10 Năm Dưới Thời Kim Jong Un: Sự Tàn Bạo, Vũ Khí Hạt Nhân Và Tình ...

Nhân viên của DIỄN ĐÀN

Mười năm sau khi lên nắm quyền ở Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un vẫn đặt niềm tin lạc quan vào kho vũ khí hạt nhân của mình và khao khát sự công nhận của quốc tế trong khi người dân Triều Tiên tiếp tục là nạn nhân của sự đàn áp, tình trạng cô lập và nạn đói.

Các nhà phân tích về Bắc Triều Tiên cho biết điều mà ông Kim, trong ảnh, mong muốn tột bậc chính là được quốc tế công nhận là một cường quốc hạt nhân. Ước vọng này có thể là ảo tưởng đau xót nhất cho người dân Triều Tiên, những người ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài và phải vật lộn với một nền kinh tế bị vắt kiệt bởi đường lối cai trị lệch lạc của chính phủ và những lệnh trừng phạt vô cùng nghiêm khắc của Liên Hợp Quốc.

Theo một bài báo trên Agence France-Presse, Soo Kim làm việc cho Rand Corp. nhận định: “Ông ta không nuôi được người dân của mình, nhưng ông ta có thể duy trì sức sống về mặt chính trị cho chế độ của mình” bằng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. “Và đối với Kim thì điều này quan trọng hơn.”

Một phương thức mà Kim luôn dùng đến trong kho sách lược đã tồn tại qua một thập kỷ của mình, kể từ khi cha đồng thời là người tiền nhiệm là ông Kim Jong Il, qua đời vào ngày 17 tháng 12 năm 2011, chính là việc sử dụng vũ lực thô bạo để củng cố quyền lực. Vào tháng 12 năm 2013, Kim đã xử tử chú vợ của mình, Jang Song Thaek, vì bị cáo buộc về tội phản quốc. Ông Jang, một vị tướng với quân hàm bốn sao, là phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc gia và là người có quyền lực chỉ sau Kim.

Các nhà phân tích tin rằng anh trai cùng cha khác mẹ của Kim cũng đã trở thành nạn nhân của tính khí tàn bạo của nhà cầm quyền. Kim Jong Nam đã bị ám sát vào ngày 13 tháng 2 năm 2017, sau khi bị đầu độc bằng một loại chất độc thần kinh tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur ở Malaysia. Bốn nghi phạm người Triều Tiên đã trở về Bình Nhưỡng sau vụ tấn công, và nhiều người cho rằng Kim Jong Un đã chỉ đạo vụ giết người.

Các nhà phân tích nói rằng hai người đàn ông này nằm trong số hàng trăm người bị Kim ra lệnh hành quyết kể từ khi lên nắm quyền. Vào năm 2016, Viện Chiến lược An ninh Quốc gia, một tổ chức nghiên cứu của Hàn Quốc, đã công bố một báo cáo nói rằng Kim đã chỉ đạo 340 vụ giết người trong 5 năm đầu cai trị.

Trong bảy năm qua, ông ta đã bắt tay thực hiện một công cuộc phát triển vũ khí hạt nhân kéo dài. Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng vào ngày 31 tháng 3 năm 2013, Kim đã công bố bản tuyên ngôn Chiến lược Byungjin, trong đó nêu rõ phát triển hạt nhân là sáng kiến chủ đạo của quốc gia nhằm đảm vệ an ninh quốc phòng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Đó là một con đường góp phần vào tình trạng cô lập của Bắc Triều Tiên. Theo The Associated Press (AP) đưa tin, bốn trong số sáu vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên và cả ba vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa đã diễn ra dưới thời cai trị của Kim. Trong năm 2017, Kim tuyên bố có tên lửa hạt nhân có thể vươn tới phần đất liền của Hoa Kỳ.

Mặc dù Kim đã tham gia vào những trao đổi dường như là đường lối ngoại giao hạt nhân đầy tham vọng với Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Donald Trump vào năm 2018 và 2019, nhưng ông này đã không chịu từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình bất chấp những lời kêu gọi của quốc tế về việc dỡ bỏ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

“Vũ khí hạt nhân đã nâng đáng kể vị thế ngoại giao của Kim ở nước ngoài. Trong nước, những loại vũ khí này cũng đóng vai trò là một công cụ tuyên truyền tuyệt vời để củng cố tính chính danh của chính phủ và hình ảnh rằng nhà lãnh đạo tối cao đang nỗ lực để xây dựng một cường quốc năng lượng hạt nhân không gì cản nổi”, ông Kim Taewoo, trước đây là người đứng đầu Viện Hàn Quốc về Thống nhất Quốc gia của Seoul cho biết, theo AP đưa tin.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua chín nghị quyết trừng phạt chính đối với Bắc Triều Tiên để đáp trả các hoạt động hạt nhân và tên lửa của nước này từ năm 2006. Mỗi nghị quyết đều lên án hoạt động hạt nhân và tên lửa đạn đạo mới nhất của Bắc Triều Tiên và kêu gọi nước này ngừng hoạt động bất hợp pháp của mình. Đây là những hoạt động vi phạm các nghị quyết trước của Hội đồng Bảo an.

Bản tính của Kim trong đại dịch COVID-19 đã càng đặt quốc gia của ông ta vào thế cô lập. Để chặn vi-rút lây lan vào Triều Tiên, Kim đã áp đặt lệnh phong tỏa biên giới — ngay cả với đối tác thương mại lớn nhất của mình là Trung Quốc. Các lệnh phong tỏa “đã càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực, nguồn vật tư và tiền mặt, làm tổn hại đến những người yếu thế nhất của đất nước khi họ thu xếp để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới”, tờ The Washington Post đưa tin vào ngày 5 tháng 12 năm 2021.

Ngay cả cơ quan trừng phạt Bắc Triều Tiên cũng muốn các điều kiện bên trong đất nước này được cải thiện. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc Tomás Ojea Quintana đã viết trong một báo cáo vào tháng 10 năm 2021 rằng Bắc Triều Tiên nên dần dần mở cửa nền kinh tế với thế giới bên ngoài. “Khả năng tiếp cận thực phẩm của người dân là một mối lo ngại nghiêm trọng, trẻ em và người già yếu thế nhất có nguy cơ bị chết đói”, ông viết.

HÌNH ẢNH: AFP/GETTY IMAGES

Từ khóa » đất Nước Triều Tiên 2021