17 Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững Của Thế Giới Cho Giai đoạn 2015

  • Trang chủ
  • /
  • Tin tức - Sự kiện
  • /
  • Tin tức
  • /

17 Mục tiêu Phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015 - 2030

Các mục tiêu phát triển bền vững

  1. Xóa nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi
  2. Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững.
  3. Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.
  4. Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
  5. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
  6. Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người.
  7. Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người.
  8. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người.
  9. Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới.
  10. Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia.
  11. Xây dựng các đô thị và các khu dân cư mở cửa cho tất cả mọi người, an toàn, vững chắc và bền vững.
  12. Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững.
  13. Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó.
  14. Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững.
  15. Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học.
  16. Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp.
  17. Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững.
Mục tiêu 1: Xóa nghèo dưới mọi hình thức, ở mọi nơi
  • Đến năm 2030, xoá bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người ở mọi nơi, hiện nay được tính là những người có mức sống dưới 1,25 USD một ngày.
  • Đến năm 2030, giảm ít nhất một nửa tỷ lệ nam giới, phụ nữ và trẻ em ở mọi lứa tuổi đang sống nghèo khổ ở tất cả cấp độ theo định nghĩa quốc gia.
  • Triển khai các biện pháp và hệ thống bảo trợ xã hội thích hợp toàn quốc cho tất cả mọi người, bao gồm cả những người dưới đáy xã hội, và đến năm 2030 sẽ bao phủ được cả nhóm người nghèo và người dễ bị tổn thương.
  • Đến năm 2030, đảm bảo rằng tất cả nam giới và phụ nữ, đặc biệt là những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, có quyền bình đẳng về các nguồn lực kinh tế cũng như có khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, quyền sở hữu và kiểm soát đất đai và các hình thức tài sản khác, quyền thừa kế, quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, công nghệ mới phù hợp và các dịch vụ tài chính, bao gồm cả tài chính vi mô.
  • Đến năm 2030, xây dựng khả năng chống chọi cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương, giảm thiểu sự tổn thương của họ trước những sự kiện cực đoan liên quan đến khí hậu và những cú sốc về kinh tế, xã hội và môi trường và những thảm họa.
  • Đảm bảo huy động đáng kể các nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau, thông qua tăng cường hợp tác phát triển, để có thể đưa ra các biện pháp thỏa đáng và có khả năng dự đoán cho các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước kém phát triển, để thực thi các chính sách và chương trình xóa nghèo ở mọi khía cạnh.
  • Thiết lập những khung chính sách ở cấp độ quốc gia, vùng và quốc tế, dựa vào các chiến lược phát triển vì người nghèo và nhạy cảm về giới, để hỗ trợ đầu tư trong các hoạt động xóa đói giảm nghèo.
Mục tiêu 2: Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững.
  • Đến năm 2030, xóa đói và đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ sơ sinh, được tiếp cận với nguồn thức ăn đầy đủ, dinh dưỡng và an toàn trong cả năm.
  • Đến năm 2030, xóa bỏ tất cả các loại hình suy dinh dưỡng, bao gồm cả mục tiêu toàn cầu đã đề ra cho năm 2025 về xóa còi xương và suy giảm thể chất ở trẻ em dưới 5 tuổi, giải quyết nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em gái vị thành niên, phụ nữ mang thai và cho con bú, người lớn tuổi.
  • Đến năm 2030, tăng gấp đôi năng suất nông nghiệp và thu nhập của những người sản xuất lương thực ở quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ, những người nghèo khổ, các gia đình nông dân, những người chăn gia súc và ngư dân, bằng cách đảm bảo sự tiếp cận an toàn và công bằng tới nguồn đất đai, các nguyên liệu đầu vào và các nguồn tài nguyên năng suất khác, kiến thức, các dịch vụ tài chính, thị trường và cơ hội cho lao động giá trị gia tăng và phi nông nghiệp.
  • Đến năm 2030, đảm bảo hệ thống sản xuất lương thực bền vững và thực hiện những tập quán nông nghiệp vững chắc để tăng năng suất và sản xuất, giúp duy trì hệ sinh thái, tăng cường khả năng sản xuất để thích nghi với biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt và các thảm họa khác và dần dần cải thiện chất lượng đất.
  • Đến năm 2020, duy trì sự đa dạng về gen của các loại hạt giống, cây trồng và các loài động vật đã được nuôi và thuần chủng và cả những loài hoang dã liên quan, thông qua các ngân hàng hạt giống và cây trồng được quản lý và đa dạng hóa ở cấp quốc gia, vùng và quốc tế, thúc đẩy sự tiếp cận và chia sẻ lợi ích công bằng phát sinh từ việc sử dụng các nguồn tài nguyên gen và kiến thức truyền thống liên quan như đã được thỏa thuận quốc tế.
  • Tăng cường đầu tư, thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cho các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn, nghiên cứu nông nghiệp và các dịch vụ khuyến nông, phát triển công nghệ và ngân hàng gen cây trồng và vật nuôi để tăng năng suất nông nghiệp ở các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước kém phát triển.
  • Sửa đổi và ngăn chặn các rào cản thương mại và các biến tướng của thị trường nông sản thế giới, bằng cách loại bỏ tất cả các hình thức trợ cấp xuất khẩu nông sản và các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu có tác động tương tự với nhiệm vụ của vòng đàm phán Doha.
  • Thực hiện các biện pháp bảo đảm cho thị trường thực phẩm và các thị trường phái sinh hoạt động hoàn chỉnh, tiếp cận thông tin thị trường kịp thời, bao gồm cả thông tin về dự trữ lương thực, để hạn chế biến động cực đoan về giá thực phẩm.
Mục tiêu 3: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.
  • Đến năm 2030, giảm tỷ lệ tử vong ở người mẹ trên toàn cầu xuống dưới 70/100.000 ca sinh sống.
  • Đến năm 2030, chấm dứt trường hợp tử vong có thể phòng ngừa ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi. Tất cả các quốc gia tập trung giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh xuống mức thấp nhất là 12/ 1000 ca sinh sống và tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi là 25/1000 ca sinh sống.
  • Đến năm 2030, chấm dứt các đại dich HIV/AIDS, lao phổi, sốt rét và các bệnh nhiệt đới bị lãng quên, chống lại các bệnh về gan, các bệnh liên quan đến nước và các bệnh truyền nhiễm khác.
  • Đến năm 2030, giảm 1/3 tỷ lệ tử vong sớm từ các bệnh không lây nhiễm thông qua phòng ngừa và điều trị và tăng cường sức khỏe tinh thần và phúc lợi.
  • Tăng cường phòng ngừa và điều trị việc lạm dụng thuốc, bao gồm lạm dụng thuốc gây nghiện và sử dụng đồ uống có cồn gây hại cho sức khỏe.
  • Đến năm 2020, giảm một nửa số ca tử vong và bị thương trên toàn cầu do tai nạn giao thông gây ra.
  • Đến năm 2030, đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục trên toàn cầu, bao gồm kế hoạch hóa gia đình, thông tin và giáo dục, và đưa vấn đề sức khỏe sinh sản vào các chiến lược và chương trình của quốc gia.
  • Đạt được bảo hiểm y tế trên toàn cầu, bao gồm cả bảo hiểm rủi ro tài chính, tất cả mọi người có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu có chất lượng, các loại thuốc và vắcxin an toàn, hiệu quả, chất lượng với giá cả hợp lý.
  • Đến năm 2030, giảm đáng kể số lượng tử vong và bệnh tật gây ra do các chất hóa học và không khí độc hại, do ô nhiễm đất và nguồn nước.
  • Đẩy mạnh việc thực thi Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới tại tất cả các quốc gia một cách phù hợp.
  • Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các loại thuốc và vắc-xin chữa các bệnh dich truyền nhiễm và không truyền nhiễm đang gây ảnh hưởng chủ yếu ở các nước đang phát triển, cho phép mọi người có thể tiếp cận các loại thuóc và vắcxin thiết yếu với giá cả phải chăng, phù hợp với tuyên bố Doha về hiệp định TRIPs (Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ) và Sức khỏe cộng đồng, khẳng định quyền của các nước đang phát triển được sử dụng đầy đủ các điều khoản của Hiệp định TRIPs có tính đến sự linh hoạt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, và đăc biệt là cho phép tất cả mọi người tiếp cận tới các loại thuốc.
  • Tăng đáng kể tài chính/chi tiêu cho sức khỏe và việc tuyển dụng, phát triển, đào tạo và duy trì nguồn nhân lực y tế ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở các nước kém phát triển và những Quốc đảo nhỏ đang phát triển.
  • Tăng cường năng lực cho các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, về cảnh bảo sớm, giảm thiểu rủi ro và quản lý rủi ro y tế quốc gia và toàn cầu.
Mục tiêu 4: Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
  • Đến năm 2030, đảm bảo rằng tất cả các trẻ em trai và trẻ em gái hoàn thành giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở miễn phí, công bằng và chất lượng, cho kết quả học tập phù hợp và hiệu quả.
  • Đến năm 2030, đảm bảo tằng tất cả các trẻ em gái và trẻ em trai được tiếp cận giáo dục/phát triển từ sớm có chất lượng, được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và giáo dục mầm non để có thể sẵn sàng bước vào bậc tiểu học.
  • Đến năm 2030, đảm bảo cho tất cả phụ nữ và nam giới được tiếp cận bình đẳng giáo dục kỹ thuật, dạy nghề có chất lượng với giá cả phải chăng, bao gồm cả giáo dục đại học.
  • Đến năm 2030, tăng đáng kể số lượng thanh thiếu niên và người trưởng thành có tay nghề cao, bao gồm cả tay nghề kỹ thuật và dạy nghề để tham gia lực lượng lao động, kinh doanh và có việc làm phù hợp.
  • Đến năm 2030, xóa bỏ chênh lệch về giới trong giáo dục và đảm bảo tiếp cận công bằng tới tất cả các bậc giáo dục và đào tạo dạy nghề cho những người dễ bị tổn thương, bao gồm người khuyết tật, người bản địa và trẻ em ở trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương.
  • Đến năm 2030, đảm bảo rằng tất cả thanh thiếu niên và một lượng lớn những người trưởng thành, cả phụ nữ và nam giới, đều biết chữ và số.
  • Đến năm 2030, đảm bảo rằng tất cả những người đi học đều thu được kiến thức và các kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững, bằng cách thông qua giáo dục về phát triển bền vững và lối sống bền vững, về nhân quyền, bình đẳng giới, thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình và không bạo lực, công dân toàn cầu và đánh giá cao sự đa dạng về văn hóa và đóng góp của văn hóa đối với phát triển bền vững.
  • Xây dựng và cải tiến cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục cho trẻ em, người khuyết tật và nhạy cảm về giới, cung cấp môi trường học an toàn, phi bạo lực, rộng mở và hiệu quả cho tất cả mọi người.
  • Đến năm 2020, mở rộng đáng kể số lượng học bổng toàn cầu cho các nước đang phát riển, đặc biệt là cho các nước kém phát triển và các Quốc đảo nhỏ đang phát triển và các nước Châu Phi, để có thể tiếp cận giáo dục ở trình độ cao hơn, bao gồm cả đào tạo dạy nghề và công nghệ thông tin và truyền thông, các chương trình kỹ thuật, kỹ sư và khoa học, ở các nước phát triển và đang phát triển khác.
  • Đến năm 2030, tăng đáng kể đội ngũ giáo viên có chất lượng, thông qua hợp tác quốc tế về đào tạo giáo viên ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở các nước kém phát triển và các Quốc đảo nhỏ đang phát triển.
Mục tiêu 5: Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
  • Xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở mọi nơi.
  • Loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các lĩnh vực công cộng và tư nhân, bao gồm mua bán người và lạm dụng tình dục và các loại hình bóc lột khác.
  • Loại bỏ tất cả các tập quán có hại, chẳng hạn như ép buộc kết hôn đối với trẻ em, kết hôn sớm và làm tổn thương bộ phận sinh dục nữ.
  • Công nhận và coi trọng dịch vụ chăm sóc và công việc trong nước không được trả lương thông qua việc cung cấp các dịch vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và các chính sách bảo trợ xã hội, đẩy mạnh chia sẻ trách nhiệm trong hộ gia đình và gia đình phù hợp ở mỗi quốc gia.
  • Đảm bảo phụ nữ có quyền tham gia đầy đủ và hiệu quả, bình đẳng về cơ hội lãnh đạo ở tất cả các cấp, được đưa ra các quyết định trong đời sống chính trị, kinh tế và công cộng.
  • Đảm bảo tiếp cận chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản trên phạm vi toàn cầu phù hợp với Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển và Nền tảng hành động Bắc Kinh và các văn bản kết quả của hội nghị đánh giá.
  • Cam kết trao quyền bình đẳng cho phụ nữ về tiếp cận các nguồn lực kinh tế, cũng như là quyền sở hữu và kiểm soát đất đai và các hình thức sở hữu bất động sản khác, các dịch vụ tài chính, thừa kế và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với luật quốc gia.
  • Tăng cường sử dụng các công nghệ cho phép, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ.
  • Thông qua và tăng cường chính sách và pháp luật có hiệu lực cho việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả các cấp.
Mục tiêu 6: Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người.
  • Đến năm 2030, đạt được tiếp cận công bằng và phổ cập nguồn nước uống an toàn và có thể chi trả được cho tất cả mọi người.
  • Đến năm 2030, đạt được điều kiện vệ sinh và cải thiện điều kiện vệ sinh đầy đủ và công bằng và xóa bỏ dịch tiêu chảy, chú ý đặc biệt tới các nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái và những người dễ bị tổn thương.
  • Đến năm 2030, cải thiện chất lượng nước và giảm thiểu ô nhiễm, loại bỏ và giảm thiểu việc đưa các chất hóa học và vật liệu độc hại ra môi trường, giảm một nửa tỷ lệ nước thải chưa được xử lý và tăng cường tái chế và tái sử dụng an toàn trên toàn cầu.
  • Đến năm 2030, tăng cường việc sử dụng nước hiệu quả ở tất cả các khu vực và đảm bảo cung cấp nước sạch đến những vùng khan hiếm nước và giảm đáng kể số người thiếu nước sử dụng.
  • Đến năm 2030, thực hiện quản lý tài nguyên nước tích hợp ở tất cả các cấp, bao gồm cả thông qua hợp tác xuyên biên giới một cách phù hợp.
  • Đến năm 2020, bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái liên quan đến nước, bao gồm núi, rừng, các vùng đất ngập nước, sông, các tầng ngậm nước và hồ.
  • Đến năm 2030, mở rộng hợp tác quốc tế và hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển trong các hoạt động và chương trình liên quan đến nước và các vấn đề vệ sinh, bao gồm khai thác nước từ thiên nhiên, khử muối, sử dụng nước hiệu quả, xử lý nước thải, các công nghệ tái chế và tái sử dụng nước.
  • Hỗ trợ và nâng cao sự tham gia của các cộng đồng địa phương trong việc cải thiện quản lý nước và các điều kiện vệ sinh.
Mục tiêu 7: Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người.
  • Đến năm 2030, đảm bảo tiếp cận phổ cập các dịch vụ năng lượng đáng tin cây, hiện đại với giá cả phải chăng.
  • Đến năm 2030, tăng cường chia sẻ nguồn năng lượng có thể tái tạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu.
  • Đến năm 2030, tăng gấp đôi tỷ lệ cải thiện hiệu quả năng lượng toàn cầu.
  • Đến năm 2030, tăng cường hợp tác quốc tế để tạo điều kiện tiếp cận công nghệ và nghiên cứu năng lượng sạch, bao gồm năng lượng có thể tái tạo, hiệu quả năng lượng và công nghệ nhiên liệu hóa thạch tiên tiến và sạch hơn, thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng và công nghệ năng lượng sạch.
  • Đến năm 2030, mở rộng cơ sở hạ tầng và cải tiến công nghệ để cung cấp các dịch vụ năng lượng hiện đại và bền vững cho tất cả mọi người ở các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển, các quốc đảo nhỏ đang phát triển, các quốc gia đang phát triển không có biển, cùng với các chương trình hỗ trợ tương ứng.
Mục tiêu 8: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, tạo việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người.
  • Duy trì tăng trưởng kinh phù hợp với tình hình tài chính quốc gia, đặc biệt mức tăng trưởng GDP phải ít nhất 7% /năm đối với những nước kém phát triển.
  • Đạt được hiệu suất kinh tế ở các mức độ cao hơn thông qua đa dạng hóa, cải tiến và đổi mới công nghệ, bao gồm cả việc tập trung vào các khu vực giá trị gia tăng cao và cần nhiều lao động.
  • Thúc đẩy các chính sách định hướng phát triển để hỗ trợ các hoạt động sản xuất, tạo việc làm tốt, kinh doanh, sáng tạo và đổi mới, và khuyến khích thành lập và phát triển các doanh nghiệp vi mô, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua cả việc tiếp cận các dịch vụ tài chính.
  • Xuyên suốt qua năm 2030, cải thiện dần dần hiệu quả tiêu thụ và sản xuất tài nguyên toàn cầu, và cố gắng tách rời tăng trưởng kinh tế với suy thoái môi trường, phù hợp với khung chương trình 10 năm về tiêu thụ và sản xuất bền vững, trong đó các nước phát triển đi tiên phong.
  • Đến năm 2030, đạt được viêc làm đầy đủ và năng suất và công việc tử tế cho tất cả phụ nữ và nam giới, bao gồm cả công việc cho những người trẻ và những người khuyết tật, và trả lương bình đẳng cho những công việc có cùng giá trị.
  • Đến năm 2020, giảm đáng kể tỷ lệ người trẻ không có việc làm, không được giáo dục và đào tạo.
  • Có các biện pháp tức thì và hiệu quả để xoá bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại và buôn bán người và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, bao gồm tuyển dụng và sử dụng trẻ em làm binh lính, và đến năm 2025, chấm dứt toàn bộ các hình thức lao động trẻ em.
  • Bảo vệ quyền lao động và tạo môi trường làm việc an toàn và đảm bảo cho tất cả người lao động, bao gồm cả lao động nhập cư, đặc biệt là phụ nữ nhập cư, và những người trong tình thế lao động bấp bênh.
  • Đến năm 2030, sửa đổi và thực thi các chính sách để thúc đẩy du lịch bền vững nhằm tạo ra việc làm và quảng bá văn hóa và các sản phẩm địa phương.
  • Tăng cường năng lực của các định chế tài chính trong nước để khuyến khích và mở rộng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và tài chính cho tất cả mọi người.
  • Tăng viện trợ thương mại hỗ trợ cho các nước đang phát triển, đặc biêt là những nước kém phát triển, thông qua việc đẩy mạnh Khung hợp tác hỗ trợ kỹ thuật thương mại liên quan tới các nước kém phát triển.
  • Đến năm 2020, phát triển và thực hiện chiến lược toàn cầu cho lao động trẻ và thực thi Hiệp ước Việc làm toàn cầu của Tổ chức Lao động quốc tế.
Mục tiêu 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới.
  • Phát triển cơ sở hạ tầng vững chắc, chất lượng, đáng tin cậy và bền vững, bao gồm cơ sở hạ tầng khu vực và xuyên biên giới, để hỗ trợ phát triển kinh tế và đời sống con người, tập trung vào tiếp cận hợp lý và công bằng cho tất cả mọi người.
  • Thúc đẩy công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, và đến năm 2030, tăng đáng kể thị phần lao động của ngành công nghiệp và tỷ trọng của công nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội, phù hợp với tình hình tài chính quốc gia, và tăng gấp đôi thị phần này ở các nước kém phát triển.
  • Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, bao gồm cả tín dụng hợp lý, cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ trong ngành công nghiệp và các doanh nghiệp khác, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, và gia tăng sự hội nhập của các doanh nghiệp này trong chuỗi giá trị và thị trường.
  • Đến năm 2030, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang bị thêm cho các ngành công nghiệp để phát triển bền vững, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, và ứng dụng nhiều hơn các công nghệ sạch và thân thiện với môi trường cùng với quá trình công nghiệp hóa, với sự tham gia của các quốc gia phù hợp với khả năng tương ứng của mỗi nước.
  • Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cải tiến khả năng công nghệ của các khu vực công nghiệp ở tất cả các quốc gia, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, và đến năm 2030, khuyến khích đổi mới và tăng đáng kể tỉ lệ lao động (trong 1 triệu người) tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển và tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển ở cả lĩnh vực công và tư nhân.Tạo điều kiện cho phát triển cơ sở hạ tầng vững chắc và bền vững ở các nước đang phát triển thông qua hỗ trợ tài chính, công nghệ và kỹ thuật cho các nước Châu Phi, những nước kém phát triển, những nước đang phát triển không có biển và các Quốc đảo nhỏ đang phát triển.
  • Hỗ trợ phát triển công nghệ trong nước, nghiên cứu và đổi mới ở các nước đang phát triển, bao gồm việc đảm bảo môi trường chính sách thuận lợi, đa dạng hóa công nghiệp và giá trị gia tăng cho hàng hóa.
  • Đến năm 2020, đẩy mạnh tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông và cố gắng cung cấp dịch vụ Internet phổ cập với giá cả hợp lý ở các nước kém phát triển.
Mục tiêu 10: Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia.
  • Đến năm 2030, dần dần đạt được và duy trì tốc độ tăng trưởng thu nhập ở mức cao hơn mức trung bình quốc gia cho 40% dân số có thu nhập thấp nhất.
  • Đến năm 2030, trao quyền và thúc đẩy hòa nhập xã hội, kinh tế và chính trị cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, khuyết tật, chủng tộc, sắc tộc, nguồn gốc, tôn giáo, kinh tế và các tình trạng khác.
  • Đảm bảo cơ hội bình đẳng và giảm thiểu những bất công về kết quả, bao gồm việc loại bỏ các đạo luật, các chính sách và tập quán phân biệt đối xử và thúc đẩy luật pháp, các chính sách và các hành động thích hợp trong vấn đề này.
  • Có các chính sách, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền lương và bảo trợ xã hội, và dần dần đạt được sự bình đẳng hơn.
  • Cải thiện quy định và quản lý các thị trường và thể chế tài chính toàn cầu và tăng cường thi hành những quy định này.
  • Đảm bảo tăng cường đại diện và tiếng nói cho các quốc gia đang phát triển trong việc đưa ra quyết định trong các tổ chức kinh tế quốc tế và các định chế tài chính toàn cầu để tạo ra được những định chế hiệu quả, đáng tin cậy, có trách nhiệm và hợp pháp hơn.
  • Tạo thuận lợi cho mọi người di cư và di chuyển được thuận lơi, an toàn, thường xuyên và có trách nhiệm, thông qua việc thực hiện các chính sách di cư có kế hoạch và được quản lý tốt.
  • Thực hiện quy tắc đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển, phù hợp với các hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới.
  • Khuyến khích hỗ trợ phát triển chính thức và các dòng vốn, bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài, cho các nước có nhu cầu vốn lớn, đặc biệt là các nước kém phát triển, các nước Châu Phi, các quốc đảo nhỏ và các nước đang phát triển không có biển, phù hợp với các kế hoạch và chương trình quốc gia.
  • Đến năm 2030, giảm thiểu các chi phí giao dịch kiều hối xuống mức 3% và xóa bỏ hành lang chuyển tiền với chi phí cao hơn 5%.
Mục tiêu 11: Xây dựng các đô thị và các khu dân cư rộng mở, an toàn, vững chắc và bền vững.
  • Đến năm 2030, đảm bảo cho tất cả mọi người được tiếp cận dịch vụ nhà ở và các dịch vụ cơ bản đầy đủ, an toàn với giá cả hợp lý và nâng cấp các khu nhà ổ chuột.
  • Đến năm 2030, tất cả mọi người có thể được tiếp cận các hệ thống giao thông an toàn, giá cả hợp lý, dễ tiếp cận và bền vững, cải thiện an toàn đường bộ, mở rộng giao thông công cộng, đặc biệt chú ý đến những nhu cầu của những người dễ bị tổn thương, phụ nữ, trẻ em, những người khuyết tật và những người lớn tuổi.
  • Đến năm 2030, đẩy mạnh đô thị hóa rộng mở và bền vững, thúc đẩy khả năng tham gia, quy hoạch và quản lý khu dân cư tích hợp và bền vững ở tất cả các quốc gia.
  • Tăng cường nỗ lực để bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
  • Đến năm 2030, giảm thiểu số lượng người chết và những người bị ảnh hưởng và giảm đáng kể những thiệt hại về kinh tế liên quan trực tiếp đến tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu gây ra bởi thiên tai bao gồm cả thiên tai liên quan đến nước, với trọng tâm là bảo vệ người nghèo và những người trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương.
  • Giảm thiểu các tác động của môi trường lên mỗi người ở các thành phố, bao gồm cả chú ý đặc biệt đến chất lượng không khí và quản lý rác thải đô thị.
  • Đến năm 2030, cung cấp quyền sử dụng các không gian công cộng xanh, an toàn, rộng mở và có thể sử dụng được, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em, những người lớn tuổi và những người khuyết tật.
  • Hỗ trợ sự liên kết tích cực về kinh tế, xã hội và môi trường giữa các khu đô thị, ven đô thị và nông thôn bằng cách tăng cường quy hoạch phát triển của quốc gia và khu vực.
  • Đến năm 2020, tăng đáng kể số lượng các thành phố và các khu định cư, áp dụng và thực hiện các chính sách theo hướng hòa nhập, hiệu quả về tài nguyên, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, vững vàng trước các thiên tai, phát triển và thực hiện, phù hợp với Khung giảm nhẹ thiên tai Sendai giai đoạn 2015-2030, quản lý rủi ro thiên tai toàn diện ở tất cả các cấp.
  • Hỗ trợ các nước kém phát triển trong việc xây dựng các toà nhà bền vững và có khả năng chống chọi bằng các nguyên vật liệu của các nước đó thông qua hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật
Mục tiêu 12: Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững.
  • Thực hiện khung 10 năm cho các chương trình về tiêu dùng và sản xuất bền vững, tất cả các quốc gia cùng hành động với sự lãnh đạo của các nước phát triển, có tính đến sự phát triển và khả năng của các nước đang phát triển.
  • Đến năm 2030, đạt được quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
  • Đến năm 2030, giảm một nửa tỷ chất thải thực phẩm bình quân đầu người trên toàn cầu ở cả cấp bán lẻ và tiêu dùng và giảm hao hụt thực phẩm trong chuỗi sản xuất và cung ứng, bao gồm cả hao hụt sau thu hoạch.
  • Đến năm 2020, quản lý các chất hóa học và chất thải ra môi trường lành mạnh thông qua vòng đời của chúng, phù với với các khung quốc tế đã thỏa thuận, và giảm đáng kể lượng thải ra không khí, nước và đất để giảm đến mức tối nhiểu những tác động ngược lại vào môi trường và sức khỏe của con người.
  • Đến năm 2030, giảm đáng kể sự sản sinh chất thải thông qua phòng ngừa, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng.
  • Khuyến khích các công ty, đặc biệt là các công ty lớn và xuyên quốc gia, ứng dụng những tập quán bền vững và tích hợp thông tin bền vững vào chu kỳ báo cáo của mình.
  • Khuyến khích mua sắm công bền vững, phù hợp với các chính sách và ưu tiên của mỗi quốc gia.
  • Đến năm 2030, đảm bảo mọi người ở mọi nơi có được thông tin và nhận thức về phát triển bền vững và lối sống hòa hợp với thiên nhiên.
  • Hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường năng lực khoa học và kỹ thuật của mình để thực hiện các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững hơn.
  • Xây dựng và thực hiện các công cụ để giám sát các tác động của phát triển bền vững đối với du lịch bền vững, tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy văn hóa và các sản phẩm địa phương.
  • Hợp lý hóa các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả gây ra tiêu dùng lãng phí bằng cách loại bỏ những biến dạng thị trường, phù hợp với tình hình tài chính quốc gia, bao gồm việc tái cấu trúc hệ thống thuế và loại bỏ dần những khoản trợ cấp có hại, nếu có, để phản ánh được những tác động của chúng tới môi trường, có tính đến các nhu cầu và điều kiện cụ thể của các nước đang phát triển và giảm đến mức tối thiểu những tác động bất lợi có thể có tới sự phát triển của các nước này như một biện pháp để bảo vệ người nghèo và các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Mục tiêu 13: Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó.
  • Tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với các hiểm họa liên quan đến khí hậu và thiên tai ở tất cả các quốc gia.
  • Tích hợp các biện pháp biến đổi khí hậu vào các chính sách quốc gia, chiến lược và quy hoạch.
  • Cải thiện giáo dục, nâng cao nhận thức và khả năng của con người và các thể chế về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng, giảm nhẹ tác động và cảnh báo sớm.
  • Thực hiện cam kết trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã được đồng ý bới các bên tham gia là các nước phát triển để đạt được mục tiêu cùng huy động được 100 tỷ USD hàng năm cho đến năm 2020 từ tất cả các nguồn để giải quyết nhu cầu của các nước đang phát triển trong bối cảnh những biện pháp giảm nhẹ có ý nghĩa và minh bạch trong việc thực hiện và vận hành đầy đủ Quỹ Khí hậu Xanh thông qua vốn của quỹ này càng sớm càng tốt.
  • Thúc đẩy các cơ chế để nâng cao năng lực quản lý và quy hoạch thay đổi liên quan đến khí hậu hiệu quả ở các nước đang phát triển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển, bao gồm việc tập trung vào phụ nữ, người trẻ tuổi và các cộng đồng địa phương và những người bị gạt ra ngoài lề.
Mục tiêu 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững.
  • Đến năm 2025, ngăn chặn và giảm đáng kể ô nhiễm biễn ở mọi hình thức, cụ thể là từ các hoạt động trên đất liền, bao gồm các mảnh vỡ trên biển và ô nhiễm dinh dưỡng.
  • Đến năm 2020, quản lý bền vững và bảo vệ các hệ sinh thái biển và ven biển để tránh những tác động ngược, bằng cách tăng cường khả năng tự phục hồi của các hệ sinh thái này, và có biện pháp phục hồi để giữ cho các đại dương lành mạnh và hữu ích.
  • Giảm đến mức tối thiểu và giải quyết những tác động của axit hóa đại dương, thông qua tăng cường hợp tác khoa học ở tất cả các cấp.
  • Đến năm 2020, quản lý hiệu quả việc thu hoạch và chấm dứt hoạt động đánh bắt cá quá mức, bất hợp pháp, đánh bắt không báo cáo và không theo quy định và các tập quán đánh bắt phá hoại và thực hiện các kế hoạch quản lý trên cơ sở khoa học, để khôi phục trữ lượng cá trong thời gian ngắn nhất, ít nhất là ở mức mà có thể sản sinh tối đa sản lượng bền vững như đã xác định dựa theo các đặc điểm sinh học của chúng.
  • Đến năm 2020, bảo tồn ít nhất 10% các vùng biển và ven biển, phù hợp với luật quốc gia và quốc tế và dựa trên các thông tin khoa học sẵn có tốt nhất.
  • Đến năm 2020, cấm một số hình thức trợ cấp thủy sản mà góp phần vào việc sản xuất quá mức và đánh bắt quá mức, loại bỏ các hình thức trợ cấp góp phần vào việc đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không đúng quy định và hạn chế việc đưa ra những trợ cấp mới như vậy, nhận biết được rằng việc đối xử thích hợp, đặc biệt và khác biệt đối với các nước đang và kém phát triển nên là một phần không thể thiếu của đàm phán trợ cấp thủy sản của Tổ chức thương mại thế giới.
  • Đến năm 2030, tăng những lợi ích kinh tế cho các Quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia kém phát triển từ việc sử dụng bền vững những nguồn tài nguyên biển, thông qua quản lý bền vững nghề cá, nuôi trồng thủy sản và du lịch.
  • Nâng cao kiến thức khoa học, phát triển năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hàng hải, có tính đến các tiêu chí và hướng dẫn của Ủy ban Hải dương học liên chính phủ để có thể cải thiện sức khỏe đại dương và tăng cường sự đóng góp của đa dạng sinh học biển đối với sự phát triển của các nước đang phát triển, đặc biệt là các Quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia kém phát triển.
  • Cung cấp khả năng tiếp cận thị trường và các nguồn tài nguyên biển cho những ngư dân lành nghề có quy mô nhỏ.
  • Tăng cường bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và các nguồn lực của chúng bằng cách thực thi luật quốc tế như đã phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), trong đó cung cấp khung luật pháp về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và các nguồn lực của chúng, gợi nhớ lại đoạn 158 của báo cáo kết quả thông qua của Hội nghị về phát triển bền vững của Liên hiệp quốc tổ chức tại Brazil tháng 6/2012 có tên Tương lai mong muốn của chúng ta.
Mục tiêu 15: Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học.
  • Đến năm 2020, đảm bảo việc bảo tồn, tái tạo và sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn và nước ngọt trên đất liền và các lợi ích của chúng, đặc biệt là rừng, các vùng đất ngập nước, núi và các vùng đất khô, phù hợp với các nghĩa vụ theo các thỏa thuận quốc tế.
  • Đến năm 2020, thúc đẩy thực hiện quản lý bền vững tất cả các loại rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, phục hồi rừng bị suy thoái và tăng cường trồng rừng và tái trồng rừng trên toàn cầu.
  • Đến năm 2030, chống sa mạc hóa, phục hồi các vùng đất và đất bị thoái hóa, kể cả đất bị ảnh hưởng bới sa mạc hóa, hạn hán và lũ lụt, và phấn đấu để đạt được một thế giới không thoái hóa đất.
  • Đến năm 2030, đảm bảo được sự bảo tồn của các hệ sinh thái núi, bao gồm cả sự đa dạng sinh học của chúng, để nâng cao khả năng của các hệ sinh thái này trong việc đem lại lợi ích cần thiết cho phát triển bền vững.
  • Có biện pháp khẩn cấp và quan trọng để giảm thiểu sự xuống cấp của môi trường sống tự nhiên, ngăn chặn mất đa dạng sinh học và, đến năm 2020, bảo vệ và ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài bị đe dọa.
  • Khuyến khích chia sẻ công bằng những lợi ích phát sinh từ việc sử dụng các nguồn tài nguyên gen/di truyền và khuyến khích cách tiếp cận phù hợp với những tài nguyên đó, theo các thỏa thuận quốc tế.
  • Có những biện pháp khẩn trương và chấm dứt hoạt động săn bắn và buôn bán những loài động thực vật đang được bảo vệ và giải quyết được vấn đề cung cầu những sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp.
  • Đến năm 2020, đưa ra được những biện pháp để ngăn chặn việc tạo mới và giám đáng kể ảnh hưởng của những loài ngoại lai đến hệ sinh thái đất và nước và kiểm soát hay loại bỏ các loài ưu tiên.
  • Đến năm 2020, tích hợp các giá trị của hệ sinh thái và đa dạng sinh học vào việc hoạch định kế hoạch quốc gia và địa phương, quá trình phát triển, các chiến lược và báo cáo về xóa đói giảm nghèo.
  • Huy động và gia tăng đáng kể các nguồn lực tài chính từ tất cả các nguồn để bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.
  • Huy động các nguồn lực quan trọng từ tất cả các nguồn và ở tất cả các cấp độ để hỗ trợ tài chính cho việc quản lý rừng bền vững và đưa ra các ưu đãi đầy đủ cho các nước đang phát triển để nâng cao hoạt động quản lý này, bao gồm cả việc bảo tồn và phục hồi rừng.
  • Đẩy mạnh hỗ trợ toàn cầu cho những nỗ lực chống lại săn bắt và buôn bán những loài được bảo vệ, bao gồm tăng cường khả năng của các cộng đồng địa phương để theo đuổi các cơ hội sinh nhai bền vững.
Mục tiêu 16: Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp.
  • Giảm đáng kể tất cả các hình thức bạo lực và tỷ lệ tử vong liên quan ở tất cả mọi nơi.
  • Chấm dứt lạm dụng, bóc lột, mua bán người và tất cả các hình thức bạo lực và tra tấn trẻ em.
  • Thúc đẩy nguyên tắc luật pháp ở cả cấp quốc gia và quốc tế và đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người.
  • Đến năm 2030, giảm đáng kể các dòng chảy tài chính và vũ khí bất hợp pháp, tăng cường thu hồi và trả lại những tài sản bị mất cắp và chống lại mọi hình thức tội phạm có tổ chức.
  • Giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức.
  • Xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và minh bạch ở tất cả các cấp.
  • Đảm bảo quá trình ra quyết định đáp ứng, rộng mở, có sự tham gia và đại diện ở tất cả các cấp.
  • Mở rộng và tăng cường sự tham gia của các nước đang phát triển ở các thể chế quản trị toàn cầu.
  • Đến năm 2030, cung cấp nhận diện hợp pháp cho tất cả mọi người, bao gồm đăng ký khai sinh.
  • Đảm bảo tiếp cận rộng rãi thông tin và bảo vệ các quyền tự do cơ bản, phù hợp với luật pháp quốc gia và các hiệp định quốc tế.
  • Tăng cường các thể chế quốc gia có liên quan, bao gồm thông qua hợp tác quốc tế, xây dựng năng lực ở tất cả các cấp, đặc biêt là ở các nước đang phát triển, để ngăn chặn bạo lực và chống lại chủ nghĩa khủng bố và phạm tội.
  • Thúc đẩy và thực thi luật pháp và chính sách không phân biệt đối xử cho sự phát triển bền vững.
Mục tiêu 17: Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững.
  • Đẩy mạnh huy động nguồn lực trong nước, thông qua hỗ trợ quốc tế cho các nước đang phát triển, để cải thiện khả năng sản xuất trong nước để thu thuế và các khoản thu nhập khác.
  • Các quốc gia phát triển thực hiện đầy đủ các cam kết hỗ trợ phát triển chính thức của mình, bao gồm cả cam kết đạt được mục tiêu tỷ lệ ODA/GNI là 0,7% cho các nước đang phát triển và ODA/GNI là 0,15 đến 0,20% cho các nước đang phát tiển; các nhà cung cấp viện trợ ODA được khuyến khích xem xét đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 0,20% ODA/GNI cho các nước kém phát triển.
  • Huy động thêm các nguồn lực tài chính cho các nước đang phát triển từ nhiều nguồn khác nhau
  • Giúp đỡ các nước đang phát triển trong việc giành được khoản nợ dài hạn một cách bền vững thông qua các chính sách phối hợp nhằm tăng cường vay nợ, giảm nợ và cơ cấu lai nợ cho phù hợp, và giải quyết các khoản nợ nước ngoài của các quốc gia nghèo đang mắc nợ để giảm bớt căng thẳng về nợ.
  • Thông qua và thực hiện các cơ chế khuyến khích đầu tư cho các nước kém phát triển.
  • Đẩy mạnh hợp tác Bắc- Nam, Nam-Nam, hợp tác khu vực tam giác và hợp tác quốc tế và tiếp cận khoa học, công nghệ và đổi mới, tăng cường chia sẻ kiến thức về các điều khoản đã thỏa thuận, thông qua cải thiện sự phối hợp giữa các cơ chế hiện hành, đặc biệt là ở cấp Liên hợp Quốc, và thông qua một cơ chế tạo thuận lợi cho công nghệ toàn cầu.
  • Thúc đẩy sự phát triển, chuyển giao, phổ biến và truyền bá các công nghệ thân thiện với môi trường tới các nước đang phát triển dựa trên những điều khoản có lợi, bao gồm những điều khoản nhượng bộ và ưa đãi như đã thỏa thuận.
  • Vận hành đầy đủ ngân hàng công nghệ và khoa học, kỹ thuật và đổi mới cơ chế xây dựng năng lực cho các nước kém phát triển đến năm 2017 và tăng cường sử dụng công nghệ được phép, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông.
  • Tăng cường hỗ trợ quốc tế để thực hiện xây dựng năng lực có hiệu quả và có mục tiêu ở các nước đang phát triển để hỗ trợ các kế hoạch quốc gia để thực hiệ tất cả cac mục tiêu phát triển bền vững, thông qua hợp tác Bắc – Nam, Nam – Nam và hợp tác tam giác.
  • Thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương công bằng, toàn cầu, dựa trên các luật lệ, mở, không phân biệt đối xử của Tổ chức thương mại Thế giới, bao gồm thông qua kết luận của các vòng đàm phán của chương trình nghị sự phát triển Doha của WTO.
  • Tăng đáng kể xuất khẩu ở các nước đang phát triển, đặc biệt là đến năm 2020 hướng tới tăng gấp đôi thị phần xuất khẩu toàn cầu của của các nước kém phát triển.
  • Nhận ra kịp thời việc thực hiện tiếp cận thị trường miễn thuế và miễn hạn ngạch trên cơ sở lâu dài cho các nước kém phát triển, phù hợp với những quyết định của WTO, bao gồm đảm bảo rằng những quy định về xuất xứ áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ các nước kém phát triển là minh bạch và đơn giản, và góp phần tạo thuận lợi cho thị trường tiếp cận với Hệ thống các vấn đề Chính sách và gắn kết thể chế.
  • Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, thông qua phối hợp chính sách và gắn kết chính sách.
  • Tăng cường sự gắn kết chính sách cho phát triển bền vững.
  • Tôn trọng không gian chính sách và sự lãnh đạo của mỗi quốc gia để thiết lập và thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.Quan hệ hợp tác nhiều bên liên quan
  • Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển bền vững, được bổ sung bởi các đối tác nhiều bên liên quan nhằm huy động và chia sẻ kiến ​​thức, chuyên môn, công nghệ và nguồn lực tài chính, để hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở tất cả các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển.
  • Khuyến khích và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác công hiệu quả, quan hệ đối tác công-tư và xã hội dân sự, xây dựng trên kinh nghiệm và nguồn lực quan hệ đối tác chiến lược.

Dữ liệu, giám sát và trách nhiệm giải trình

  • Đến năm 2020, tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển, bao gồm các nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển, làm tăng đáng kể sự sẵn có của dữ liệu chất lượng cao, kịp thời và đáng tin cậy chia theo thu nhập, giới tính, tuổi tác, chủng tộc, sắc tộc, tình trạng di cư, người khuyết tật, vị trí địa lý và đặc điểm khác có liên quan trong bối cảnh quốc gia.
  • Đến năm 2030, dựa trên những sáng kiến ​​hiện có để xây dựng và phát triển các phép đo của sự tiến bộ về phát triển bền vững nhằm bổ sung cho phép đo tổng sản phẩm trong nước (GDP), và hỗ trợ xây dựng năng lực thống kê trong các nước đang phát triển.

Các tin khác

Cập nhật về Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh trong ngành nông nghiệp Việt Nam thông qua thúc đẩy áp dụng và thực hiện Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp

Cập nhật về Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh trong ngành nông nghiệp Việt Nam thông qua thúc đẩy áp dụng và thực hiện Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp

Báo cáo sơ bộ về các quy định, tiêu chuẩn về thực hiện Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (TNXHDN) trong ngành thủy sản Việt Nam đã được nghiên cứu và xây dựng trong tháng 6 và tháng 7/2015

Cập nhật về Dự án “Tăng cường năng lực đối thoại tại nơi làm việc (Dialogue@Work Vietnam)”

Cập nhật về Dự án “Tăng cường năng lực đối thoại tại nơi làm việc (Dialogue@Work Vietnam)”

Trong tháng 7 và tháng 8/2015, Dự án đã tiến hành tư vấn và hỗ trợ tổ chức thành công Hội nghị người lao động tại 6 nhà máy tham gia Dự án.

Cuộc họp Ban Liên lạc Hội viên VBCSD

Cuộc họp Ban Liên lạc Hội viên VBCSD

Cuộc họp Ban Liên lạc Hội viên của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) được tổ chức từ 9:00 đến 15:30 ngày 14/08/2015 tại khách sạn Mela, thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Liêm chính và minh bạch chính là cốt lõi của quản trị kinh doanh.

Liêm chính và minh bạch chính là cốt lõi của quản trị kinh doanh.

Trong cuộc chạy đua kiếm tìm lợi nhuận bằng mọi giá, liệu giá trị của liêm chính và minh bạch có được coi trọng?

Bốn nhà chung tay giúp nông dân sản xuất ngô bền vững

Bốn nhà chung tay giúp nông dân sản xuất ngô bền vững

LÀO CAI, NGÀY 9 THÁNG 8 NĂM 2015 - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai đã phối hợp cùng với Cty Dekalb Việt Nam (Tập đoàn Monsanto), Cty CP Giống cây trồng miền Nam tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình Liên kết sản xuất ngô bền vững 2014-2015 trên địa bàn tỉnh. Đây là vụ ngô đầu tiên có sự liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cung ứng giống, doanh nghiệp thu mua theo mô hình liên kết giữa 4 nhà “Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân”.

Friesland Campina khánh thành trung tâm chăn nuôi bò sữa tỉnh Hà Nam

Friesland Campina khánh thành trung tâm chăn nuôi bò sữa tỉnh Hà Nam

Hà Nam, ngày 24 tháng 6 năm 2015, Công ty FrieslandCampina Việt Nam đã chính thức tổ chức Lễ khánh thành Vùng chăn nuôi bò sữa bền vững tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam sau gần một năm khởi công xây dựng.

Suntory PepsiCo Việt Nam cùng hàng ngàn thanh thiếu niên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường nhân ngày môi trường thế giới

Suntory PepsiCo Việt Nam cùng hàng ngàn thanh thiếu niên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường nhân ngày môi trường thế giới

Cán bộ nhân viên Suntory PepsiCo Việt Nam cùng thanh niên chung tay bảo vệ môi trường bằng các hoạt động thiết thực như đạp xe diễu hành, ra quân tổng vệ sinh, đi bộ đồng hành, trồng cây xanh, và làm sạch các con đường tuyến phố trên khắp cả nước

Bảo Việt bội thu giải thưởng và tiếp tục thể hiện bản lĩnh người tiên phong tại lễ trao giải báo cáo thường niên 2015

Bảo Việt bội thu giải thưởng và tiếp tục thể hiện bản lĩnh người tiên phong tại lễ trao giải báo cáo thường niên 2015

Báo cáo cáo thường niên (BCTN) và Báo cáo phát triển bền vững (BC PTBV) của Bảo Việt tiếp tục ghi dấu ấn tại Cuộc bình chọn BCTN 2015 do Sở Giao dịch Chứng khoán Tp Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và báo Ðầu tư Chứng khoán đồng tổ chức. Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, đơn vị thành viên của Tập đoàn, cũng được bình chọn vào Top 10 BCTN tốt nhất.

Từ khóa » Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững Là Gì