Những Loại Rau Dân Dã Trong ẩm Thực Miền Tây | Thị Trường NLD

Miền Tây Nam Bộ có vô vàn loại rau xanh mướt, màu sắc bắt mắt. Những loại rau này gần gũi, mộc mạc, dễ tìm, thường xuất hiện trong từng bữa cơm gia đình với nhiều cách chế biến mang nét đặc trưng miền sông nước.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết tên, công dụng của các loại sản vật đồng bằng sông Cửu Long.

Rau dệu

Rau dệu hay còn gọi là dệu, rau diếp bò, diếp không cuống. Đây là loài thực vật có hoa thuộc họ dền. Rau mọc hoang quanh năm tại các bãi sông, bờ ao, ruộng có nước, ven đường, nơi ẩm và ánh sáng. Lá rau có màu xanh đậm, hoa trắng.

Những loại rau dân dã trong ẩm thực miền Tây - Ảnh 1.

Theo Đông y, loại rau này có vị ngọt nhạt, tính mát. Rau có tác dụng chống viêm, lợi tiểu, lọc máu, tiêu sưng, chống ngứa, giải nhiệt. Rau thường dùng để chữa bệnh đường hô hấp, viêm hầu họng, ho ra máu, đi cầu ra máu, kiết lỵ, đi tiểu khó, tiểu ít, viêm đường tiểu, viêm da, viêm mu da, viêm vú, mẩm ngứa, nấm ngoài da...

Rau dệu có lượng protein khá cao, nên sẽ là nguồn bổ sung đạm, chất xơ và vitamin cho bữa ăn hàng ngày. Với người miền Tây, rau dệu ngoài luộc, còn có thể kết hợp nấu canh với tép rất thơm ngon và thanh mát.

Rau trai

Rau trai còn có tên là rau trai ăn, rau trai thường, cỏ lài trắng, thuộc họ thài lài, mọc nhiều ở nơi đất ẩm, ruộng vườn. Thân rau phân nhánh thường ngả xuống, lá thuôn hay hình ngọn giáo, có bẹ ở gốc dài 2-10 cm, rộng 1-2 cm, không cuống.

Những loại rau dân dã trong ẩm thực miền Tây - Ảnh 2.

Theo Đông y, rau trai có vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh, tác dụng giải nhiệt, chống viêm, lợi tiểu, tiêu sưng; thường được dùng toàn cây để làm thuốc. Rau tươi hay khô đều trị cảm cúm, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm họng, viêm amiđan cấp, nhiễm trùng đường tiết niệu...

Ngoài công dụng trên, ngày nay, người dân còn dùng rau trai trong các bữa ăn hàng ngày. Thân và lá non của loại rau này có thể chế biến thành các món ngon như luộc, xào hay nấu canh.

Rau dừa nước

Rau dừa nước còn có tên là thủy long. Loại rau này thường sống ở những chỗ đầm nước hoặc trên cánh đồng lúa, ao hồ...

Những loại rau dân dã trong ẩm thực miền Tây - Ảnh 3.

Theo y học cổ truyền, rau dừa nước vị ngọt nhạt, tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng. Rau có thể dùng trị phù thũng, tiểu đục, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, ho khan, nóng sốt, lên ban sởi, mụn nhọt…

Ngọn và lá rau có thể dùng để ăn sống cho mát, có thể luộc hay nấu canh.

Nhãn lồng

Như một loại thảo mộc, nhãn lồng mọc hoang khắp nơi. Theo y học dân gian, nhãn lồng là một loại thuốc an thần, chữa trị chứng mất ngủ. Khi phối hợp với những vị thuốc khác, nhãn lồng còn chữa được các bệnh như: kiết lỵ, thần kinh suy nhược, viêm da, mụn mủ, ghẻ ngứa.

Những loại rau dân dã trong ẩm thực miền Tây - Ảnh 4.

Nhãn lồng được dùng như một loại rau và có thể đem luộc, nấu canh tép, món ăn thanh đạm, đơn giản nhưng tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, rau cũng có thể dùng để nấu nước uống giúp an thần, giảm cân và trị bệnh lỵ, viêm da, mụn mủ, ghẻ ngứa, thần kinh suy nhược...

Rau ngổ

Đây là một loại cây thân mảnh, rất ưa nước, không cần bùn đất mà vẫn sống được nhờ phù sa trên sông, rạch. Rau thường mọc theo đìa ao, bờ ruộng...

Những loại rau dân dã trong ẩm thực miền Tây - Ảnh 5.

Loại rau này không cần bón phân nhưng vẫn phát triển xanh tươi, đọt non mơn mởn.

Theo dân gian, rau ngổ có vị nhẫn, thơm, tính mát nên có thể chế biến thành nhiều món ngon như um lươn, nấu canh chua, bóp gỏi, xào tép hay ăn sống. Đây cũng là một loại rau có vị thuốc, giúp giải độc và điều trị một số bệnh.

Mồng tơi tím

Mồng tơi tím có lá nhỏ, thân và gân lá màu tím đỏ. Đây là loại dây leo quấn, thân mập và nhớt, có tuổi thọ 2-3 năm. Lá mồng tơi dày hình tim, mọc xen. Cụm hoa hình bông mọc ở kẽ lá, màu trắng hay tím đỏ nhạt.

Những loại rau dân dã trong ẩm thực miền Tây - Ảnh 6.

Mồng tơi là giống mọc hoang dại nên không kén đất, rất dễ trồng và chăm sóc, sinh trưởng nhanh, với chiều dài thân dây có thể hơn 10m.

Theo một số tài liệu Đông y, toàn thân mồng tơi có vị ngọt nhạt, tính hàn, tán nhiệt, mát máu, lợi tiểu, giải độc, chống đau... Lá và đọt thân non của rau thường được dùng để xào, luộc hoặc nấu canh ăn mát và có tính nhuận tràng.

Càng cua

Đây là một loại rau dân dã, bình dị, mọc tự nhiên quanh vườn, trong chậu cây hay bên hiên nhà và rất dễ sống. Rau xuất hiện nhiều vào mùa mưa và khi khí hậu ẩm ướt.

Những loại rau dân dã trong ẩm thực miền Tây - Ảnh 7.

Theo Đông y, rau càng cua vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, hoạt huyết, tan máu ứ; thường dùng để chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm họng, viêm ruột thừa, viêm gan truyền nhiễm tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp...

Không chỉ làm vị thuốc, rau còn có thể chế biến thành nhiều món ngon trong những bữa cơm gia đình như xào, trộn gỏi, ăn sống...

Rau lang

Rau lang được biết đến là loại dân dã, tính bình, vị ngọt, không độc, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ vị, tư thận âm. Loại rau này được chế biến thành nhiều ngon, có tác dụng đối với sức khỏe như xào, luộc, nấu canh...

Những loại rau dân dã trong ẩm thực miền Tây - Ảnh 8.

Một số nước ở châu Âu, Nhật Bản, đây không còn là loại rau dân dã mà đã trở thành một loại thực phẩm cao cấp, có mặt trong những nhà hàng sang trọng.

Rau cải trời

Cải trời thường mọc dại ở vườn, ruộng, bãi trống; nhánh và lá có lông hơi dính, thơm; lá mọc so le, mép khía răng. Cải trời là vị thuốc Nam quý, được sử dụng rộng rãi bữa ăn hàng ngày cũng như trong dân gian để chữa bệnh.

Những loại rau dân dã trong ẩm thực miền Tây - Ảnh 9.

Rau có tác dụng tốt trong việc sử dụng làm thực phẩm cho những bữa ăn và đặc biệt là vai trò lớn đối với sức khỏe. Cải trời non có thể hái về dùng để ăn sống với các loại rau rừng khác. Khi ăn sống có thể ăn cùng với cháo nóng hoặc chấm với thịt, cá kho. Ngoài ra, rau có thể luộc, xào, ăn với lẩu hay nấu canh đều ngon và thanh mát.

Rau dền cơm

Rau dền cơm hay còn gọi là dền gai, mọc dại ở những nơi đất bỏ hoang. Rau có thân thảo, đứng thẳng, phân nhánh cao khoảng 0,4 đến 1m, nhiều nhánh, có gai ở nách lá.

Những loại rau dân dã trong ẩm thực miền Tây - Ảnh 10.

Đây là loại rau giàu dược tính nên được sử dụng làm thuốc. Bộ phận sử dụng là rễ, thân và lá. Người ta thu hoạch rễ suốt năm, rửa thật sạch, cắt thành lát mỏng và phơi khô. Lá và thân non được ăn như rau xanh. Đông y cho rằng dền gai có vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp, ngừng tả.

Rau dền dù chế biến theo hình thức như nấu canh, luộc hoặc xào đều cho ra những món ăn thơm ngon, giải nhiệt.

Rau đắng

Đây là một rau dân dã gắn liền với đời sống của người dân Nam Bộ. Rau đắng hiền hòa, dễ sống, do khả năng phân nhánh khỏe nên thường mọc thành đám ở ruộng trồng ngô, khoai, sắn, ở bãi sông, nương rẫy và thậm chí ở ven đường đi.

Những loại rau dân dã trong ẩm thực miền Tây - Ảnh 11.

Cũng giống như những loài rau khác, rau đắng chứa nhiều chất xơ và các loại dinh dưỡng khác nên rất tốt cho chế độ ăn giảm béo, ngăn ngừa rối loạn mỡ máu, phù hợp với các đối tượng đang mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường.

Thứ rau giản dị, mộc mạc này là gia vị không thể thiếu trong món cháo cá lóc hay món lẩu cá kèo, lẩu mắm, ăn sống, nấu canh. Ngoài ra, để giảm vị đắng của rau, nhiều người chọn cách luộc chín ăn chung với cá kho hoặc thịt kho, tương, chao.

Rau muống đỏ

Đây là loại rau mọc ở những mé sông, bờ ruộng. Một số kết quả nghiên cứu khoa học cho biết, trong thành phần của rau muống chứa vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe, điển hình là canxi, vitamin C, sắt, carotene…

Những loại rau dân dã trong ẩm thực miền Tây - Ảnh 12.

Rau có thể chế biến thành nhiều món dân dã, nhưng rất ngon miệng như luộc, làm dưa chua, xào, ăn sống hay nấu canh chua, ăn cùng lẩu... Những dưỡng chất từ rau có lợi cho sức khỏe, da và não bộ.

Từ khóa » Các Loại Rau Sống Miền Tây