10 Món ăn đậm Vị Dừa - CloudTour

1. Bánh xèo nước cốt dừa miền Tây Nam Bộ

Bánh xèo là loại bánh rất phổ biến ở Việt Nam. Bánh xèo có rất nhiều loại, tùy theo vùng miền mà cách chế biến có đôi phần khác biệt. Riêng bánh xèo miền Tây thì hay cho nước cốt dừa vào bột đổ bánh xèo để bánh thêm vị ngọt và độ béo. Để chế biến món này, điều quan trọng nhất là pha bột sao cho vừa, không lỏng, không đặc quá. Gạo thơm (loại gạo mới) đem ngâm rồi xay nhuyễn. Đổ nước cốt dừa và nước dừa tươi vào bột gạo vừa xay, pha loãng khuấy đều rồi bỏ thêm hành, là cắt nhỏ, bột nghệ, muối, đường, bột ngọt và trứng gà. Người chế biến món này phải tính toán khi pha sao cho các lượng gia vị vừa đủ, nhất là nước cốt dừa, để bánh vừa miệng ăn lại dễ gỡ, dễ lấy.

Bánh xèo hấp dẫn một phần nhờ nhân ngon. Thêm một ít nấm hương, nấm mèo, nấm rơm thịt heo, tôm, tép, thịt gà bằm nhuyễn và giá sống, củ sắn, bông điên điển… để làm phong phú thêm nhân bánh. Bánh được ăn kèm với các loại rau sống như xà lách, diếp cá, tần ô, húng cây, húng lủi, quế, cải bẹ xanh v.v... Và nước chấm cũng là thành phần không thể thiếu. Nó rất quan trọng để làm tăng thêm vị ngon của bánh. Bánh xèo với tên khác là bánh khoái ở Huế và cũng được làm tương tự như bánh xèo nhưng bánh nhỏ hơn, ít giòn và ít béo hơn bánh xèo Nam Bộ. Do văn hóa ẩm thực ăn sâu vào con người nơi đây, trong mỗi món ăn người miền Tây chế biến luôn có nước dừa hay nước cốt dừa. Đi du lịch nếu có ngang qua các hàng quán bánh xèo, nhớ thử vài cái để biết độ ngon của bánh xèo nước cốt dừa Nam Bộ.

2. Tương kho dừa

Thỉnh thoảng người dân miền Tây cũng ăn món này để “đổi vị”. Món này phù hợp cho cả người ăn chay và ăn mặn. Việc chế biến món này khá là đơn giản. Tương hột cho vừa đủ ăn, cho thêm nước cốt dừa vào và đun nhỏ lửa. Khi tương có độ sánh là có thể tắt bếp. Tùy theo khẩu vị mà nêm gia vị cho vừa ăn. Có thể cho thêm khổ qua, đậu hủ hay đậu bún vào rồi kho chung, ăn cũng rất ngon. Người miền Tây thường  ăn món này với cơm trắng kèm rau sống trong vườn. Bữa cơm không cầu kì, đơn giản với tương kho dừa nhưng ăn rất ngon miệng. Qua những món ăn này cho thấy sự quan trọng của nước cốt dừa và nước dừa trong việc chế biến món ăn ở miền Tây. Có thể nói, các món ăn được chế biến đa dạng và phong phú từ dừa chỉ có ở miền Tây.

3. Cơm dừa

Món cơm dừa làm khá công phu nên ngày nay chỉ có những nhà hàng lớn mới phục vụ. Du khách du lịch muốn thử món này phải đặt trước mới có. Quả dừa được chọn phải ngon, tươi, gọt sạch vỏ, giữ lại gáo và đế dừa phải được cắt bằng để khi nấu dừa không bị ngã đổ. Dùng dao bén cắt phần trên gáo cho khéo, để dùng làm nắp đậy. Đổ hết nước dừa ra tô. Đem gạo ngâm nước và vò sạch, đổ ra rổ để ráo. Sau đó, cho gạo vào trái dừa, đổ nước dừa vào xâm xấp mặt gạo, đậy nắp lại. Nhớ là đảm bảo gạo, nước vừa đủ để gạo chín đều mà không bị nhão hoặc khô. Cuối cùng là công đoạn cho dừa vào xửng hấp khoảng một tiếng là chín. Cơm dừa nên để trong xửng khi ăn, ăn tới đâu lấy tới đó để giữ được vị thơm ngon của cơm. Nếu đem dừa ra sớm thì dừa sẽ nguội và sậm màu. Món này nếu kèm với món tép rang nước cốt dừa thì đúng là “song kiếm hợp bích”. Món cơm dừa cho ta thấy người miền Tây đã rất biết cách “tận dụng” trái dừa và các nguyên liệu từ dừa vào việc chế biến nên những món ăn ngon.

4. Thịt heo kho dừa

Nó có tên là thịt kho tàu khi được người miền Trung hay miền Bắc chế biến. Thịt kho nước dừa là món ăn ngon ở miền Tây, nhất là ở Bến Tre. Nơi nào cũng có thể chế biến món ăn này ngon nhưng chỉ có Bến Tre thì món ăn này mới đậm đà và khác biệt. Sau khi ướp thịt thì nguyên liệu chủ yếu để nấu là nước dừa, mà nước dừa ở Bến Tre thì phải nói là tuyệt hảo. Chọn nước dừa để nấu phải chọn đúng loại dừa xiêm có thể uống được (tránh hái dừa quá non). Nó có vị thanh ngọt nên khi nấu với thịt thì tỏa lên mùi thơm khó tả, đặc trưng. Lửa phải để nhỏ và đun lâu cho nước dừa thấm vào từng thớ thịt. Có thể cho thêm hột vịt lụt để làm phong phú thêm món ăn. Khi nước dừa đặc lại thì màu ánh lên rất đẹp và dậy mùi hấp dẫn. Đến miền Tây, đặc biệt là vùng Bến Tre mà được thết đãi món thịt kho dừa thì quả là khách quý.

5. Bánh tằm bì

Món bánh này khá lạ với người miền Trung, miền Bắc nhưng lại là món ăn phổ biến, chân phương ở miền Tây. Món bánh này gồm sợi bánh tằm to mềm, bì cắt nhuyễn, thịt heo xào và rau sống. Cho thêm nước cốt dừa béo ngậy bên trên khi ăn. Sợi bánh tằm bì muốn ngon, bột làm bánh phải là bột chế biến từ gạo ngon, được ngâm qua đêm rồi đem xay với nước muối pha loãng. Sau đó ngâm bột gạo hai đêm nữa. Nước cốt dừa ngọt, thơm, béo là không thể thiếu trong món ăn này, mặc dù nguyên liệu chính để làm nó là những sợi bánh tằm mềm và dai. Bánh tằm bì lạ miệng là vì có nước cốt dừa. Những người mới lần đầu ăn có thể không quen với món ăn gồm thịt, bì, nước mắm tỏi ớt lại được tưới nước cốt dừa lên trên. Tuy nhiên, khi ăn rồi thì lại muốn ăn nữa cũng chính vì “sự lạ” đó.

6. Lẩu gà lá trúc nước cốt dừa

Lá trúc ở đây không phải là loại lá thuộc họ tre, trúc như ta hiểu thông thường mà đây là một loại cây mọc ở rừng núi vùng đất An Giang. Nó là một loài cây thuộc chi cam chanh, được người dân địa phương gọi là cây trúc. Một số nơi gọi là cây chanh Thái hay cây chấp. Cây trúc được trồng nhiều ở vùng Bảy Núi, An Giang, có khi cây tự mọc hoang mà không trồng. Sau này, người dân biết tận dụng những chiếc lá trúc quý hiếm để chế biến món ăn và dại diện như là món lẩu gà hấp lá trúc. 

Lẩu gà hấp lá trúc là đặc sản nổi tiếng của An Giang có hương vị thơm nồng và the the vô cùng độc đáo. Gà được nấu với nước cốt dừa, lá trúc cho thêm vị đậm đà của món ăn. Mùi thơm của gà hòa chung với mùi nước dừa và phảng phất mùi lá trúc làm nên hương vị khó lẫn với các món ăn khác. Ăn món lẩu gà này, thực khách cảm nhận được vị ngọt của gà thả vườn, béo ngọt của nước cốt dừa và vị chua the của lá trúc. Tất cả các vị này tạo nên một mùi vị độc đáo, thơm phưng phức. Thực khách dùng kèm với bún, cù nèo, bông bí, bông súng hoặc so đũa để ăn món này. Món lẩu gà lá trúc nước cốt dừa ngon cũng một phần nhờ có thêm vị nước cốt dừa béo ngậy. Có thể nói đây là một món ăn vô cùng sáng tạo, mới lạ của người dân miền Tây khi biết tận dụng những “ưu thế” của nước cốt dừa. Đến vùng đất An Giang bạn đọc nên tìm món lẩu này để thử.

7. Bánh canh cá lóc nước dừa miền Tây

Cá lóc có rất nhiều ở miền Tây, và một món ăn đi kèm với cá lóc là món bánh canh. Món ăn này khác với những loại bánh canh khác là sợi bánh cũng được làm từ bột gạo nhưng đặc biệt bột không xay bằng máy mà được giã bằng tay và không dùng máy để se, bánh được cắt thành sợi tròn dài. Vì thế, sợi bánh nhìn ngắn và tròn, hai đầu nhọn hơn (nhìn giống bánh lọt). Do vậy, làm món bánh này mất rất nhiều thời gian, việc giã bột lại công phu nhưng thay vào đó sợi bánh ăn rất ngon và vị rất lạ. Sợi bánh hơi dày hơn so với những sợi bánh khác, bột mềm nhưng vẫn dai.

Bánh canh cá lóc xuất phát từ miền Trung nhưng khi vào đến miền Tây thì người dân Nam Bộ đã thay đổi một chút gia vị để hợp với khẩu vị của người miền Tây. Có thể cho một chút nước dừa vào để làm tô bánh canh thêm hoàn hảo. Với nhiều thực khách, chỉ cần thử thưởng thức món ăn này một lần sẽ không bao giờ quên được hương vị thơm ngon của cá đồng với vị bùi, dai của bột gạo và ngậy lên vị béo của dừa. Món ăn có thêm dừa sẽ ngon và hấp dẫn hơn. Nhiều du khách thưởng thức món ăn này đã không ngớt lời khen tặng.

8. Bánh canh tôm nước cốt dừa

Miền Tây có rất nhiều dừa, đặc biệt ở Bến Tre. Chính vì thế mà hầu hết các món ăn đều được người dân biến tấu và nấu chung với dừa như nước dừa, nước cốt dừa, cơm dừa… Món bánh canh tôm nước cốt dừa là một món ăn ngon được chế biến từ dừa như thế. Thành phần chính của nó là sợi bánh, thịt tôm hòa với nước cốt dừa. Tôm phải là loại tôm tươi chắc thịt, bỏ vỏ và chỉ đen, dùng dao đập dẹp. Sau đó cho tôm vào chảo dầu nóng cùng với ít gia vị, đảo đều đến khi tôm vừa chín có màu cam sáng thì tắt bếp. Tiếp tục cho sợi bánh làm từ bột gạo vào đun sôi, khi gần chín cho phần tôm đã làm lúc nãy vào, thêm nước cốt dừa và nêm gia vị cho vừa ăn là xong.

Tô bánh canh tôm nước cốt dừa hoàn chỉnh có màu trắng của sợi bánh canh, màu trắng mờ và sệt của nước dùng, màu hồng của tôm làm bật lên một chút sắc xanh của hành lá. Có thể rắc thêm chút tiêu để dậy lên mùi vị của món ăn. Món bánh canh này khi ăn có vị béo của nước cốt dừa, dai của bột và đậm đà của tôm. Sau này, người ta chế biến thêm nấm rơm hay thịt heo vào trong đó cho thêm phần mới và phong phú. 

9. Bánh da miền Tây

Bánh da miền Tây hay còn gọi là bánh lá mơ, một loại bánh rất quen thuộc khi nhắc đến nó với người miền Tây. Bánh này có nhiều ở hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Bánh được làm từ lá mơ xay nhuyễn, vắt lấy nước rồi trộn chung với bột gạo và nhồi lên. Người miền Tây thường ăn kèm bánh da với chuối hấp, bánh chuối nếp, bánh bèo nhân đậu xanh, bánh khoai mì. Muốn món bánh da ngon, khi ăn người ta thường cho nước cốt dừa vào để có độ ngọt và béo. Bánh da được xé nhỏ, tưới nước cốt dừa lên trên, rắc thêm mè vàng là có dĩa bánh da ngon. Vị bùi của mè rang, béo của nước cốt dừa hòa cùng từng sợi bánh da mềm sẽ làm cho món ăn trở nên ngon tuyệt. 

10. Cá bống kho dừa, tép rang dừa

Cá bống kho dừa là món ăn ngon dân dã, thường có trong các bữa cơm của người miền Tây. Cá bống phải còn tươi, được làm sạch, cạo vảy và cho vào nồi. Uớp đầy đủ gia vị và cho nước cốt dừa vào xâm xấp, để lửa nhỏ. Nước cốt dừa từ từ thấm dần vào trong từng thớ thịt cá bống, đặc lại và sực nức mùi thơm. Người miền Tây thường ăn cơm cá bống kho dừa với rau cải trời luộc và rau ngót nấu canh. Có thể khách sẽ được đãi một bữa cơm đạm bạc với cá bống kho dừa như thế khi về miền Tây. Đơn giản mà rất ngon, rất hấp dẫn!

Ngoài ra, ở miền Tây còn có món tép rang dừa khá phổ biến. Món này thường gặp trong bữa ăn của người dân ở vùng đất Bến Tre. Nó đậm vị ngon, béo là nhờ nước cốt dừa khi chế biến. Cơm trắng còn nóng ăn kèm với tép rang dừa thì quả là tuyệt vời hết chỗ nói, khách có thể ăn mà không biết ngán. Nếu một lần đặt chân đến xứ sở nước dừa bạn cũng nên thử qua các món như củ hũ dừa hầm giò heo, gỏi củ hũ dừa, ốc xào dừa v.v.. cũng được nấu và chế biến từ dừa rất thơm ngon và hấp dẫn.

Từ khóa » Các Món ăn Làm Từ Nước Dừa