3 Cách Vỗ ợ Hơi Cho Bé Thông Dụng, Dễ Thực Hiện Và đảm Bảo Hiệu Quả

Cách vỗ ợ hơi cho bé là một trong những kỹ năng cơ bản và quan trọng mà ba mẹ nào cũng nên tìm hiểu và thực hành khi chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì sao điều này lại cần thiết? Vỗ ợ hơi cho bé như thế nào là đúng cách? Bạn cần lưu ý những gì khi thực hiện?

Bài viết sau sẽ lý giải chi tiết và giúp bạn có câu trả lời cho những vấn đề này. Tuy nhiên, nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào thì bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhé!

Vì sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được vỗ ợ hơi?

Các bọt khí mắc kẹt trong dạ dày sau khi ăn thường gây ra cảm giác khó chịu, khiến bụng đầy hơi, nhanh no hoặc thậm chí là đau bụng. Việc ợ hơi sẽ giúp giải phóng các khí này lên thực quản và thoát ra ngoài để giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn. Thế nhưng, đối với trẻ sơ sinh thì các bé không thể tự kiểm soát việc nuốt không khí khi bú và trẻ cũng không biết cách tự ợ hơi, từ đó dẫn đến tình trạng đầy hơi, khó chịu và gián đoạn giấc ngủ. Đó là lý do mà ba mẹ cần biết cách vỗ ợ hơi cho bé để giúp con giải phóng các bọt khí thừa.

Theo các chuyên gia, tình trạng nuốt phải khí thừa thường xảy ra ở những trẻ bú bình do các trẻ này có xu hướng bú nhanh hơn. Đối với trẻ sơ sinh bú mẹ, bé vẫn có thể nuốt phải một ít không khí nếu mẹ nhiều sữa, tiết sữa nhanh hoặc trẻ đang rất đói và muốn bú nhanh.

Thông thường, ợ hơi, đầy hơi có thể kèm theo hiện tượng trẻ sơ sinh nôn trớ và ọc sữa. Đây là tình trạng rất phổ biến và bình thường đối với hầu hết trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời. Trẻ sơ sinh hay bị nôn trớ, ọc sữa, đặc biệt là sau khi trẻ bú no. Nguyên nhân chủ yếu là do đường tiêu hóa của trẻ còn non nớt và cơ thắt thực quản dưới còn yếu. Điều này khiến cho sữa từ dạ dày của trẻ dễ dàng trào ngược ra ngoài. 

Bên cạnh đó, một nguyên nhân thường gặp khiến trẻ sơ sinh dễ nôn trớ, ọc sữa và đầy hơi nhưng chưa được nhiều mẹ biết đến đó là do mẹ chọn công thức sữa chưa phù hợp. Khi trẻ dung nạp các loại sữa chứa nhiều đạm biến tính do bị gia nhiệt nhiều lần cũng có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa non nớt khiến trẻ dễ đầy hơi, nôn trớ. 

Ngoài ra, khí dư trong dạ dày còn có thể được sản sinh trong quá trình vi khuẩn phân hủy một số loại thức ăn trong ruột già, có thể kể đến sữa mà bé hấp thụ hoặc các món dễ gây đầy hơi mà mẹ ăn và sau đó truyền qua sữa mẹ. Một số loại thực phẩm thường gây đầy hơi mẹ cần lưu ý khi ăn như các loại đậu, bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải, nước ngọt… 

Nhìn chung, việc trẻ sơ sinh nôn trớ, ọc sữa và đầy hơi ít khi nghiêm trọng và có thể được xử lý tốt nếu mẹ vỗ ợ hơi cho trẻ đúng cách.

[embed-health-tool-baby-poop-tool]

Khi nào bạn cần cho bé ợ hơi?

cách vỗ ợ hơi cho bé

Sự thật là không có nguyên tắc nào về việc chọn thời điểm để vỗ ợ hơi cho bé. Một số trẻ nhỏ cần được ợ hơi trong khi bú nhưng cũng có trẻ chỉ cần ợ hơi sau khi đã bú no. Điều quan trọng là bạn cần chú ý đến các dấu hiệu cho biết có bọt khí mắc kẹt trong dạ dày của trẻ để giúp con ợ hơi. Các dấu hiệu phổ biến thường là bé quấy khóc, khó chịu, cong người, co chân lại, bàn tay nắm chặt…

Tuy nhiên, vẫn có một số trẻ không có dấu hiệu rõ ràng để ba mẹ nhận biết và bạn cũng không thể xác định được có bao nhiêu khí dư trong dạ dày của bé. Vì vậy, Học viện Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến khích rằng bạn nên cho trẻ ợ hơi thường xuyên, ngay cả khi trẻ không tỏ ra khó chịu và quấy khóc. Đối với trẻ bú bình, bạn nên vỗ ợ hơi cho bé sau mỗi lần trẻ bú được 60 đến 90 ml sữa. Nếu trẻ bú mẹ, bạn có thể vỗ ợ hơi cho trẻ trước mỗi lần chuyển sang cho bú bên ngực còn lại.

Lưu ý: Dù việc vỗ ợ hơi cho bé là cần thiết nhưng không phải trẻ nào cũng cần ợ hơi thường xuyên. Do đó, bạn cần lưu ý đến tình trạng của con mình để có cách vỗ ợ hơi cho bé với tần suất hợp lý. Tránh vỗ ợ hơi cho bé quá nhiều một cách không cần thiết. Bởi vì như vậy sẽ kéo dài thời gian cho bú, làm gián đoạn việc trẻ bú sữa khiến trẻ dễ đói bụng và nuốt nhiều khí hơn khi bú.

Mách bạn những cách vỗ ợ hơi cho bé cơ bản và hiệu quả

Khi vỗ ợ hơi cho trẻ nhỏ, bạn có thể chỉ mất vài phút và không nhất thiết phải thực hiện quá lâu. Thông thường sẽ có 3 cách vỗ ợ hơi cho bé được khuyến khích áp dụng. Bạn có thể thử áp dụng cả 3 cách trước khi chọn được cách vỗ ợ hơi hiệu quả và phù hợp nhất với bé yêu. Sau đây là hướng dẫn chi tiết để bạn tham khảo và giúp trẻ sơ sinh ợ hơi đúng cách:

Cách 1: Bạn ngồi thẳng lưng và ôm con vào ngực

cách vỗ ợ hơi cho bé

Cách vỗ ợ hơi cho bé cơ bản nhất, được nhiều ba mẹ lựa chọn đó là bế em bé ở tư thế thẳng đứng với phần lưng của bé hướng ra ngoài. Lúc này, cằm của bé sẽ đặt trên vai bạn, ba mẹ dùng một tay để bế con và tay còn lại vỗ nhẹ vào lưng trẻ. Mách nhỏ là bạn có thể ngồi trên ghế đung đưa hoặc đứng lên đi bộ xung quanh phòng khi áp dụng cách vỗ ợ hơi cho bé như thế này để có hiệu quả tốt hơn.

Cách 2: Bế trẻ ngồi dậy và giữ con ngồi trên đùi của bạn

Đặt trẻ ngồi trên đùi của bạn theo hướng nghiêng qua một bên. Dùng một bàn tay đỡ phần dưới cằm của trẻ, có thể là vùng cổ hoặc ngực, nhưng chú ý là không tạo nhiều áp lực lên cổ họng của bé. Giữ cơ thể trẻ hơi ngả về phía trước và bạn bắt đầu dùng tay còn lại vỗ nhẹ vào lưng bé để giúp con ợ hơi.

Cách 3: Cho trẻ nằm trên đùi của bạn cũng là cách vỗ ợ hơi cho bé hiệu quả

Đặt bé nằm sấp trên đùi của bạn, sau đó bạn dùng một tay đỡ cằm trẻ và tay còn lại vừa xoa vừa vỗ nhẹ lên lưng của trẻ. Tương tự như cách vỗ ợ hơi cho bé khi ngồi, ba mẹ cần lưu ý là đỡ con nhẹ nhàng và tránh tạo áp lực cho vùng cổ họng của bé.

Lưu ý: Bé có thể ọc ra một ít sữa trong quá trình ợ hơi. Điều này là bình thường và không cần quá lo lắng. Bạn hãy chuẩn bị sẵn khăn sữa lót trước ngực bé hoặc cho con đeo yếm để không làm bẩn quần áo.

Thực hiện các cách vỗ ợ hơi cho bé nhưng không thành công bạn phải làm sao?

cách vỗ ợ hơi cho bé

Khi thử một trong những cách vỗ ợ hơi cho bé kể trên nhưng không thành công, bạn hãy thay đổi tư thế vỗ ợ hơi cho con và giúp trẻ ợ hơi thêm vài phút nữa trước khi cho bú lại. Nếu những cách này không hiệu quả, bạn có thể cho con nằm ngửa trên giường, sau đó nhẹ nhàng xoa bóp vùng bụng và di chuyển hai chân bé như cách chân chuyển động khi đạp xe đạp.

Nếu vỗ ợ hơi không thành công, trẻ vẫn tiếp tục khóc (khóc 3 giờ trở lên mỗi ngày) có thể do đau bụng kèm theo các triệu chứng như tiêu chảy, phân có lẫn máu, hay nôn trớ khi bú, cáu gắt… thì nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và điều trị đúng bệnh nếu có. Hơn nữa, khi gặp các vấn đề trên, bạn không nên tùy tiện cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dùng thuốc để tránh rủi ro không mong muốn.

Bạn cần nhớ rằng trẻ sơ sinh luôn cần được vỗ ợ hơi sau khi bú hoặc trong khi bú để tránh tình trạng đầy hơi, khó chịu và mất ngủ. Đôi khi, em bé cũng có thể bất chợt thức giấc vì đầy hơi nhưng bạn không cần quá lo lắng. Nếu biết cách vỗ ợ hơi cho bé thì bạn sẽ giúp con nhanh chóng trở lại với giấc ngủ. Khi trẻ lớn hơn và đến tuổi ăn dặm, nhu cầu được vỗ ợ hơi cũng sẽ ít dần vì trẻ đã biết cách ăn mà không nuốt khí. Thế nhưng, nếu con khó ợ hơi thì bạn vẫn có thể áp dụng những hướng dẫn được chia sẻ trong bài viết nhé!

Từ khóa » Vỗ Hơi Cho Trẻ Sơ Sinh