4 Kỹ Thuật Brainstorming Giúp Xây Dựng Các Ý Tưởng Sáng Tạo ...
Có thể bạn quan tâm
Bạn sử dụng việc “brainstorming” để giải quyết một vấn đề thường xuyên như thế nào? Rất có thể, bạn đã sử dụng nó ít nhất một lần, ngay cả khi bạn không nhận ra đó chính là hành động brainstorming. Trong nhiều thập kỷ, người ta đã sử dụng brainstorming để tạo ra các ý tưởng, và đưa ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề. Tuy nhiên, bạn cần phải sử dụng brainstorming một cách đúng đắn để nó có được hiệu quả đầy đủ.
BRAINSTORMING LÀ GÌ?
Alex Osborn - ông trùm ngành quảng cáo trên đại lộ Madison, phát triển cách tiếp cận ban đầu và xuất bản nó trong cuốn sách "Applied Imagination" năm 1953. Kể từ đó, các nhà nghiên cứu đã tạo nên nhiều sự cải tiến cho kỹ thuật ban đầu của ông.
Brainstorming kết hợp một cách tiếp cận thoải mái, không gò bó để giải quyết vấn đề với tư duy rộng. Lối tư duy này khuyến khích mọi người đưa ra những suy nghĩ và ý tưởng lúc đầu có vẻ hơi điên rồ. Một vài ý tưởng trong những ý tưởng này có thể tạo thành các giải pháp mới mẻ, sáng tạo và độc nhất cho một vấn đề, trong khi một số khác là tiền đề để tạo ra một loạt những ý tưởng mới hơn. Điều này giúp cho mọi người thoát khỏi những điều bế tắc bằng cách bứt phá khỏi lối suy nghĩ bình thường của họ.
Vì vậy, trong các buổi brainstorming, chúng ta nên tránh phê bình hoặc khen ngợi những ý tưởng. Bạn đang cố gắng để mở ra những khả năng và phá vỡ các giả định không chính xác về các giới hạn của vấn đề. Do đó, việc phán quyết và phân tích ở giai đoạn này sẽ làm chậm trễ việc phát sinh ý tưởng cũng như giới hạn tính sáng tạo.
Đánh giá các ý tưởng vào cuối buổi - đây là thời gian để khám phá các giải pháp xa hơn, sử dụng những phương pháp tiếp cận truyền thống.
TẠI SAO SỬ DỤNG BRAINSTORMING?
Việc giải quyết vấn đề nhóm theo cách truyền thống có thể bị hủy hoại bởi hành vi nhóm vô ích. Và trong khi điều quan trọng khi giải quyết vấn đề là phải bắt đầu với một quá trình có hệ thống và được phân tích , tuy nhiên điều này có thể dẫn dắt một nhóm phát triển nên các ý tưởng còn hạn chế và không có tính sáng tạo.
Ngược lại, brainstorming cung cấp một môi trường tự do và cởi mở khuyến khích tất cả mọi người tham gia. Những ý tưởng kỳ quặc được hoan nghênh và tin tưởng, và tất cả người tham gia được khuyến khích đóng góp một cách đầy đủ, giúp họ phát triển một loạt các giải pháp sáng tạo phong phú.
Khi được sử dụng trong quá trình giải quyết vấn đề, brainstorming giúp mang lại trải nghiệm đa dạng cho các thành viên trong nhóm. Nó làm tăng sự phong phú của các ý tưởng được khám phá, có nghĩa là bạn thường có thể tìm ra các giải pháp tốt hơn cho những vấn đề mà bạn phải đối mặt.
Nó cũng có thể giúp bạn có được sự đồng thuận từ các thành viên trong nhóm cho giải pháp được lựa chọn - dù sao đi nữa, họ sẽ cam kết nhiều hơn cho một cách tiếp cận nếu họ tham gia phát triển nó. Hơn nữa, vì brainstorming là một hoạt động thú vị, nó giúp cho các thành viên trong nhóm gắn bó, khi họ giải quyết các vấn đề trong một môi trường tích cực, bổ ích.
Trong khi brainstorming có thể có hiệu quả, điều quan trọng là tiếp cận nó với một tâm trí cởi mở và một tinh thần không phán xét. Nếu bạn không làm điều này, mọi người trở nên im lặng, thì số lượng và chất lượng của các ý tưởng tụt giảm, và tinh thần chung có thể bị ảnh hưởng.
---
KỸ THUẬT 1: KỸ THUẬT BẬC THANG (THE STEPLADDER TECHNIQUE)
Làm thế nào để bạn khiến cho nhóm của mình trở nên hiệu quả? Làm thế nào để tất cả thành viên trong nhóm của bạn đều đóng góp và truyền cảm hứng cho nhau để cùng tạo ra những ý tưởng và các giải pháp mới? Kỹ thuật Bậc thang là một phương pháp hữu ích để khuyến khích sự tham gia của cá nhân vào việc ra quyết định nhóm.
KỸ THUẬT BẬC THANG (THE STEPLADDER TECHNIQUE) - CÔNG CỤ ĐỂ RA QUYẾT ĐỊNH NHÓM TỐT HƠN
Kĩ thuật Bậc thang mang đến cho những thành viên trầm lặng trong nhóm một sự hối thúc.
Việc ra quyết định trong một nhóm thường là một thách thức lớn. Khi mọi thứ trở nên tốt đẹp, thì kết quả thường là viên mãn, tuy nhiên nếu thực hiện không đúng thì những buổi họp này có thể châm ngòi cho một loạt những xích mích nội bộ. Khi xung đột diễn ra một số người có thể đấu tranh cho sự công nhận và vị trí trong nhóm, những người khác có thể quá khắt khe hoặc phá hoại, trong khi một số người có thể ngồi yên lặng và không đóng góp bất cứ điều gì vào kết quả tổng thể. Vì lý do này, các nhóm thường có thể vượt qua sự kiểm soát và ra quyết định tồi tệ hơn là các cá nhân làm việc độc lập.
Khi điều này xảy ra, thật dễ dàng để thấy tại sao một số người lại vung tay lên trong sự thất vọng và quyết định bỏ cuộc. Tuy nhiên, khi một nhóm làm việc đúng cách, thì đó thực sự thành một công cụ thần kì. Các nhóm mà trong đó các bộ phận chức năng hoạt động hiệu quả với nhau có thể vượt trội hơn các cá nhân và đưa ra những quyết định tốt hơn.
Nhưng làm thế nào để bạn khiến cho nhóm của mình trở nên hiệu quả? Làm thế nào để tất cả thành viên trong nhóm của bạn đều đóng góp và truyền cảm hứng cho nhau để cùng tạo ra những ý tưởng và các giải pháp mới?
Kỹ thuật Bậc thang là một phương pháp hữu ích để khuyến khích sự tham gia của cá nhân vào việc ra quyết định nhóm.
KỸ THUẬT BẬC THANG LÀ GÌ?
Kỹ thuật Bậc thang là một công cụ đơn giản để quản lý cách các thành viên tham gia vào việc ra quyết định nhóm. Kĩ thuật này được phát triển bởi Steven Rogelberg, Janet Barnes-Farrell và Charles Lowe năm 1992, nó khuyến khích tất cả các thành viên đóng góp ở một mức độ cá nhân TRƯỚC KHI bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai khác. Điều này dẫn đến việc mở rộng hơn sự đa dạng của ý tưởng, nó ngăn không cho mọi người "giấu" ý tưởng của mình trong nhóm, và nó giúp mọi người tránh việc bị "át vía" hoặc bị áp đảo bởi các thành viên hăng hái và to tiếng hơn.
Tất cả điều này giúp nhóm ra những quyết định tốt hơn.
CÔNG CỤ NÀY DÙNG NHƯ THẾ NÀO?
Kỹ thuật Bậc thang có năm bước cơ bản, và đây là cách nó hoạt động.
Bước 1: Trước khi cùng nhau làm việc nhóm, hãy trình bày nhiệm vụ hoặc vấn đề với tất cả các thành viên. Cho tất cả mọi người đủ thời gian để suy nghĩ về những gì cần phải hoàn thành và để hình thành ý kiến riêng của họ về cách tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ hoặc giải quyết vấn đề.
Bước 2: Thành lập một nhóm nòng cốt gồm hai thành viên. Yêu cầu họ thảo luận với nhau về vấn đề.
Bước 3: Thêm thành viên thứ ba vào nhóm nòng cốt. Thành viên thứ ba trình bày ý tưởng cho hai thành viên đầu tiên TRƯỚC KHI nghe những ý tưởng đã được thảo luận. Sau khi cả ba thành viên đã đưa ra các giải pháp và ý tưởng của mình, họ thảo luận các lựa chọn của họ với nhau.
Bước 4: Lặp lại quy trình tương tự bằng cách thêm một thành viên thứ tư, v.v ... vào nhóm. Cho phép thời gian thảo luận sau khi mỗi thành viên bổ sung vào sau trình bày ý tưởng của mình.
Bước 5: Đi đến quyết định cuối cùng chi khi tất cả các thành viên đã đưa vào và trình bày trong nhóm ý tưởng của mình.
Kỹ thuật Bậc thang tương tự như Phương pháp Delphi, một công cụ khác thường được sử dụng trong các nhóm để ngăn chặn Groupthink- Tạm dịch: Tư duy tập thể và khuyến khích sự tham gia của các thành viên. Mặc dù cả hai công cụ đều có cùng mục tiêu, nhưng chúng khác nhau ở một vài khía cạnh chính:
- Trong Phương pháp Delphi, một người cố vấn khách quan hoặc lãnh đạo khách quan sẽ điều hành nhóm. Trong Kỹ thuật Bậc thang, tất cả các thành viên đều bình đẳng.
- Phương pháp Delphi giữ các thành viên ẩn danh. Người cố vấn quản lý luồng thông tin, và các thành viên có thể không biết ai khác trong nhóm. Kỹ thuật Bậc thang đòi hỏi việc gặp gỡ trực tiếp, vì vậy mọi người đều biết thanh viên khác là ai.
- Phương pháp Delphi là một quá trình kéo dài, trong khi Kỹ thuật Bậc thang nhanh hơn nhiều.
- Phương pháp Delphi thường được sử dụng cho các quyết định quan trọng cần thông tin đầu vào từ một số lượng lớn người. Kỹ thuật Bậc thang làm việc tốt nhất với các nhóm nhỏ hơn và đưa ra một loạt những quyết định trên phạm vi rộng.
LỜI KHUYÊN
Các nhóm có thể bắt đầu suy giảm sự hiệu quả và khả năng ra những quyết định chất lượng tốt nếu họ có quá nhiều thành viên. Giữ cho nhóm của bạn nhỏ từ 4-7 thành viên trong nhóm - để tối đa hóa hiệu quả.
TỔNG KẾT
Kỹ thuật Bậc thang là phương pháp tiếp cận từng bước một giúp bạn đảm bảo rằng tất cả thành viên của một nhóm đều tham gia và đều được lắng nghe. Kỹ thuật này cho phép những thành viên nhút nhát, trầm lặng trình bày ý tưởng của họ trước khi các thành viên khác trong nhóm có thể ảnh hưởng đến họ, và nó cho phép mọi người nghe nhiều quan điểm khác nhau trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
---
KỸ THUẬT 2: BRAINSTORMING NGƯỢC CHIỀU (RESERVE BRAINSTORMING)
Brainstorming ngược chiều giúp bạn giải quyết vấn đề bằng cách kết hợp các kỹ thuật brainstorming và đảo chiều. Bằng cách kết hợp những điều này, bạn có thể mở rộng việc sử dụng brainstorming để đưa ra những ý tưởng sáng tạo hơn.
Để sử dụng kỹ thuật này, bạn bắt đầu với một trong hai câu hỏi "đảo ngược".
Thay vì hỏi, "Làm thế nào để tôi giải quyết hoặc ngăn chặn vấn đề này?" hãy hỏi, "Tôi đã (sẽ) làm gì để gây ra vấn đề này?" Và thay vì hỏi "Làm thế nào để tôi đạt được những kết quả này?" hãy hỏi, "Làm sao tôi có thể đạt được kết quả ngược lại?".
CÔNG CỤ NÀY DÙNG NHƯ THẾ NÀO?
- Xác định rõ vấn đề hoặc thách thức, và viết ra.
- Đảo ngược vấn đề hoặc thách thức bằng cách hỏi, "Làm sao tôi có thể gây ra vấn đề này?" hay "Làm sao tôi có thể đạt được hiệu quả ngược lại?".
- Brainstorm các vấn đề đảo ngược để tạo ra các ý tưởng về giải pháp đảo ngược. Hãy cho phép việc brainstorm ý tưởng phát triển tự do. Đừng từ chối bất cứ điều gì ở giai đoạn này.
- Một khi bạn đã brainstorm ra tất cả các ý tưởng để giải quyết vấn đề đảo ngược, bây giờ hãy đảo chúng lại thành những ý tưởng về giải pháp cho các vấn đề hoặc thách thức ban đầu.
- Tiếp theo hãy, đánh giá các ý tưởng giải pháp đó. Bạn có thể thấy một giải pháp tiềm năng không? Hay bạn có thể thấy các thuộc tính của một giải pháp tiềm năng?
LỜI KHUYÊN
Brainstorming ngược chiều là một kỹ thuật tốt để thử khi việc xác định trực tiếp các giải pháp cho vấn đề trở nên khó khăn.
VÍ DỤ
Luciana là quản lý của một phòng khám y tế và bà có nhiệm vụ cải thiện sự hài lòng của bệnh nhân.
Đã có nhiều sáng kiến cải tiến trong quá khứ và các thành viên trong nhóm đã trở nên khá hoài nghi về một cuộc họp khác về chủ đề này. Nhóm đang làm việc quá sức, các thành viên trong đội đang "cố gắng hết sức" và không muốn có sự "lãng phí thời gian" để nhắc đi nhắc lại điều này.
Vì vậy, Luciana quyết định sử dụng một số kỹ thuật sáng tạo để giải quyết vấn đề mà bà đã học được. Bằng việc sử dụng chúng, bà hy vọng, sẽ làm cho cuộc họp nhóm trở nên thú vị hơn và thu hút mọi người theo một cách mới.
Có thể nó sẽ khám phá ra nhiều điều hơn là "những ý tưởng tốt" thông thường mà không ai có thời gian để thực thi.
Để chuẩn bị cho cuộc họp nhóm, Luciana suy nghĩ cẩn thận về vấn đề và viết ra bản tuyên bố vấn đề:
"Làm thế nào để chúng ta cải thiện sự hài lòng của bệnh nhân?"
Sau đó, bà đảo ngược tuyên bố vấn đề:
"Làm thế nào để bệnh nhân không hài lòng?"
Ngay từ giờ phút đó bã đã bắt đầu cho thấy cách góc nhìn mới có thể khám phá ra một số kết quả đáng ngạc nhiên.
Tại cuộc họp nhóm, mọi người đều tham gia vào một buổi brainstorming ngược chiều sôi nổi và hiệu quả. Họ rút ra cả hai kinh nghiệm làm việc của họ với bệnh nhân cũng như là trải nghiệm bản thân khi là bệnh nhân và khách hàng của các tổ chức khác. Luciana giúp các ý tưởng luân chuyển tự do, đảm bảo mọi người không có sự phán xét về những gợi ý tệ hại nhất.
- Đây chỉ là một vài trong số những ý tưởng "ngược chiều":
- Đặt cuộc hẹn cho nhiều người.
- Tháo ghế ra khỏi phòng chờ.
- Để bệnh nhận gọi điện đến phải chờ (và quên mất họ).
- Yêu cầu bệnh nhân chờ bên ngoài trong bãi đậu xe.
- Thảo luận vấn đề của bệnh nhân ở nơi công cộng.
Khi buổi brainstorming kết thúc, nhóm có được một danh sách dài các giải pháp "ngược chiều". Bây giờ là lúc để nhìn vào mỗi một giải pháp trong trong sự đảo ngược để suy nghĩ về một giải pháp tiềm năng. Những cuộc thảo luận có kết quả tốt đang bộc lộ khá rõ ràng. Ví dụ:
- "Tất nhiên chúng ta không để bệnh nhân ở bên ngoài bãi đậu xe - chúng ta đã không làm điều đó."
- "Nhưng vào buổi sáng, có những bệnh nhân phải chờ đợi bên ngoài cho đến giờ mở cửa?
- "Mmm, đúng. Điều đó gây ra khá nhiều phiền phức cho những người có cuộc hẹn đầu tiên."
- "Vậy tại sao chúng ta không mở phòng chờ sớm hơn 10 phút để điều đó không xảy ra nữa"
- "Phải, chúng ta sẽ làm điều đó từ ngày mai. Chúng ta đã có một số nhân viên đi làm vào giờ đó, vì vậy không có vấn đề gì."
Và câu chuyện được tiếp tục. Buổi brainstorming ngược chiều khám phá ra nhiều ý tưởng cải tiến mà nhóm có thể thực hiện nhanh chóng và Luciana kết luận: "Nó là sự sáng tỏ và vui vẻ khi xem xét vấn đề ở chiều ngược lại. Điều tuyệt vời là, nó giúp chúng tôi trở nên thân thiện với bệnh nhân hơn bằng cách ngừng làm một số việc hơn là nghĩ ra một loạt việc mới".
TỔNG KẾT
Brainstorming ngược chiều là một kỹ thuật tốt để giải quyết vấn đề sáng tạo, và có thể dẫn đến các giải pháp mạnh mẽ. Hãy đảm bảo bạn và nhóm của bạn thực hiện việc này theo các quy tắc cơ bản của việc brainstorming để khám phá các giải pháp khả thi cho toàn bộ vấn đề.
---
KỸ THUẬT 3: STARBURSTING
Starbursting là một hình thức brainstroming tập trung vào việc tạo ra câu hỏi hơn là các câu trả lời. Nó có thể được sử dụng lặp đi lặp lại, với các lớp sâu hơn về các câu trả lời cho các câu hỏi đặt ra ban đầu.
STARBURSTING - HIỂU NHỮNG Ý TƯỞNG MỚI BẰNG NHỮNG CÂU HỎI BRAINSTORMING
Khi một đồng nghiệp gợi ý một sản phẩm hoặc một ý tưởng mới, và bạn đang cố gắng để hiểu nó cũng như cách thức mà nó hoạt động, một phản ứng điển hình là ném bom người khác với những câu hỏi: Những tính năng của nó là gì ? Nó sẽ có chi phí bao nhiêu? Chúng ta sẽ tiếp thị nó ở đâu? Ai sẽ là người mua nó?, v.v.
Việc đặt những câu hỏi như vậy là một cách quan trọng để hiểu được ý tưởng mới, cũng như những thách thức trong việc đảm bảo tất cả những khía cạnh liên quan của ý tưởng đó được xem xét trước khi bắt đầu bất kì công việc nào để thực hiện nó. Để tận dụng tối đa cách tiếp cận này, điều quan trọng là các câu hỏi được đưa ra một cách có hệ thống và toàn diện.
Đó là lý do tại sao bạn nên trải qua một bài tập đặt câu hỏi toàn diện, có hệ thống mỗi khi bạn khám phá một ý tưởng mới. Starbursting là cách hữu ích để làm điều này.
Starbursting là một hình thức brainstroming tập trung vào việc tạo ra câu hỏi hơn là các câu trả lời. Nó có thể được sử dụng lặp đi lặp lại, với các lớp sâu hơn về các câu trả lời cho các câu hỏi đặt ra ban đầu. Ví dụ, một đồng nghiệp gợi ý về một thiết kế mới của giày trượt băng. Một câu hỏi bạn có thể hỏi là "Khách hàng là ai?" Câu trả lời: "Người trượt băng". Nhưng bạn cần phải đi xa hơn câu trả lời này để đảm bảo rằng bạn đặt mục tiêu quảng cáo của bạn một cách chính xác, do đo bạn có thể hỏi tiếp: "Đó là những nhóm người trượt băng nào?" Câu trả lời có thể là: "Đó là những người thực hiện nhiều cú nhảy, những người cần được hỗ trợ thêm", v.v. Điều này sẽ giúp tập trung vào việc marketing, ví dụ như để cạnh tranh trong việc thuyết phục những người khiêu vũ trên băng và người trượt băng nghệ thuật, chứ không phải những sân trượt băng mua giày để cung cấp dịch vụ cho thuê trong công chúng.
LỜI KHUYÊN
Nếu bạn muốn đánh giá một đề xuất thực sự quan trọng, hãy đảm bảo rằng bạn cũng sử dụng các kỹ thuật như Phân tích rủi ro- Risk Analysis và Phân tích Tác động-Impactact Analysis để khám phá những câu hỏi mà bạn nên hỏi.
CÔNG CỤ NÀY DÙNG NHƯ THẾ NÀO?
Cách tốt nhất để xem sức mạnh của kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả này là suy nghĩ về một sản phẩm, thử thách hoặc vấn đề cần phải làm, và làm theo các bước sau:
Bước 1: Tải xuống mẫu miễn phí của chúng tôi và in ra hoặc lấy một tờ giấy lớn, vẽ một ngôi sao sáu cánh lớn ở giữa, và viết ý tưởng, sản phẩm hoặc thách thức của bạn ở giữa.
Bước 2: Viết các từ "Ai", "Cái gì", "Tại sao", “Ở đâu”, "Khi nào" và "Làm thế nào" ở đầu mỗi điểm của ngôi sao.
Bước 3: Bainstorm các câu hỏi về ý tưởng hoặc sản phẩm bắt đầu với mỗi từ để hỏi này. Các câu hỏi phát ra từ ngôi sao trung tâm. Đừng cố gắng để trả lời bất kỳ câu hỏi nào trong quá trình đặt câu hỏi. Thay vào đó, hãy tập trung suy nghĩ càng nhiều câu hỏi càng tốt.
Bước 4: Tùy thuộc vào phạm vi của bài tập, bạn có thể muốn có thêm các lượt starbusting để khám phá những câu trả lời cho những câu hỏi ban đầu này.
Hình dưới đây cho thấy một số câu hỏi mà bạn có thể tạo ra trong một đợt starbursting ngắn, tập trung vào sản phẩm giày trượt đã đề cập ở trên.
---
KỸ THUẬT 4: ROUND-ROBIN BRAINSTORMING
Tất cả đều dễ dàng để bắt đầu một buổi brainstorming với những ý định tốt, nhưng sau đó lại bỏ qua hoặc bỏ lỡ những ý tưởng tiềm năng tuyệt vời, đơn giản bởi vì một người quyết đoán đã tạo ra tinh thần, không khí chung cho toàn bộ cuộc họp. Đây là lý do tại sao một công cụ như Round-Robin Brainstorming lại rất hữu ích.
ROUND-ROBIN BRAINSTORMING - GIÚP CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU CÓ THỂ ĐÓNG GÓP
Hãy tưởng tượng rằng bạn đã tập hợp lại nhóm của mình để tham gia một phiên brainstorming rất cần thiết, tập trung vào cách hiệu quả nhất để tiếp thị bản phát hành sản phẩm tiếp theo của công ty bạn.
Anh A, thành viên hay nói và mạnh mẽ nhất trong nhóm của bạn, ngay lập tức quả quyết rằng truyền hình và phương tiện truyền thông trực tuyến là nền tảng tốt nhất để sử dụng. Những người khác tiếp tục đóng góp những ý tưởng đồng thuận với ý tưởng của Anh A. Mười phút sau, nhóm đã đắm chìm vào truyền hình và những ý tưởng trực tuyến. Không một ai đã đưa ra bất kỳ lựa chọn nào khác, một khi Anh A đã định hướng.
Tất cả đều dễ dàng để bắt đầu một buổi brainstorming với những ý định tốt, nhưng sau đó lại bỏ qua hoặc bỏ lỡ những ý tưởng tiềm năng tuyệt vời, đơn giản bởi vì một người quyết đoán đã tạo ra tinh thần, không khí chung cho toàn bộ cuộc họp.
Đây là lý do tại sao một công cụ như Round-Robin Brainstorming lại rất hữu ích. Phương pháp này cho phép các thành viên trong nhóm tạo ra những ý tưởng mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một người nào. Sau đó, bạn có thể đưa những ý tưởng này vào các giai đoạn tiếp theo của quá trình giải quyết vấn đề.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nghiên cứu chi tiết về Round-Robin Brainstorming và chúng tôi sẽ xem xét các biến thể khác nhau để bạn có thể một lựa chọn đúng đắn cho hoàn cảnh tương ứng.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỬ DỤNG ROUND-ROBIN BRAINSTORMING?
Round-Robin Brainstorming rất đơn giản:
Bước 1: Tập hợp nhóm của bạn lại với nhau quanh một chiếc bàn. Cung cấp cho mỗi thành viên các tờ giấy nhỏ để họ có thể ghi lại những ý tưởng của mình trên từng tờ giấy đó.
Bước 2: Làm người hướng dẫn, giải thích vấn đề bạn muốn giải quyết. Cụ thể về các mục tiêu của buổi Brainstorming. Trả lời các câu hỏi, nhưng không khuyến khích việc thảo luận. Mục tiêu trong bước này là để cho phép cá nhân suy nghĩ sáng tạo mà không có bất kỳ ảnh hưởng từ người khác.
Bước 3: Mỗi thành viên trong nhóm, trong im lặng, nghĩ đến một ý tưởng và viết nó lên trên một tờ giấy nhỏ.
Bước 4: Một khi mọi người đã viết xuống một ý tưởng, hãy để mỗi người chuyển ý tưởng của họ cho người bên cạnh mình. Bây giờ mỗi người nên giữ một tờ giấy mới với ý tưởng của người bên cạnh mình đã được viết xuống.
Bước 5: Mỗi người sử dụng ý tưởng của người bên cạnh như là nguồn cảm hứng để tạo ra một ý tưởng khác. Sau đó yêu cầu mỗi người nộp lại tờ giấy của người bên cạnh và chuyển ý tưởng mới của họ cho người kế bên để lặp lại bước 4.
Bước 6: Tiếp tục vòng trao đổi ý tưởng này cho đến khi nào cần thiết để thu thập một số lượng lớn các ý tưởng. Khi thời gian đã hết, thu thập lại tất cả các ý tưởng. Bây giờ bạn có thể so sánh chúng, loại bỏ bất kỳ những ý tưởng trùng và thảo luận thêm về chúng theo yêu cầu.
ƯU ĐIỂM VÀ NHƯỢC ĐIỂM
Round-Robin Brainstorming rất giống với Crawford Slip. Sự khác biệt và lợi thế lớn nhất là nhóm của bạn sử dụng những ý tưởng của người khác để tạo ra nhiều ý tưởng hơn, mà không bị ảnh hưởng bởi các thành viên quyết đoán hay lớn tiếng trong nhóm. Một ưu điểm khác của cách tiếp cận này là nó cũng đảm bảo rằng tất cả mọi người trong nhóm của bạn có cơ hội bình đẳng để trình bày các ý tưởng của họ. Nếu nhóm của bạn có một số thành viên nhút nhát hoặc thiếu tự tin, phương pháp này có thể giúp họ cảm thấy thoải mái hơn.
Một bất lợi của Round-Robin Brainstorming là nó không phải là vô danh. Khi các thành viên trong nhóm luân chuyển các ý tưởng xung quanh căn phòng, họ có thể giữ lại tờ giấy đơn giản vì họ biết người bên cạnh họ sẽ nhìn thấy những gì họ đã viết. Một bất lợi khác là mỗi người đều có cảm hứng cho ý tưởng mới của họ từ những ý tưởng của chỉ có một người khác, chứ không phải là từ toàn bộ nhóm.
LỜI KHUYÊN
Bạn có thể làm cho Round-Robin Brainstorming vô danh bằng cách thu thập ý tưởng ở từng giai đoạn, xáo trộn chúng, và sau đó đưa chúng ra ngoài trở lại. (Thay vì cho các thành viên trong nhóm truyền ý tưởng của họ tới người bên cạnh họ.)
CÁC BIẾN THỂ
Thay vì viết những ý tưởng xuống, bạn cũng có thể sử dụng Round-Robin Brainstorming bằng lời nói. Xếp các thành viên nhóm của bạn tại một bàn, và thảo luận về vấn đề hiện tại. Sau đó, đi vòng quanh bàn và cho phép mỗi thành viên đưa ra một ý tưởng. Viết ra từng ý tưởng để thảo luận thêm.
Điều này thường nhanh hơn so với biến thể bằng văn bản. Tuy nhiên, một số thành viên của nhóm có thể do dự để trình bày các ý tưởng trước mặt nhóm. Giúp tránh điều này bằng cách cho mọi người biết rằng không có ý tưởng nào là không xứng đáng để thảo luận.
Bạn cũng có thể sử dụng Round-Robin Brainstorming với các nhóm lớn hơn. Chia mọi người thành từng nhóm nhỏ và mỗi nhóm phát triển một ý tưởng tuyệt vời và viết nó trên một một tờ giấy nhỏ. Sau đó, xoay luân phiên các thẻ giữa các nhóm, giống như bạn làm với biến thể cá nhân riêng lẻ. Sau đó bạn sẽ có mỗi nhóm brainstorm một ý tưởng mới dựa trên thẻ của nhóm trước đó.
TỔNG KẾT
Round-Robin Brainstorming là một công cụ hữu ích để nhóm của bạn tạo ra những ý tưởng, mà không bị ảnh hưởng quá mức bởi những người khác trong nhóm. Phương pháp này cũng đảm bảo rằng tất cả mọi người trong nhóm của bạn được nói bình đẳng trong những ý tưởng mà bạn tạo ra.
Bạn có thể sử dụng các biến thể bằng văn bản và bằng lời của kỹ thuật này. Bạn cũng có thể sử dụng Round-Robin Brainstorming trong một nhóm lớn, bằng cách chia nhóm thành các nhóm nhỏ hơn.
Theo saga.vn
Từ khóa » Ví Dụ Về Tận Công Não
-
Phương Pháp Công Não Kỹ Năng Làm Việc Nhóm - Tài Liệu Text - 123doc
-
Ví Dụ Về Phương Pháp Công Não
-
Phương Pháp Động Não Giúp ích Tìm Kiếm Những ý Tưởng Và Giải ...
-
Động Não – Wikipedia Tiếng Việt
-
19 Kỹ Thuật động Não Hàng đầu để Tạo ý Tưởng Cho Mọi Tình Huống
-
Định Nghĩa Của động Não Là Gì? (Cho Nhóm & Cá Nhân) - Business
-
Brainstorming - Kỹ Thuật Công Não Để Tìm Ra Ý Tưởng Mới (Phần ...
-
SCAMPER Là Gì? Cách Tìm Ý Tưởng Mới Chỉ Với Vài Chữ Cái
-
Các Phương Pháp Suy Luận Và Sáng Tạo - SlideShare
-
KỸ NĂNG TƯ DUY SÁNG TẠO - Trường Tiểu Học Và THCS Lộc Thịnh
-
Giá Trị Văn Hóa “Tận Tâm Vì Khách Hàng” - Nhân Kiệt
-
7 Ví Dụ Chuyển đổi Số Thực Tiễn Trong Các Ngành Hàng - Magenest