14 Món ăn Tuyệt Ngon Từ Nồi Chiên Không Dầu Của Bà Mẹ Hot Nhất ...
Có thể bạn quan tâm
Các món ăn từ nồi chiên không dầu vẫn đang được nhiều chị em nội trợ hưởng ứng vì hạn chế được lượng dầu mỡ khi nấu, tốt cho sức khỏe. Vì thế, mới đây, chị Tô Hưng Giang (Hà Nội) đã gợi ý 15 món ăn được làm từ nồi chiên này để chị em tham khảo. Các món ăn của chị cũng đã thu hút hơn 2 nghìn lượt like và chia sẻ chỉ sau vài giờ đăng tải.
Chị Tô Hưng Giang
1. THỊT QUAY GIÒN BÌ
Nguyên liệu:
- Thịt ba chỉ: một miếng 500gr
- Muối tinh, giấm trắng để phết lên mặt bì
- Gia vị ướp thịt: bột nêm, dầu hào, xì dầu, rượu mai quế lộ hoặc chút ngũ vị hương, hạt tiêu, bột hành, bột tỏi (Không có dùng hành băm, tỏi băm)
- Giấy bạc bọc thịt
Cách làm
- Thịt rửa thật sạch, cạo lông, dùng giấy chuyên dụng hoặc giẻ khô lau thật khô miếng thịt. Nhất là phần bì phải luôn thật khô ráo.
- Dùng dao khứa nhẹ thành các ô vuông trên phần bì lợn. Cách này làm cho bì nổ dễ và sau khi nướng xong thái thịt theo những phần đã khứa không bị vỡ nát. Ngoài ra có thể dùng vật nhọn đâm xiên nhiều lần lên phần bì lợn.
- Trộn các gia vị để ướp phần bên dưới thịt: 1 thìa cà phê rượu mai quế lộ hoặc 1/2 thìa cà phê bột ngũ vị hương + 1 thìa canh dầu hào + 1 thìa cà phê bột nêm + 1 thìa canh xì dầu + 1/2 thìa cà phê bột tiêu + 1/2 thìa cà phê bột tỏi + 1/2 thìa cà phê bột hành (không có thì dùng hành tỏi củ băm nhỏ), trộn thật đều các nguyên liệu.
- Đi bao tay, lật ngửa phần dưới của miếng thịt lên thoa đều phần sốt trộn thịt ở trên đều khắp miếng thịt (chỉ thoa phần dưới không thoa phần bì).
- Xếp miếng thịt ngay ngắn vào giấy bạc, bao bọc xung quanh miếng thịt lại và để chừa hở phần bì lợn ra, không bọc kín hết lại. Sau đó cất ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút đến 1 tiếng, càng ướp lâu thịt càng mềm và ngon.
- Sau khi thịt ngấm gia vị thì mang thịt đi nướng, cứ để nguyên phần giấy bạc như vậy. Pha một thìa canh giấm ăn và 1 thìa cà phê muối, trộn đều và phết lên phần bì lợn trước khi đem đi nướng.
- Bật nồi chiên ở nhiệt độ 150 độ khoảng 5 phút trước khi nướng.
Nướng lần 1: cho thịt vào nướng 30 phút ở 150 độ.
Nướng lần 2: phết thêm hỗn hợp giấm muối lần nữa, tăng nhiệt độ lên 180 độ nướng trong 5 phút. Lúc này bì cũng bắt đầu nổ nhưng chưa nhiều.
Nướng lần 3: phết lần cuối hỗn hợp muối giấm vẫn 180 độ trong 5 phút nữa. Sau 3 lần nướng bì chín và nổ đều thì dừng lại, còn chưa nổ hết thì nướng thêm 5 phút nữa ở nhiệt độ 180 độ.
Thịt nướng xong có nước tiết ra, dùng nước đó pha với chút giấm ăn, xì dầu, hành lá thái nhỏ, thêm tỏi ớt băm nhỏ chấm thịt rất ngon.
Nếu không muốn nướng với giấy bạc, mọi người có thể luộc qua miếng thịt rồi làm như các bước trên. Nhưng thịt nướng giấy bạc vẫn là ngon nhất, thịt chín mềm và không bị khô.
2. BÚN CHẢ
Nguyên liệu:
- Thịt ba chỉ hoặc nạc vai nguyên miếng để làm phần thịt nướng (lấy phần nào có nhiều mỡ sẽ rất ngon): 500gr
- Thịt ba chỉ hoặc nạc vai băm hoặc xay nhỏ để làm phần chả: 500gr
- Su hào: 1 củ ngoài ra có có thể thay thế bằng đu đủ xanh là chuẩn ngon nhất)
- Cà rốt: 1/2 củ
- Gia vị: nước mắm, dầu hào, hạt tiêu, hành củ tím, tỏi, sả, ớt, đường cát vàng hoặc trắng, dấm, chanh, sữa đặc ông thọ...
- Rau sống: hành lá, tía tô, mùi ta, húng bạc hà... (các loại rau thơm theo sở thích nhưng hợp nhất là tía tô và mùi ta phải có), giá đỗ...
- Bún sợi: 1kg
Cách làm:
- Hành củ tím, tỏi băm thật nhỏ. Sả cắt nhỏ, thêm 1 thìa canh nước trắng, cho vào máy xay thật nhuyễn, lọc lấy phần nước cốt nhất.
- Thịt ba chỉ hoặc nạc vai thái mỏng vừa ăn (bỏ phần bì nếu có bì).
- Phần thịt làm chả có thể tự băm hoặc xay nhỏ tại nhà, ngoài ra có thể mua sẵn nhưng nên chọn miếng có nhiều mỡ chút thì khi nướng chả sẽ mềm và ngậy hơn.
- Cho thịt thái miếng nhỏ và thịt băm vào hai bát khác nhau.
- Cách ướp thịt của hai phần giống hệt nhau. Mình viết chung cho một công thức, khi mọi người làm xong chia đều cho mỗi loại thịt.
- Cách ướp như sau: 2 thìa sữa đặc ông thọ + 1 thìa cà phê hạt tiêu bắc thật thơm + 2 thìa canh nước cốt ép củ sả + 1 thìa canh ăn phở đường cát vàng hoặc trắng + 1 thìa canh dầu ăn, 1 thìa canh ăn phở nước hàng (nước dùng để làm thịt kho tàu được thắng từ đường) + 2 thìa canh dầu hào + 1 thìa canh nước mắm + 2 thìa cà phê tỏi băm + 2 thìa cà phê hành tím băm. Trộn thật đều các nguyên liệu và chia đôi phần sốt ướp cho vào mỗi loại thịt.
Riêng phần thịt băm để làm chả thì thái thêm chút hành lá trộn vào cho thơm hơn. Đi bao tay nặn đều thành những viên tròn, không nặn to và dầy quá sẽ lâu chín và nướng lâu quá thịt dễ bị khô.
- Nên ướp thịt càng lâu càng ngon, tốt nhất ướp thịt qua đêm, cất ngăn mát tủ lạnh.
- Bí quyết để thịt khi nướng mềm hơn: sau khi đủ thời gian ướp thịt, trước khi đem ra nướng, vắt vào 1/2 quả chanh, trộn thật đều.
- Các loại rau thơm rửa thật sạch. Vẩy cho ráo nước.
- Dưa góp ăn kèm: Su hào, cà rốt hoặc đu đủ xanh (nếu không có đu đủ xanh và su hào thì thay bằng dưa chuột), các loại củ quả gọt vỏ, rửa sạch, thái mỏng hoặc tỉa hoa tuỳ ý thích, ướp vào 1 thìa canh đường, đợi 15 phút tiết ra nước thì vắt sạch (bỏ phần nước tiết đi), sau đó trộn vào một ít bột canh, tỏi, ớt băm nhỏ, chút chanh hoặc giấm, trộn đều thấy chua cay, mặn ngọt vừa miệng là được. Vì cho đường lúc đầu rồi nên không cần thêm nữa.
- Cách pha nước chấm: 200ml nước trắng + 3 thìa canh ăn phở đường + 5 thìa canh ăn phở nước mắm + 3 thìa canh ăn phở giấm ăn, đun sôi, nêm nếm lại cho vừa miệng, bắc xuống thêm chút tỏi băm, ớt băm, hạt tiêu, nếu chưa đủ chua thì vắt thêm chút chanh (có thể nêm nếm lại theo sở thích).
- Cách nướng: Có thể nướng bằng bếp than củi, lò nướng điện, nồi chiên...Mình nướng bằng nồi chiên:Lần 1: 7 phút ở 160 độ, mở nồi, đảo đều hoặc lật mặt.Lần 2: 5 phút ở 160 độ, mở nồi đảo đều hoặc lật mặt lần nữa.Lần 3: 4 phút ở nhiệt độ 160 độ là chín hoàn toàn.Mình set nhiệt độ theo nồi phillip nhà mình, thịt thái mỏng nên cũng nhanh chín, mọi người chú ý đừng set thời gian lâu quá dễ bị cháy, nên ngắt quãng nướng thành nhiều lần để dễ để ý tránh thịt bị cháy.
Trộn 1 thìa cà phê mật ong với 1 thìa canh dầu ăn, khi thịt gần vàng thì phết một chút lên thì thịt và chả sẽ được vàng bóng đẹp hơn.
Phần nước chấm luôn để ấm khi ăn sẽ ngon hơn, và ăn kèm dưa góp.
3. BÁNH MÌ NƯỚNG SỐT PHÔ MAI NGỌT
Nguyên liệu
- Phô mai con bò cười: 5 miếng
- Sữa đặc có đường: 50gr
- Sữa tươi không đường: 100ml
- Bơ nhạt: 50gr
- Sốt mayonnaise: 3 thìa canh
- Bánh mỳ chuột 4 cái nhỏ hoặc các loại bánh mỳ khác. Muốn ngon hơn nữa thì thêm chút phô mai mozarella nhưng trộn cùng với các nguyên liệu trên và nấu lên chứ không rắc.
Cách làm:
- Phô mai con bò cười bóc vỏ, dùng dĩa nghiền nát.
- Trộn sữa tươi không đường, phô mai con bò cười, sốt mayonnaise, sữa đặc, bơ nhạt, với nhau (mọi người có thể cho chút phô mai sợi Mozarella vào nấu cùng sốt cũng rất ngon. Đun nhỏ lửa, quấy liên tục cho hỗn hợp sánh lại tắt bếp.
- Phết sốt lên bánh mỳ, càng phết nhiều sốt càng ngon, nướng 3-4 phút ở nhiệt nồi chiên 160 độ. Muốn cháy sém hơn thì nướng thêm 3 phút ở 180 độ.
4. THỊT XIÊN NƯỚNG RAU CỦ
Nguyên liệu:
- Có thể dùng thịt bò, gà, thịt lợn (những phần ngon và mềm nhất): 500gr
- Ớt chuông xanh, đỏ, vàng: mỗi thứ 1 quả
- Nấm: đùi gà hoặc đông cô 1 hộp
- Hành tây: 1 củ
- Gia vị ướp thịt: dầu hào, bột nêm, dầu ăn, hạt tiêu, bột hành, bột tỏi hoặc hành tỏi củ băm nhỏ, sốt ướp thịt nướng mua sẵn trong siêu thịt (nếu là bò mua vị bò, lợn mua vị của lợn) hoặc dùng sốt BBQ mua lọ đóng sẵn, đường.
- Giấy bạc
- Xiên que : 20-30 xiên
Cách làm
- Thịt rửa sạch, để ráo nước, thái thịt thành những miếng vuông nhỏ vừa ăn. Lưu ý nếu dùng thịt bò thì cắt mỏng hơn và ngang thớ để thịt mềm hơn.
- Ướp thịt: 2 thìa canh ăn phở dầu hào, 1 thìa cà phê bột nêm, 1 thìa canh ăn phở dầu ăn, 1 thìa cà phê bột tỏi, 1 thìa cà phê bột hành, 1 thìa canh ăn phở đường nếu thích có nhiều vị ngọt, 1 thìa cà phê hạt tiêu, 3 thìa canh ăn phở sốt gia vị nướng thịt hoặc sốt BBQ. Trộn đều thịt với các gia vị và ướp trong 1-2 tiếng hoặc càng lâu càng ngon, bọc màng bọc cất ngăn mát tủ lạnh.
- Ớt chuông rửa sạch, bổ đôi bỏ lõi, thái miếng vuông nhỏ vừa ăn. Hành tây cắt khúc vừa ăn. Nấm cắt miếng nhỏ vừa ăn.
- Thịt sau khi ngấm gia vị mang ra xiên cùng rau củ: dùng que xiên, xiên lần lượt nấm, thịt, ớt chuông, thịt, hành tây... cho đều nhau. Cứ lần lượt cho đầy xiên.
- Bật nồi chiên ở nhiệt độ 180 độ trong 4 phút.
- Nướng lần 1: Xếp xiên thịt vào giấy bạc, bọc kín lại, nướng 180 độ trong 20 phút.
- Nướng lần 2: mở giấy bạc, phết phần nước sốt tiết ra còn xót lại lên các xiên thịt, nướng 5 phút ở 160 độ.
- Nướng lần 3: trở mặt xiên thịt, phết nước sốt ướp thịt nướng thêm 5 phút ở 160 độ.
5. ĐÙI GÀ NƯỚNG SỐT TERIYAKI
Nguyên liệu:
- 1 đùi gà, dùng cả phần má đùi
- Gia vị: 1 thìa canh dầu hào, 1 chút hạt tiêu, 1 thìa cà phê dầu ăn, 1 thìa cà phê xì dầu, 1/2 thìa cà phê bột tỏi hoặc tỏi băm, 1/2 thìa cà phê bột hành (hai loại bột này mua trong siêu thị), nếu không có thì ướp bằng hành tỏi băm nhỏ nhưng trước khi đem nước thì gạt bớt phần hành tỏi băm để tránh bị cháy + 1 thìa canh sốt Teriyaki (chai sốt này cũng bán rất nhiều trong siêu thị).
Cách làm:
- Cho đùi gà vào bát, trộn đều phần sốt và đi bao tay phết đều lên đùi gà. Bọc kín cất ngăn mát tủ lạnh khoảng 1h- 2h cho ngấm gia vị.
Có hai cách set (cài đặt) nhiệt nướng như sau:
- Cách 1: Nên làm nóng lò ở nhiệt độ 180 độ trong 5 phút. Nếu không muốn nướng bằng giấy bạc thì mọi người nên khứa vài đường lên đùi gà cho nhanh chín.
Lần 1: 160 độ trong 10 phút.
Lần 2: 160 độ trong 10 phút, có lật mặt.
Lần 3: phết mặt bằng nước sốt ướp còn thừa, nướng 180 độ trong 5 phút.
Lần 4: muốn mặt thịt sém vàng đẹp hơn thì nướng thêm 4 phút ở nhiệt độ 180 độ.
- Cách nướng thứ 2: bọc đùi gà vào giấy bạc
Lần 1: 180 độ trong 20 phút.
Lần 2: bỏ giấy bạc nướng, phết phần nước ướp tiết ra lên mặt thịt nướng 170 độ trong 5 phút.
Lần 3: lật mặt thịt phết nước sốt nướng thêm 5 phút ở nhiệt độ 170 độ. Nếu phần da gà chưa được vàng giòn thì nướng thêm 3 phút ở nhiệt độ 180 độ.
Tuỳ vào loại gà và từng loại nồi để chỉnh lại nhiệt độ và thời gian cho thích hợp hơn.
6. CÀ TÍM NƯỚNG MỠ HÀNH
Nguyên liệu:
- 5-6 quả cà tím dài
- 2-3 nhánh hành lá
- Lạc rang chín giã dập
- Hành phi nếu có
- Chanh, tỏi, ớt, nước mắm, đường
Cách làm
- Làm mỡ hành: hành lá rửa sạch, thái nhỏ cho ra bát. Đun sôi dầu ăn hoặc mỡ, đổ vào bát hành, đảo đều.
- Cà tím để cả quả, rửa sạch. Dùng dĩa đâm xung quanh quả cà, để tránh khi nướng cà bị nổ.
- Bật nồi chiên 200 độ khoảng 3-4 phút, làm nóng nồi trước khi nướng nhiệt sẽ đều hơn.
- Xếp cà vào nồi, nướng làm 3 lần. Mỗi lần 5 phút ở nhiệt độ 200 độ và lật mặt mỗi lần nướng (tuỳ nồi, có nồi nướng 10 phút ở nhiệt 200 độ cũng chín rồi nên mỗi nhà tự điều chỉnh).
- Cà chín gắp ra đĩa, bóc sạch vỏ, cà lúc này rất dễ bóc.
- Dùng dĩa hoặc đũa dằm quả cà ra hoặc cắt miếng vừa ăn theo ý thích.
- Pha nước mắm chua ngọt: 2 thìa canh nước mắm + 1 thìa canh đường + 1 thìa canh nước cốt chanh, tỏi ớt băm nhỏ. Quậy đều, rưới lên cà tím. Cuối cùng rưới mỡ hành, rắc lạc rang hoặc có hành khô rắc lên trên cùng là xong, ăn nóng.
7. BÁNH TART TRỨNG
Nguyên liệu
- Vỏ bánh tart mua sẵn: 10 cái
- 1 gói sữa tươi không đường 220ml
- 3 lòng đỏ trứng gà ta
- Bột sư tử (hay còn gọi là bột custard, cũng bán sẵn ở chỗ mua đế bánh, nên mua túi nhỏ để đỡ phí nếu dùng không hết, nếu không có thì có thể bỏ qua)
- Whipping cream: 50ml
- Đường cát trắng: 30gr (tuỳ độ ngọt để gia giảm)
- Sữa đặc ông thọ: 50gr (tuỳ độ ngọt để gia giảm nhưng nên cho sữa đặc sẽ béo và thơm ngon hơn)
- Vani: 1 ống hoặc dùng dạng nước thì 1 thìa cà phê.
Cách làm:
- Trộn lòng đỏ trứng gà với vani, bột sư tử đánh nhẹ nhàng cho trứng tan.
- Trộn: sữa đặc + đường + whipping cream + sữa tươi không đường với nhau. Đổ vào nồi đun cho ấm khoảng 40 - 50 độ.
- Đổ từ từ hỗn hợp trứng gà đánh tan vào nồi hỗn hợp sữa, vừa đổ vừa khuấy đều cho tan. Rây lại 2-3 lần cho mịn.
- Cách nướng: Đế bánh tart để ra ngoài khoảng 10 phút trước khi nướng, không bỏ bánh ra quá sớm, dùng tăm xiên nhẹ phần đáy bánh để khi nướng bánh không bị phồng.
- Làm nóng nồi chiên khoảng 3-4 phút ở nhiệt độ 180 độ.
- Nên nướng phần đế bánh trước rồi mới cho nhân vào nướng sau.
Nướng lần 1: Xếp đế bánh vào nồi, bật 180 độ nướng đế bánh trước cho hơi vàng trong khoảng 7-8 phút.
Nướng lần 2: Sau đó đổ phần nhân vào đế bánh, bật 180 độ nướng trong 5 phút.
Nướng lần 3: Tăng nhiệt độ lên 200 độ nướng thêm 2 phút cho mặt bánh hơi xém
Nướng lần 4: Mặt bánh đã chín, hơi sém mặt và đông cứng lại, lúc này lật úp bánh xuống, nướng thêm 2 phút nữa cho đáy bánh được nóng giòn hơn.
Vậy là xong, bánh này có thể ăn nóng hay lạnh đều ngon. Chú ý canh nồi, vì mỗi nồi sẽ chênh nhau một ít về nhiệt độ và thời gian.
8. BÁNH MÌ NƯỚNG PHÔ MAI
Nguyên liệu
- Bơ để nhiệt độ phòng: 40gr
- Tỏi băm nhuyễn: 2 nhánh
- Bánh mỳ nhạt các loại.
- Phô mai mozzarella
- Hành lá: 1 nhánh
Cách làm
- Bánh mỳ để nguyên cái, cắt thành các miếng nhưng không rời. Hoặc cắt bánh mỳ thành các miếng, lát vừa ăn.
- Trộn bơ với tỏi cho nhuyễn. Phết bơ tỏi lên bánh mỳ, nếu để nguyên cái thì phết vào những phần vách đã cắt. Rắc phô mai mozarella lên, cuối cùng là hành lá.
- Nướng bánh mỳ ở nhiệt độ 160 độ trong 4 phút, phô mai tan chảy là được.
9. CARAMEN
Nguyên liệu:
- 500ml sữa tươi không đường
- 6 quả trứng gà (để nhiệt độ phòng)
- 100ml kem tươi (whipping cream cho nguyên liệu này rất béo và ngậy, bánh cứng cáp có độ đàn hồi, còn nếu không có kem tươi thì có thể bỏ qua bước này nhưng bót đi 1 quả trứng)
- 2 ống van, nếu dùng vani nước thì 2 thìa cà phê
- Sữa đặc ông thọ: 1/2 lon
- Đường cát trắng hoặc vàng: 150gr để làm đường caramen.
Cách làm
- Đập trứng ra bát (3 quả lấy nguyên lòng đỏ và trắng, 3 quả chỉ lấy nguyên lòng đỏ và bỏ lòng trắng) dùng dĩa đánh nhẹ cho trứng tan, không đánh mạnh làm trứng tạo bọt khi nướng hoặc hấp dễ bị rỗ.
- Đổ sữa tươi không đường, kem tươi, sữa đặc ông thọ vào nồi, bật lửa nhỏ, khuấy nhẹ cho hỗn hợp hơi ấm nóng, đừng để sôi và nóng quá là được. Nhiệt độ khoảng 40-50 độ. Độ ngọt có thể điều chỉnh tuỳ ý.
- Dùng muôi hoặc thìa to, múc từng muôi trứng đánh tan vào hỗn hợp sữa kem tươi, vừa đổ từng muôi vào vừa khuấy đều, tránh đổ hết luôn cùng một lúc. Cuối cùng thu được hỗn hợp trứng sữa. Thêm chút vani để caramen được thơm bớt mùi tanh của trứng.
- Dùng cái rây, lọc hỗn hợp trứng sữa làm hai lần để hỗn hợp được mịn màng hơn.
- Thắng đường lên cho xíu nước, sau khi sôi chuyển sang màu cánh gián là được, đổ đường đã thắng vào đáy khuôn, nên dùng khuôn inox hoặc các loại khuôn chịu được nhiệt.
Chú ý, nước đường cũng phải chuẩn không được loãng quá. Đợi đường se và nguội hẳn thì đổ hỗn hợp trứng sữa vào mỗi cốc, đường còn nóng mà đổ trứng sữa vào sẽ làm caramen bị rỗ. Hớt bọt hoặc dùng tăm xiên vỡ bọt nếu có. Dùng giấy bạc bọc kín miệng cốc. (đổ vừa không trong quá trình nướng bị sánh ra ngoài).
Nướng bằng nồi chiên không dầu: Làm nóng nồi chiên ở 200 độ trong 5 phút rồi tắt nồi. Để 100 độ, xếp cốc caramen vào nồi, nướng trong 25- 30p, tuỳ nồi. Dùng tăm xiên thử nếu không dính tăm caramen đã chín.
Còn nếu hấp: Đổ nước 1/3 nồi, đợi nước sôi thì hạ lửa nhỏ, xếp caramen vào nồi, dùng khăn xô to hoặc vải phủ lên phần caramen, cứ 4-5 phút lại mở vung, lau sạch phần nước đọng ở vung để tránh nhỏ xuống caramen gây rỗ. Hấp trong 30 phút là bánh chín.
Nướng bằng lò: Nướng cách thuỷ: bật lò 150-160 độ trong vòng 10 phút trước khi nướng. Lấy cái khay đổ nước 1/3 khay, đặt một cái khăn vào giữa khay, nhẹ nhàng xếp các hộp caramen lên trên cái khăn (mọi người nướng thì phải dùng khuôn sử dụng được trong lò nướng) nướng 150-160 độ trong 30 phút,dùng tăm xiên vào caramen nếu không dính tăm là bánh chín.
Lưu ý, việc thêm bớt lòng trắng trứng có ưu khuyết điểm. Ưu điểm giúp cho caramen đứng bánh, cứng cáp. Nhược điểm: gây tanh, muốn bánh caramen bớt tanh thì bớt đi lòng trắng trứng. Ngoài ra để đỡ tanh thì cho thêm vani và khử tanh từ bước đun ấm hỗn hợp sữa và cho trứng vào.
10. CHẢ CÁ LÃ VỌNG
Nguyên liệu:
- 1kg cá lăng hoặc cá quả (có thể dùng được cả cá tầm, cá hồi...). Mình chọn cá lăng vì cá béo ngậy, ngọt thịt ít xương, thơm hơn các loại cá khác.
- Các loại gia vị ướp cá: bột nghệ, mắm tôm, đường trắng, nước mắm, mẻ, riềng, hạt tiêu.
- Các loại rau ăn kèm: thìa là, hành lá
- Bún tươi, lạc rang
- Nguyên liệu làm nước chấm: ớt, mắm tôm, chanh quả, đường, rượu trắng.
Cách làm:
- Cá lăng lọc lấy thịt, rửa sạch, cắt miếng vuông nhỏ vừa ăn (có thể để cả da cá hoặc lọc da tuỳ khẩu vị)
- Riềng thái nhỏ (khoảng 50gr) cho vào máy xay,thêm 2 thìa canh nước xay nhỏ lọc lấy nước cốt.
- Cá đem ướp với: 1 thìa cà phê bột nêm, 2 thìa cà phê nước mắm, 3 thìa canh mẻ làm nhuyễn lọc qua rây, 1 thìa canh mắm tôm lọc qua rây cho mịn, 1-2 thìa cà phê bột nghệ (hoặc 1 thìa canh nước ép củ nghệ tươi), 1 thìa canh đường trắng, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, nước cốt riềng xay, đi bao tay trộn đều các nguyên liệu ướp trong 1-2h cho ngấm gia vị.
- Lạc rang chín, tách vỏ để riêng.
- Hành hoa, thìa là rửa sạch cắt khúc vừa ăn (gốc hành hoa to quá thì chẻ nhỏ).
- Cá ngấm gia vị sau khi ướp khoảng 2h mang nướng. Làm nóng nồi chiên ở nhiệt độ 180 độ trong 4 phút.
- Cắt giấy nến hoặc giấy bạc vừa với vỉ của nồi chiên. Lần lượt xếp cá vào vỉ, nướng lần 1 và hai mọi người nên lót giấy nến hoặc giấy bạc vì thời gian đầu cá rất dễ dính chặt vào vỉ nướng, đợi cá hơi vàng hai mặt thì bỏ giấy bạc hoặc giấy nến ra.
Nướng lần 1: 160 độ trong 10 phút.
Nướng lần 2: lật mặt cá phết nước sốt ướp tiết ra tăng 170 độ nướng trong 5 phút.
Nướng lần 3: lật mặt, tăng nhiệt độ lên 200 độ trong 5 phút cho cá hơi sém mặt là được.
Ngoài nướng bằng nồi chiên có thể nướng vỉ than, lò nướng hoặc đem rán vàng.
- Cách pha mắm tôm: Cho 1 thìa canh ăn phở mắm tôm ra bát, thêm vào 1/2 thìa canh ăn phở rượu trắng, 1 thìa canh đường, 1 thìa canh ăn phở nước cốt chanh đánh thật bông lên. Nêm nếm lại cho vừa miệng, vì mắm tôm chưa pha khá mặn nên mọi người cho ít thôi. Nếu sợ mắm tôm sống thì thêm vào 1 thìa canh dầu đun thật sôi. Thêm tỏi ớt băm lên trên.
Không ăn được mắm tôm thì pha nước mắm chua ngọt, thái nhỏ thêm chút lá, thì là cho vào bát nước chấm.
- Dùng bếp từ, hồng ngoại hoặc bếp ga du lịch loại nhỏ như hay ăn lẩu, đặt chảo lên bếp thêm chút dầu, khi ăn thả rau thìa là, hành lá, chả cá vào đợi hành lá, thìa là chín gắp ra bát dưới nước chấm và thêm chút lạc rang rồi thưởng thức, ăn nóng.
Lưu ý, nếu bé nhà bạn không ăn được mắm tôm,riềng mẻ... thì mua riêng cho các bé một miếng cá hồi, thái miếng vừa ăn ướp vào một chút bột nghệ (khoảng 1/2 hoặc 1/3 thia cà phê),chút bột ngũ vị hương (1/3 thìa thôi nhé) ,2 thìa cà phê dầu hào. Đợi ngấm gia vị đem rán vàng hai mặt cho các bé là được.
11. CÁ CHIM NƯỚNG SA TẾ
Nguyên liệu:
- Cá chim: 1 con
- Gia vị: sa tế, bột tỏi, bột hành hoặc hành tỏi băm, hạt tiêu, bột nêm.
Cách làm:
- Cá chim mổ moi, rửa sạch, thấm khô. Khứa đều các đường khứa trên mình cá để cá ngấm gia vị và nhanh chín.
- Ướp cá chim với 1 thìa cà phê bột nêm, 1/2 thìa cà phê bột tỏi, 1/2 thìa cà phê bột hành, 1 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa canh dầu ăn. Không có bột hành hoặc bột tỏi thì dùng hành tỏi băm nhỏ ướp. Đi bao tay và xát các nguyên liệu lên khắp mình cá.
- Để cá ngấm gia vị trong 30 phút. Làm nóng nồi chiên ở nhiệt độ 180 độ trong 3-4 phút.
- Lót giấy bạc hoặc giấy nến để chống dính vì cá chưa chín rất dễ dính vào vỉ khi lật.
- Dùng chổi phết sa tế lên mình cá trước khi đem đi nướng.
Lần 1: 160 độ trong 10 phút.
Lần 2: 180 độ trong 5 phút, có lật mặt và quét thêm sa tế nếu thích ăn cay hơn.
Lần 3: 180 độ trong 5 phút.
Lần 3: tăng lên 200 độ nướng mỗi mặt thêm 3 phút để mặt cá chín vàng.
12. CHUỐI TẨM MẬT ONG SẤY
Có thể dùng chuối tây hoặc chuối tiêu đều được và là chuối chín vừa phải đừng để chín nhũn quá.
Nguyên liệu:
- Khoảng 10 quả chuối tây
- 1 thìa canh mật ong (mình dùng chuối tây nên có sử dụng thêm mật ong để chuối được thơm ngon mềm dẻo hơn, còn mọi người sợ chuối tiêu kết hợp với mật ong gây ngộ độc thì có thể bỏ qua bước này)
- 1 thìa canh rượu Rum ( có thể bỏ qua bước này nếu không có rượu Rum)
Cách làm:
- Chuối lột vỏ, bỏ gân. Thả vào bát nước có pha tí nước cốt chanh để chuối đỡ thâm, sau đó vớt chuối ra để ráo nước. Bổ làm đôi. Trộn chuối với 1 thìa canh rượu Rum (nếu có).
- Làm nóng nồi chiên ở nhiệt độ khoảng 120 độ trong 10-15 phút. Sau đó xếp chuối vào nồi chiên.
- Set (cài đặt) nhiệt như sau:
Lần 1: khoảng 30 phút ở nhiệt độ 80 độ.
Lần 2: khoảng 15 phút ở nhiệt độ 100 độ. Có lật mặt chuối.
Lần 3: trước khi đem sấy thì phết thêm chút mật ong để chuối được thơm ngon hơn, cũng sấy ở nhiệt độ 100 độ trong 15 phút. (Chuối vẫn chưa se mặt và chưa được theo ý muốn thì tăng thêm thời gian sấy thêm vì cũng tuỳ từng loại nồi)
Lần 4: để nhiệt khoảng 120 độ sấy trong 5-7 phút cho bề mặt chuối hơi sém mặt màu sẽ đẹp hơn. Sau khi sấy xong để nguyên chuối trong nồi khoảng 30 phút sau hãy lấy ra chuối sẽ lên màu rất đẹp.
Rất đơn giản, nếu không thích mật ong và rượu Rum thì mọi người cứ sấy bình thường. Ngoài ra mọi người cũng có thể sấy nguyên quả cũng rất ngon nhưng hơi mất thời gian một chút.
Lưu ý: sấy hoa quả nên để nhiệt thấp, hơi lâu chút nhưng mà chuối dẻo ngon, nếu để nhiệt cao thì rút ngắn thời gian nhưng khi sấy xong chuối sẽ bị khô và thành chuối nướng, và nếu ai thích ăn kiểu hơi giòn giòn sẽ thích.
13. BÍ ĐỎ NƯỚNG BƠ ĐƯỜNG
Chuẩn bị:
- Bí đỏ, bí chọn được quả bí nếp, chín già quả là ngon nhất, thịt dầy và thơm.
- Bơ, đường, dầu ô liu
- Giấy bạc
Cách làm:
- Bổ đôi, nạo ruột và hạt. Phết dầu oliu.
Nướng lần 1: bọc giấy bạc nướng 20 phút ở 160 độ, nên bọc giấy bạc bí sẽ dễ chín và nhanh hơn là nướng không bọc giấy bạc.
Nướng lần 2: 180 độ trong 10 phút, bỏ giấy bạc. Bí chín mềm, lúc bí đang nóng thì trộn thêm ít bơ nhạt và đường nâu vào, không có đường nâu thì trộn đường trắng.
14. PHỒNG TÔM
Trộn với chút dầu ăn bên ngoài, làm nóng nồi, cho vào chiên 3 phút ở 180 độ, nướng lâu quá là cháy đen.
Chúc các bạn thành công!
Mẹ 2 con mách hàng chục công thức món ngon làm bằng nồi chiên không dầu gây bão MXH Sau hàng loạt những món đồ điện tử phục vụ bếp núc như lò nướng, lò vi sóng, nồi áp suất, máy làm sữa đậu nành, máy ép chậm… chị em nội trợ Việt lại... Bấm xem >>Từ khóa » Các Món ăn được Làm Bằng Nồi Chiên Không Dầu
-
Các Món ăn Làm Từ Nồi Chiên Không Dầu đơn Giản, Dễ Làm | VinID
-
Top 22 Món Ngon Với Nồi Chiên Không Dầu Bạn Nên Biết - BepXua
-
Tổng Hợp 40+ Công Thức Món Làm Bằng Nồi Chiên Không Dầu Ngon Dễ
-
Nồi Chiên Không Dầu - Tổng Hợp 50+ Công Thức Món ăn Ngon Dễ ...
-
25 Món ăn Nấu Bằng Nồi Chiên Không Dầu (phần 1) - Bách Hóa XANH
-
Món ăn Từ Nồi Chiên Không Dầu: 15 Công Thức Tốt Cho Sức Khỏe
-
[Tổng Hợp] 69+ Món Ngon Với Nồi Chiên Không Dầu Tốt Cho Sức Khỏe
-
Nồi Chiên Không Dầu Làm được Những Món Gì? Top Món ăn Ngon Dễ ...
-
60+ Công Thức Các Món Làm Từ Nồi Chiên Không Dầu - Thiên Hòa
-
5 Món ăn Làm Bằng Nồi Chiên Không Dầu Bạn Không Thể Bỏ Qua
-
36 Món ăn Ngon Làm Bằng Nồi Chiên Không Dầu - Có Hướng Dẫn
-
10+ Các Loại Bánh Làm Bằng Nồi Chiên Không Dầu - Digifood
-
45 Món Ngon Từ Nồi Chiên Không Dầu - Tiện Lợi & Sạch Sẽ
-
Các Món Ăn Vặt Từ Nồi Chiên Không Dầu Đơn Giản