12 Câu Hỏi Thường Gặp Về Vắc Xin HPV Ngừa Ung Thư Cổ Tử Cung
Có thể bạn quan tâm
1.Vì sao phải tiêm ngừa HPV?
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị HPV, nhưng bạn có thể bảo vệ bản thân bằng cách quan hệ tình dục an toàn và tiêm vắc xin HPV. Thuốc chủng ngừa HPV là một loại vắc xin an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa các bệnh liên quan đến vi rút HPV, bao gồm mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung.
HPV là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến ở cả hai giới. Hầu hết mọi người đều bị nhiễm HPV sinh dục thông qua quan hệ tình dục trực tiếp, bao gồm quan hệ âm đạo, hậu môn và đường miệng.
Có hơn 140 loại vi rút HPV (papillomavirus) và 80-85% số người sẽ bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Mặc dù hầu hết các trường hợp nhiễm HPV sẽ tự biến mất, nhưng một số loại có thể gây ra những lo ngại về y tế, từ mụn cóc sinh dục đến ung thư như:
- Phụ nữ: Ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo và âm hộ
- Đàn ông: Ung thư dương vật
- Cả hai giới: Ung thư hầu họng và ung thư hậu môn, bao gồm cả miệng và lưỡi
Trong đó, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới. Theo thống kê của HPV Information Centre, trung bình 4 phút sẽ có 1 người chết vì ung thư cổ tử cung. Tuy rằng không phải ai bị HPV cũng bị ung thư cổ tử cung, nhưng hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do HPV gây ra.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, người mẹ nhiễm vi rút HPV có thể truyền vi rút cho con mình trong khi sinh. Đứa trẻ khi sinh ra bị nhiễm HPV có thể phát triển một tình trạng được gọi là đa bướu gai đường hô hấp.
Vắc xin HPV giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung
2. Có bao nhiêu loại vắc xin HPV?
Hiện nay có 2 loại vắc xin được cấp phép sử dụng để chủng ngừa HPV là Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ).
Trong đó, vắc xin Cervarix giúp ngăn ngừa vi rút HPV tuýp 16 và 18; còn Gardasil giúp ngăn ngừa vi rút HPV tuýp 6, 11, 16 và 18.
Hai loại HPV 16 và 18 được coi là loại nhiễm trùng có nguy cơ cao vì chúng gây ra ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư hầu họng và ung thư hậu môn. Trong khi đó hai chủng HPV 6 và 11 được biết là nguyên nhân chính gây ra mụn cóc sinh dục. Tiêm phòng vắc xin có thể ngăn ngừa những chủng vi rút này.
3. Độ tuổi nào thích hợp nhất để tiêm HPV?
Vắc xin HPV hiệu quả nhất khi được tiêm sớm
Thuốc chủng ngừa HPV được khuyến nghị tiêm cho nữ thanh thiếu niên từ 9-26 tuổi, bất luận đã quan hệ tình dục hay chưa. Độ tuổi thích hợp nhất để tiêm HPV là 11-12 tuổi.
Tiêm phòng HPV không được khuyến khích cho tất cả mọi người trên 26 tuổi vì tiêm phòng trong độ tuổi này mang lại ít lợi ích phòng bệnh hơn. Tuy nhiên, một số người lớn từ 27 đến 45 tuổi chưa được tiêm phòng có thể quyết định tiêm vắc xin HPV sau khi nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ nhiễm HPV mới và những lợi ích có thể có được của việc tiêm phòng.
4. Vắc xin HPV cần tiêm mấy mũi, trong bao lâu?
Vắc xin HPV cần tiêm đủ 3 mũi trong vòng 6 tháng. Trong đó mũi thứ hai cách mũi đầu 2 tháng, mũi thứ ba cách mũi thứ hai 4 tháng.
Trong trường hợp cần điều chỉnh lịch tiêm, liều thứ 2 nên tiêm cách ít nhất 1 tháng sau liều đầu tiên, và liều thứ 3 nên tiêm cách ít nhất 3 tháng sau liều thứ 2.
Nếu tiêm trễ hơn thì vẫn tiêm như bình thường, không cần bổ sung mũi. Tuy nhiên, bạn nên tiêm đúng lịch hẹn để đảm bảo đáp ứng miễn dịch.
5. Sau 10 năm có cần tiêm nhắc lại HPV không?
Theo các nghiên cứu của Mỹ thì vắc xin Gardasil có hiệu quả kéo dài lên đến 30 năm. Nếu bạn đã tiêm đủ 3 mũi theo đúng khuyến cáo thì không cần phải tiêm nhắc lại sau 10 năm. Tuy nhiên bạn vẫn nên khám phụ khoa và làm xét nghiệm Pap smear định kỳ.
6. Phụ nữ đã lập gia đình có thể tiêm HPV không?
Theo các nghiên cứu chỉ ra rằng vắc xin có hiệu quả nhất khi phụ nữ chưa bị nhiễm HPV hoặc chưa có quan hệ tình dục trong độ tuổi từ 9-26. Tuy nhiên, phụ nữ đã lập gia đình vẫn có thể tiêm HPV, mặc dù hiệu quả sẽ không còn cao như trong độ tuổi khuyến nghị.
7. Phụ nữ mang thai có tiêm HPV được không?
Mặc dù chưa chứng minh được vắc xin HPV có ảnh hưởng đến thai nhi và thai kỳ nhưng nó không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai. Bạn chỉ nên có thai sau khi tiêm mũi cuối được 3 tháng.
Nếu trong giai đoạn tiêm chủng phát hiện có thai thì cần hoãn tiêm chủng để tiếp tục thai kỳ. Chỉ tiếp tục tiêm sau khi sinh con, nhưng không kéo dài quá 2 năm.
8. Nam giới có cần tiêm HPV không?
Một số chủng vi rút HPV có thể gây ung thư dương vật, hậu môn và hầu họng ở nam giới. Mặc dù HPV phổ biến ở cả nam và nữ, nhưng các vấn đề sức khỏe gây ra bởi HPV phần lớn xảy ra ở phụ nữ, ít phổ biến hơn ở nam giới.
Hiện nay, ở một số nước phương Tây có khuyến nghị tiêm vắc xin HPV cho nam thanh thiếu niên từ 9-21 tuổi. Tuy nhiên nó được khuyến nghị dành cho nữ thanh thiếu niên nhiều hơn vì những tác động phổ biến mà nó gây ra cho phụ nữ. Khi phụ nữ có tiêm HPV, họ cũng gián tiếp bảo vệ đối tác hoặc bạn đời của mình.
9. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi tiêm HPV là gì?
Một số người lo ngại rằng tiêm phòng HPV có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng lâu dài, chẳng hạn như ảnh hưởng khả năng sinh sản. Nhưng cho đến nay, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được chứng minh là do vắc xin chủng ngừa HPV gây ra.
Nó có thể gây ra một số phản ứng phụ từ nhẹ đến trung bình nhưng cũng không phổ biến. Các tác dụng phụ mà bạn có thể gặp sau khi tiêm phòng là:
- Đau hoặc sưng tại vị trí tiêm
- Sốt nhẹ
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Đau cơ
- Đau khớp
- Ngất xỉu
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau bụng
- Bệnh tiêu chảy
Nếu bạn gặp các tác dụng phụ ở trên hoặc bất kì một tác dụng phụ nào khác, bạn nên thông báo cho bác sĩ.
10. Đã tiêm đủ 3 mũi HPV, có cần sàng lọc ung thư cổ tử cung nữa không?
Dù đã tiêm vắc xin HPV bạn vẫn nên tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên
Vắc xin HPV không ngăn ngừa tất cả các loại virus gây ung thư cổ tử cung, nó chỉ phòng ngừa 2 chủng 16 và 18 gây ra phần lớn các trường hợp ung thư. Thực tế còn hơn 10 chủng virus HPV có thể dẫn đến ung thư, mặc dù hiếm gặp nhưng không phải là không thể xảy ra.
Do đó, việc khám phụ khoa và làm xét nghiệm Pap smear định kỳ là rất cần thiết để kịp thời phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của ung thư cổ tử cung.
Bên cạnh đó, vắc xin HPV cũng không bảo vệ bạn khỏi các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) khác hoặc điều trị các bệnh có liên quan đến HPV. Bạn vẫn cần quan hệ tình dục an toàn để ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc lây nhiễm các bệnh STIs.
11. Có cách nào phòng tránh ung thư cổ tử cung tốt hơn ngoài vắc xin không?
Hiện nay thì tiêm vắc xin HPV là cách tốt nhất để ngăn ngừa mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, bạn có thể hạn chế nguy cơ bằng các cách sau:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để làm giảm nguy cơ lây nhiễm hoặc lây truyền HPV.
- Phụ nữ nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ. Các bác sĩ có thể tìm thấy những tế bào bất thường thông qua xét nghiệm Pap.
- Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt là axit folic và các chất dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật.
12. Ai có nguy cơ bị nhiễm HPV nhất nếu không được tiêm phòng
Có một số yếu tố khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm HPV cao hơn nếu không được tiêm phòng. Bao gồm:
- Không sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp an toàn khác khi quan hệ tình dục.
- Quan hệ tình dục với nhiều người
- Có vết thương hở
- Tiếp xúc với mụn cóc truyền nhiễm
- Có thói quen hút thuốc lá làm suy yếu hệ thống miễn dịch
- Bị bệnh suy giảm miễn dịch
- Có chế độ ăn ít vitamin và thiếu dinh dưỡng
BS CKI PHẠM THỊ MINH HÀ
Từ khóa » Các Loại Vaccine Hpv
-
Có Mấy Loại Vắc Xin HPV Ngừa Ung Thư Cổ Tử Cung? | Vinmec
-
Sự Khác Nhau Giữa Vắc-xin Ngừa HPV Gardasil Và Cervarix | Vinmec
-
HPV Vắc Xin Phòng Ngừa Ung Thư Cổ Tử Cung Và Những điều Bạn Cần ...
-
Các Loại Vaccine HPV? Độ Tuổi, đối Tượng Tiêm Phòng Vaccine HPV
-
VẮC XIN HPV PHÒNG NGỪA UNG THƯ CỔ TỬ CUNG CÓ MẤY ...
-
Vắc Xin GARDASIL - Vắc Xin Phòng Ung Thư Cổ Tử Cung - VNVC
-
Vắc Xin Gardasil 9 (Mỹ) Phòng Các Bệnh Do 9 Tuýp Virus HPV | VNVC
-
Thêm Vaccine Phòng Ngừa 9 Týp Virus HPV ở Cả Nam Và Nữ Giới | Y Tế
-
Vắc Xin Ung Thư Cổ Tử Cung Có Mấy Loại? Đối Tượng Và độ Tuổi áp Dụng
-
Vắc-xin Human Papillomavirus (HPV) - Bệnh Truyền Nhiễm
-
Tiêm Trọn Gói 3 Mũi Vắc-xin Gardasil - CarePlus
-
Những Ai NÊN Và KHÔNG NÊN Chích Ngừa HPV? - CarePlus
-
Hỏi đáp Về Ung Thư Cổ Tử Cung
-
Tiêm Phòng Ung Thư Cổ Tử Cung Khi Nào Và Lưu ý Khi Tiêm | Medlatec