10 Tài Khoản Cần Kiểm Tra để Hoàn Thiện BÁO CÁO TÀI CHÍNH Chính ...

Khi lên xong BCTC, vẫn phải kiểm tra lại để chắc chắn báo cáo tài chính của bạn đã đúng và đủ các khoản mục, tránh những sai sót không đáng có. Trên thực tế rất nhiều bạn kế toán do thiếu kinh nghiệm, kiến thức hoặc do lỗi chủ quan không kiểm tra lại BCTC trước khi nộp, điều đó dẫn tới BCTC chứa rất nhiều lỗi sai sót cơ bản mà sau đó bạn phải mất nhiều thời gian để điều chỉnh (và rất nhiều rắc rối khác). Bạn thường kiểm tra như thế nào? Những đầu việc kiểm tra cơ bản trước khi nộp BCTC? Hãy đọc 10 bước kiểm tra BCTC dưới đây.

 1. Kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi ngân hàng

  • Sau khi nhập hết các bút toán trên sổ phụ ngân hàng. Các bạn cần phải so sánh số dư trên sổ cái TK 112 với số dư tại ngày 31/12 trên sổ phụ ngân hàng. Nếu có sự sai lệch, cần phải dò lại toàn bộ các bút toán hạch toán với số trên sổ phụ đề tìm ra nguyên nhân.
  • Trường hợp chưa tìm ra nguyên nhân, theo quy định của chế độ kế toán Việt Nam, bạn cần phải tực hiện bút toán điều chỉnh về số của ngân hàng thông qua tài khoản (1381, 3381)

 2. Kiểm tra số dư công nợ phải thu, phải trả

Sau khi lên được bảng tổng hợp công nợ phải thu (131), công nợ phải trả (331). Các bạn cần phải gửi email hoặc gọi điện cho tất cả các khách hàng/Nhà cung cấp để xin xác nhận số dư công nợ với họ, để đảm bảo rằng việc ghi nhận công nợ của mình đúng. Một lưu ý là đối với những khách hàng/nhà cung cấp trên sổ của mình đang theo dõi có số dư bằng 0 thì vẫn phải xin xác nhận. Vì có thể bên phía kia, họ theo dõi ra 1 số khác. Ngoài ra, việc theo dõi các khoản công nợ cần phải được phân loại thành ngắn hạn hay dài hạn để lên bảng cân đối kế toán cho đúng. Sau khi xin xác nhận, các bạn đối chiếu. Nếu có lệch thì phải tìm nguyên nhân để điều chỉnh cho phù hợp. Lưu ý: Trên bảng tổng hợp công nợ, sẽ có cả số dư bên nợ và bên có. Vậy, khi đó số liệu được lên như sau:

+ Dư nợ TK 131: Đưa lên chỉ tiêu Phải thu khách hàng + Dư có TK 131: Đưa lên chỉ tiêu Khách hàng trả tiền trước + Dư Nợ TK 331: Trả trước cho người bán + Dư có TK 331: Phải trả người bán.

Rất nhiều bạn đang thực hiện cấn trừ số dư nợ với số dư có của các tài khoản trên dẫn tới chỉ tiêu trên báo cáo tài chính bị sai bản chất. Một lỗi sai nữa của kế toán là không phân loại công nợ phải thu ngắn hạn, dài hạn dựa vào thời gian thu hồi công nợ khi lên Bảng cân đối kế toán. Bạn nên lưu ý điều này! Trong trường hợp bạn còn băn khoăn, nên tìm sự tư vấn từ chuyên gia hoặc các đơn vị tư vấn dịch vụ làm kiểm toán báo cáo tài chính.

3. Kiểm tra số dư tài khoản 133

Thông thường, số dư của tài khoản 133 sẽ khớp với số liệu trên chỉ tiêu 41 trên tờ khai thuế GTGT (đối với đơn vị có xin xét hoàn) và bằng chỉ tiêu 43 – đối với đơn vị chưa xin xét hoàn. Trong trường hợp, 2 số liệu trên bị lệch nhau. Các bạn cần kiểm tra bằng cách so sánh sổ cái tài khoản 133 với số thuế GTGT được kê trên bảng kê thuế hàng tháng/hàng quý để tìm ra nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch đó. Một số nguyên nhân cơ bản:

  • Do kê khai thuế GTGT đầu vào;
  • Do hạch toán sai thuế GTGT đầu vào;
  • Hoặc do bỏ sót hóa đơn đầu vào chưa kê khai, hoặc chưa hạch toán….

4. Kiểm tra tài khoản Hàng tồn kho

  • Tất cả các tài khoản hàng tồn kho phải được kiểm kê vào thời điểm cuối năm. Số liệu kiểm kê được thể hiện trên biên bản kiểm kê hàng tồn kho;
  • Đối chiếu số liệu trên bảng N-X-T tổng hợp với số liệu trên biên bản kiểm kê hàng tồn kho. Nếu có sự chênh lệch phải có biên bản xác nhận sự chênh lệch.
  • Tổng số dư các tài khoản hàng tồn kho sẽ được phản ánh lên bảng cân đối phát sinh, và lên chỉ tiêu hàng tồn kho trên cân đối kế toán.
  • Đọc sổ chi tiết vật tư xem trong năm, có nghiệp vụ nào nhập/xuất nhầm mã hàng tồn kho hay không.
  • Lập bảng phân tích đơn giá tồn, nhập, xuất và tồn cuối để xem xét các mã vật tư chạy sai giá.

Lưu ý: hàng tồn kho tưởng chừng là khoản mục đơn giản, tuy nhiên trên thực tế, đây là khoản mục dễ sai xót nhất. Nhiều doanh nghiệp sản xuất với nhiều loại nguyên vật liệu và chi phí mỗi nguyên vật liệu gây sự nhầm lẫn và bỏ xót. Hãy cẩn thận soi xét tài khoản tồn kho.

 5. Kiểm tra số dư nợ vay

  • Số dư tài khoản 341 trên sổ cái phải khớp với số dư trên sổ phụ tiền vay của ngân hang. Nếu có sự chênh lệch cần phải đối chiếu lại để tìm nguyên nhân.
  • Các khoản vay cá nhân, tổ chức khác. Cần phải xin biên bản xác nhận số dư tiền vay để đối chiếu trước khi lên báo cáo.

6. Kiểm tra chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp nhà nước

– Thuế GTGT đầu ra phải nộp: Nếu số dư TK 3331 vẫn còn số dư bên có, tức là công ty vẫn có nghĩa vụ thuế phải nộp. Khi đó, các bạn cộng tổng số phát sinh trên chỉ tiêu 40 ở các tờ khai thuế GTGT trừ đi các khoản tiền đã nộp trên giấy nộp tiền để đối chiếu với chỉ tiêu 3331 này. – Các loại thuế khác: Thuế TNDN, môn bài…kiểm tra lại các giấy nộp tiền vào ngân sách xem đã hạch toán đủ chưa. Để đối chiếu số dư nợ thuế chính xác, các bạn chủ động liên hệ với cán bộ quản lý nợ thuế để bảng theo dõi nợ thuế do cơ quan thuế theo dõi, để đối chiếu và tìm ra sự chênh lệch nhằm có biện pháp điều chỉnh kịp thời, lên báo cáo cho đúng

7. Kiểm tra hạch toán chi phí lãi vay

– Lên bảng tính số lãi vay theo từng khế ước nhận nợ, từng hợp đồng vay xem việc hạch toán và ghi nhận chi phí lãi vay hang tháng đúng chưa? – Kiểm tra xem đã có bút toán tạm tính lãi tiền vay cho những hợp đồng vay có thu tiền lãi cuối kỳ, ngày thu tiền của kỳ là ngày trong tháng hay chưa? Note: Bảng này hầu hết các cán bộ thuế vào quyết toán đề bắt doanh nghiệp làm. Nên các bạn chủ động làm trước. Một mặt là để kiểm tra phần hạch toán chi phí lãi vay trong năm của doanh nghiệp, một mặt là phục vụ lưu hồ sơ cho quyết toán thuế. – Kiểm tra các khoản chi phí lãi vay đủ điều kiện vốn hóa vào giá trị tài sản dở dang đã áp dụng đúng chuẩn mực số 16 – Chi phí lãi vay hay chưa?

8. Kiểm tra các khoản trích theo lương

– Số dư TK 338 (3383 + 3384+3386 ) khớp với số tiền còn phải đóng cuối kì trên tờ thông báo bảo hiểm – Nếu chênh lệch cần lập bảng đối chiếu 2 chỉ tiêu sau theo từng tháng:

+ Tổng số phát sinh tăng trên thông báo bảo hiểm 12 tháng = PS có TK 338 (83+84+86) + Tổng số tiền trả trên thông báo bảo hiểm = PS nợ TK 338 (83+84+86).

 9. Kiểm tra số dư các tài khoản chi phí trả trước, trích khấu hao TSCĐ

– Giá trị còn lại trên bảng phân bổ chi phí trả trước tháng 12 phải khớp với số dư nợ TK 242 trên bảng cân đối phát sinh các tài khoản. Trường hợp số liệu không cân, cần kiểm tra lại các vấn đề sau:

+ Kiểm tra xem toàn bộ các nghiệp vụ ghi tăng chi phí trả trước trong năm đã được cập nhật bổ sung vào bảng phân bổ chưa; + Kiểm tra việc hạch toán số phân bổ trên phần mềm qua bút toán Có TK 242 đã khớp với bảng phân bổ hay chưa?

– Giá trị khấu hao luỹ kế trên bảng trích khấu hao TSCĐ khớp đúng với số dư có TK 214 trên bảng cân đối tài khoản. Cách kiểm tra khi có sai lệch giống như kiểm tra các khoản chi phí trả trước.

10. Kiểm tra các bút toán kết chuyển cuối kỳ

Rất nhiều bạn lên được bảng cân đối tài khoản, số dư cân nhưng khi lên bảng cân đối kế toán thì tổng tài sản khác tổng nguồn vốn. Nguyên nhân là do các bạn chưa thực hiện các bút toán kết chuyển doanh thu, chi phí cuối kì để xác định kết quả kinh doanh.

Trên đây là 10 Tài khoản cần kiểm tra để hoàn thiện báo cáo tài chính nhanh nhất và đầy đủ nhất, bạn đừng bỏ qua bất cứ bước nào. Nhiều doanh nghiệp đang phân vân giữa việc tự làm BCTC hay thuê dịch vụ? Cái nào tiết kiệm chi phí và đảm bảo hiệu quả hơn? Hãy đọc bài chia sẻ: Có nên thuê dịch vụ làm báo cáo tài chính hay không? Chúc các bạn thành công.

Từ khóa » Cách Kiểm Tra Bctc đúng Hay Sai