4 Cách Tận Dụng Hiệu Quả Nguồn Rơm Rạ Vào Canh Tác Nông Nghiệp

Rơm rạ gắn liền với việc đồng án của nông dân bao đời nay. Rơm rạ còn là nguyên liệu cho các nghề thủ công truyền thống như đan chổi, mũ rơm,… Hay trở thành nguyên liệu nấu ăn không thể thiếu để chế biến các món bình dân như cá lóc nướng trui, gà nướng rơm,… Đặc biệt hơn, rơm rạ còn được tận dụng làm nông nghiệp như: dùng để trồng nấm, làm lớp phủ bề mặt vườn, đốt làm phân bón

Theo nghiên cứu, rơm rạ là chiếm khối lượng lớn trong cây lúa vào khoảng 50%. Trong rơm rạ nếu tính theo nguyên tố thì Carbon (C) chiếm 44%, Hydro (H) chiếm 5%, Oxy (O) chiếm 49%, Nitơ (N) chiếm khoảng 0,92%, một lượng rất nhỏ phốtpho (P), lưu huỳnh (S) và Kali (K). Nếu được tận dụng tốt, rơm rạ có thể trở thành nguyên liệu hữu ích cho nông nghiệp

Tuy vậy, chúng ta đang lãng phí rơm rạ bằng việc đốt đồng và gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, gây ô nhiễm môi trường. Trong khói đốt đồng có chứa các chất polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs), cũng như polychlorinated dibenzo-p-dioxins (PCDDs) và polychlorinated dibenzofurans (PCDFs) đây được coi là các dẫn xuất dioxin mang tính độc hại cao và tác nhân gây ung thư.

tan-dung-rom-ra-trong-nong-nghiep-2

Vậy tại sao ta không tận dụng nguồn lợi quý báu này, hãy cùng tham khảo cách áp dụng rơm rạ làm nông nghiệp nhé!

1/ Ủ phân hữu cơ

  • Trong rơm rạ có hàm lượng cellulose chiếm 60%, lignin chiếm 14%, đạm hữu cơ (protein) chiếm 3,4%, chất béo (lipid) chiếm 1,9%. Với rất ít protein và hàm lượng cellulose cao sẽ gây khó khăn cho việc phân hủy chất hữu cơ. Chính vì thế, việc ủ phân rơm rạ là cần thiết nếu muốn tận dụng làm phân bón.
  • Bổ sung thêm phân chuồng nhằm cân bằng hàm lượng C:N của phân.
  • Cắt nhỏ rơm, tưới nước, bổ sung thêm nấm có lợi để việc ủ được nhanh hơn.
  • Việc bón liên tục phân hữu cơ rơm giúp cây cứng cáp tránh đổ ngã và hạn chế sâu bệnh, bởi trong rơm rạ có hàm lượng silic khá cao.

Quy trình ủ phân hữu cơ rơm

  • Băm nhỏ rơm rạ khoảng 5-10 cm.
  • Trộn rơm rạ với phân chuồng và dàn đều ra 20 – 30 cm. Tưới đều nước.
  • Tưới dung dịch Trichoderma hoặc các loại chế phẩm vi sinh khác. Phủ bạc để hạn chế thoát hơi nước.
  • Trộn đều đống ủ khoảng 7 ngày/lần, có thể tưới nước nếu đống ủ khô nhưng không được để ứ nước.

2/ Phủ đất khu vực canh tác

  • Giúp hạn chế xói mòn, giảm nhiệt độ mặt đất, tăng độ hấp thu nước, giảm bốc hơi thoát hơi nước. Đặc biệt đối với đồi trọc, khu vực canh tác đồi núi thiếu nước.
  • Giảm cỏ dại, tăng hiệu quả phân bón, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển.
  • Giảm nhu cầu sử dụng phân bón vô cơ.
  • Hạn chế lũ lụt, chống lắng đọng do nước mưa cuốn trôi xuống sông hồ gây tắc dòng, đặc biệt là hồ thủy điện,
  • Phủ đất từ 5-10 cm, hạn chế phủ sát gốc cây trồng chính vì rơm rạ hút ẩm tốt có thể là nguyên nhân gây bệnh. Phủ trước từ 10 – 15 ngày trước khi trồng cây trồng chính. Vùi gốc làm phân bón lót và giữ ẩm rễ đối với vùng thiếu nước.

3/ Nguyên liệu cho chăn nuôi

  • Rơm rạ có cấu trúc phức tạp, thành phần chủ yếu là cellulose hạn chế lên men nên việc ủ rơm nhằm tăng khả năng hấp thu của trâu bò, tăng dinh dưỡng, thời gian bảo quản và tận dụng nguyên liệu sẵn có làm thức ăn.
  • Phương pháp ủ: Hoà tan urê, mật rỉ đường, muối ăn với tỷ lệ 100 kg rơm tươi băm nhỏ + 2.5 kg phân ure + 0.5 kg muối ăn + 5 kg mật rỉ đường. Tưới hỗn hợp lên mỗi lớp rơm ủ 10 cm. Thời gian ủ kéo dài 2-3 tuần. Phủ kín nơi ủ bằng nilon và hạn chế không khí nhằm tăng cường sự hoạt động của vi sinh vật yếm khí.

4/ Trồng nấm rơm

Theo các nhà khoa học, trồng nấm được coi là một trong những phương pháp sinh học tận dụng nguồn rơm rạ hiệu quả nhất. Nấm rất giàu protein và sản phẩm được nhiều người ưa chuộng.

  • Nấm rơm là nguyên liệu nấu ăn tuyệt vời, giàu protein, khoáng chất và còn dễ trồng, thu hoạch nhanh, có thể trồng quanh năm.
  • Khi trồng nấm cần lưu ý chọn nơi trồng nấm sạch và xử lý kỹ nấm bệnh trước khi đưa rơm vào. Chọn meo giống tốt có tơ màu trắng phủ đều bịch meo. Nước tưới phải là nước sạch nhằm tránh lây nhiễm nấm lạ.
  • Làm nấm rơm, người dân không cần phân bón vì rơm rạ khi phân hủy đã đủ cung cấp dinh dưỡng cho nấm phát triển. Người trồng cũng không tốn nhiều chi phí đầu tư, nhưng cần sự cần mẫn, dành nhiều thời gian theo dõi nhiệt độ và độ ẩm.

tan-dung-rom-ra-trong-nong-nghiep

Hiểm họa từ việc đốt rơm rạ

  • Không chỉ gây khói mù, ngăn cản tầm nhìn của người tham gia giao thông
  • Đốt rơm rạ thải ra hàng chục triệu tấn CO2, hàng trăm nghìn tấn CO và hàng chục nghìn tấn NOX độc hại mỗi năm
  • Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở…
  • Việc đốt nhiều rơm rạ trong cùng một lúc sẽ làm nóng bầu khí quyển, khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn, đẩy nhiệt độ lên cao
  • Khi rơm ra bị đốt thành tro, chất hữu cơ sẽ biến thành chất vô cơ làm cho đất ruộng bị chai cứng khô cằn.

Từ đó có thể thấy, việc đốt rơm rạ nên được hạn chế, người canh tác nên tận dụng tối đa các nguồn lợi khác từ loại phụ phẩm này. Dùng rơm rạ làm nông nghiệp vừa giảm ô nhiễm đất, ô nhiễm môi trường, tốt cho sức khỏe và nâng cao nguồn kinh tế gia đình.

Sfarm.vn

*Xem thêm:

  • Sử dụng cây hương liệu trong phòng trị sâu bệnh cho cây trồng
  • Biện pháp quản lý cỏ dại trong canh tác hữu cơ
  • Kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả
  • Các biện pháp cải thiện sự đa dạng sinh học trong nông nghiệp hữu cơ
  • Bón vôi cải tạo đất như thế nào là hợp lý?
=> Mời bạn bình luận và chia sẻ ý kiến cùng SFARM nhé! 5/5 - (1 bình chọn)

Từ khóa » Các Loại Rơm Rạ