2. Niệm Phụ Mẫu ân - Chuyên Đề

Chánh tông phần

II. NIỆM PHỤ MẪU ÂN

Nguyên văn:

云 何念父母恩?哀哀父母,生我劬勞,十月三年,懷胎乳哺;推幹去溼,咽苦吐甘,才得成人,指望紹繼門風,供承祭祀。今我等既已出家,濫稱釋子,忝號沙門。甘 旨不供,祭掃不給。生不能養其口體,死不能導其神靈。於世間則為大損,於出世又無實益,兩途既失,重罪難逃。如是思惟,惟有百劫千生,常行佛道,十方三 世,普度眾生。則不惟一生父母,乃至生生父母,俱蒙拔濟。不惟一人父母,乃至人人父母,盡可超升。是為發菩提心第二因緣也。

Vân hà niệm phụ mẫu ân? Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao, thập nguyệt tam niên, hoài thai nhũ bộ; thôi can khứ thấp, yến khổ thổ cam, tài đắc thành nhân, chỉ vọng thiệu kế môn phong, cung thừa tế tự. Kim ngã đẳng ký dĩ xuất gia, lạm xưng Thích tử, thiểm hiệu Sa môn. Cam chỉ bất cung, tế tảo bất cấp, sanh bất năng dưỡng kỳ khẩu thể, tử bất năng đạo kỳ thần linh. Ư thế gian tắc vi đại tổn, ư xuất thế hựu vô thật ích, lưỡng đồ ký thất, trọng tội nan đào. Như thị tư duy, duy hữu bách kiếp thiên sanh, thường hành Phật đạo, thập phương tam thế, phổ độ chúng sanh. Tắc bất duy nhất sanh phụ mẫu, nãi chí sanh sanh phụ mẫu, câu mông bạt tế. Bất duy nhất nhân phụ mẫu, nãi chí nhân nhân phụ mẫu, tận khả siêu thăng. Thị vi phát Bồ đề tâm đệ nhị nhân duyên dã.

Dịch:

Thế nào là nhớ ơn cha mẹ? Thương thay cha mẹ sinh ta khó nhọc, mười tháng mang thai ba năm bú mớm, nhường khô nằm ướt, nuốt đắng nhả ngọt, mới được nên người. Mong ta tiếp nối gia phong, lo phần tế tự. Mà nay ta đã xuất gia, lạm xưng Thích tử, nhục hiệu Sa môn, đồ ngon vật ngọt đã không phụng dưỡng, cúng tế chạp tảo càng không chu tất. Cha mẹ còn sống, ta đã không thể nuôi dưỡng, khi cha mẹ qua đời, ta lại không thể hướng dẫn thần thức. Ðối với phương diện thế gian là sự tổn lớn, đối với phương tiện xuất thế lại không có ích chi. Hai đường đều tổn thất thì tội nặng khó thoát. Suy nghĩ như thế, chỉ có có cách trong trăm đời ngàn kiếp thường hành Phật đạo, mười phương ba đời khắp độ chúng sanh. Ðược như thế thì không phải chỉ cha mẹ một đời, mà song thân nhiều đời nhiều kiếp đều được độ thoát; không phải chỉ cha mẹ một người, mà song thân tất cả mọi người cùng được siêu thăng. Ðó là nhân duyên thứ hai của sự phát Tâm Bồ đề.

 

Giảng:

Vân hà niệm phụ mẫu ân? Ở trên đã nhắc qua về ân đức cha mẹ, nay ở đây giải thích. Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao : Ðây là nói chúng ta đối với cha mẹ thường có lòng thương nhớ ; cha mẹ cũng thương nhớ ta, "sanh ta khó nhọc", đây là câu trong Thi kinh : "Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao…… dục báo chi đức, hạo thiên võng cực". Có nghĩa là "Thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo ân đức của cha mẹ, nhưng ân đức của cha mẹ sâu nặng như trời cao bể rộng thật khó đáp đền" Thập nguyệt tam niên, hoài thai nhũ bộ : Nếu nói mười tháng mang thai, ba năm bú mớm thì không hay, nên nói "mười tháng ba năm, mang thai bú mớm".

 

Thôi can khứ thấp : Từ chỗ ướt đưa đến chỗ khô, chứ không phải đẩy ra khỏi chỗ khô. Ðiều này rất đơn giản, không có cách giảng đặc biệt nào, người mẹ nuôi đứa con thơ chính là nhường khô nằm ướt như thế. Yến khổ thổ cam, tài đắc thành nhân : Nuốt đắng, chính là có cái gì đắng cay, có gì khó khăn mẹ đều nuốt lấy, chịu lấy. Nhả ngọt, có gì ngọt bùi cho con. Tận tâm kiệt lực bồi dưỡng nuôi nấng con thơ như thế, con thơ mới được lớn lên thành người. Chỉ vọng thiệu kế môn phong, cung thừa tế tự : Sanh con dưỡng cái chính là hy vọng cha truyền con nối, đời nọ nối tiếp đời kia, có người hương khói, nối dõi tông đường, sau này lo phần cúng tế tổ tiên. Chỉ vọng, là dùng tay chỉ đầu, dùng mắt nhìn. "Thiệu" cũng giống như thiệu long Phật chủng, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, "Thiệu" có nghĩa là tiếp tục kế tục. Tục là làm cho nó nối tiếp không để gián đoạn. Môn phong, là phong thái nề nếp gia đình.

 

Kim ngã đẳng ký dĩ xuất gia, lạm xưng Thích tử : Nhưng nay chúng ta đã xuất gia, cũng không quản đến việc có đủ tư cách làm con Phật hay không, lạm vu sung số (1), nói rằng : "A! chúng ta đã là đệ tử của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni". Thiểm hiệu Sa môn : Thiểm, là không biết tàm quý, không biết xấu hổ. Nghĩa là tôi không đủ tư cách, không đáng làm Sa môn, nhưng tôi cũng mạo sung, lạm vu sung số, cũng được gọi là Sa môn. Sa môn là Tỳ Khưu, dịch là Cần Tức, có nghĩa là cần tu giới định huệ, tức diệt tham sân si.

 

Cam chỉ bất cung, tế tảo bất cấp : Ðối với cha mẹ, chúng ta không chút dưỡng nuôi, không có đem sức của ta để phụng dưỡng; đến khi cha mẹ qua đời, cũng không tảo mộ, cũng không lo phần cúng giỗ. Sanh bất năng dưỡng kỳ khẩu thể, tử bất năng đạo kỳ thần linh : Khi cha mẹ còn sống, ta đã không thể phụng dưỡng. Sau khi cha mẹ qua đời, ta cũng không thể dẫn đạo tiếp dẫn thần thức của cha mẹ đến nơi an lạc.

 

Ư thế gian tắc vi đại tổn, ư xuất thế hựu vô thật ích : Ðối với thế gian pháp, tức là đối với một vài vấn đề xã hội mà nói, thì đây là một tổn thất lớn. Mà chúng ta xuất thế cũng tu hành không thành công, nên đối với cha mẹ cũng không có giúp đỡ gì. Lưỡng đồ ký thất, trọng tội nan đào : Lưỡng đồ, tức là hai đường sanh tử. Khi cha mẹ còn sống ta không phụng dưỡng, khi chết rồi cũng không cúng tế ; sau khi xuất gia lại không quản đến cha mẹ ở nhà, hai phương diện này đều tổn thất lớn. Cho nên tội này rất lớn, thật khó tránh khỏi.

 

Như thị tư duy : Suy nghĩ như thế, chúng ta phải nên làm sao ? Duy hữu bách kiếp thiên sanh, thường hành Phật đạo : Chỉ có cách trong trăm đời ngàn kiếp cần phải tu hành Phật đạo, thường y theo Phật pháp tu hành. Thập phương tam thế, phổ độ chúng sanh : Không chỉ mười phương mà trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, đều phải độ khắp tất cả chúng sanh, mới có thể báo đáp ân sâu của cha mẹ. Như thế tắc bất duy nhất sanh phụ mẫu, nãi chí sanh sanh phụ mẫu, câu mông bạt tế : cha mẹ đời đời kiếp kiếp đều được độ thoát. Bất duy nhất nhân phụ mẫu, nãi chí nhân nhân phụ mẫu, tận khả siêu thăng : Cho đến cha mẹ của mỗi người đều được sanh thiên. Chúng ta nếu như tu hành chân chánh "một người con đắc đạo, cửu huyền thất tổ siêu thăng", cho nên chúng ta cần phải dụng công tu hành, thì không những cha mẹ đời đời kiếp kiếp trong thời quá khứ, cho đến song thân của mọi người, chúng ta cũng đều khiến cho họ được siêu thăng.

 

Thị vi phát Bồ đề tâm đệ nhị nhân duyên dã : Ðây là nhân duyên thứ hai của sự phát tâm Bồ đề.

Từ khóa » Tứ ân Phụ Mẫu Là Gì