12 TUYỆT CHIÊU GIÚP BẠN KHÉO LÉO ĐỐI PHÓ VỚI NGƯỜI CÓ ...

1. Nhắc lại lời họ nói để bạn không bị mắc kẹt trong cuộc trò chuyện

Cho dù bạn đang tranh luận về sự thật hay chỉ cố thoát ra khỏi một câu chuyện chán ngắt, ít nhất bạn phải tỏ ra là mình coi trọng những gì họ đang nói. Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Andrea Bonior chia sẻ với BuzzFeed Life rằng: “Nếu họ không cảm thấy được lắng nghe, họ sẽ tiếp tục nói chuyện với bạn không ngừng.” Hãy cho họ thấy rằng bạn đã lắng nghe họ, sau đó sử dụng điều đó như một cơ hội để đưa ra quan điểm của bạn hoặc chuyển hướng câu chuyện.

2. Tránh dùng những cụm từ thể hiện sự không chắc chắn

Khi nói chuyện với ai đó có cái tôi lớn, đừng dùng:

“Tôi nghĩ…”

“Tôi cảm thấy…”

“Đại khái là …”

“Tôi chỉ …”

“Những cụm từ này mặc nhiên khiến bạn dường như bị lép vế, chẳng khác nào bạn đang nuôi dưỡng cái tôi của người đó bằng suy nghĩ rằng ý kiến ​​của mình kém giá trị hơn ý kiến ​​của họ”, theo Bonior chia sẻ.

3. Nói chuyện bằng lí trí thay vì cảm xúc nếu bạn muốn người ái kỷ nhìn nhận ý kiến của bạn

Susan Fee là cố vấn lâm sàng và là tác giả của cuốn “101 Ý tưởng & Hiểu biết về việc Giải quyết Xung đột” (101 Ideas & Insights About Resolving Conflict), theo như chia sẻ của bà, thông thường, một người có cái tôi lớn sẽ không quan tâm đến việc thái độ của họ khiến bạn cảm thấy thế nào. Vậy nên, tất cả những câu nói “Tôi cảm thấy” mà bạn được dạy để thể hiện quan điểm của mình không áp dụng được ở đây. Họ rất giỏi nắm thóp cảm xúc của bạn và đổ lỗi cho bạn vì sống quá cảm xúc, chứ họ không bao giờ chịu nhận trách nhiệm về mình.

4. Tuy nhiên, nếu họ thậm chí không thể đồng ý với bạn về những điều cơ bản, thì cũng không đáng để tranh luận với họ

Fee nói rằng: “Cố gắng thuyết phục một khi họ đã ra quyết định sẽ chẳng đi đến đâu cả. Bạn sẽ chỉ càng cảm thấy ức chế hơn mà thôi.”

5. Đôi khi bạn buộc phải thô lỗ một chút

Theo bà Fee, thông thường, bạn sẽ muốn giữ lịch sự và thể diện. Nhưng nếu bạn không còn cách nào khác hoặc người đó đã đi quá giới hạn, hãy trung thực và đi thẳng vào vấn đề. Khi họ xem nhẹ ý kiến của bạn, hãy nói: “Điều đó thật thô lỗ” hoặc đáp trả câu nói xúc phạm bằng “Đó là một ý kiến thú vị.” Sau đó quay đi và nói chuyện với người khác.

6. Đừng cố hiểu hành vi của họ, bởi vì đôi khi một người có cái tôi quá lớn CŨNG KHÔNG HIỂU CHÍNH MÌNH

Tại sao cô ấy lại lờ đi quan điểm của người khác? Tại sao anh ấy nghĩ rằng mình là món quà Thượng đế ban tặng mọi người ?! Tại sao họ lại hành xử như vậy???

Lầm tưởng rằng một người có cái tôi quá lớn nên học cách để trở nên biết điều hơn – là cách dễ nhất khiến bạn cực kỳ nản lòng. Đúng là họ nên, nhưng họ sẽ không làm vậy đâu. Fee nói: “Một khi bạn chấp nhận rằng họ vô lý, và nhận ra thật đáng buồn nếu họ nghĩ rằng đó là cách thế giới vận hành, bạn sẽ dễ dàng bớt để tâm tới họ hơn.”

7. Trước khi bạn nói chuyện với một người có cái tôi quá lớn, hãy điều chỉnh thái độ của bạn nếu không muốn cuộc trò chuyện trở nên tồi tệ

Bonior nói: “Khi phải chịu đựng những người có cái tôi lớn, chúng ta buộc phải thay đổi cách nhìn, vì vậy chúng ta tạo ra một lời tiên tri tự ứng nghiệm (self-fulfilling prophecy), rằng ta nghĩ họ sẽ làm ta khó chịu, và rồi điều đó xảy ra thật.” Hãy coi mỗi tương tác mới như một lần thử nghiệm.

Theo Bonior, điều này cũng có thể giúp bạn biết lý do tại sao ai đó thực sự làm bạn khó chịu, bởi vì đôi khi, cách chúng ta đối phó với cái tôi của người khác nói lên rất nhiều điều về sự bất an của chính chúng ta. Bạn của bạn có tỏ ra là một người hoàn toàn khác vì cô ấy sắp kết hôn không hay việc đính hôn của cô ấy khiến bạn thấy ghen tị? Đồng nghiệp của bạn đang thực sự khoe khoang về bằng cấp của họ hay họ chỉ đang gợi bạn nhớ về con đường học vấn dang dở của mình? Đại loại vậy.

8. Đừng để bụng nếu họ xúc phạm bạn trực tiếp hay gián tiếp

Bonior nói rằng: “Những người có cái tôi lớn thường hạ thấp người khác khi họ đang tâng bốc chính mình. Hãy lùi lại một bước và hỏi liệu họ có phải là cái rốn của vũ trụ không? Tất nhiên là không. Nếu ai đó có cái tôi quá lớn, lăng kính của họ sẽ bị lệch. Họ luôn nhìn mọi thứ theo cách khiến họ tốt hơn bạn. Trong khi sự thực thì không phải vậy.”

9. Đừng nói xấu họ với bạn bè dù nó khiến bạn thỏa mãn ngay lúc ấy

Một khi bạn chấp nhận rằng ai đó có cái tôi quá lớn, chẳng ích gì khi tự khiến bản thân quá kích động vì điều đó. Và nó bao gồm việc nói với bạn bè về việc họ khiến bạn bực mình ra sao. Fee nói: “Nếu bạn tiếp tục nói về ai đó, bạn đang tự khiến mình chìm sâu hơn. Hãy coi điều đó là bình thường. Đừng nói về nó. Đừng để người đó chi phối cuộc sống của bạn quá mức.”

10. Đừng chỉ vì muốn thỏa mãn bản thân mà chế giễu họ quá vị kỷ

Bởi những người có cái tôi quá cao thường dễ kích động, nên việc nói về hành vi của họ một cách hung hăng hoặc mỉa mai sẽ chỉ càng trêu tức họ và khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Họ càng cảm thấy dễ bị tổn thương, thì họ càng tự “phồng” lên, theo Bonior chia sẻ.

11. Hãy thử đặt mình vào vị trí của họ để hiểu

Fee nói: “Mọi người có cả triệu lẻ một lý do để hành động theo cách của mình, vì vậy, hãy thử suy nghĩ về những gì họ có thể đã trải qua mà bạn không biết, xem nó có hữu ích hay không. Có thể cuộc sống gia đình họ gặp khó khăn hoặc họ luôn có một nỗi bất an thầm kín. Nếu suy nghĩ về điều đó giúp bạn hiểu họ hơn và bạn cũng cảm thấy tốt hơn, thì thật tuyệt.”

12. Rút khỏi mối quan hệ nếu có thể, nếu bạn không có nghĩa vụ phải chịu đựng họ, thì đừng cố

Khi đối mặt với một cái tôi quá lớn, bạn sẽ muốn khiến họ bớt vênh váo hoặc cho họ thấy họ ảo tưởng đến mức nào. Tuy nhiên, vấn đề là những người có cái tôi lớn có khả năng chống lại những dự định kiểu đó. Đó là mấu chốt. Cách tốt nhất là … đừng làm thế.

Fee nói: “Chúng ta có thể lặng lẽ tách mình ra khỏi mọi người. Ẩn họ khỏi các trang mạng xã hội của bạn. Đừng hỏi thêm bất cứ điều gì khi họ cứ thao thao bất tuyệt về bản thân. Bà Fee cho rằng: “Việc của bạn không phải là kiểm soát người này. Nó sẽ chỉ khiến bạn thêm căng thẳng”.

———-

Tác giả: Anna Borges/ Theo Ybox

Post Views: 2,924

Từ khóa » Cái Tôi Quá Lớn Phải Làm Sao