28. Vấn đề Khai Thác Thế Mạnh ở Trung Du Và Miền Núi Bắc Bộ

1. Khái quát chung

- Gồm các tỉnh:

+ Phần Tây Bắc: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.

+ Phần Đông Bắc: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh.

- Có diện tích lớn nhất nước ta (trên 101 nghìn km2), số dân 12 triệu người (năm 2006), chiếm khoảng 30,5% diện tích và 14,2% dân số cả nước.

- Có vị trí địa lí đặc biệt, mạng lưới giao thông vận tải được đầu tư, nâng cấp, nên ngày càng thuận lợi cho việc giao lưu với các vùng khác trong nước và xây dựng nền kinh tế mở.

- Có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, có khả năng đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, với những thế mạnh về công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện, nền nông nghiệp nhiệt đới có cả những sản phẩm cận nhiệt và ôn đới, phát triển tổng hợp kinh tế biển, du lịch.

- Là vùng thưa dân. Mật độ dân số ở miền núi 50-100 người/km2, ở trung du 100-300 người/km2, nên hạn chế về thị trường tại chỗ và về lao động.

- Có nhiều dân tộc ít người với kinh nghiệm trong sản xuất và chinh phục tự nhiên. Tình trạng lạc hậu, nạn du canh du cư... vẫn còn ở một số bộ tộc người.

- Là vùng căn cứ địa cách mạng, có di tích Điện Biên Phủ lịch sử.

- Cơ sở vật chất kĩ thuật đã có nhiều tiến bộ. Nhưng ở vùng núi, cơ sở vật chất kĩ thuật còn nghèo, dễ bị xuống cấp.

2. Khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện

- Vùng giàu tài nguyên khoáng sản bậc nhất nước ta: Các khoáng sản chính như than, sắt, thiếc, chì – kẽm, đồng, apatit, pyrit, đá vôi và sét làm xi măng, gạch ngói, gạch chịu lửa...

+ Vùng than Quảng Ninh là vùng than lớn nhất và chất lượng than tốt nhất Đông Nam Á. Hiện nay, sản lượng khai thác đã vượt mức 30 triệu tấn/năm.

+ Tây Bắc có một số mỏ khá lớn như: Đồng – niken (Sơn La); Đất hiếm (Lai Châu).

+ Ở Đông Bắc có nhiều kim loại đáng kể: Mỏ sắt ở Yên Bái; Thiếc và bôxit ở Cao Bằng; Kẽm – chì ở Chợ Điền (Bắc Kạn); Đồng – vàng (Lào Cai).

+ Các khoáng sản phi kim loại đáng kể có apatit (Lào Cai).

- Trữ năng thủy điện ở các sông suối khá lớn:

+ Hệ thống sông Hồng (11 triệu kw) chiếm hơn 1/3 trữ năng thủy điện của cả nước. Riêng sông Đà gần 6 triệu kw.

+ Nguồn thủy năng lớn này đang được khai thác. Nhà máy thủy điện Thác Bà trên sông Chảy (110MW). Nhà máy thủy điện trên sông Đà (1900MW). Hiện nay đang xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La 2400MW (trên sông Đà), thủy điện Tuyên Quang 300MW (trên sông Gâm).

+ Nhiều nhà máy thủy điện nhỏ đang được xây dựng trên các phụ lưu của các sông.

3. Trồng và chế biến cây công nghiệp, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới

- Phần lớn diện tích là đất feralit trên đá phiến, đá vôi và các đá mẹ khác, ngoài ra còn có đất phù sa cổ (ở trung du). Đất phù sa có ở dọc các thung lũng sông và các cánh đồng ở miền núi như Than Uyên, Nghĩa Lộ, Điện Biên, Trùng Khánh...

- Có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của điều kiện địa hình vùng núi. Nhờ vậy, Trung du và miền núi Bắc Bộ có thế mạnh đặc biệt để phát triển các cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới. Đây là vùng chè lớn nhất cả nước với các loại chè nổi tiếng ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái...

- Các vùng núi giáp biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, trên vùng núi cao Hoàng Liên Sơn có điều kiện khí hậu thuận lợi cho trồng các loại cây thuốc quý (tam thất, đương quy, đỗ trọng, hồi, thảo quả...), các cây ăn quả (mận, đào và lê). Ở Sa Pa có thể trồng rau ôn đới và sản xuất hạt giống quanh năm, trồng hoa xuất khẩu.

- Khó khăn: Rét đậm, rét hại, sương muối và tình trạng thiếu nước về mùa đông. Mạng lưới các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản chưa cân xứng với thế mạnh của vùng.

- Đẩy mạnh sản xuất cây công nghiệp và cây đặc sản cho phép phát triển nền nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả cao và có tác dụng hạn chế nạn du canh, du cư trong vùng.

4. Chăn nuôi gia súc

- Có nhiều đồng cỏ, chủ yếu trên các cao nguyên ở độ cao 600-700m, phát triển chăn nuôi trâu, bò (lấy thịt và lấy sữa), ngựa, dê. Bò sữa được nuôi tập trung ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La). Trâu, bò thịt được nuôi rộng rãi, nhất là trâu. Đàn trâu 1,7 triệu con (chiếm 1/2 đàn trâu cả nước), đàn bò 900 nghìn con (chiếm 16% đàn bò cả nước, năm 2005).

- Hiện nay, những khó khăn trong công tác vận chuyển các sản phẩm chăn nuôi tới vùng tiêu thụ (đồng bằng và đô thị) làm hạn chế việc phát triển chăn nuôi gia súc lớn của vùng. Thêm vào đó, các đồng cỏ cũng cần được cải tạo, nâng cao năng suất.

- Hoa màu lương thực dành cho chăn nuôi nhiều hơn, nên đàn lợn trong vùng tăng nhanh hơn 5,8 triệu con, chiếm 21% đàn lợn cả nước (năm 2005).

5. Kinh tế biển

Vùng biển Quảng Ninh giàu tiềm năng, phát triển năng động:

- Phát triển mạnh đánh bắt hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thủy sản.

- Phát triển du lịch biển – đảo (quần thể du lịch Hạ Long).

- Đang xây dựng và nâng cấp cảng Cái Lân, tạo đà cho sự hình thành khu công nghiệp Cái Lân…

Từ khóa » Dân Số Vùng Trung Du Và Miền Núi Bắc Bộ Năm 2006