Câu Thần Chú Báo ân Cha Mẹ - Tuyển Tập Vu Lan - Thư Viện Hoa Sen

tuyen-tap-vu-lan-2CÂU THẦN CHÚ BÁO ÂN CHA MẸTrần Ngọc Nguyên

vu lan ben me

Trong các thực hành của giới xuất giatại gia Phật Giáo Việt Nam vào tháng 7 âm lịch hàng năm, thường tổ chức những buổi lễ Tri ÂnBáo Ân công đức sinh thành dưỡng dục của các bậc làm cha mẹ. Bên cạnh việc trì tụng các bản Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Kinh Vu Lan Bồn thì có một câu thần chú tên là "Báo Phụ Mẫu Ân" cũng được đề cập đến và khuyên các hành giả siêng năng hành trì để đền đáp công ơn cha mẹ. Theo lời kể của các vị Thầy đã lớn tuổi thì ngày xưa có trì tụng thần chú này nhưng không hiểu vì sao về sau không còn thấy nữa, cho nên đến bây giờ đối với người Việt Nam trì tụng thần chú báo ân cha mẹ vẫn còn là một điều lạ lẫm.

A. Gốc Tích

- Vạn Tự Tân Toản Tục Tạng Kinh, quyển thứ 21, kinh văn số hiệu No.375-B, có ghi chép nói về Chú Báo Ân Cha Mẹ như sau:

“Báo Phụ Mẫu Ân Chú (trên Thế gian không ai không từ cha mẹ mà được sinh ra, có thể tụng thần chú này và cả đời kính trọng, ghi nhớ thì ân nghĩa không thể không báo)

Nam mô mật lật đa đá bà duệ sa ha”. [1]

- Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, HT. Thích Huyền Tôn dịch, ghi nhận “Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Chơn Ngôn viết: Án nga nga nẳng tát bà-ha”. [2]

B. Thật Tướng

2 câu Thần Chú bên trên có thể phục hồi lại là:

- Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Chân Ngôn: Oṃ (Nhiếp triệu) gagana (Hư Không) svāhā (Thành tựu tốt lành).

-Báo Phụ Mẫu Ân Chú: Namo mṛtodbhavāye svāhā (mṛta+udbhava)

Nếu theo nghĩa lý thì mṛta là “cái chết”, mṛta-udbhava là “sinh ra cái chết” hay “hiện lên cái chết”, cho nên lúc này từ svāhā không được dùng theo nghĩa “quyết định thành tựu” hay “thành tựu tốt lành” như thông thường mà phải dùng nghĩa là “tán khứ” (tan biến đi). Lúc này có thể hiểu câu thần chú này là “Quy mệnh bậc làm tan biến sự sinh ra cái chết”.

Tuy nhiên, khi tìm kiếm cụm từ “mật lật đa” (密栗多hay蜜栗多) trong các tạng kinh, thì đều ghi nhận được đầy đủ là “a mật lật đa” (阿蜜栗多hay阿密栗多) tức là amṛta (Cam Lộ, Bất Tử). Hơn nữa, theo luật phối âm (Saṃdhi) của Phạn văn thì nguyên âm cuối [o] khi gặp nguyên âm đầu [a] sẽ được thay bằng [o’]. Do vậy câu thần chú này có thể là Namo 'mṛtodbhavāye svāhā tức Namo amṛtodbhavāye svāhā. Bên cạnh đó, nhận thấy rằng amṛtodbhava quả thật tương đương với một đoạn của Vô Lượng Thọ Như Lai Căn Bản Đà La Ni (Thập Cam Lộ Chú) [3] và Chú Vãng Sinh (Tứ Cam Lộ Chú) [4].

Về ý nghĩa thì cả 2 bài Chú này đều ghi nhận amṛtodbhave là “Hiện lên Cam Lộ” hay “Cam Lộ Sở Sinh Tôn”. Từ udbhava còn có nghĩa là “hiện hữu”, “nguồn gốc”, vậy câu Namo amṛtodbhavāye svāhā được hiểu là “Quy mệnh Bậc sinh ra Cam Lộ, quyết định thành tựu”.

C. Nghĩa Lý Tu Hành

- Trong kinh Tâm Địa Quán có nói đến Tứ Ân: (1) ơn cha mẹ, (2) ơn chúng sinh, (3) ơn quốc vương, (4) ơn Tam Bảo [5]. Ơn của cha mẹ được Đức Phật đề cập đến đầu tiên của một hữu tình dù là ở thế gian hay xuất thế gian đó là nền tảng của mọi Pháp môn để đi đến Giác Ngộ.

- Trong kinh Tương Ưng Bộ có viết: “Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển”. Lại trong Kinh Sabrahmakasuttaṃ, Đức Phật có ví cha mẹ như là "Phạm Thiên" ở trong nhà...

- Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, có đoạn viết thế này:

“Lúc ấy, Thế Tôn bảo Vy Đề Hy: Nay Phu nhân có biết chăng? Phật A Di Đà cách đây chẳng xa, Phu nhân nên luôn nhớ nghĩ, quán kỹ cõi nước đó thì Tịnh Nghiệp được thành. Nay ta vì Phu nhân mà rộng nói cho rõ những điều ấy, lại khiến cho tất cả phàm phu ở đời vị lai, những kẻ muốn tu Tịnh Nghiệp được sinh về cõi nước Cực Lạc (Sukhavatī) ở phương Tây.

Muốn sinh về nước ấy, nên tu ba Phước:

Thứ nhất, hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, tâm Từ chẳng giết, tu mười nghiệp Thiện.

Thứ hai, thọ trì Tam Quy, đầy đủ Chúng Giới, chẳng phạm Oai Nghi.

Thứ ba, phát Tâm Bồ Đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả.

Ba việc như vậy mới gọi là Tịnh Nghiệp.

Phật bảo Vy Đề Hy: Nay Phu nhân biết chăng? Ba chủng nghiệp này chính là nhân chính để tu Tịnh Nghiệp của chư Phật ba đời quá khứ, hiện tạivị lai.” [6]

Ba nhóm như vậy gồm 11 điều là Nhân (hetu) chính để tu Tịnh Nghiệp của ba đời chư Phật, là nền tảng căn bản để tu học Phật Giáo cho tất cả mọi chúng sinh, từ hoàn thành bổn phận trách nhiệm làm người đến khi trở thành bậc Thánh, là Phước Đức vô hạn để tích lũy Ba La Mật và phát sinh Trí Tuệ trên con đường cầu đạo quả Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Trong đó, “hiếu dưỡng cha mẹ” là điều tiên quyết. Nếu không có nền tảng này, tu hành ắt không thành tựu.

- Câu thần chú Namo amṛtodbhavāye svāhā, thì amṛtodbhava (Cam Lộ Sở Sinh, Cam Lộ Hiện Hữu) đều là đặc tính đầu tiên trong 2 bản Thập Cam Lộ và Tứ Cam Lộ Đà La Ni [3][4]. Trong bài Thập Cam Lộ, sau tadyathāamṛte hàm nghĩa đặc tính Cam Lộ, Bất Tử, Vô Lượng của đức Phật A Di Đà, rồi đến amṛtodbhava. Chín cụm từ amṛta-… sau là 9 tính chất (phát sinh hiện hữu, tăng trưởng, gom chứa tích lũy, thành tựu, uy quang uy đức, dũng mãnh, dũng mãnh đạt được mọi điều, tạo tác tương xứng với hư không, âm thanh tốt lành của Pháp Cổ) của Cam Lộ hay 9 phẩm trong cõi nước Cực Lạc, tổng nhiếp của 9 phần này dùng câu thần chú Oṃ amṛta svāhā. Cho nên điều đầu tiên trong pháp tu của A Di Đàamṛtodbhava, tức là Báo Ân cha mẹ vậy. Tương tự như vậy trong bài Tứ Cam Lộ.

Hơn thế, câu thần chú có nghĩa “Quy mệnh bậc phát sinh Cam Lộ”, cũng tức là “Quy mệnh Vô Lượng Quang Như Lai” hay “Quy mệnh Vô Lượng Thọ Như Lai”, tương đương với câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, quả thật công đức chẳng khác nhau. [7]

- Đối với người Việt Nam ta, câu “Nam mô A Di Đà Phật” đã ăn sâu vào tâm thức dù người ấy có đến chùa thọ Tam Quy hay chỉ đơn thuần thờ cúng ông bà với tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Mỗi khi cúng kiếng, giỗ kỵ… thì câu đầu tiên khấn vái đều là niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Lúc này câu niệm Phật ấy không những hướng về thế giới Cực Lạc để phát nguyện vãng sinh mà còn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc hơn chính là Tri ÂnBáo Ân cho Cha Mẹ, Tổ Tiên nhiều đời nhiều kiếp được an lành. Cái tinh thần ấy đã đồng hành cùng với dân tộc này thông qua câu “Nam mô A Di Đà Phật” cùng với những bài Ca Dao, Tục Ngữ được truyền miệng từ đời này sang đời khác:

“Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong”

“Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"

“Tu đâu sao bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”…

- Có một điều đặc biệt được ghi nhận là câu thần chú của Mã Đầu Minh Vương (Hayagrīva): Oṃ amṛtodbhava hūṃ phaṭ svāhā cũng dùng amṛtodbhava làm bản thể. Mã Đầu là một hóa thân phẫn nộ của Đức Quán Thế Âm (Avalokiteśvara), có Bản Nguyện sâu dày cứu giúp mọi chúng sinh, diệt trừ mọi khổ não sinh già bệnh chết…, và đặc biệt nhất là chặt đứt mọi nghiệp chướng xấu ác trong Tam Đồ Ác Đạo, giúp cho chúng sinh không bị đọa lạc vào những nơi chốn ấy. Đối với Phật Giáo Đại Thừa, giúp cho cha mẹ hiểu đạo, thấy được con đường lành, thoát khỏi ba đường ác… là cách báo hiếu thắng thượng, giống như Ngài Địa TạngMục Kiền Liên cũng như nhiều bậc Thánh khác đã từng cứu vớt mẹ mình ra khỏi Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh.

D. Thực Hành

“Ân trọng của cha mẹ nhiều đời kiếp khó đáp đền, không thể đáp đền được thì có Chú Báo Ân Phụ Mẫu, trong mỗi tháng 7 âm lịch, mỗi ngày niệm tụng Báo Ân Chú 49 lần, có thể báo đền ân trọng của cha mẹ, hiện đời cha mẹ được khỏe mạnh trường thọ, cha mẹ đã quá vãng thì được siêu thoát. Nếu một ngày chưa tụng thì có thể tụng bổ sung vào ngày hôm sau…” [8]

Như ta đã thấy niệm Thần Chú Báo Ân Cha Mẹ [9] hay “Nam mô A Di Đà Phật” đều có những công đức lợi ích to lớn như vậy. Đã mang thân này, dù có muốn sinh về cõi nước Cực Lạc ở phương Tây hay trở thành các bậc Thánh, thành Phật, đều phải ghi nhớ “Hiếu Đạo Vi Tiên”, đó là nền tảng cho mọi Thiện Hạnh, Đức Hạnh sau này. Ta thường dùng cả Thân-Khẩu-Ý để quy mệnh, kính lễ chư Phật, do vậy ta cũng nên dùng cả Thân (hành động), Khẩu (lời nói), Ý (tâm tư, suy nghĩ) của chính mình để thực hành biết ơnbáo ơn cho cha mẹ. Chắc hẳn mỗi người sẽ có một cách riêng và sẽ biết phải nên làm gì để báo hiếu và phụng dưỡng cho cha mẹ trong từng giây phút của cuộc đời làm người này.

Muốn có được Cam Lộ thì hãy tạo Nhân của Cam Lộ. Muốn đạt được Bất Tử thì hãy tạo Nhân của Bất Tử. Cam LộBất Tử đều nằm ở Cha và Mẹ. Quả thật, Cam Lộ - Bất Tử - Vô Lượng là cha, là mẹ. Sữa mẹ, sức cha là Cam Lộ cho con; tình thương cha mẹ dành cho con là Bất Tử; công lao sinh thành - dưỡng dục, ơn nghĩa của cha mẹVô Lượng.

Namo amṛtodbhavāye svāhā

Nam mô A Di Đà Phật

 

Chú thích:

[1] X21n0375 盂蘭盆經疏孝衡鈔 [0518c05-07] 報父母恩呪(世間有生無不從父母而得。能誦此呪及能慎終追遠。恩無不報) 南無蜜栗多哆婆曳娑訶

[2] URL: http://www.tuvienquangduc.com.au/kinhdien/45baohieu.html

[3] Vô Lượng Thọ Như Lai Căn Bản Đà La Ni: namo ratna-trayāya| namaḥ ārya-amitābhāya tathāgatāya arhate samyaksaṃbuddhāya| tadyathā: oṃ amṛte amṛtodbhave amṛta-saṃbhave amṛta-garbhe amṛta-siddhe amṛta-teje amṛta-vikrānte amṛta-vikrānta-gamine amṛta-gagana-kīrtti-kare amṛta-duṇḍubhisvare sarvārtha sādhane sarva karma kleśa kṣāyaṃ kare svāhā||

[4] Vãnh Sinh Chú: namo amitābhāya tathāgatāya| tadyathā: amṛtodbhave amṛta-siddhaṃbhave amṛta-vikrānte amṛta-vikrānta-gāmine gagana kīrtti kare svāhā||

[5] T03n0159 大乘本生心地觀經, Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán Kinh (quyển thứ 2). [0297a12-14] 世出世恩有其四種:一父母恩,二眾生恩,三國王恩,四三寶恩。如是四恩,一切眾生平等荷負。 Ân của thế gianxuất thế gian có 4 nhóm: một là ơn cha mẹ, hai là ơn chúng sinh, ba là ơn quốc vương, bốn là ơn Tam Bảo. Bốn Ân như vậy, tất cả chúng sinh đều được thụ hưởng ngang bằng như nhau.

[6] T12n0365 [0341c04-13] 爾時世尊告韋提希:「汝今知不?阿彌陀佛去此不遠;汝當繫念,諦觀彼國淨業成者。我今為汝廣說眾譬,亦令未來世一切凡夫欲修淨業者,得生西方極樂國土。欲生彼國者,當修三福:一者、孝養父母,奉事師長,慈心不殺,修十善業。二者、受持三歸,具足眾戒,不犯威儀。三者、發菩提心,深信因果,讀誦大乘,勸進行者。如此三事名為淨業。」佛告韋提希:「汝今知不?此三種業,乃是過去、未來、現在三世諸佛淨業正因。」

[7] Cam Lộ Như Lai là một danh hiệu khác của A Di Đà Như Lai

[8] Pháp Sư Hải Đào, Sinh Mệnh Phật Học Hội, Đài Loan

[9] Namo amṛtodbhavāye svāhā đọc là “Nam-mô, a mờ-rật tô đờ ba va dê, xờ-va ha”

 

Tham khảo:

- A Di Đà Pháp Kinh, Sa môn Thích Quảng Trí, Huyền Thanh, Tống Phước Khải biên dịch

URL: https://kinhmatgiao.files.wordpress.com/2015/06/adidaphapkinh2015.pdf

- Mã Đầu Quan Âm Pháp Kinh, Huyền Thanh biên dịch

URL: https://kinhmatgiao.files.wordpress.com/2014/06/ma-dau-quan-am-phap-kinh.pdf

- Học tiếng Sanskrit qua Kinh A Di Đà, Tống Phước Khải dịch

URL: https://docs.google.com/file/d/0B1hLXVZWY9lORTBUNzdIVTY2SjQ/edit

- Giảng giải Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Hòa Thượng Tịnh Không, Tâm Phước dịch

Từ khóa » Tứ ân Phụ Mẫu Là Gì