Những Vị đầu Bếp Bất Tử Trong Vụ "Hà Thành đầu độc"

Lịch sử tiễu trừ giặc Pháp của dân tộc ta, có thể bớt đổ máu nếu như vụ đầu độc binh lính Pháp và nổ súng hiệu cho nghĩa quân Yên Thế ập vào, giải phóng Hà Nội năm 1908 thành công. Nhưng, ngôi mộ tạm mang tên "Hà thành đầu độc" kia từng được đối xử ra sao?

Bức ảnh "Bêu đầu" được chụp ở Hà Nội từ 100 năm trước

Trong cuốn lịch sử "Từ Đà Nẵng đến Điện Biên Phủ" ghi rõ: ngày 27/6/1908, anh em bồi bếp và binh lính người Việt thuộc Trung đội Công nhân pháo thủ Hà Nội đã tổ chức đầu độc binh lính Pháp đóng trong thành để phối hợp với nghĩa quân Yên Thế được bố trí ở bên ngoài nhằm giải phóng thành Hà Nội.

Trong bữa ăn tối định mệnh ấy, toàn bộ 250 binh lính Pháp thuộc Trung đoàn pháo binh và Trung đoàn bộ binh đóng trong Thành bị anh em bồi bếp và binh lính người Việt dùng cà độc dược đầu độc. Song, sự việc bị bại lộ do một trong những người biết việc đi nhà thờ, “xưng tội” với cha đạo (có tài liệu cho rằng, có người đã làm phản), khi anh em chưa kịp bắn súng hiệu. Thực dân Pháp đã tương kế tựu kế, tước hết vũ khí, tống giam nhiều chí sĩ yêu nước.

Một số chí sĩ trong vụ này bị xử chém, bêu đầu tại nhiều địa điểm ở thủ đô. Tuy cuộc mưu chiếm lại thành Hà Nội không thành, nhưng vụ “Hà thành đầu độc” đã làm chấn động dư luận.

Đứng đầu nhóm này là bếp Hiên, còn gọi là Hai Hiên, cùng với bếp Xuân, bếp Nhiếp, tức Nguyễn Trí Bình, đội Cốc tức Dương Bê... Ngày hôm sau, Pháp đem ra xử và khép tội (chém đầu) đối với 13 (có sách nói 12) binh lính và bồi bếp người Việt.

Buồn thay, bánh xe lịch sử vệ quốc của dân tộc đã không chiều lòng 13 vị đầu bếp và binh sĩ trượng phu kia. Sau khi “thoát chết trong gang tấc”, giặc Pháp đã điên cuồng dốc tới 15.000 quân lên núi rừng Yên Thế hòng vây bắt bằng được "hùm xám" Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) và nghĩa binh của ông. Nhưng phải mất tới 4 năm hao binh tổn tướng, bị “giời đày” giữa rừng thiêng nước độc, quân Pháp mới khống chế được "Hùm xám" Yên Thế (Đề Thám).

Cuộc khởi nghĩa kết thúc sau 30 năm làm cho kẻ thù bạt vía kinh hồn.

“Các ông đội Bình (Nguyễn Chí Bình), đội Nhân (Đặng Đình Nhân), đội Cốc (Dương Bê) cầm đầu vụ Hà thành đầu độc, bị hành quyết ngày 8/7/1908 và người Pháp đã bêu đầu các ông ở Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy và Chợ Mơ”.

Trong cảm nhận của cá nhân tôi (người viết bài này), một trong những bức ảnh ám ảnh nhất, bi tráng nhất và cũng mang tính báo chí nhất của lịch sử vệ quốc của chúng ta, chính là bức ảnh chụp thủ cấp các vị đầu bếp bị hành quyết sau khi mưu lớn bất thành.

Từ lâu lắm, tôi đã cắt và giữ bức ảnh đó, ảnh chụp ba đầu đặt trong ba cái rọ tre đan loằng ngoằng quặn thớ. Quặn đau tê tái! Thủ cấp được bêu trên vài “cửa ô”, tuyến phố đông đúc nhất của Hà Nội lúc bấy giờ.

Hai thủ cấp nhắm mắt, đầy máu me, một thủ cấp mở mắt, thanh thản, không hề vương sợ hãi. Dưới mỗi cái rọ bêu đầu là những tấm giấy bản chi chít chữ Nho, chắc là giặc nó kể tội người yêu nước Việt Nam rằng họ dám “làm loạn”...

Không biết có giải thưởng báo chí nào đã trao cho bức ảnh thảm thương và đầy tráng chí nam nhi “thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời” đó chưa?

Lời chú thích bức ảnh, ghi như sau: “Các ông đội Bình (Nguyễn Chí Bình), đội Nhân (Đặng Đình Nhân), đội Cốc (Dương Bê) cầm đầu vụ Hà thành đầu độc, bị hành quyết ngày 8/7/1908 và người Pháp đã bêu đầu các ông ở Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy và Chợ Mơ” (trang 176, cuốn “Từ Đà Nẵng đến Điện Biên Phủ”, NXB Quân đội, năm 2004). Bên cạnh, là bức ảnh chính các vị đầu bếp trong vụ “Hà thành đầu độc” khi bị giam trong Hỏa Lò, Hà Nội, gông cùm lạnh lẽo giết chóc, hơn chục vị ngồi bình thản nhìn vào... người chụp ảnh. Đôi mắt của các vị nhìn vào hàng triệu triệu lượt người xem ảnh suốt 100 năm qua và mãi mãi sau này.

Chỉ một vài ngày sau, họ đều lần lượt bị hành quyết, treo thủ cấp giữa đô thành; nhưng: ánh mắt của họ còn quá trẻ, ai cũng tuấn tú, ai cũng có cái an nhiên tự tại của người đã đắc đạo.

Với người yêu nước Việt Nam, họ là những “Kinh Kha qua sông Dịch” hành thích bạo chúa Tần, kiểu: gió hiu hiu sông Dịch lạnh ghê/ tráng sĩ ra đi không trở về. Với bà con lúc ấy và mãi mãi sau này, họ đã là những người yêu nước bất tử.

Những người ngã xuống không thể ngờ được rằng: gần một thế kỷ sau, con cháu máu mủ của các vị đã vất vả bao năm tìm kiếm phần mộ họ.

Không ngoại trừ cả việc mang đậm màu sắc hoang đường, như vợ chồng ông Khải (con cháu cụ bếp Hiên) gặp những giấc mơ lạ về những cụ ông không đầu về báo mộng. Khi tìm thấy nơi mai táng rồi, việc vinh danh các tử sĩ, chăm chút phần mộ và dựng mấy dòng chữ kỷ niệm các anh hùng vệ quốc ấy lại vô cùng lận đận.

Đến năm 2008 này, nơi tưởng niệm hơn 10 vị đầu bếp độc nhất vô nhị, các bậc nghĩa sĩ quên mình cho non sông gấm vóc nọ, vẫn rất là buồn bã. Muốn thắp nhang cho họ, chúng tôi phải vạch cây cối, đi qua nhà người ta rồi đến cái xó tường nhếch nhác ở vùng Nghĩa Đô (Hà Nội), nơi từng là trại nuôi dê, thấp hơn mặt đường những 50cm, ở đó có duy nhất một ngôi mộ mới được ông Khải quy tập vội vã cùng vài dòng chữ nhỏ, có phần hơi tối nghĩa: “Nơi yên nghỉ của 9 nghĩa sĩ yêu nước trong vụ Hà thành đầu độc thực dân Pháp ngày 27 tháng 6 năm 1908 (13 tháng 9 Mậu Thân)".

Nhiều sử gia đã thống thiết kêu cứu cho di tích “Hà thành đầu độc”, nhưng sự việc vẫn đâu đóng đấy. Không lẽ, chúng ta đã tri ân những người anh hùng vệ quốc của mình một cách như thế ư? Chúng ta đã bước vào năm 2008, thế là tròn trịa một thế kỷ từ ngày những người đầu bếp ngã xuống hy vọng góp phần cứu muôn dân khỏi cái họa “sơn hà nguy biến”, nhân dịp này, chúng ta sẽ làm gì...?

Chuyện kể của con cháu vị đầu bếp lẫy lừng

Ông Nguyễn Văn Khải đã ngót 80 tuổi, vẫn tinh tường đến ngỡ ngàng. Đúng phoóc người làng Cao Xá Trung (huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây), nơi có làng nghề làm nhiếp ảnh danh bất hư truyền, con cháu lanh lẹ, mở mày mở mặt đi làm ăn hiển đạt khắp “tứ phương ngũ hành” trong cả nước.

Ngồi chống tay trước cằm, ông Khải nhìn tôi dò xét theo cái lối mới của người đời. Lại thêm, ngôi nhà ông ở ven Quốc lộ 2, thuộc vào địa phận thị trấn Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, xe cộ lúc nào cũng gào rú đinh tai, nhả bụi hỗn hào.

Hình như ông Khải không thể ngờ được, đến một ngày, lại có gã nhà báo lặn lội lên vùng rừng núi này tìm ông. Ông cũng chẳng quan tâm lắm đến cái việc nhiều người ghi nhận ông là người có công tìm tòi, rồi bỏ tiền xây cất nấm mồ chung cho 8-9 vị đầu bếp có công với đất nước, sau gần tròn một thế kỷ các phần mộ bị "thất lạc".

Câu chuyện ông Khải và gia đình kể với tôi, nó mang nhiều màu sắc mê tín, hoang đường, lẽ ra không nên kể lại. Nhưng sự thật là ông Khải đi theo giấc mơ lạ của mình, đã đăm đắm tin vào những điều đó, để rồi ông đã tìm được nơi mai táng 13 vị nghĩa sĩ trong vụ "Hà thành đầu độc". Vậy nên, chúng tôi cứ mạnh dạn kể ra đây để độc giả tham khảo:

Làm nghề chụp ảnh từ nhỏ, từng mở hiệu ảnh “Sơn Vượng” ở Hà Đông. Từ năm 1946 đến khi hòa bình lập lại, năm 1954, ông Khải đi bộ đội quân giới, làm trong các công binh xưởng, đi khắp vùng Bắc Trung Bộ, ông thuộc lòng từng thôn bản đìu hiu nhất ở miền Tây Thanh Hóa. Sau này, mang nghề tổ, lang bạt lên vùng cao lập nghiệp, ông Khải từng giàu có nổi tiếng trong vùng Đoan Hùng, Phú Thọ - bởi cái thương hiệu “Khải photo”.

Cửa hiệu nhà ông treo biển: “Hiệu ảnh Sông Lô”, nằm dưới gốc một cây gạo cổ thụ, cành tán đẹp đến mức, ai đi dọc Quốc lộ 2, cũng phải dõi mắt ngắm nghía. Giờ con cháu ông vẫn phát huy nghề làm ảnh của ông.

Từ cái ngày vùng thượng du sông Lô này còn coi chụp hình là một cái gì xa lạ và vô cùng... xa xỉ, ông Khải đã thống trị thị trường chụp ảnh và bán vật tư ảnh trên toàn khu vực, nên ông đã có những giai đoạn rất giàu có. Khách đông đến mức, mỗi lần ngồi hạch toán, ông lại phải giở một chồng hóa đơn cao ngất ngưởng, kèm theo cả chồng tờ năm trăm (500) đỏ (bấy giờ là loại tiền to).

Ông rất phong lưu. Tiền gửi ngân hàng chán, lại đem ra mua vàng chôn cất trong nhà. Đang rủng rỉnh thì có vị khách thương hồ đi qua rỉ tai ông Khải, bảo: "Bác đang hồi thịnh phát, nhưng sợ chẳng được bao lăm. Bởi có người linh hiển phù hộ cho bác bấy lâu, song bác để người ta nằm lạnh lẽo, chả nhang khói gì. Người này có máu từ cổ chảy xuống ròng ròng".

Ông Khải lúc đầu chẳng tin, sau hai lần đổi tiền, bao công tích cóp của ông hầu như đi tong. Khi ấy, ông Khải vẫn “duy vật” lắm, chưa nhớ tới lời ông khách vãng lai kia. Lúc bấy giờ bà vợ ông Khải mới thẽ thọt: hay là ta đi hỏi xem, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Sao cái lão đi qua nhà năm trước, nói như... ma thế nhỉ.

Đúng thời gian đó, theo ông nói thì ông Khải và cả bà vợ ông liên tục ngủ mê, nói thì bảo “mê tín dị đoan”, nhưng đúng là như có người báo mộng thật. Ông kể: "Tôi mơ thấy một người đàn ông còn trẻ, về tận đầu giường tôi nói chuyện, ông mặc áo dạ, quần dạ. Tôi cố nhìn để nhận mặt, rồi phát hiện ra là ông không có đầu, máu cứ chảy dầm dề từ cổ ra.

Có lần tôi thấy một bộ quần áo đến gần tôi và nói chuyện (không có phần đầu), cứ nói chuyện bình thường nhưng không biết tiếng nói vọng ra từ đâu nữa. Trước khi ra đi, ông còn vẫy tay chào “đi nhé, đi nhé!".

Sau này, bà nhà tôi đi hỏi, người ta bảo, nhà có người chết trẻ, chết chém, phải trông nom. Vợ ông ấy cũng bị chết trong tù, không ai biết chôn ở đâu cả (ý nói vợ của bếp Hiên)”.

Thế là, nhân dịp về quê Cao Xá Trung, ông Khải đem chuyện hỏi người già. “Thì ra, anh ruột ông nội tôi chính là cụ Hai Hiên, thường gọi là bếp Hiên, một trong những đầu bếp tham gia “lãnh đạo” vụ "Hà thành đầu độc". Và đã bị chết chém.

Cái ông máu từ cổ đổ xuống ròng ròng vẫn phù hộ cho tôi là cụ Hai Hiên ư? Tôi tìm đọc lại lịch sử thì đúng như thế thật. Tưởng nhớ cụ bếp Hiên, xã tôi còn giữ gìn cái nhà thờ của các cụ nhà ông Hiên, rồi xóm bên cạnh cũng mang tên là xóm Hai Hiên cơ mà. Vả lại, bà nội tôi từng là người bán rau quanh khu vực trại lính. Bà là người trong cuộc, người biết rất rõ toàn bộ “tiến trình” của vụ "Hà thành đầu độc". Bà tên là Nguyễn Thị Chuyên, người làng Mọc Quan Nhân, là con người vợ lẽ của một ông quan huyện có tài đức, bà nội tôi mất năm 1952”.

“Bà nội tôi còn kể với mọi người rằng: các ông bếp bị hành quyết đúng vào cái dịp... mới lĩnh lương, bà nhớ rõ. Nguyên nhân là do một anh bếp, trước khi vào cuộc dùng quả cà độc dược bỏ vào thức ăn, giết chết mấy trăm người, anh này đã “cắn rứt lương tâm” đi thú tội với cha đạo trong nhà thờ.

Chuyện tai vách mạch rừng, dù vẫn đầu độc được kẻ thù, nhưng chưa kịp nổ súng lệnh, báo cho quân ông Đề Thám tràn vào cướp Hà Nội, thì tất cả đã bị bắt, bị giết. Ông nội tôi ít liên lụy nhưng cũng phải bỏ trốn, vì sợ sự truy đuổi, bà nội tôi bán rau, lân la làm quen bọn lính Pháp trong thành Hà Nội, nên đã nhờ mai mối đút tiền vào để cứu mạng.

Cụ Hai Hiên và một số đầu bếp bị hành quyết ngay sau đó, bà tôi biết, là vì bọn lính nó kháo như vậy. Đến tận bây giờ, bác Ngọ (bằng vai ông Khải) vẫn đều đặn hàng năm làm giỗ, tưởng nhớ cụ Hai Hiên. Ông Ngọ đang sống ở Hà Nội, xóm Dân Chủ, phố Ngô Sỹ Liên (trước là phố Sinh Từ)”.

(Còn nữa)

Từ khóa » Hội Nghĩa Hưng Và Vụ Hà Thành đầu độc