp cùng với nước tương, tỏi tươi, chanh và Wasabi rồi thưởng thức trực tiếp.
Tuy nhiên, với những ai không ăn được đồ sống thì vẫn còn món Bonito nướng cũng không kém phần đặc sắc. Thú vị là người ta còn sấy khô cá cho thật mềm mỏng để làm topping cho phần Takoyaki quen thuộc mà chúng ta hay ăn nữa đấy!
6. Cá trứng Shishamo
Shishamo là một từ tiếng Nhật để chỉ một loại cá nước mặn có kích thước nhỏ giống như cá con. Loài cá này luôn xuất hiện trong các siêu thị Nhật Bản với tình trạng “mang thai”, do chứa rất nhiều trứng trong bụng, vì vậy chúng được gọi là cá trứng.
Trông bề ngoài Shishamo không hấp dẫn lắm nhưng đây là loại cá được hơn 1/3 dân số nước Nhật yêu thích. Một phần vì chúng dễ tìm, giá rẻ và hương vị thơm ngon chẳng kém món cá đắt đỏ nào.
Cách chế biến quen thuộc của Shishamo là nướng than tạo độ giòn thơm. Khi ăn, người ta vắt thêm chanh, rắc muối trực tiếp lên cá và thưởng thức luôn cả xương. Thịt Shishamo mềm mại, thơm dịu hòa quyện cùng vị mặn chua của gia vị làm bữa ăn vô cùng phong phú.
7. Cá Thu
Một trong những loài cá được yêu thích ở Nhật Bản và có thể dễ dàng tìm kiếm ở các chợ thủy hải sản chính là Cá Saba (Cá Thu). Loài cá này còn biết đến với một cái tên khác là cá Thu Thái Bình Dương, Cá Thu lam hoặc Cá Thu bống, đôi khi còn gọi là “Cá Thu đầu cứng” hay “Cá Thu mắt bò”, nó có họ gần với cá thu Đại Tây Dương (Scomber scombrus) trong họ Cá Thu Ngừ (Scombridae).
Cá Saba có nhiều hàm lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho con người. Không chỉ ở Nhật Bản mà ở các quốc gia lân cận cũng rất ưa chuộng loại cá này điển hình như ở Việt Nam chúng ta.
Cá Saba được người Nhật tận dụng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Trong đó, món Battera, Sushi cá Thu, được xem là một đặc sản nổi tiếng ở Osakan. Những lát cá được thái mỏng, đều tay rồi ngâm dấm. Bên dưới là khối cơm nóng dẻo cùng với lát konbu (tảo biển). Sự hòa hợp tinh tế từ các thành phần mang đến cái ngọt tươi, mềm mọng vô cùng đưa đẩy vị giác.
8. Cá Cam
Cá Cam hay còn gọi là hoặc Buri, Amberjack, Yellowtail Kampachi, Hamachi (tên khoa học: Seriola quinqueradiata) là một loài cá biển trong họ Cá Khế, phân bố có phạm vi phân bố trong tự nhiên từ miền đông bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản đến quần đảo Hawaii, chủ yếu ở Nhật Bản, có cả ở quần đảo Hawaii và Baja California.
Loại cá này ăn những loài cá và trùng nhỏ nơi đại dương, chúng săn bắt, kiếm ăn suốt cả mùa hè để dành dụm chất dinh dưỡng cho mùa đông dài. Cá trông bề ngoài óng ánh và chắc nịch. Hương vị cá rất đặc biệt, tươi mỡ màng với từng thớ thịt săn với lớp mỡ ngậy li ti xen kẽ. Cá có vị ngon và nguồn dinh dưỡng nhiều. Ngoài lượng protein dồi dào, Cá Cam còn chứa nhiều vitamin A, vitamin nhóm B, beta-caroten và nhiều nhóm chất dinh dưỡng khác.
Nhờ vị ngọt tươi, thịt mềm mọng mà Cá Cam thường được dùng để làm Sashimi hoặc Sushi. Tuy nhiên, kiểu chế biến hấp dẫn nhất của chúng là hầm cùng tương, đường và các loại rau củ.
9. Cá Tráp biển
Trong tiếng Nhật, loại cá tráp biển này được gọi là “Tai”. Đây là một trong số các loài hải sản quý nhất ở “xứ Phù Tang”. Cá Tráp biển có vị rất thơm ngon, ngọt tự nhiên và có giá trị dinh dưỡng cao.
Nhờ vào giá trị dinh dưỡng cao và sự thơm ngon đến từ thịt cá mà loài cá này được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau. Nếu muốn thưởng thức trọn vẹn vị ngọt tươi của chúng thì du khách có thể ăn theo kiểu Sashimi.
Ở thành phố Kanazawa có một món ăn rất nổi tiếng có tên gọi là “Tai no Karamushi” (Cá Tráp biển hấp). Món ăn này được chế biến rất công phu. Bắt đầu, người ta rọc dọc theo mình con cá, nhồi vào đó một hỗn hợp gồm dược liệu trộn với cám gạo. Sau đó người ta mang cá đi hấp cách thủy. Đây là một trong những món ăn quan trọng thường xuất hiện tại lễ cưới của người dân địa phương Nhật Bản.
Ở vùng Ehime còn có món cơm nổi tiếng được làm từ Cá Tráp biển với tên gọi là “Taimeshi”. Tuy cách chế biến đơn giản, không cầu kỳ nhưng món này chiếm được nhiều ưu ái từ người dân bản địa cũng như khách du lịch nước ngoài.
Ngoài ra, Cá Tráp biển còn xuất hiện trong các món ăn nhằm để chúc mừng khi em bé sinh ra ở Nhật Bản được tròn 100 ngày tuổi. Trong ngày trọng đại này, Cá Tráp biển sẽ được ướp gia vị rồi nướng trên than lửa, với mong muốn khi em bé ăn món này sẽ được khỏe mạnh, mau ăn chóng lớn.
10. Cá Chình
Cá Chình (Anguilla japonica) sống ở cả vùng nước ngọt và nước mặn. Nơi sinh sản của chúng nằm ở phía Tây của quần đảo Mariana. Cá Chình lớn bơi hàng ngàn dặm từ các sông nước ngọt ở Đông Á đến nơi sinh sản này. Ấu trùng nở ra ở biển và được hải lưu Kuroshio đưa tới gần đất liền, nơi mà chúng ăn sinh vật phù du. Khi đủ lớn, chúng đi vào cửa các con sông và bơi ngược dòng và lớn lên. Đôi khi ban đêm chúng bò lên bờ và trườn trên đất. Chúng ăn các loại tôm, côn trùng và cá nhỏ.
Trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản, Cá Chình là một thực phẩm bổ dưỡng, có vị ngon và được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: Sushi, Sashimi,… Nhưng ngon nhất có lẽ là món “Unagi” (Cá Chình nướng).
Cá Chình sau khi được sơ chế sẽ lọc bỏ xương hoàn toàn và phi lê thành từng miếng vừa ăn. Với những cách dùng dao điêu luyện những lát cá trở nên đẹp mắt và hấp dẫn hơn. Sau đó, những miếng cá này sẽ được nướng sơ qua trên bếp than để giúp thịt cá săn chắc lại, tạo nên độ dai và thơm ngon hơn khi ướp gia vị. Tiếp theo, cá sẽ được tẩm ướp các loại gia vị đặc trưng của Nhật (Shoyu; Mirin – rượu Sake ngọt được làm từ mạch nha lên men, gạo và gạo nếp với đường; Mật ong; Dầu hào), các loại sốt ngọt Kikuman và một ít vừng rang thơm. Hoặc có thể rắc một ít Sansho (loại tiêu thơm Nhật Bản có dạng bột) lên cá. Cá tiếp tục được nướng trên bếp lửa cho đến khi dậy mùi thơm và miếng thịt chín là tạo nên được một món Unagi hấp dẫn.
Qua cách chế biến đặc biệt của người Nhật, thực khách sẽ cảm nhận được hương vị của món ăn này hòa quyện từ những gia vị đặc trưng tạo nên mùi thơm và độ hấp dẫn. Món ăn tạo nên một sự dai ngon, những miếng thịt sánh quyện và săn chắc mang đến cho người thưởng thức sự kích thích vị giác.
Có thể nói, hương vị và chất lượng của các loại cá ở Nhật Bản không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nếu du khách có cơ hội du lịch Nhật Bản thì hãy thử những món ăn được chế biến từ các loại cá quý giá này nhé!
Post Views: 3.969Từ khóa » Các Loại Cá ở Siêu Thị Nhật
-
10 Loại Cá được Tiêu Thụ Nhiều Nhất ở Nhật Bản - Suki Desu
-
Các Loại Cá Nhật Bản | Siêu Thị Nhật Bản | Lotus Group
-
CÁC LOẠI CÁ Ở SIÊU THỊ NHẬT VÀ... - Trung Tâm Tiếng Nhật Mina
-
CÁ, HẢI SẢN VIỆT NHẬT (CÓ HÌNH)
-
Các Loại Cá ở Nhật Sống ở Sông Và ở Biển Có Nhiều Dinh Dưỡng
-
Phần 1: Các Loại Cá Tuyệt Hảo Và Phước Lành Từ Vùng Vịnh | JR Times
-
CHỢ THUỶ HẢI SẢN VIỆT TẠI NHẬT - VIETMART
-
Từ Vựng Hải Sản Tiếng Nhật - Đầy đủ, Dễ Hiểu - TsukuViet
-
Ẩm Thực Hokkaido - Chuyên đề Cá | Tsunagu Japan
-
Hướng Dẫn đi Siêu Thị Tại Nhật Bản: Những Cụm Từ Bạn Cần Biết ...
-
Bạn đã Thử Bao Nhiêu Món Trong 16 Món ăn Ngon Mùa đông Nhật ...
-
Siêu Thị Nhật Bản – Một Số điều Bạn Nên Biết Khi Sống ở Nhật
-
Các Loài Cá ở Nhật Bản