3 đặc Sản Từng được Xem Là 'cỏ Dại' ở Miền Tây - VnExpress

Bồn bồn (cây cỏ nến) vốn là loại cây mọc hoang sống ở vùng đất ngập nước trong ao hồ hoặc mé sông. Cây phát triển quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa mưa. Món ăn làm từ bồn bồn được rất nhiều người ưa chuộng và xem là đặc sản của miền Tây.

Bồn bồn tươi sau khi được sơ chế giữ lại phần lõi non bên trong. Ảnh: Quỳnh Trần

Bồn bồn tươi sau khi được sơ chế giữ lại phần lõi non bên trong. Ảnh: Quỳnh Trần

Xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước là vùng trồng bồn bồn lớn của tỉnh Cà Mau. Do quá trình canh tác lúa, tôm không đạt hiệu quả cao nên người dân đã chuyển đổi sản xuất sang trồng cây bồn bồn. Cây thích nghi tốt với nước ngọt và có khả năng chịu phèn mặn, không tốn nhiều công chăm bón, lại là loại rau sạch cho năng suất cao.

Bồn bồn được nhổ bằng tay hoặc dùng dao nhọn cắt sát gốc. Cây khi nhổ lên được cắt hết rễ và chặt bỏ phần lá dài, giữ lại đoạn thân phần sát gốc, sau đó được sơ chế để loại bỏ hết phần bẹ già, giữ lại lõi non. Bồn bồn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như làm dưa, làm gỏi, xào với tép hoặc nấu canh, nhúng lẩu cũng rất ngon miệng.

Năn (năn bộp) là loại cây thuộc họ cói, được thu hái quanh năm nhưng sinh trưởng mạnh vào mùa mưa. Ngày trước, cây năn chỉ là loại cỏ mọc hoang, không có giá trị kinh tế, tuy nhiên ngày nay cây năn được trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh Tây Nam Bộ, nơi có đất trũng phèn. Nghề trồng năn cũng được xem là nghề chính của nhiều hộ gia đình ở Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Thân năn mềm, trắng nõn sau khi sơ chế xong. Ảnh: Nguyệt Nhi

Thân năn mềm, trắng nõn sau khi sơ chế xong. Ảnh: Nguyệt Nhi

Thu hoạch năn phải lựa những cây vừa mới mọc nhô lên khỏi mặt nước khoảng một gang tay và phải nhổ sao cho cây không bị đứt gãy. Năn sau khi nhổ được rửa sạch và cắt ngắn chỉ còn khoảng 30 cm. Khi ăn năn, người ta bóc vỏ bên ngoài, giữ lại phần thân trắng nõn bên trong nhìn ngon mắt, cây dùng để ăn sống, ăn kèm lẩu mắm, nấu canh cá, canh cua đồng.

Hẹ nước là một loại rau mọc hoang ở ruộng, các kênh mương, đầm nước vùng đất phèn Đồng Tháp Mười, có nhiều vào mùa nước nổi hàng năm. Hẹ nước có thân mềm, rễ chùm ngắn ăn bám vào đất bùn nên nhổ rất dễ, ở những nơi hẹ nước mọc có nước rất trong nên người thu hoạch phải đi theo lối, và tránh làm nước đục khó thấy hẹ để nhổ.

Cọng hẹ nước xanh mởn, sạch bóng xếp cùng bông điên điển, bông súng chấm mắm kho. Ảnh: @trangpinkyy/Instagram

Cọng hẹ nước xanh mởn, sạch bóng xếp cùng bông điên điển, bông súng chấm mắm kho. Ảnh: @trangpinkyy/Instagram

Người dân gọi hẹ nước là của trời cho vì cây mọc hoang, không bón phân hay tốn công chăm sóc. Cứ sau vài trận mưa đầu mùa, các ruộng đất phèn đã ngập nước thì cũng là lúc những cây hẹ nước bắt đầu đâm tược rồi lớn dần qua những con nước. Hẹ nước thường được thu hoạch vào lúc hừng đông, sau khi nhổ được sơ chế tại chỗ, bỏ rễ và rửa sạch, xếp đống gọn và đem đi cân cho các mối.

Nhiều người thích hẹ nước vì đây là loại rau sạch, có vị mát và giòn, đem nhúng lẩu mắm cá linh rất ngon, cũng có thể lấy cọng hẹ nước tươi cuộn tròn đem chấm mắm kho. Vị giòn của hẹ và thơm ngọt đậm đà của mắm hòa quyện với nhau làm nên bữa cơm mùa nước nổi đáng nhớ.

Huỳnh Nhi tổng hợp

  • Nồi lẩu cù lao thương nhớ ở miền Tây
  • 8 món mắm đặc sản không làm từ cá
  • Món bún miền Tây có tên gọi phát ra âm thanh
  • Hẹ nước - đặc sản miền Tây mùa nước nổi

Từ khóa » Các Loại Rau Sống Miền Tây