12 Bài Học Ngành Xây Dựng áp Dụng Cho Cuộc Sống - Bic Việt Nam

12 bài học ngành xây dựng áp dụng cho cuộc sống

1. Gió Các tòa nhà thấp, thường không phải tính toán tải trọng ngang (thường là tải trọng gió). Tòa nhà cao, thì mới phải tính tải trọng gió. Nhà càng cao, sức gió càng mạnh. Cũng như cuộc đời này, lên cao thì gió lớn. Cái giá của vị trí cao, chính là gió mạnh. Nên nếu ở trên cao thì tính toán chống lại gió, chứ đừng than vãn. Nếu xác định muốn an nhàn, thì đừng tham vọng. Nếu lên cao thì cần biết, thứ chống lại tải trọng ngang, chính là lõi cứng. Như cơ thể con người, cứng thì không sợ bị bạt ngang.

2. Móng Móng có chắc chắn thì nhà mới đứng vững được. Nhà đẹp cỡ nào mà móng yếu thì cũng sẽ nứt sớm. Hãy nhớ khi làm nhà, quan trọng nhất chính là làm móng. Tuy nhiên thường ở phần móng thì công trình mệt nhất, thậm chí còn lỗ. Cũng như chúng ta vậy, học tập luôn là vất vả nhất, mới ra trường cũng là nhục nhất. Học cũng không kiếm ra tiền, mới ra trường lương 3 cọc 3 đồng. Nhưng đấy chính là lúc bạn xây phần móng cho tương lai. Ngày móng vững, bạn sẽ bước vào giai đoạn hoàn thiện. Chỉ ở hoàn thiện, thì mới “lời”. Con người cũng như cái nhà. Quan trọng ở cái nền tảng tạo dựng. Cái gốc mà vững thì phát triển sẽ tốt và làm gì cũng dễ. Facebook tạo ra một bộ phận yếu đuối hay kêu khổ, không đổ móng mà thích hỏi bí quyết tô trát.

3. Kiến trúc – nội thất Ngôi nhà đẹp hay xấu, cứ nhìn vào kiến trúc. Nhưng có những ngôi nhà tuy xấu, bề ngoài nhìn tầm thường, mà bên trong thì nội thất giàu có kinh khủng. Ngược lại, có ngôi nhà bề ngoài lung linh, mà bên trong lại không có gì. Oái ăm thay, nội thất mới là thứ quyết định gia chủ giàu hay nghèo. Cuộc đời cũng vậy, một Lâm Bình Chi bề ngoài tuấn tú mà bên trong rách nát thập phần, thì ngồi ngựa chạy ngàn dặm cũng không đuổi kịp gã lãng tử vô hạnh ham rượu Lệnh Hồ Xung. Cuộc sống này hãy nhớ vẻ bề ngoài khá quan trọng để đừng có cẩu thả, bẩn thỉu. Nhưng đừng quá tập trung cho vẻ bề ngoài ấy, nếu không sẽ không có tiền “mua nội thất” đâu. Lúc ấy người khổ là chúng ta chứ không ai cả.

4. Tường chịu lực - thép. Thuở chưa sinh ra bê tông cốt thép, thì tường chịu lực. Với tường chịu lực, thường ngôi nhà sẽ chịu tải đến tầng thứ 15. Sau tầng 15, tường chịu lực là trò cười của xã hội với bề dày vài mét ngang hệt tường lô cốt chống bom và đương nhiên, chiếm diện tích sử dụng ở cái thời đại “tấc đất tấc vàng”. Nhưng khi có thép thì nhà vươn cao thành chọc trời. Khi nhà chọc trời, lại sinh ra vấn đề về di chuyển, thế là thang máy được sinh ra. "Trường Giang sóng sau xô sóng trước", nếu không thay đổi thì sẽ là đứng im, tức không cao lên được nữa.

5. Động đất Ở Nhật Bản có một ngôi chùa tên là Chureito, nhìn thẳng ra ngọn núi Phú Sĩ. Trên ngôi chùa có một cái trục nhô cao hơn hẳn, với những cái chén xung quanh. Chúng không phải tự nhiên sinh ra. Đấy là sản phẩm trí tuệ của tổ tiên nước Nhật nhằm đối phó với động đất. (Ảnh minh họa). Khi động đất xảy ra, các cấu trúc của ngôi chùa sẽ rung lắc, khi thì bên trái, khi thì bên phải. Người Nhật đã tạo nên một thanh trụ gỗ xuyên từ dưới móng lên đến mái. Thanh gỗ này chỉ gắn với cái tầng trên cùng, còn lại 4 tầng dưới đều không liên kết. Lúc có động đất, các tầng ngôi chùa nghiêng rung, lập tức bị thanh trục đó giữ lại. 4 tầng dưới không gắn vào trục, chỉ có tầng trên gắn, tất cả tạo nên sự cân bằng lực. Ngôi chùa đó đối phó với động đất theo kiểu "nương theo gió". Cũng như con người đối phó với các mối quan hệ: biết nhu biết cương thì dễ thành công hơn.

6. Đại tướng Chơi cờ, chơi bài, và xây dựng. Kẻ chỉ huy thực ra như đại tướng ra trận. Phải biết khi nào "tướng ngoài mặt trận có thể không nghe lệnh vua", khi nào "một cơn giận yên thiên hạ". Điều quân xây dựng như điều lính đánh trận, phải biết mai phục nơi nào có lời, lương thảo chính là vật tư, tăng quân khi nào hợp lý. Tất cả đều là nghệ thuật cả. Đáng tiếc, kẻ làm xây dựng cứ nghĩ chỉ cần đọc "Bê tông cốt thép" là đủ. Thực tế bạn nên đọc thêm Tam Quốc. Người ta gọi đó là kỹ năng mềm.

7. Khối lượng Sinh viên xây dựng mới ra trường, ngạo nghễ tự hào về chuyên môn, nhưng thứ đầu tiên họ đối mặt hóa ra là khối lượng. Người chủ cũng chỉ quan tâm khối lượng. Họ cưng đứa bóc và kiểm tra khối lượng cho mình, vì sao? Đó là thứ sinh ra tiền. Tương tự, chủ đầu tư cần phòng kinh doanh-khách hàng bán được căn hộ tốt, hơn là phòng xây dựng đầu tắt mặt tối làm ra nhà cho phòng kinh doanh bán hàng. Cuộc sống này, dù nghiệt ngã nhưng được quyết định bởi tiền.

8. Công trình nhà nước và công trình tư nhân Vì sao chỉ có công trình nhà nước mới có tình trạng bỏ hoang, đắp chiếu, lãng phí tiền của nhà nước, của dân đóng thuế mỗi năm? Công trình nhà nước dùng vốn ngân sách. Công trình tư nhân dùng vốn tự có. Công trình tư nhân xiết chặt về chất lượng, hạn chế phát sinh, vì đó là tiền mồ hôi nước mắt. Công trình nhà nước xiết chặt về giấy tờ, nhiều nơi còn tăng phát sinh vì đó là chỗ để họ lấy ra. Tham nhũng của công cũng từ đây mà ra. Cuộc sống này cũng vậy, cái gì của mình thì quý, không phải của mình thì dễ xảy ra chuyện "cha chung không ai khóc". Ràng buộc được con người là phải bằng trách nhiệm và lợi ích. Khi đứng trước những công trình liên quan đến đời sau, hãy có trách nhiệm với lịch sử.

9. Cơ điện Ngày xưa ông bà ta xây nhà với 3 gian cấp 4, giếng nước đào ngoài sân, tối thắp đèn dầu sinh hoạt. Nhưng nhà hiện đại, nhà thành phố không còn có chuyện cơ điện (MEP) tách riêng với xây dựng nữa. Xây tường không chỉ xây một mảng để đó mà còn phải cắt tường để đi đường điện. Xây nhà vệ sinh là phải có hộp gain để đi các đường ống nước thải. Bên ngoài logia, trên sân thượng là phải có trục thoát nước mưa. Có người đi xin giấy phép xây dựng, cũng có người đi xin đấu điện nhà nước. Người làm xây dựng khi thi công cứ nghĩ rằng làm xong cái căn hộ đẹp và chắc chắn là đủ rồi. Ngày người dân nhận nhà bước vào gật gù khen nhà đẹp rồi hỏi “Sao chưa thấy điện, thấy nước nhỉ?” Một căn hộ vô tri mà không điện, không nước thì sống kiểu gì? Cuộc sống cũng vậy, chúng ta không phải sống một mình, mà sống trong tập thể, xã hội, anh em, bạn bè, quan hệ, công việc, tiền bạc. Sẽ có khi chúng ta ghét một người, nhưng chúng ta phải làm việc cùng vì liên quan đến mục tiêu chung hay vì mưu sinh của gia đình. Do đó bạn hoặc thích ứng cùng để tồn tại, hoặc kiếm môi trường khác phù hợp hơn. Nếu thích sống một mình thì làm đại hiệp lên núi ở ẩn như Kim Dung viết trong truyện kiếm hiệp. Xưa nay chỉ có “thời thế tạo anh hùng, không có anh hùng tạo thời thế” cũng vì vậy mà ra.

10. Công bằng và Bình đẳng Vì sao có những người áo phẳng phui ngồi bàn giấy lương cao hơn những người lưng áo đẫm mồ hôi? Vì sao có những kỹ sư đứng trong bóng râm và có những công nhân giữa trưa nắng? Bạn sẽ nói rằng cuộc sống này không có công bằng. Nhưng nếu bạn gọi một công nhân lại và hỏi người công nhân vì sao không được trộn vữa dưới sàn? Vì sao tôi yêu cầu anh trước khi xây gạch phải tưới ẩm? Vì sao anh đang làm vị trí đó mà tôi điều chuyển anh sang đây? Vì sao chỗ này phải tăng người, mà chỗ kia lại bớt người đi? Họ sẽ không trả lời được. Công bằng nên được đặt trong một lăng kính. “Mồ hôi” là thứ dễ nhất để đánh giá nhưng đó không phải là tất cả. Có một buổi tôi ngồi họp với giám đốc dự án, điện thoại reo và câu đầu tiên bật ra là “Cái gì? Công nhân lại biểu tình à? Thôi, để anh xử lý”. Sơn Tùng MTP nói một câu rất đắt: “Muốn ngồi được vị trí không ai ngồi được, phải chịu được những cảm giác không ai chịu được”. Tất cả mọi thứ đều có cái giá của nó. Để ngồi bàn giấy lương cao, cái giá phải trả cũng không nhỏ. Kỹ sư mới ra trường chưa từng trả những giá đắt, sao lại đi đố kỵ với những người đêm chong đèn làm việc? Thành công chỉ là tảng băng nổi, bên dưới đó là đau khổ, nước mắt, mất đi vài người bạn…Những tấm chiếu mới chưa hành động đã để “tham sân si” đi trước dẫn lối, đấy là con đường dẫn đến sự diệt vong trong nghề nghiệp. Hãy nỗ lực chiến đấu để giành lấy công bằng cho chính mình.

11. Chiến lược Napoleon từng nói “Tôi sẵn sàng thua một trận đánh để thắng một trận chiến”. Câu nói đó hàm ý rằng đôi khi phải biết thua ở những trận đánh nhỏ, để giúp ích cho một mục tiêu to. Trần Khánh Dư để thắng được trận Vân Đồn cũng phải thua Ô Mã Nhi một trận liểng xiểng trước đó thôi. Người làm xây dựng đều hiểu Chất lượng – Tiến độ - Vệ sinh cũng như Rẻ-Bền-Đẹp, 3 yếu tố thường không phải đi cùng nhau. Đôi khi chỉ được 2 thì mất 1. Khi đứng ở vị trí lãnh đạo một công trình, thì phải biết khi nào cần chạy tiến độ, khi nào cần chạy chất lượng,…biết bỏ những cái không cần thiết trong thời điểm đó để đi được đến đích. Đời người sống cũng vậy, không phải khi nào cũng được như ý nguyện, nên phải biết buông bỏ những cái tiểu tiết cho một mục tiêu lớn hơn. Thế cho nên mới có câu nói “Đại trượng phu biết nâng lên, cũng biết đặt xuống” là vậy.

12. Công năng sử dụng Rất nhiều người xây nhà vô cùng lãng phí phòng ốc, diện tích sử dụng, dù họ có tiền. Tôi từng biết một người anh có một miếng đất 5x20m rất đẹp. Anh xây nên một cái nhà với cái tầng trệt mênh mông, những nhà vệ sinh to tổ bố, trong khi sân chơi trước nhà cho mấy đứa con, chỗ để xe khách thì lại thiếu. Lại có những người đại gia có tiền, xây nên những biệt phủ với những cách trang trí hoa lá cành không cần thiết. Một chủ đầu tư thông minh là chủ đầu tư biết vạch ra những thứ mình cần, mình muốn khi làm nhà, biết rõ rằng mình kinh doanh cái gì, đam mê cái gì, nên cần xây cái gì? Ví dụ tôi là người ham đọc sách, chỉ mong có một cái thư phòng nho nhỏ. Lại có người mê trồng lan, chỉ mong có một cái vườn treo thật đủ ánh sáng. Ông bạn tôi là dân sưu tầm ấn phẩm bóng đá, cái anh cần đương nhiên là một không gian như bảo tàng. Hãy làm những gì phù hợp cho mục tiêu của mình, đừng hoa lá cành những cái không cần thiết, cuối cùng phí phạm “diện tích sử dụng”, thời gian, công sức, tiền bạc. Nhà là để chúng ta sống, không phải để giải quyết khâu oai. Cuộc sống này là của bạn, không phải của họ để phải “gồng” lên mà quên đi công năng sử dụng của đời mình.

Tác giả: Dũng Phan

View: 2814

Từ khóa » Bài Học đầu Tiên Là đừng Tin