[178] Về Một Câu Thơ | Họa Sĩ Nhím's Blog

Đây là những comments của Nhím tui trên một blog bạn bè. Có lẽ chỉ là những trao đổi xung quanh cách hiểu một câu thơ. Và đề tài này cũng đã tạm ngừng . Nhưng lại có bạn đề nghị giải thích thêm. Vậy là cũng có những người khác còn quan tâm đến đề tài này.

Trộm nghĩ, nếu mình cứ “chiếm đất” của bạn bè nhiều quá thì cũng kỳ, nên rinh nó về nhà như một entry, để mọi người trao đổi rộng đường ý kiến. Thiết nghĩ mỗi người đều có cách hiểu, cách thụ cảm khác nhau. Không ai áp đặt ai. Nhưng trao đổi thì nó cũng rõ ra nhiều ý, mà đôi khi chúng ta chưa nghĩ tới.

Ý kiến phân tích của Nhím tui, cũng chỉ dựa trên nền tảng những kiến thức của Nhím tui thôi, không thể nào hòan hảo được. Hãy nghĩ rằng mọi ý kiến chỉ để vui vẻ. Nhưng cũng đừng suy diễn quá lạc hướng về vấn đề nêu ra, mất vui.

**********

Về một câu thơ :

THỚT CÓ TANH TAO RUỒI ĐỔ ĐẾN, GANG KHÔNG MẬT MỠ KIẾN BÒ CHI. Ý kiến của Nhím:

GANG ở đây là cái nồi, cái chảo (ngày xưa phần lớn ở quê) đúc bằng gang. Mật ở đây là MẬT NGỌT, chứ không phải MẬT ĐẮNG. Ý câu này là: (nghĩa đen): – Cái thớt không có mùi tanh thì làm gì có RUỒI ĐỔ ĐẾN (vì ruồi đánh hơi mùi rất tinh). – Cái nồi/chảo không có dính mùi ngọt (của mật), mùi thơm (của mỡ) thì làm gì có Kiến bò (kiến cũng đánh hơi mùi rất nhạy). (nghĩa bóng): Có nguyên nhân thì mới có chuyện. (nghĩa cụ thể của câu thơ): Có lợi ích, quyền lợi thì mới có đám “RUỒI”, “KIẾN” bu lại.

Hai câu thơ cùng diễn giải một ý. Nhưng hai câu tạo thành một câu đối rất chỉnh về bằng-trắc, về từ, về ý, về nghĩa… – Trên là bằng, thì dưới là trắc, và ngược lại trên trắc-dưới bằng. – Trên là danh từ / tính từ / động từ / trạng từ, thì dưới cũng tương xứng. – Trên là “Có” – dưới đối lại là “Không” (nhưng nguyên câu vẫn hiểu là Có). Nghĩa là “nếu không có…thì kiến bò (làm) chi”. – Trên là Danh từ chỉ ĐỒ VẬT, thì dưới cũng là DT chỉ Đồ vật : THỚT – GANG. – Trên là Danh từ chỉ ĐỘNG VẬT, thì dưới cũng là DT chỉ Động vật: RUỒI – KIẾN.

Một câu đối chỉnh không chê vào đâu được. Ý nghĩa lại sâu sắc.

**********

Bạn phản biện:

Theo em thì GAN sẽ đúng hơn.

Vì nếu nói GANG chỉ cái nồi hoặc đối với THỚT là đồ vật, thì ông Nguyễn Bỉnh Khiêm phải viết:

_THỚT có tanh tao ruồi đổ đến NỒI không mật mỡ kiến bò chi (CHẢO không mật mỡ kiến bò chi)

Vì theo em biết, nồi gang và nồi đồng xưa kia rất hiếm quý, chỉ gia đình giàu có khi nhà có đám giỗ, tiệc mới mang ra dùng. Còn thì chỉ xài nồi đất mà thôi.

Nhím giải thích :

Ngày xưa nồi/chảo gang là thông dụng (không có đồ nhôm, đồ inox như ngày nay). Nhà nghèo mới dùng nồi đất. Nhưng chiên xào thì vẫn phải dùng đến chảo, thì vẫn phải là chảo gang, vì không có chảo đất. Mà Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm thì không phải dân nghèo quá. Với lại ý Cụ nói cái nồi/chảo nhà khá giả mới có mật mỡ, chứ nhà nghèo vét sạch sẽ, có gì dư dả mà kiến bu.

Còn nếu đặt chữ “Nồi”, hay chữ “Chảo” vào câu thơ thì thấy rõ ràng là không hay rồi (Chảo là âm Trắc). Các cụ Nho ta ngày xưa dùng từ rất đắt, không dùng như thế đâu.

Cái từ GANG này cũng đã dùng trong một câu đối chửi khéo bọn nhà giàu có tiền, có quyền hợm hĩnh : “MỒM KẺ SANG CÓ GANG CÓ THÉP – ĐÍT NHÀ KHÓ VỪA NHỌ VỪA THÂM”.

Cho nên có thể Cụ Nho ta còn muốn ám chỉ cái nơi cao sang quyền quý, có lợi ích, có miếng ăn chia, … thì cái đám “Ruồi, Kiến” mới bu đến kiếm ăn đấy.

**********

Bạn @Mr P: đặt thêm câu hỏi (đại ý):

1/ Bạn nghĩ từ ở câu dưới là GAN, MẬT, MỠ chỉ … bộ đồ lòng. Vì GANG là một hợp kim, thời Pháp thuộc mới có.

2/ Tại sao người ta lại đặt GAN (ruột) chỉ sự can đảm, trái TIM tượng trưng cho Tình Yêu, mà có thấy sự liên hệ nào giữa hai bộ phận này với ý nghĩa mà người ta gán cho chúng đâu (theo bạn @Mr P thì Tình Yêu xuất phát từ Bộ Óc, chứ không phải từ Trái Tim).

Và @Mr P đề nghị tôi giải thích rõ thêm.

Tôi đã giải thích 1 phần bên blog bạn @Mr P, nhưng chưa nói chuyện trái tim. Nhân đây xin giải thích luôn.

Gửi @Mr.P:

Đáng lẽ Nhím tạm dừng vấn đề ở đây rồi. Nhưng vì Nguyên hỏi và nhờ giải thích, nên với kiến thức hạn hẹp của anh cũng xin tạm giải thích nhé:

1/ Đúng GANG là lọai hợp kim, nên nó cứng và bền hơn Sắt (không bị rỉ sét). Người ta thường dùng trong đồ dùng làm bếp trước đây vì giá thành của nó rẻ (ít ra là rẻ hơn đồ đồng) và nấu cũng rất ngon. Nấu cơm mà nấu nồi gang thì tuyệt, nhất là lớp cơm cháy vàng. Gang xuất hiện ở nước ta khi nào thì anh không biết, nhưng chắc chắn là sớm hơn thời Pháp thuộc. Vì nghề đúc gang ở Trung Hoa là khá sớm, chứ không phải từ Pháp du nhập qua. Dân bình thường vẫn dùng nồi chảo gang, chỉ có dân quá nghèo mới phải dùng nồi đất. (nói vậy không có nghĩa là tầng lớp khá khá không dùng nồi đất, vì nồi đất vẫn có cái hay khi nấu nướng một số món. Bây giờ ta vẫn thích ăn cơm niêu đó thôi).

Trong một trích dẫn câu đối trong chuyện dân gian: “Mồm kẻ sang có GANG có THÉP” (Gang ở đây là chỉ sức nặng, sự cứng cáp, chứ không phải chỉ cái nồi/cái chảo như trong thơ NBK). Chứng tỏ trong dân gian đã sử dụng từ này rất lâu.

Trong thơ NBK, như đã phân tích ở trên, là một câu đối chuẩn. Nên nhà Nho không thể dùng từ chỉ 2 lọai khác nhau để đối (GAN ruột đối với THỚT dụng cụ nhà bếp). Hơn nữa MẬT MỠ ở đây cũng không chỉ bộ đồ lòng, mà chỉ MÙI VỊ – đối xứng với từ TANH TAO chỉ mùi vị ở trên.

2/ GAN chỉ sự can đảm là GAN LỲ, chứ không phải GAN LÒNG. Dùng lâu trong dân gian nên người ta gán ghép với LÁ GAN để ám chỉ đến chữ GAN chỉ sự can đảm. Trong thơ ca, người ta đã dùng : “TRƠ GAN CÙNG TUẾ NGUYỆT” – chỉ sự gan lỳ, ngoan cường,… với thử thách, với thời gian – chứ rõ ràng không phải nói đến lá gan.

3/ Tình Yêu, hay cảm xúc yêu thương khác nói chung, là xuất phát từ cái người ta gọi là TÂM HỒN, một thứ VÔ HÌNH (nhưng trạng thái, biểu hiện và vật chứa đựng nó thì HỮU HÌNH). Tất nhiên những trạng thái ấy là do hệ thần kinh, xuất phát từ Bộ Óc điều khiển. Thế nhưng có mấy lý do mà người ta gán cho Trái Tim:

-Chữ TÂM, trùng nghĩa với Trái Tim (TÂM).

-Trái Tim là nơi duy trì sự sống cho cơ thể. Có thể Bộ Óc ngừng họat động, nhưng Trái Tim thì luôn luôn đập 24/24.

-Trái Tim luôn chứa dòng máu Đỏ, theo con người thì đó là thể hiện sự NÓNG BỎNG, NỒNG NHIỆT, ẤM ÁP, … tượng trưng cho những cảm xúc thương yêu…

-Thực tế, khi có những cảm xúc, hành vi yêu thương, Trái Tim đập mạnh hơn, nhanh hơn, máu nóng dồn khắp tòan thân, … Vì thế những tác động của Trái Tim trong cảm xúc yêu thương rõ rệt hơn Bộ Óc.

Có lẽ vì thế mà người ta dùng Trái Tim làm biểu tượng cho Tình Yêu chăng ?

Anh Nhím không phải dân Y Khoa, nên chỉ biết đến thế. Cũng không phải dân nói nhiều. Nhưng trao đổi với nhau trên diễn đàn này cho vui.

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Có liên quan

Nhãn: văn-thơ-nhạc-họa

This entry was posted on 10/09/2012 at 14:35 and is filed under văn-thơ-nhạc-họa. You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

Từ khóa » Gang Không Mật Mỡ Kiến Bò Chi