20 Bức Hình đánh Lừa Thị Giác Siêu Kinh điển Khiến Bạn ... - BlogAnChoi

Những bức tranh đánh lừa thị giác luôn khiến chúng ta phải tròn mắt kinh ngạc, mới nhìn thì thấy thế này nhưng nhìn kỹ lại ra thế khác. Nhưng bạn có biết rằng ảo ảnh thị giác cũng dựa trên khoa học, liên quan đến cách hoạt động của mắt và não của chúng ta khi nhận thức thế giới xung quanh. Dưới đây hãy cùng xem những bức tranh đánh lừa thị giác nổi tiếng trên thế giới và tìm hiểu quy luật của chúng nhé.

Nội dung chính
  • 1. Chiếc nĩa bất khả thi: Hai nhánh hay ba nhánh?
  • 2. Những chấm tròn đứng yên hay chuyển động?
  • 3. Hai hình tròn ở giữa bằng nhau hay khác nhau?
  • 4. “Ảo ảnh bức tường quán cà phê”
  • 5. Những chấm đen ảo không hề có thật
  • 6. Con voi có mấy chân?
  • 7. Hình tròn màu xanh hay màu trắng?
  • 8. Ảo ảnh Jastrow có thể nhìn thấy trong đời thực
  • 9. Ảo ảnh tam giác Kanizsa
  • 10. Ba đường dài bằng nhau hay khác nhau?
  • 11. “Rắn quay” – Một ví dụ khác về chuyển động ảo ảnh
  • 12. Con vịt hay con thỏ?
  • 13. Ảo ảnh 3D Magic Eye
  • 14. Chiếc ly hay hai khuôn mặt?
  • 15. Ảo ảnh khuôn mặt
  • 16. Cô gái trẻ hay bà già?
  • 17. Marilyn Monroe hay Albert Einstein?
  • 18. Ảo ảnh “Thác nước”
  • 19. Khối lập phương ảo ảnh
  • 20. Vòng tròn biến mất

1. Chiếc nĩa bất khả thi: Hai nhánh hay ba nhánh?

Bạn nhìn thấy 2 nhánh hay 3 nhánh? (Nguồn: Internet)
Bạn nhìn thấy 2 nhánh hay 3 nhánh? (Nguồn: Internet)

Bức tranh này được công bố lần đầu tiên vào năm 1964 bởi D.H. Schuster. Đúng như tên gọi, vật này chắc chắn không thể tồn tại ngoài đời thật. Nếu nhìn từ phía dưới thì nó có ba nhánh, nhưng phần trên rõ ràng chỉ tách ra làm hai nhánh. Hình dạng này là bất khả thi bởi vì nó vi phạm các quy tắc của hình học Euclide.

2. Những chấm tròn đứng yên hay chuyển động?

Bạn có nhìn thấy những chấm tròn chuyển động không? (Nguồn: Internet)
Bạn có nhìn thấy những chấm tròn chuyển động không? (Nguồn: Internet)

Đây là hiện tượng chuyển động ảo ảnh: một hình ảnh tĩnh nhưng khi nhìn vào lại có cảm giác như đang chuyển động. Có phải bạn thấy các chấm đen dường như đang dao động? Nhưng thực ra đây chỉ là một bức vẽ bình thường, hoàn toàn đứng yên.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Thần kinh Barrow giải thích rằng những chuyển động rất nhỏ của mắt chúng ta và hành động chớp mắt mới là nguyên nhân khiến bộ não cảm nhận các chấm đen như đang chuyển động.

3. Hai hình tròn ở giữa bằng nhau hay khác nhau?

Bạn có thấy 2 hình tròn khác nhau không? (Nguồn: Internet)
Bạn có thấy 2 hình tròn khác nhau không? (Nguồn: Internet)

Hình tròn ở giữa của bên trái có vẻ to hơn hình tròn ở giữa bên phải, nhưng đó chỉ là ảo giác vì nó được bao quanh bởi các hình tròn nhỏ hơn.

Ảo giác này là do não của chúng ta sử dụng bối cảnh xung quanh để đánh giá kích thước, giống như giả định rằng những thứ nhỏ thì ở xa hơn. Vì hình tròn bên trái được bao quanh bởi các hình tròn nhỏ hơn nên bộ não cảm nhận nó lớn hơn, trong khi hình tròn bên phải được bao quanh bởi các hình tròn lớn hơn nên có cảm giác nhỏ hơn.

4. “Ảo ảnh bức tường quán cà phê”

Bạn có thấy những đường nằm ngang bị nghiêng đi không? (Nguồn: Internet)
Bạn có thấy những đường nằm ngang bị nghiêng đi không? (Nguồn: Internet)

Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì hình ảnh này được phát hiện lần đầu tiên ở bên ngoài một quán cà phê vào những năm 1970 bởi một người tên là Richard Gregory. Các đường kẻ ngang màu xám có vẻ bị nghiêng, nhưng nếu che các ô màu đen trắng lại hoặc lấy thước đo thì bạn sẽ thấy các đường ngang thực sự nằm thẳng hoàn toàn. Để tạo ra ảo ảnh như vậy, các ô đen trắng ở hàng trên và hàng dưới phải nằm lệch nhau và các đường màu xám phải nằm đúng vị trí.

Nguyên nhân của hiệu ứng này là do các tế bào thần kinh trong não tương tác với nhau. Cách sắp xếp các ô màu làm cho võng mạc của chúng ta tự động “làm mờ” và “tăng sáng” các đoạn khác nhau của đường ngang. Khi có sự tương phản về độ sáng giữa hai ô (như ô đen nằm trên ô trắng), các tế bào thần kinh sẽ cảm nhận hình ảnh này giống như những hình nêm, làm cho các đường ngang có vẻ bị nghiêng đi.

5. Những chấm đen ảo không hề có thật

Bạn có thấy những chấm đen nằm ở giao điểm các đường trắng không? (Nguồn: Internet)
Bạn có thấy những chấm đen nằm ở giao điểm các đường trắng không? (Nguồn: Internet)

Ảo ảnh này xuất hiện từ những năm 1870 và được phát hiện bởi Ludimar Hermann. Khi tập trung nhìn vào một điểm cố định trong bức hình, bạn sẽ có cảm giác xuất hiện các chấm đen ở giao điểm của các đường trắng, nhưng khi nhìn vào các điểm đó thì chẳng có gì cả.

Các chấm đen ảo là kết quả của một quá trình thần kinh được gọi là “ức chế bên”: một tế bào thần kinh bị kích thích có khả năng ức chế các tế bào lân cận xung quanh nó. Khi có nhiều ánh sáng (như các đường màu trắng) kích thích một tế bào thần kinh võng mạc, các tế bào này không thể xử lý được hết tất cả ánh sáng, vì vậy một số vùng sẽ bị ức chế và các chấm đen sẽ xuất hiện.

6. Con voi có mấy chân?

Đâu mới là chân thật của con voi? (Nguồn: Internet)
Đâu mới là chân thật của con voi? (Nguồn: Internet)

Bạn có thể đếm được con voi này có mấy chân không? Chắc là sẽ rất đau đầu nên một cách đơn giản để giải quyết vấn đề này là che bàn chân ở dưới lại, khi đó bạn sẽ thấy rõ con voi chỉ có 4 chân như bình thường. Lý do khiến nó trở nên ảo là người vẽ đã để trống những chỗ mà lẽ ra là bàn chân, thay vào đó lại vẽ bàn chân vào khoảng trống giữa hai chân thật. Điều này khiến não chúng ta bị rối và không biết chân nằm ở đâu.

7. Hình tròn màu xanh hay màu trắng?

Bạn nhìn thấy hình tròn màu xanh có phải không? (Nguồn: Internet)
Bạn nhìn thấy hình tròn màu xanh có phải không? (Nguồn: Internet)

Loại ảo ảnh này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1971 trong cuốn sách “Hiện tượng tương phản và khuếch tán màu” của nhà tâm lý học Dario Varin. Những đoạn thẳng nằm trong hình tròn thì màu xanh, nhưng bản thân hình tròn đó thì màu trắng giống như nền của bức tranh. Đến nay vẫn chưa rõ lý do tại sao mắt của chúng ta lại cảm nhận vòng tròn có màu giống với các đường đó.

8. Ảo ảnh Jastrow có thể nhìn thấy trong đời thực

Một đoạn dài một đoạn ngắn có đúng không? (Nguồn: Internet)
Một đoạn dài một đoạn ngắn có đúng không? (Nguồn: Internet)

Ảo ảnh này được phát hiện bởi Joseph Jastrow vào năm 1889. Trong hình trên, 2 thanh có vẻ dài ngắn khác nhau khi đặt cạnh ngắn của một thanh áp sát vào cạnh dài của thanh kia. Nhưng khi chồng 2 thanh với nhau thì rõ ràng là chúng có cùng kích thước. Đến nay vẫn chưa rõ cơ chế gây ra ảo ảnh này.

9. Ảo ảnh tam giác Kanizsa

Bạn có nhìn thấy hình tam giác màu trắng không? (Nguồn: Internet)
Bạn có nhìn thấy hình tam giác màu trắng không? (Nguồn: Internet)

Ảo ảnh này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1955. Bạn có thể cảm nhận có một hình tam giác ngược màu trắng chồng lên hình tam giác màu đen, nhưng thực ra chẳng có hình tam giác nào ở đây cả.

Lý do là vì não của chúng ta tự động thêm vào những chi tiết bị thiếu để tạo thành bức tranh hoàn chỉnh, cụ thể ở đây là một hình tam giác màu trắng. Đây còn được gọi là hiện tượng “cạnh ma”.

10. Ba đường dài bằng nhau hay khác nhau?

Hình màu đỏ ở dưới cho thấy độ dài bằng nhau (Nguồn: Internet)
Hình màu đỏ ở dưới cho thấy độ dài bằng nhau (Nguồn: Internet)

Thoạt nhìn thì những đường này trông như hơi dài ngắn một chút, nhưng thực ra chúng có cùng độ dài và hai đầu của chúng cũng nằm thẳng hàng với nhau.

Lý do khiến não của chúng ta bị đánh lừa là chiều mũi tên ở 2 đầu của đoạn thẳng. Mũi tên hướng ra ngoài tạo cảm giác ngắn hơn so với mũi tên hướng vào trong. Một cách giải thích phổ biến cho ảo ảnh này là mắt của chúng ta quen với các góc, vì vậy khi nhìn thấy các đầu mũi tên thì mắt sẽ cảm nhận chúng là các góc đóng hoặc góc mở và do đó ảnh hưởng đến chiều dài thực sự của đoạn thẳng.

11. “Rắn quay” – Một ví dụ khác về chuyển động ảo ảnh

Bạn có nhìn thấy những hình tròn này đang quay không? (Nguồn: Internet)
Bạn có nhìn thấy những hình tròn này đang quay không? (Nguồn: Internet)

Bức vẽ “Rắn quay” được tạo ra bởi Akiyoshi Kitaoka vào năm 2003. Đây là một dạng chuyển động ảo ảnh được gọi là “trôi ngoại vi”: khi tập trung nhìn vào một điểm, bạn sẽ cảm nhận những phần ngoại vi xung quanh như đang chuyển động.

12. Con vịt hay con thỏ?

Bạn nhìn thấy con vật gì trong hình này? (Nguồn: Internet)
Bạn nhìn thấy con vật gì trong hình này? (Nguồn: Internet)

Bức tranh gốc không rõ tác giả, nhưng Joseph Jastrow là người đầu tiên ghi chép về nó vào năm 1900. Đây là một hình ảnh “lai” giữa vịt và thỏ, tùy theo góc nhìn của bạn: khi nhìn thẳng bình thường thì thấy con vịt, nhưng nghiêng đầu sang bên trái bạn sẽ thấy mỏ của con vịt trở thành đôi tai của con thỏ.

13. Ảo ảnh 3D Magic Eye

Bạn có nhìn thấy con cá trong hình này không? (Nguồn: Internet)
Bạn có nhìn thấy con cá trong hình này không? (Nguồn: Internet)

Những bức tranh ảo giác kiểu này rất thịnh hành trong những năm 90. Magic Eye xuất hiện ở Mỹ vào năm 1993 trong một cuốn sách có tên “Magic Eye: Một cách nhìn mới về thế giới“. Kiểu tranh này còn được gọi là ảnh lập thể hoặc ảo ảnh 3D, đó là những hình 3D ẩn trong 2D.

Một số người không thể nhìn thấy hình 3D ẩn trong những bức tranh kiểu này, và đó có thể là dấu hiệu cho thấy thị lực có vấn đề. Nếu bạn cảm thấy khó nhìn thì đầu tiên hãy đến gần và nhìn tập trung vào một điểm, sau đó từ từ di chuyển lùi ra xa và vẫn tập trung vào điểm đó.

Cuốn sách “Magic Eye: Một cách nhìn mới về thế giới”:

14. Chiếc ly hay hai khuôn mặt?

Những bức hình kiểu này đã rất quen thuộc rồi đúng không? (Nguồn: Internet)
Những bức hình kiểu này đã rất quen thuộc rồi đúng không? (Nguồn: Internet)

Đây là một trong số rất nhiều phiên bản được gọi là “chiếc ly Rubin”. Bức tranh này được tạo ra vào năm 1915 bởi nhà tâm lý học người Đan Mạch Edgar Rubin.

Nếu tập trung vào các phần màu đen, bạn sẽ thấy hai khuôn mặt người đang nhìn nhau. Nhưng nếu tập trung vào khoảng trắng ở giữa, bạn sẽ thấy một chiếc ly.

15. Ảo ảnh khuôn mặt

Hình này là gì vậy? (Nguồn: Internet)
Hình này là gì vậy? (Nguồn: Internet)

Nếu bạn nhìn chằm chằm vào bức ảnh này trong ít nhất 20 giây rồi sau đó ngay lập tức di chuyển nhìn sang một khoảng trống khác, bạn sẽ thấy xuất hiện một khuôn mặt quen thuộc, đó là Chúa Giêsu. Ảo ảnh này được gọi là hiện tượng lưu ảnh.

Theo bách khoa toàn thư Encyclopedia Britannica, dư ảnh là hiện tượng hình ảnh trên võng mạc vẫn tồn tại sau khi hình ảnh thật bên ngoài đã biến mất, nguyên nhân được cho là do các tế bào thần kinh thị giác vẫn ở trong trạng thái kích hoạt kéo dài. Nói cách khác, mắt của chúng ta vẫn nhìn thấy một thứ vốn không còn tồn tại. Một ví dụ thường gặp là nhìn thấy các chấm sau khi đèn flash của máy ảnh vừa tắt.

16. Cô gái trẻ hay bà già?

Bạn có nhìn thấy bà già trong hình này không? (Nguồn: Internet)
Bạn có nhìn thấy bà già trong hình này không? (Nguồn: Internet)

Bức vẽ này có cả một cô gái trẻ và một bà già, nhưng mắt chúng ta chỉ có thể nhận ra từng người một cách riêng rẽ. Ảo ảnh này được gọi là “Hình ảnh Boring”, được đặt theo tên của Edwin Boring – người đã viết một bài báo về nó vào năm 1930.

17. Marilyn Monroe hay Albert Einstein?

Bạn nhìn thấy ai trong hình này? (Nguồn: Internet)
Bạn nhìn thấy ai trong hình này? (Nguồn: Internet)

Bức hình này không chỉ chứa ảo ảnh để giải trí mà còn có thể giúp chẩn đoán các vấn đề về thị lực. Ví dụ: nếu bạn đang đeo kính thì hãy thử tháo kính ra và lùi ra xa màn hình, khi đó Einstein sẽ biến mất và bạn chỉ còn thấy Monroe mà thôi.

Hiện tượng này là do khi thị lực kém sẽ mất khả năng nhìn rõ các chi tiết nhỏ mà thay vào đó chỉ nhìn thấy tổng thể bức tranh. Ở đây các đặc điểm chi tiết của Einstein được đặt trên nền là một bức ảnh mờ của Monroe, vì vậy những người có vấn đề về thị lực sẽ nhìn thấy tổng thể là khuôn mặt mờ của Monroe.

18. Ảo ảnh “Thác nước”

Nước chảy từ dưới lên trên? (Nguồn: Internet)
Nước chảy từ dưới lên trên? (Nguồn: Internet)

Đây là một bức tranh thạch bản được vẽ bởi M.C. Escher. Nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy phần “trên” và “dưới” của dòng nước dường như có độ cao ngang nhau. Nước chảy từ trên xuống dưới dựa theo vị trí cao thấp tổng thể, nhưng nếu nhìn vào các thành của đường dẫn nước thì có cảm giác phần dưới cao hơn phần trên.

Hiện tượng này dựa trên một ảo ảnh thị giác cổ điển khác được gọi là tam giác bất khả thi hay tam giác Penrose.

19. Khối lập phương ảo ảnh

Cũng là tác phẩm của M.C. Escher, khối lập phương này lần đầu tiên xuất hiện ở một trong những tác phẩm thạch bản của ông có tên là “Belevedere.”

Khối lập phương này chắc chắn không thể tồn tại ngoài đời (Nguồn: Internet)
Khối lập phương này chắc chắn không thể tồn tại ngoài đời (Nguồn: Internet)

Đây cũng là một ví dụ về hình dạng trái với hình học Euclide. Hãy nhìn vào phần đáy của nó, bạn sẽ thấy tất cả các mặt của hình lập phương có vẻ như chồng lên nhau.

20. Vòng tròn biến mất

Nhìn thật lâu vào chấm ở giữa nhé (Nguồn: Internet)
Nhìn thật lâu vào chấm ở giữa nhé (Nguồn: Internet)

Đây là tác phẩm của Troxler. Nếu bạn nhìn chằm chằm vào dấu chấm ở giữa trong ít nhất 20 giây và tuyệt đối không di chuyển mắt, bạn sẽ thấy vòng tròn bên ngoài biến mất hoàn toàn.

Ảo ảnh này là do mắt có đặc tính ưu tiên: khi tập trung nhìn vào dấu chấm, tất cả những hình ảnh khác ở ngoại vi sẽ mất dần đi. Hiện tượng này cũng xảy ra với tất cả những bộ phận khác của cơ thể, ví dụ như khi đặt một mảnh giấy nhỏ lên tay, sau vài giây nếu bạn không cử động thì sẽ không còn cảm nhận có tờ giấy ở đó nữa. Tế bào thần kinh của chúng ta luôn thích nghi với điều kiện mới và quên đi những điều cũ, nên khi nhìn tập trung vào dấu chấm sẽ “quên mất” hình tròn bên ngoài.

Trên đây là những bức ảnh “thật mà ảo” đánh lừa thị giác khiến bất cứ ai cũng vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Bạn ấn tượng nhất với bức ảnh nào? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

  • 15 kỷ lục Guinness thế giới vô cùng kỳ cục khiến bạn phải ngạc nhiên
  • Bạn đã biết 10 thể loại video dễ “gây nghiện” và lý do tại sao lại thế?

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Khám phá 5 loài động vật màu hồng tuyệt đẹp

So với thế giới thực vật muôn màu muôn vẻ, màu hồng lại không quá phổ biến trong giới động vật. Tuy nhiên, mẹ thiên nhiên bao dung vẫn mang chút sắc hồng tô điểm cho thế giới của các con vật. Hôm nay, cùng BlogAnChoi điểm qua 5 loài động vật màu hồng tuyệt đẹp nhé!

Từ khóa » Hình ảnh đánh Lừa Thị Giác