100 Năm Vụ "Hà Thành đầu độc" - Kỳ 1: Quyết Không Lùi Bước

4Rm1s0Ug.jpgPhóng to

Những người tham gia vụ “Hà thành đầu độc” bị Pháp gông cùm. Ảnh do ông Nguyễn Tấn Lộc (một Việt kiều tại Pháp) sưu tầm

TT- Đến ngày 27-6-2008 này là đúng 100 năm ngày nổ ra vụ nổi dậy chấn động "Hà thành đầu độc". Họ là binh lính, đầu bếp Việt trong quân đội Pháp cùng các thầy đồ, thầy lang, cô bán hàng... đã cùng chí hướng hợp sức góp phần đánh đổ đầu não cai trị thực dân, giành lại Tổ quốc. Mưu sự không thành, họ hiên ngang lên đoạn đầu đài.

Một thế kỷ đã qua, phóng viên Tuổi Trẻ đi tìm lại hậu duệ những anh hùng xưa, gặp gỡ các nhà sử học và lần giở nhiều nguồn sử liệu để làm sống lại sự kiện yêu nước bi hùng 100 năm trước.

Hà Nội. Tôi đi tìm lại các nơi đã từng in dấu chân của những người từng tham gia vụ "Hà thành đầu độc" năm xưa. Trên mảnh đất ngày nào nhuộm máu anh hùng, phố thị đã đông vui dưới những hàng cây xanh xum xuê bóng mát. Nhiều bậc cao tuổi tóc bạc phơ vẫn nhớ mãi lời cha ông kể ngày xưa từng có bao người yêu nước ngẩng cao đầu ra đi tại chốn này. Nhà sử học Dương Trung Quốc kể rằng ông đã từng nhiều lần thắp hương cho các cụ, và chỉ mong sao thế hệ mai sau không bao giờ được quên những bậc anh hùng đã bỏ mình vì nước.

"Cứu lấy Tổ quốc chúng ta"

Trong trí nhớ được lưu truyền của các bậc cao niên và cả trong tài liệu sưu tầm của các nhà sử học, "Hà thành đầu độc" nổ ra vào đêm 27-6-1908 ngay trong doanh trại quân đội Pháp ở thành Hà Nội. Trước đó, một số cai đội, binh lính Việt trong cơ công binh pháo thủ số 9 của Pháp như Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trị Bình, Dương Bê, Nguyễn Văn Nga... đã ngấm ngầm phẫn uất thực dân Pháp. Họ bất mãn sự phân biệt đối xử giữa lính Pháp và lính Việt, đặc biệt là không đồng tình việc dùng lính Việt đi đánh nghĩa quân người Việt.

Cùng thời điểm này, các phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám phát triển rất mạnh. Ngoài công khai chống Pháp, nhiều người còn hoạt động bí mật. Tại quán cơm số 20 phố Cửa Nam của bà Nhiêu Sáu, họ và các cai đội, binh lính, đầu bếp Việt đã gặp gỡ, giác ngộ nhau và tập hợp thêm đông người đồng chí hướng. Trong đó có ông đồ Đỗ Văn Đàm, thầy lang Nguyễn Văn Phúc, đầu bếp Hai Hiên (Nguyễn Văn Hiên), Vũ Văn Xuân, Nguyễn Văn Chúc...

Trong tập 3 bộ sách Phan Bội Châu toàn tập, các trang 146 - 155 kể lại sự kiện bi hùng này. Một tối ở chùa Bạch Mã, phố Hàng Buồm, đội Bình, tức Nguyễn Trị Bình, đã mời rượu gần 200 anh em đồng chí hướng. Ông nghiêm trang nói: "Hôm nay, chúng ta bàn với nhau một việc đặc biệt hệ trọng. Đó là việc lấy lại đất nước VN, khôi phục mọi quyền lợi của chúng ta. Nếu mưu đồ không thành công, chúng ta phải đeo đuổi nhiệm vụ này tới chết. Quyết không lùi bước trước sự hi sinh nào để cứu lấy Tổ quốc chúng ta. Các đồng bào có đồng ý với tôi về vấn đề này không? Có tán thành kế hoạch của tôi không?".

Mọi người nhiệt liệt tán thành. Một kế hoạch đánh chiếm đầu não bộ máy cai trị thực dân đã được mọi người bàn bạc là sử dụng cà độc dược để các đầu bếp người Việt bỏ vào thức ăn quân Pháp. Sau đó, các nhóm cai đội, binh lính yêu nước sẽ chiếm kho vũ khí, rồi bắn pháo hiệu cho các toán quân ngoài thành ập vào cùng đánh chiếm đầu não thực dân Pháp. Đội Nhân (Đặng Đình Nhân) chỉ huy nhóm đánh vào phủ toàn quyền Đông Dương, đội Bình dẫn nhóm đánh bộ tham mưu Pháp và đội Cốc (Dương Bê hay còn gọi là Nguyễn Văn Cốc) sẽ cầm đầu đánh tòa thống sứ Bắc Kỳ...

Chí lớn không thành

ubcrrDct.jpgPhóng to
Chuẩn bị đưa ra xử chém. Ảnh tư liệu

Căn nhà số 20 phố Cửa Nam và ngôi nhà ở phố Hàng Buồm xưa là nơi từng là điểm hẹn của những người yêu nước. Bây giờ phố xưa vẫn còn tên cũ. Từ những điểm hẹn này, kế hoạch đánh Pháp lẽ ra đã được xác định thực hiện vào năm 1907, nhưng phải hoãn lại vì thời cơ không thuận lợi. Trong đó có lần họ đã định thực hiện vào 20g ngày 14-11-1907 nhân dịp binh lính Việt được phát súng đạn đi bắn tập ở Sơn Tây.

Tuy nhiên, kế hoạch tiếp tục tạm hoãn vì súng ống không đến đủ binh lính yêu nước. Chính vì phải trì hoãn dài mà mật thám Pháp phần nào "đánh hơi" được. Trong cuốn Vụ chính trị ở Đông Dương của tiến sĩ Patrice Morlat viết từ tài liệu khai thác nguồn tàng thư Bộ thuộc địa Pháp kể rõ từ cuối tháng 5-1908, công sứ Jules Bosc ở Hà Đông đã nghi ngờ. Ông ta được mật báo nhà số 20 phố Cửa Nam có thể đã diễn ra những cuộc gặp gỡ, chiêu nạp nghĩa quân.

Sau đó, mật thám khám xét nhiều nơi. Dù không có kết quả rõ ràng nhưng quân Pháp vẫn nghi ngờ, đề phòng. Tối 27-6-1908, những người yêu nước bắt đầu thực hiện kế hoạch. Nhóm đầu bếp Hai Hiên đã bỏ cà độc vào thức ăn. Khoảng 200 binh lính Pháp thuộc trung đoàn bộ binh số 9 và trung đoàn pháo binh số 4 trúng độc bất tỉnh nhưng không chết vì lượng chất độc yếu. Vụ việc đang tiến hành dở dang thì một người lính tên Trương trong cơ công binh pháo thủ số 9 đã vội xưng tội với linh mục. Tin đến quan Pháp. Chúng lập tức cho bắt ngay binh lính và các đầu bếp Việt trước khi họ kịp cướp kho súng, nổ pháo hiệu báo nghĩa quân ngoài thành tiến vào.

Đồng thời tất cả lính Việt trong các phiên đội khác cũng bị tước vũ khí và thiết quân luật toàn Hà Nội. Trong khi đó, dân quân cùng nghĩa quân Hoàng Hoa Thám ngoài thành chờ mãi không thấy pháo hiệu, biết đã bại lộ nên đành gạt nước mắt rút đi. Mặc dù chưa hoàn tất việc bắt bớ, nhưng để thị uy, ngày 6-7-1908, viên công sứ Hà Đông Jules Bosc đã ngồi ghế chủ tọa hội đồng đề hình Bắc kỳ, tuyên án xử chém ba anh hùng chí lớn không thành là Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trị Bình và Dương Bê.

Lần theo sử liệu và trí nhớ được lưu truyền của những người cao tuổi Hà Nội, tôi được biết pháp trường xử những người anh hùng đã được dựng lên ngay bãi Gáo, cột cờ Hà Nội sáng 8-7-1908. Để trấn áp tinh thần yêu nước, chúng chém ba người rồi bỏ thủ cấp của họ vào rọ tre đem bêu. Nhưng trong đêm, thủ cấp các anh hùng được nhân dân cướp lại. Sau đó, quyển Việt Nam nghĩa liệt sử đã có bài thơ bi hùng khóc những người yêu nước:

Sử xanh ai nhuộm máu hồng tươiĐèn lạnh đêm khuya giọt lệ rơiTay mạnh vung gươm vằm mặt đấtLòng trung trở giáo chuyển cơ trời.

--------------------------------------------

Người đàn ông tóc bạc phơ đưa tôi xem tấm ảnh ba thủ cấp anh hùng bị bêu trong rọ tre: "Đầu của bác Đặng Đình Nhân nhà tôi cũng ngậm hờn nằm trong đó. Cả đời tôi cứ đau đáu chuyện này...".

Kỳ tới: Xử chém người anh hùng

Từ khóa » Hội Nghĩa Hưng Và Vụ Hà Thành đầu độc