Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững Của Việt Nam Và Thế Giới

Phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Nguồn ảnh: Internet

Mục tiêu phát triển bền vững, còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc.

Liên hợp quốc đã ra đời mang theo khát vọng chung của toàn nhân loại về hòa bình, an ninh và phát triển. Qua 75 năm hoạt động với những thành tựu nổi bật, tổ chức này đã chứng tỏ vai trò trung tâm và uy tín trong các hoạt động hợp tác, được công nhận là nền tảng không thể thiếu vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng.

Liên hợp quốc đã xác định 17 Mục tiêu phát triển bền vững nhằm giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân Việt Nam và trên thế giới phải đối mặt. Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals ) nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030. Mục tiêu phát triển bền vững là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals). Các mục tiêu phát triển bền vững dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng [2]. Mục tiêu phát triển bền vững toàn diện hơn so với mục tiểu phát triển thiên niên kỷ và bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu. Những mục tiêu này vượt ra và thúc đẩy phát triển xã hội, bao gồm cả các mục tiêu đối với biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, đổi mới, tiêu thụ bền vững, hòa bình, công bằng… Mỗi mục tiêu được kết nối với nhau và thành công trong một mục tiêu thường sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khác.

Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc để triển khai cho phù hợp. Kế hoạch này được sử dụng để phát triển các mục tiêu của Việt Nam trên cơ sở thực tiễn của đất nước, các tỉnh, thành phố, địa phương; tham vấn các cấp, các ngành. Mục tiêu phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2019 và cũng có 17 mục tiêu chung với có 119 mục tiêu cụ thể [1]. Có sự tương đồng và đặc trưng giữa các mục tiêu toàn cầu và mục tiêu quốc gia phát triển bền vững của Việt Nam, cụ thể đó là:

  1. Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi;
  2. Bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững;
  3. Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi;
  4. Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người;
  5. Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái;
  6. Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người;
  7. Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người;
  8. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người;
  9. Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới
  10. Giảm bất bình đẳng trong xã hội;
  11. Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng;
  12. Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững;
  13. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai;
  14. Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững;
  15. Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất;
  16. Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp;
  17. Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

Có thể nói, hầu hết các mục tiêu phát triển bền vững đã được bao hàm trong hệ thống thể chế Quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp hiện hành; trong các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang. Nhận thức toàn diện các mục tiêu phát triển bền vững của Quốc gia trong dòng chảy chung phát triển Quốc tế là điều cần thiết đối với các tỉnh thành trong đó có Tuyên Quang và mỗi công dân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đó vừa là động lực, vừa là cách thức để biến các mục tiêu phát triển, thịnh vượng và hạnh phúc trở thành hiện thực.

Đỗ Hồng Thanh

1. Chính phủ, 2019, Quyết định số 681/QĐ-TTg “Về việc ban hành lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt nam đến năm 2030”.

2. Liên Hiệp Quốc, “Con đường tới nhân phẩm vào năm 2030: Kết thúc nghèo đói, cải cách cuộc sống và bảo vệ hành tinh – Báo cáo tổng hợp của Tổng thư ký về Chương trình nghị sự sau năm 2015”.

Từ khóa » Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững Là Gì