11 Lý Do Khiến Bạn Bị Ngứa Mông - Hello Bacsi

Tình trạng ngứa mông thường không phải là dấu hiệu của những bệnh nghiêm trọng nhưng bạn vẫn cần biết cách cải thiện để giảm bớt khó chịu. Vậy bạn đã biết những nguyên nhân nào có thể gây ngứa ở mông để giải quyết đúng cách?

Có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn có thể dẫn đến tình trạng mông bị nổi mẩn đỏ ngứa hoặc chỉ ngứa đơn thuần. Cùng điểm danh 11 thủ phạm thường gặp nhất và cách khắc phục trong mỗi trường hợp nhé!

1. Ngứa mông do vệ sinh không tốt

Đôi khi cảm giác ngứa ở vùng mông có thể do bạn không vệ sinh sạch sẽ vùng này. Nếu bạn không lau rửa vùng kín cẩn thận sau khi vệ sinh, vùng này có thể còn hơi ẩm và chất bẩn nên dễ bị ngứa. Đây là trường hợp thường gặp ở trẻ nhỏ và người già có vấn đề vận động nên không thể tự vệ sinh tốt.

Bên cạnh việc lau chùi không kỹ, thói quen vệ sinh quá nhiều hoặc sai cách cũng có thể dẫn đến kích ứng và ngứa ngáy. Đôi khi, việc sử dụng xà phòng liên tục ở khu vực quanh hậu môn, đặc biệt là những loại xà phòng có mùi hương, không tốt cho vùng da nhạy cảm này. Những loại khăn ướt cũng không thích hợp cho việc vệ sinh vì có thể có chứa các hóa chất gây kích ứng da. Vậy nên, bạn có thể sử dụng nước ấm để nhẹ nhàng vệ sinh vùng mông, lau bằng khăn mềm sạch để an toàn cho da hơn.

2. Ngứa mông do bệnh về da

Các tình trạng mạn tính như bệnh vẩy nến và bệnh viêm da dị ứng có thể gây viêm và ngứa ở bất cứ đâu trên cơ thể, bao gồm cả ở mông. Một số bệnh về da mà bạn có thể đi khám là:

  • Bệnh vẩy nến: Bệnh này có thể khiến da có các mảng bị bong tróc, đổi màu đỏ và vảy bạc kèm ngứa. Bệnh này chiếm khoảng 5-8% các trường hợp bị ngứa vùng mông. Dù bệnh vẩy nến không chữa khỏi triệt để được nhưng bác sĩ da liễu sẽ giúp kiểm soát bệnh bằng cách kê đơn một số loại thuốc bôi. Liệu pháp tia cực tím cũng có thể giúp bạn bớt khó chịu.
  • Viêm da dị ứng: Khi mắc bệnh này, da thường ngứa, khô và tróc vẩy. Chứng viêm da dị ứng cũng có thể được điều trị bằng steroid và các loại thuốc mỡ hoặc kem chống ngứa khác.
  • Lichen xơ hóa: Tình trạng này khiến da môi âm hộ và vùng quanh hậu môn có các vết trắng và nếp nhăn. Bệnh lichen xơ hóa thường hết sau 6 – 8 tuần điều trị bằng thuốc bôi steroid. Sau khoảng thời gian này, bạn cần làm sinh thiết để kiểm tra ung thư da nếu các dấu hiệu không giảm.

3. Ngứa ở mông do quần áo

một số loại quần áo có thể gây ngứa mông

Tình trạng ngứa mông đôi khi do:

  • Quần áo bạn mặc quá bó sát hoặc không thoáng khí. Mồ hôi khi tiếp xúc với da quá lâu có thể gây kích ứng, đặc biệt là vùng mông.
  • Một số loại vải, màu nhuộm quần áo hay xà phòng giặt đồ cũng có thể gây dị ứng. Trong trường hợp này, mông bị nổi mẩn đỏ ngứa giống như bệnh viêm da dị ứng.
  • Quần áo dính mồ hôi hay ma sát với da cũng có thể khiến nang lông bị viêm, nhiễm trùng. Viêm nang lông khiến bạn nổi mẩn ngứa ở mông màu đỏ. Đối với phụ nữ, bệnh viêm nang lông phổ biến hơn ở khu vực âm đạo.

4. Ngứa mông do chế độ ăn uống

Dị ứng thực phẩm có thể khiến da quanh mông bị ảnh hưởng sau khi bạn đi vệ sinh nặng. Một số loại thực phẩm cũng dẫn đến tiêu chảy hoặc rò rỉ hậu môn. Những chứng này khiến da mông bị kích ứng ngứa ngáy, cũng như khiến bạn khó giữ vùng da này được sạch sẽ.

Các loại thực phẩm có thế khiến một số người bị ngứa mông bao gồm cà phê, trà, chocolate, trái cây họ cam quýt, cà chua, đồ uống có cồn, sản phẩm từ sữa… Bạn có thể cân nhắc tránh các thực phẩm trên nếu cho rằng tình trạng ngứa vùng mông là do thực phẩm mình ăn.

5. Ngứa mông vào ban đêm do nhiễm giun kim

Giun kim có đặc tính sẽ bò ra lỗ hậu môn và đẻ trứng vào ban đêm về sáng nên nếu bạn bị ngứa mông vào thời gian này thì nguyên nhân rất có thể do nhiễm giun kim. Giun kim có thể sống tới hai tuần trên da người, quần áo, chăn gối hay thức ăn.

Nhiễm giun kim là loại nhiễm giun đường ruột phổ biến, chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng cũng có thể lây lan qua người lớn. Nếu bị ngứa ở mông do giun kim, bạn có thể cải thiện tình hình bằng cách uống thuốc tẩy giun theo hướng dẫn của thầy thuốc.

6. Ngứa mông do trĩ hoặc nứt hậu môn

trĩ có thể gây ngứa mông

Nếu tình trạng ngứa mông trở nên tồi tệ hơn hoặc chuyển thành đau đớn khi bạn đi nặng thì nguyên nhân có thể là do bệnh trĩ hoặc nứt hậu môn. Chúng có thể khiến phân lẫn máu. Bạn nên đi khám nếu thấy lượng máu trong phân quá nhiều.

Để cải thiện các bệnh gây ngứa vùng mông trên, bạn nên ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước và áp dụng các cách giúp giảm táo bón khác. Những cách này có thể giúp phân mềm hơn và bạn sẽ bớt cảm thấy đau khi đi vệ sinh.

7. Ngứa mông do nhiễm trùng

Nấm men không chỉ xuất hiện ở âm đạo mà cũng có thể ảnh hưởng tới vùng mông quanh hậu môn, đặc biệt ở những người lớn tuổi, béo phì, bị tổn thương hệ thống miễn dịch hoặc đang dùng kháng sinh. Chứng nhiễm trùng nấm men gây ra 10 – 15% trường hợp ngứa mông. Chứng nhiễm trùng nấm men thường được điều trị bằng bột hoặc kem chống nấm ngoài da. Trong trường hợp nặng, bạn sẽ cần uống thêm thuốc chống nấm.

Ngoài ra, tình trạng mông bị nổi mẩn đỏ ngứa cũng có thể là triệu chứng của các chứng nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như herpes và mụn cóc sinh dục. Các triệu chứng của những bệnh này thường xảy ra xung quanh hậu môn chứ không phải âm đạo nếu bạn quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Herpes được điều trị bằng thuốc chống virus. Đối với mụn cóc, bạn có thể cần dùng kem bôi, liệu pháp áp lạnh hoặc thậm chí là phẫu thuật.

8. Ngứa mông do bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là một bệnh về da phổ biến và rất dễ lây lan. Bệnh này có thể dẫn đến phát ban ngứa và lở loét khắp cơ thể, kể cả quanh hậu môn và bộ phận sinh dục.

Tuy nhiên, bạn có thể không mắc bệnh ghẻ nếu chỉ bị ngứa ở quanh hậu môn. Bệnh này thường ảnh hưởng đến cả những phần khác như háng, nách, rốn…

Nếu bị ngứa mông do bệnh ghẻ, bạn cần đi khám và dùng thuốc theo toa để điều trị.

9. Ngứa mông do bệnh mạn tính

bệnh mãn tính gây ngứa mông

Mông có thể bị ngứa và viêm do một số bệnh mạn tính như tiểu đường và các bệnh tự miễn. Những bệnh này cũng có thể khiến bạn dễ bị nhiễm vi khuẩn và nấm, từ đó làm tăng nguy cơ bị ngứa vùng mông.

Bên cạnh đó, một số rối loạn tiêu hóa như bệnh Crohn có thể gây tiêu chảy và rò rỉ phân nên dễ gây kích ứng da xung quanh hậu môn. Theo một nghiên cứu năm 2008 trên Tạp chí Da liễu lâm sàng Hoa Kỳ (American Journal of Clinical Dermatology), một số bệnh như thiếu máu do thiếu sắt, bệnh thận hoặc gan và một số loại ung thư cũng có thể gây ngứa toàn cơ thể.

Nếu tình trạng ngứa vùng mông là do một bệnh mạn tính, bạn cần đi khám để tìm ra đúng bệnh tiềm ẩn và chữa trị đúng cách để cải thiện tình hình. Khi đã chữa khỏi bệnh, cơn ngứa cũng sẽ dần biến mất.

10. Ngứa mông do tổn thương thần kinh

Đôi khi cơn ngứa là do thần kinh chứ không phải do những tác nhân bên ngoài. Nhiều người lớn tuổi bị chấn thương lưng dưới và có thể bị tổn thương nhẹ đến các dây thần kinh tủy sống. Những vấn đề này có thể gây ra cơn đau hoặc ngứa ngáy ở khu vực xung quanh mông và hậu môn mà không nổi mẩn.

Cách điều trị cho trường hợp ngứa vùng mông do tổn thương thần kinh là khá đa dạng và bạn có thể cân nhắc lựa chọn cách chữa phù hợp. Một số cách chữa trị bạn có thể tham khảo là vật lý trị liệu, phẫu thuật hoặc liệu pháp thay đổi hành vi.

11. Ngứa mông do ung thư hậu môn

Trong vài tình huống hiếm gặp, tình trạng ngứa hậu môn có thể là dấu hiệu của ung thư hậu môn. Có tới một nửa số bệnh nhân mắc bệnh Paget, một bệnh ung thư ảnh hưởng tới lớp ngoài của da có bị ngứa hậu môn.

Bệnh Bowen là một dạng ung thư da sớm cũng có thể ảnh hưởng đến khu vực quanh hậu môn và gây ngứa nghiêm trọng. Nếu nghi ngờ mình bị ngứa do các chứng ung thư trên, bạn nên đi khám để bác sĩ kiểm tra và điều trị sớm.

Tuy tình trạng ngứa mông thường không nguy hiểm nhưng lại gây nhiều khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày. Vậy nên, bạn có thể tìm hiểu nguyên nhân gây ngứa cho mình để cải thiện tình hình đúng cách và hiệu quả nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Nổi Cục Ngứa ở Mông