10 Thần đồng Nổi Tiếng Nhất Trong Lịch Sử Trung Quốc

Lịch sử Trung Quốc từ cổ chí kim từng ghi nhận rất nhiều nhân vật có trí tuệ hơn người. Trong số 10 thiên tài dưới đây, dù mỗi người đều có thế manh ở lĩnh vực khác nhau nhưng tựu chung lại, tất cả họ đều có những tư tưởng vượt tầm.

1. Lão Tử

Lão Tử sống vào cuối thời Xuân Thu, tên thật là Lý Nhĩ, tự là Bá Dương. “Lão” là ý gọi người tuổi cao đức lớn. “Tử” là cách gọi bày tỏ lòng tôn kính đối với người khác. Có truyền thuyết nói rằng, sở dĩ người ta gọi ông là “Lão Tử” là bởi mẹ ông mang thai 80 tuổi, ngay từ khi mới sinh ra tóc của ông đã bạc trắng.

Là một nhà tư tưởng, triết học, văn học, lịch sử gia vĩ đại của Trung Quốc cổ đại, Lão Tử cũng chính là người sáng lập ra Đạo giáo, được các bậc đế vương nhà Đường nhận là thái tổ dòng họ Lý. “Đạo Đức Kinh”, cuốn sách duy nhất mà ông để lại được xem là thiên cổ kỳ thư của nhân loại. Nó cũng được giới học giả đánh giá là “Thi trung chi bảo”, là cuốn kỳ thư đặt định ra nền văn hoá, đạo đức cho nhân loại.

Lão Tử ngay từ thuở thiếu thời đã tỏ rõ là một người thông minh, tài trí. Đương thời, nước Sở đang đánh nước Tống, uy thế lớn mạnh, Lão Tử lại nói: “Đây không nhất định đã là việc tốt, trước đây nước Sở nhỏ yếu cho nên không có người chú ý, nhờ vậy mà có thời gian nghỉ ngơi dưỡng khí, phát triển lớn mạnh. Bây giờ lớn mạnh, thắng trận thì cũng là lúc cây lớn đón gió to, từ này trở đi sẽ bất an rồi“.

Quả nhiên đúng như lời Lão Tử nói, một năm sau hai nước Sở - Tấn giao tranh, nước Sở quả nhiên bại trận. Lúc này mọi người mới nhớ đến lời của Lão Tử, đều cho rằng ông có thần lực, bốc quẻ đoán trước được sự việc. Chu Tương Vương muốn Lý Nhĩ truyền thụ lại bản lĩnh bốc quẻ tiên đoán sự việc cho mình.

Lý Nhĩ nói: “Tôi không phải có bản lĩnh bốc quẻ tiên đoán sự việc gì cả, thế gian vạn vật đều có quy luật bên trong của nó, tất cả vạn sự vạn vật đều là tương phụ tương thành, có thể chuyển hóa lẫn nhau, phúc và họa luôn luôn tồn tại cùng biến hóa lẫn nhau, đây chính là đạo lý này". Chu Tương Vương nghe xong rất bội phục nên giữ Lý Nhĩ trong triều làm quan.

nhung than dong noi tieng trung quoc 3

Lão Tử được mệnh danh là một trong ba đại Thánh nhân của phương Đông, được thời báo New York nhận định là người đứng đầu trong 10 đại tác gia thiên cổ. Khổng Tử cùng đã từng phải bái kiến ông để học về Lễ, cầu về Đạo, tự cổ đã có danh xưng “Lão Tử thiên hạ đệ nhất”.

Về phương diện tu thân cầu Đạo, Lão Tử chính là thủy tổ sáng lập môn tu luyện tính mệnh song tu của Đạo giáo, nghiên cứu khiêm tốn thành thật, kiên định tu trì không cùng người khác tranh luận hơn thua. Trên phương diện chính trị, chủ trương của Lão Tử là lấy vô vi mà trị, giáo dục không cần lời nói. Còn về phương diện quyền thuật, ông nghiên cứu nguyên lý “vật cực tất phản”.

Trong Đạo giáo ông được mệnh danh là thủy tổ. Lão Tử cùng với một hậu bối là Trang Tử chính là những nhân vật nổi bật nhất của Đạo giáo đến nỗi đôi khi người ta gọi là đây là đạo “Lão Trang”. Vì Lão Tử là người sáng lập Đạo giáo nên người ta cho rằng ông chính là hóa thân của “Thái Thượng Lão Quân” dưới trần gian, là bậc thần tiên giáng phàm, truyền dạy đạo đức cho con người.

2. Hạng Thác

Hạng Thác là thần đồng của nước Cử. Có một lần Khổng Tử gặp Hạng Thác đang ngồi chơi giữa đường, cản lối xe của mình đi nên xuống ngựa hỏi han lý do. Không ngờ Hạng Thác trả lời: “Từ xưa đến nay, chỉ nghe nói xe phải tránh thành chứ không hề có chuyện ngược lại bao giờ”.

Khổng Tử hỏi thành ở đâu, Hạng Thác chỉ tay phía trước mắt, quả nhiên nhìn thấy một thành trì trên mặt đất mà cậu đang chơi. Khổng Tử cảm thấy cậu rất thông minh nên đưa ra một loạt câu hỏi thử trí thông minh của cậu:

“Lửa nào không khói? Nước nào không cá?

Núi nào không đá? Cây gì không cành?

Người nào không vợ? Ai kẻ không chồng?

Trâu nào không nghé? Ngựa nào không con?

Trống nào không mái? Mái nào không trống?

Ai là quân tử? Ai người tiểu nhân?

Vật gì không đủ? Vật gì có thừa?

Thành nào không chợ? Người nào không con?”

Hạng Thác không chút do dự đáp ngay:

“Lửa đom đóm không khói. Nước giếng không cá.

Núi đất không đá. Cây khô không cành.

Tiên Ông không vợ. Ngọc Nữ không chồng.

Trâu đất không nghé. Ngựa gỗ không con.

Trống độc không mái. Mái độc không trống.

Hiền là quân tử. Người dại tiểu nhân.

Ngày Đông không đủ. Ngày Hạ có thừa.

Hoàng thành không chợ. Đứa trẻ không con”.

nhung than dong noi tieng trung quoc 5

Khổng Tử thấy cậu tư chất quá đỗi thông minh nên nói: “Trong xe ta có sẵn bộ Song Lục Cục, cậu có muốn chơi cùng ta không?“. (Song Lục là một loại trò chơi đánh trận như chơi cờ tướng ngày nay)

Ai ngờ Hạng Thác đáp: “Nông phu mê chơi, bỏ bê mùa vụ, nho sĩ mê chơi, bỏ bê đèn sách, chư hầu mê chơi, chính sự bất an, việc này vô bổ nên cháu không màng“.

Khổng Tử nghe xong rất lấy làm phục nên hỏi tiếp: “Ta muốn cùng cậu đàm luận việc bình trị thiên hạ, cậu có bằng lòng không?”.

Hạng Thác lại trả lời: “Chuyện thiên hạ khỏi phải bình, vì hoặc như núi cao, hoặc như sông hồ, hoặc như vương hầu, hoặc như nô tì. Nếu san bằng núi thì chim chóc không nơi trú ngụ, lấp bằng sông hồ thì cá nhờ đâu bơi lội, bỏ chức vương hầu thì dân không người trị, bỏ nô tì thì chủ nhân không có người để sai khiến, thế nên cháu không bình luận việc thiên hạ”.

Đến lượt Hạng Thác hỏi Khổng Tử 3 câu hỏi, Khổng Tử đều không thể trả lời:

Hạng Thác hỏi: “Trên Trời lấp lánh những vì sao, vậy thưa Ngài hỏi sao có bao nhiêu?“

Khổng Tử đáp: “Chuyện dưới đất không thiếu gì, cớ sao lại hỏi chuyện trên Trời”.

Hạng Thác lại hỏi: “Vậy dưới đất có bao nhiêu ngôi nhà?”.

Đức Khổng Tử lại đáp rằng: “Hỏi chuyện trước mắt chẳng phải là thực tế hơn không? Cần gì nói chuyện Trời Đất xa xôi“.

Hạng Thác liền thưa: “Vậy thưa ngài nếu bàn chuyện trước mắt thì ngài có biết lông mày có bao nhiêu sợi hay không?”.

Khổng Tử không trả lời, chỉ biết cười mà thôi. Ông quay lại nói với các học trò rằng: “Hậu sinh khả úy”. Câu “Hậu sinh khả úy” chính là ra đời từ đây. Nghe nói Khổng Tử vì vô cùng khâm phục Hạng Thác nên đã tôn cậu làm thầy của mình. Việc Khổng Tử tôn Hạng Thác làm thầy cũng bởi ông muốn đề cao đức khiêm tốn, làm người cần phải biết học hỏi người khác. Còn câu “Hậu sinh khả úy” ngày nay được dùng để khen ngợi lớp người trẻ có thể vượt xa cha ông, đáng được tôn trọng.

Sau này Hạng Thác mất năm 10 tuổi và được lập đền thờ, hậu thế tôn cậu là Thánh Công hay còn gọi là Tiểu Nhi Thần, nghĩa là thần đồng. Chữ “thần đồng” cũng có từ ngày đó.

3. Tào Xung

Tào Xung, tự là Thương Thư, người thời Đông Hán, là con trai của Tào Tháo, được mệnh danh là thần đồng vì từ nhỏ đã có tố chất thông minh hơn người, là người mà Tào Tháo hết mực yêu thương muốn nhường giang sơn đại nghiệp. Trong “Ngụy Thư” có chép một việc thể hiện trí tuệ của Xung.

Đương thời đại quân Tào Tháo chinh chiến thiên hạ, luật lệnh nghiêm ngặt nên thường có án oan phát sinh. Có lần, một chiếc yên ngựa của Tào Tháo để trong nhà kho bị chuột cắn hỏng, binh sĩ quản kho vô cùng lo sợ, e rằng bản thân khó thoát khỏi cái chết. Tào Xung biết chuyện liền lấy dao cắt rách áo mình ra làm bộ như bị chuột cắn hỏng, mặt mày buồn rũ. Tào Tháo thấy con trai buồn hỏi cớ làm sao? Tào Xung trả lời: “Nghe mọi người nói áo bị chuột cắn hỏng thì chủ nhân sẽ gặp chuyện không may“.

Tào Tháo cười nói: “Làm gì có chuyện đó, con đừng nghe mấy lời nói bừa bậy bạ như vậy“. Sau đó người binh sĩ quản kho kia cũng thành thật bẩm báo chuyện chiếc yên ngựa bị hỏng lên Tào Tháo. Tào Tháo lúc này mới minh bạch ra dụng ý của Tào Xung nên cười bỏ qua chuyện chiếc yên.

nhung than dong noi tieng trung quoc 4

Còn có một giai thoại nổi tiếng khác là “Tào Xung cân voi” được rất nhiều người truyền tụng. Chuyện kể rằng, chúa Đông Ngô là Tôn Quyền có lần dâng tặng Tào Tháo một con voi. Tào Tháo chưa bao giờ nhìn thấy voi nên lấy làm hiếu kỳ, yêu cầu quân sĩ cân xem voi nặng bao nhiêu.

Trong khi mọi người đang lúng túng không biết xử lý làm sao thì Tào Xung nảy ra ý hay. Cậu yêu cầu quân sĩ dắt voi xuống thuyền, đánh dấu mức nước ngập trên mạn thuyền rồi đưa voi đi. Sau đó, Tào Xung lại sai người khuân đá cho vào lòng thuyền đến lúc nước ngập đúng mực dấu trước đó thì ngừng lại. Sau cùng, sau quân sĩ lấy số đá kia ra cân lên. Khối lượng đá sẽ tương đương với cân nặng của voi.

Cũng như Hạng Thác, Tào Xung yểu mệnh, mất khi mới sang tuổi 13. Tào Tháo vô cùng đau lòng khi mất đi đứa con mà ông dồn nhiều hy vọng nhất.

4. Sái Văn Cơ

Sái Văn Cơ (hay còn gọi là Thái Văn Cơ) là con gái của Sái Ung - một danh sĩ trứ danh vào cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc.

Xuất thân từ một gia đình dòng dõi quý tộc, từ nhỏ, Sái Văn Cơ đã bộc lộ tài năng về nghệ thuật, đặc biệt là chơi đàn hạc.

nhung than dong noi tieng trung quoc 1

Năm 6 tuổi, trong một lần chơi đàn cho con gái nghe nhưng do khúc nhạc quá khó, Sái Ung vô tình đánh sai mà không để ý. Sái Văn Cơ ngay lập tức lên tiếng: "Cha, cha đánh sai khúc đầu tiên rồi!". Sái Ung chợt giật mình vì trước đó con gái ông chưa bao giờ được học, thậm chí chậm vào một cây thì làm thế nào có thể biết ông đánh sai. Sái Ung tiếp tục chơi, cố tình đảo lộn thứ tự. Mỗi lần như vậy Sái Văn Cơ liền nói rằng: "Cha, khúc nhạc này không đúng!". Cô bé thật sự có khả năng tự học mà không cần có người hướng dẫn.

5. Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long tiên sinh, người thời Tam Quốc, là Thừa Tướng nhà Thục Hán. Ông là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà thư pháp, cũng là nhà phát minh kiệt xuất trong thiên hạ.

Khi còn nhỏ, Khổng Minh từng bái Thủy Kính tiên sinh làm thầy. Sau ba năm, Thủy Kính Tiên sinh nói với chúng đệ tử: “Thời hạn ba năm đã hết, mấy ngày sau ta sẽ thi khảo các con, ai không thi được thì sau này tuyệt đối không được nói là học trò của ta”. Mọi người ai nấy đều chuẩn bị bài vở trong sách, chỉ có Gia Cát Lượng cả ngày quanh quẩn bên thầy.

Một buổi sáng, Thủy Kính tiên sinh nói với đệ tử: “Ta sẽ ra một đề, từ bây giờ tới giờ Ngọ ba khắc, ai có thể khiến ta cho phép rời khỏi Thủy Kính Trang thì người đó được xuất sư“. Mọi người vội vàng nghĩ cách, có người hô lớn “Bên ngoài có cháy“, người thì kêu gia đình có người chết phải về gấp.

Thủy Kính tiên sinh đều không thèm bận tâm. Bàng Thống nói: “Thưa thầy, để được thầy cho con rời khỏi đây, con e rằng mình không có cách nào. Nhưng mà con có cách ra ngoài rồi sẽ lại được thầy cho phép quay lại”. Thủy Kính tiên sinh nói: “Bàng Thống thông minh vặt kiểu con trẻ, đứng qua một bên“.

Từ Thứ giả viết một bức thư người nhà, cầm thư khóc: “Mẫu thân ở nhà mang trọng bệnh, xin thầy cho phép con về nhà chăm sóc mẫu thân“. Thủy Kính tiên sinh nói: “Sau giờ Ngọ ba khắc tùy ý ra về“. Chỉ có Gia Cát Lượng bình thản nằm ngủ ở bàn học, tiếng ngáy to tới mức khiến mọi người khó chịu. Thủy Kính tiên sinh nghe thấy cũng vô cùng tức giận.

nhung than dong noi tieng trung quoc 6

Sắp tới giờ Ngọ ba khắc, Gia Cát Lượng tỉnh ngủ, nghe mọi người nói thầy ra đề như vậy liền túm áo thầy mà nói: “Thầy đã xảo trá ra đề kiểu này để hại chúng con, đã thế con không làm đệ tử của thầy nữa, thầy mau mau trả lại tiền học phí ba năm cho con để con ra về“.

Thủy Kính tiên sinh vốn là bậc tôn sư trong thiên hạ, người người kính phục nay lại bị học trò bất kính như thế nên tức giận run hết cả người, không nghĩ gì được nhiều nên đuổi Gia Cát Lượng ra khỏi Thủy Kính Trang. Gia Cát Lượng không chịu rời đi, Thủy Kính tiên sinh lệnh cho Bàng Thống, Từ Thứ tống Gia Cát Lượng ra ngoài.

Gia Cát Lượng vừa ra khỏi trang liền cười lớn, khiến cho Bàng Thống và Từ Thứ ngẩn người như Từ Hải chết đứng. Gia Cát Lượng liền tiện tay nhặt một cây gậy bên đường quay lại Thủy Kính Trang quỳ dưới mặt thầy, hai tay dâng gậy lên đưa thầy nói: “Vừa rồi là để ứng phó đề thi, vạn bất đắc dĩ mạo phạm ân sư, đệ tử nguyện ý chịu sự trừng phạt của thầy“.

Thủy Kính bừng ngộ chuyển giận thành vui, đỡ Gia Cát Lượng lên nói: “Xem ra con thật là tài giỏi hơn ta rồi, con có thể xuất sư rồi“. Gia Cát Lượng nói: “Bàng Thống và Từ Thứ cũng ra khỏi trang, theo lý mà nói, cũng nên được xuất sư, xin thầy cho phép”. Thủy Kính tiên sinh nghĩ một hồi sau cũng đồng ý.

6. Tư Mã Quang (Sima Guang)

Tư Mã Quang, tự là Quân Thực, là nhà chính trị, lịch sử, văn học gia nổi tiếng thời Bắc Tống. Khi Tư Mã Quang sinh ra, cha ông lúc đó là Tư Mã Trì đang đảm nhiệm chức huyện lệnh tại Quang Sơn, Quang Châu nên lấy tên cho ông là Quang. Năm lên 7 tuổi, Tư Mã Quang đã thông đọc “Lã Thị Xuân Thu” như người lớn, không những vậy mà còn hiểu được nội hàm thâm sâu của nó. Cũng từ đó, Tư Mã Quang tay không rời sách, có lúc quên đói quên khát, chăm chú đọc sách không ngừng.

Điển tích xưa còn lưu truyền một câu chuyện rất nổi tiếng là “Tư Mã Quang đập vại”. Chuyện xảy ra vào năm Tư Mã Quang mới lên 7 tuổi. Một hôm, trong đám trẻ con đang chơi đùa với nhau thì một em nhỏ tuổi nhất sơ ý ngã nhào vào vại nước to khi đang ngồi chơi trên miệng vại.

nhung than dong noi tieng trung quoc 2

Lũ trẻ nhớn nhác tìm cách cứu đứa bé nhưng mãi vẫn loay hoay không sao làm gì được. Lúc đó Tư Mã Quang không hề tỏ ra hốt hoảng, điềm tĩnh suy nghĩ một chút, rồi nhanh ý lấy một tảng đá đập bể vại cho nước thoát ra ngoài. Cũng nhờ vậy mà đứa bé được cứu. Khi người lớn đến nơi thì mọi chuyện đã được xử lý xong, ai cũng khen Tư Mã Quang tư chất thông minh. Ngay từ khi còn nhỏ, gặp chuyện nguy nan Tư Mã Quang đã rất trầm tĩnh, thông minh xử lý vấn đề, để lại một giai thoại ngàn năm thiên cổ.

Sau này lớn lên, Tư Mã Quang quả nhiên lập được công danh hiển hách. Có một điều đặc biệt là dù nắm giữ rất nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhưng ông sống rất giản dị, liêm khiết, đúng chất của một bậc nho sĩ. Ông để lại cho đời tác phẩm đồ sộ: “Tư trị thông giám” với hơn 3 triệu chữ, được cho là sánh ngang với “Sử ký” của Tư Mã Thiên.

7. Phòng Huyền Linh

Phòng Huyền Linh là vị Tể Tướng khai quốc nhà Đường, mưu thần kiệt xuất, thông minh uyên bác. Ông nổi tiếng với tài mưu lược, trọng dụng nhân tài, ông góp phần xây dựng lên nhiều chính sách quan trọng, lập lên nhiều công trạng cho nhà Đường.

nhung than dong noi tieng trung quoc 8

Khi còn nhỏ, ông là người chịu khó, thông minh, cần cù, thông thạo kinh sách. Năm 594, khi mới 11 tuổi, ông đã đỗ Tiến sĩ .

Do công lao lớn giúp Đường Thái Tông, ông được liệt vào một trong 24 vị công thần được vẽ trong Lăng Yên các. Ông còn là chủ biên của Tấn thư, là một trong 24 bộ chính sử Trung Hoa.

8. Lý Hạ

Lý Hạ tự là Trường Cát, người Phúc Xương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Ông thuộc dòng dõi tôn thất nhà Đường. Ngay khi còn ấu thơ, ông đã cực kỳ thông minh và khác người. Vì lý do rất riêng, ông đã không đi thi. Cả đời ông chỉ làm một chức quan nhỏ là Phụng lễ tang (trông coi việc nghi lễ).

nhung than dong noi tieng trung quoc 9

Lên 7 tuổi, ông đã biết làm thơ và thơ ông đã làm chấn động cả kinh sư. Thơ ông thường có những ý tứ kỳ lạ, những cảnh tượng quái dị, tạo ra một thế giới mặc sức cho trí tưởng tượng tung hoành.

9. Cam La

Cam La sống vào thời kỳ Chiến Quốc, là cháu của Cam Mậu, một danh thần nổi tiếng nhà Tần. Cam La được mệnh danh là bậc thần đồng chính trị khi mới 12 tuổi. Cam La tư chất thông minh hơn người, ngay từ khi còn nhỏ đã làm môn hạ dưới chướng Lã Bất Vi, Thừa tướng nước Tần.

Trong một lần Lã Bất Vi gặp chuyện buồn bực vì không thuyết phục được Trương Đường đi sứ nước Yên. Cam La biết chuyện nên muốn thay Lã Bất Vi đến thuyết phục Trương Đường. Lã Bất Vi cho rằng Cam La chỉ là một cậu nhóc 12 tuổi mà ngông cuồng vọng ngữ, không biết tự lượng sức mình, nói: “Bản thân ta là Thừa tướng còn không thuyết phục được nói chi đến một đứa trẻ như ngươi?“.

Cam La mới đáp rằng: “Hạng Thác 7 tuổi đã làm thầy Khổng Tử, vậy tại sao cháu lại không đủ tài trí cơ chứ?“. Lã Bất Vi thấy lời lẽ của cậu mạch lạc, dứt khoát, vẻ mặt lại tự tin không một chút do dự nên đồng ý để Cam La đến phủ Trương Đường làm thuyết khách.

Khi Cam La đến, Trương Đường đang nghỉ trong thư phòng. Người hầu vào báo có môn hạ phủ Thừa tướng đến thăm, Trương Đường vội vàng ra đón, không ngờ gặp một cậu bé tuổi mới hơn mười nên coi thường ra mặt. Cam La thấy vậy bèn nói: “Ta đến đây là để cứu mạng tướng quân, cớ sao tướng quân lại xem thường ta như vậy?“.

Trương Đường nghe xong đứng ngẩn người một lúc, trong lòng nghi hoặc, không hiểu chuyện gì, hỏi: “Ta làm sao mà phải để một cậu nhóc như ngươi đến cứu?“.

Cam La đáp: “Năm xưa Võ An Quân vì không phục tùng Ứng hầu Phạm Thư đi đánh nước Triệu mà bị Ứng hầu giết chết. Tướng quân cho rằng công lao của mình so với Võ An Quân thế nào?“.

Trương Đường đáp: “Võ An Quân đánh Đông dẹp Bắc, chiếm được vô số thành trì đất đai cho giang sơn Đại Tần chúng ta, ta làm sao có thể so bì?“

Cam La lại hỏi: “Vậy tướng quân cho rằng Văn hầu (Lã Bất Vi) bây giờ so với Ứng hầu năm xưa thì ai là người nóng tính hơn, có quyền lực lớn hơn? Bây giờ tướng quân không chịu vâng lệnh Văn hầu đi sứ nước Yên, ngày tháng sau này của tướng quân e rằng cũng không còn được bao lâu nữa!“.

Trương Đường nghe xong sợ quá toát hết mồ hôi, chân run lập bập đáp: “Không phải là ta không muốn đi, ngặt một nỗi muốn đến nước Yên thì phải qua nước Triệu. Trước đây ta đem quân đi đánh nước Triệu chiếm bao nhiêu đất đai, thành trì của họ. Ngươi nghĩ xem, bây giờ ta đi qua đó liệu có thể yên bình được không?“.

Cam La nói: “Chỉ cần tướng quân đồng ý đi sứ nước Yên, ta đảm bảo sẽ đến nước Triệu làm thuyết khách cho tướng quân đi qua an toàn“. Trương Đường nghe vậy hết sức vui mừng, cảm tạ Cam La rồi ngoan ngoãn đồng ý đi sứ đến nước Yên. Cam La trở về bẩm báo, Lã Bất Vi vui mừng, bội phục cậu, sau đó dâng sớ bẩm báo Tần Vương cho Cam La đi sứ nước Triệu.

nhung than dong noi tieng trung quoc 11

Bấy giờ, Triệu Vương nhận được tin mật báo Tần Vương cho Trương Đường đi sứ nước Yên để hai nhà liên kết đánh mình nên vừa lo lắng vừa giận dữ khi nhớ lại thù xưa. Triệu Vương đang cho người chặn đường đánh Trương Đường thì nghe tin sứ thần của nước Tần vào yết kiến.

Đến nước Triệu, đoán được Triệu Vương đang lo lắng Tần Yên liên minh sẽ bất lợi cho mình, Cam La bèn nói: “Tần Yên liên minh chẳng phải cũng là muốn chiếm đất đai nước Triệu hay sao? Nếu như Triệu Vương có thể cắt 5 thành trì của mình dâng cho nước Tần, tôi có thể quay về bẩm báo Tần Vương hủy bỏ sứ mệnh của Trương Đường. Đảm bảo Tần Vương sẽ không kết minh với nước Yên nữa. Lúc đó một nước mạnh như Triệu đây đem quân đánh Yên thì có khó khăn gì. Lúc đó cái được còn có thể nhiều hơn 5 thành trì kia biết bao nhiêu?”.

Triệu Vương nghe xong hết đỗi vui mừng, lấy bản đồ cắt 5 thành trì cho nước Tần, giao cho Cam La mang về dâng cho Tần Vương, đồng thời còn tặng cho Cam La vàng bạc châu báu tỏ lòng cám ơn. Tần Vương không tốn một binh một sĩ mà có được 5 thành trì tại Hà Giản.

Tần Vương vô cùng khâm phục tài trí của Cam La, phong cậu làm Thượng khanh, đồng thời đem toàn bộ đất đai mà trước đây thu hồi của Cam Mậu trao trả lại cho cậu. Đương thời, Thượng khanh là chức quan tương đương với Thừa tướng, đây là quả tài không đợi tuổi vậy.

10. Hoắc Nguyên Giáp

nhung than dong noi tieng trung quoc 10

Nhắc đến Hoắc Nguyên Giáp, người ta luôn nhớ đến hình ảnh của một cậu bé với khả năng phi thường với màn trình diễn: cả hai tay cầm bút đồng thời vẽ một bức tranh, miệng đọc thơ trong khi đầu đang làm toán. Cậu có khả năng làm 6 việc khác nhau cùng một lúc, việc nào cũng thực hiện rất tốt. Đã rất nhiều người không tin vào khả năng phi thường này của cậu cho đến khi được tận mắt chứng kiến.

Nếu du khách là người có niềm đam mê với văn hóa, lịch sử của đất nước Trung Hoa thì hãy đặt cho mình một tour du lịch Trung Quốc của Viet Viet Tourism nhé! Chắc chắn du khách sẽ có được những sự hiểu biết thú vị khi đặt chân đến vùng đất rộng lớn này

Từ khóa » Thuyết Khách Nổi Tiếng Trung Quốc