40 Năm Hải Chiến Hoàng Sa - Kỳ 2: Tăng Viện, Tái Chiếm đảo

“Sáng 18-1-1974, tình hình Hoàng Sa nóng như thùng thuốc nổ. Chiến hạm TQ được điều đến thêm. Chiến hạm VN từ Đà Nẵng lao ra.

Chiến hạm HQ-16 Lý Thường Kiệt - Ảnh: tư liệu.

Mọi người trên tàu đều sẵn sàng ở nhiệm sở chiến đấu. Binh sĩ các khẩu đội pháo phải ăn cơm tại chỗ. Đi vệ sinh cũng chỉ từng người để có thể tác xạ lập tức” - 40 năm đã trôi qua, cựu thượng sĩ Trần Dục, quản trưởng khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư, vẫn không kìm được sự xúc động khi nhắc lại khoảnh khắc ấy. Tăng viện Trước diễn biến Trung Quốc điều thêm chiến hạm cao tốc, Bộ tư lệnh hải quân VN cộng hòa đã tăng cường khẩn cấp hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 và tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5. Tối 17-1, tàu HQ-10 khởi hành trước, sau đó HQ-5 cũng từ Đà Nẵng quay mũi tàu hướng ra Hoàng Sa. Khoảng 3g15 ngày 18-1, hai chiến hạm gặp nhau ở tọa độ cách hải đăng Tiên Sa khoảng 8 hải lý về hướng đông. Trung tá Phạm Trọng Quỳnh là hạm trưởng tuần dương hạm HQ-5. Trên tàu còn có mặt đại tá Hà Văn Ngạc, hải đội trưởng hải đội 3 tuần duyên, nên HQ-5 là soái hạm, và đại tá Ngạc là quyền chỉ huy cao nhất. Tàu này cũng chở thêm biệt đội hải kích 49 người của đại úy Trần Cao Sạ chỉ huy. Tàu HQ-10 do thiếu tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng. Trong bốn chiếc, hộ tống hạm Nhật Tảo yếu nhất. Thủy thủ cơ khí Trần Văn Hà, nhân chứng trở về sau trận hải chiến, hiện sống ở Bạc Liêu, kể: “Chiến hạm Nhật Tảo đã kết thúc chuyến tuần tra vùng 1, vào cảng Tiên Sa để chuẩn bị sửa chữa lớn, nhưng vì nhiệm vụ Hoàng Sa nên lại quay mũi ra biển. Mọi người vừa lên bờ chưa kịp ăn xong bữa cơm lại có lệnh đi ngay. Có người về trễ, nhảy với theo tàu, bị rớt xuống nước phải kéo lên”. Hành quân ra Hoàng Sa, soái hạm HQ-5 Trần Bình Trọng không thể giảm tốc độ chờ HQ-10 Nhật Tảo nên một mình tiến lên trước. Khoảng 15 giờ ngày 18-1, HQ-5 đã vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhập chung đội hình tác chiến với HQ-4 và HQ-16 đang đối đầu với lực lượng Trung Quốc. Trong hồi ký Tường thuật hải chiến Hoàng Sa được viết lại vào năm 1999, đại tá Hà Văn Ngạc kể: soái hạm HQ-5 đến lòng chảo Hoàng Sa đã thấy lực lượng biệt hải đổ bộ trên tàu HQ-4 và HQ-16 đang kiên cường trấn giữ các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Duy Mộng. Phía đảo Quang Hòa, tàu TQ đang lờn vờn bên ngoài. Căng thẳng trước ngày N Đại tá Ngạc quyết định lực lượng hải quân VN sẽ phô trương uy lực, bố trí đội hình tiến thẳng theo hàng dọc. Ông Ngạc viết: “Bốn chiến hạm (theo các ghi chép thì nửa đêm 18-1 HQ-10 mới tới do máy phụ đã hư) đều tập trung trong vùng lòng chảo quần đảo Hoàng Sa và hải đoàn đặc nhiệm đã hình thành. Nhóm chiến binh của HQ-4 và HQ-16 đã đổ bộ và trương quốc kỳ VN trên các đảo Hữu Nhật (Robert) do trung úy Lê Văn Dũng chỉ huy, đảo Quang Ảnh (Money) do trung úy Lâm Trí Liêm chỉ huy và Duy Mộng (Drummond) từ mấy ngày qua vẫn giữ nguyên vị trí. Sau khi quan sát các chiến hạm của TQ lởn vởn phía bắc đảo Quang Hòa (Duncan), tôi quyết định hải đoàn sẽ phô trương lực lượng tiến về đảo Quang Hòa. Bốn chiến hạm hàng dọc tiến về đảo Quang Hòa, nơi các chiến hạm TQ đang tập trung”. Ông Ngạc viết tiếp: “Chừng nửa giờ thì hai chiến hạm TQ loại Kronstadt mang số hiệu 271 và 274 phản ứng bằng cách chặn trước hướng đi của hải đoàn. Hai chiến hạm nhỏ hơn số hiệu 389 và 396 cùng hai ngư thuyền ngụy trang 402, 407 vẫn nằm sát đảo Quang Hòa. Chiếc 271 liên lạc bằng quang hiệu và HQ-5 nhận công điện bằng Anh ngữ: “These islands belong to the People Republic of China...”. Tôi cho gửi ngay một công điện khái quát như sau: “Please leave our territorial water immediately”. Thượng sĩ giám lộ Lữ Công Bảy (hiện sống tại TP.HCM) kể: “8 giờ sáng, HQ-4 được lệnh đổ bộ trung đội biệt hải lên đảo Hữu Nhật và cũng phát hiện những ngôi mộ giả như ở đảo Quang Ảnh”. Toán đổ bộ, sau khi hạ cờ TQ cắm cờ VN, đã tìm địa thế thích hợp để phòng thủ”. Đến 11 giờ, đài khí tượng và quân đồn trú đảo Hoàng Sa báo cáo có hai tàu đánh cá vũ trang mang cờ TQ xâm nhập và tiến đến gần đảo Hoàng Sa. HQ-4 và HQ-16 được lệnh tiến về đảo Hoàng Sa. Khi đến gần tàu đánh cá vũ trang, HQ-4 dùng tín hiệu cảnh cáo và đuổi đi, nhưng cả hai cố tình khiêu khích. HQ-4 tiến thẳng đến một tàu. Thượng sĩ Lữ Công Bảy cho biết: “Thấy trên tàu có khoảng 30 thuyền viên mặc đồng phục màu xanh dương đậm, trang bị hai thượng liên và rất nhiều AK47. Khu trục hạm HQ-4 quyết định áp sát để đuổi. Hai bên đánh... võ mồm nhưng không tác dụng. HQ-4 lùi ra dùng mũi tàu ủi thẳng tàu TQ. Mũi HQ-4 và neo vướng vào cửa và hành lang phòng lái làm gãy hành lang và cong cửa phòng lái của tàu TQ. HQ-16 cũng quyết liệt như vậy. Trước thái độ cương quyết của hải quân VN, tàu TQ vội vàng tháo lui. Đêm 18 rạng 19-1, tàu cá vũ trang TQ vẫn tiếp tục tiến gần đảo Hoàng Sa và khiêu khích. HQ-4 phải dùng kèn hơi thật lớn và đèn hồ quang rọi thẳng vào đội hình, tàu TQ mới rút. Ông Đào Dân nhớ lại: “Buổi tối chỉ có HQ-16 giữa lòng chảo các đảo với quân số hơn 100 người. HQ-4 và HQ-5 trở về phía nam đảo Quang Hòa và Duy Mộng. Khoảng 10 giờ tối, HQ-10 mới tới nhập với HQ-16 trở thành phân đội 1 do trung tá Lê Văn Thự, hạm trưởng HQ-16, chỉ huy”. Ông Trương Văn Liêm, sĩ quan phụ tá hạm phó HQ-5, nhớ lại: 1g45, tất cả sĩ quan đều có mặt. Hạm trưởng ra lệnh: “Chỉ thị đổ bộ vào sáng sớm, tất cả phải sẵn sàng ở nhiệm sở tác chiến toàn diện lúc 4 giờ sáng”.

Đại tá Hà Văn Ngạc đã gửi một công điện thượng khẩn đến các hạm trưởng vào lúc 11g30 đêm 18-1-1974: - Nhiệm vụ: Hành quân thủy bộ cấp tốc chiếm lại đảo Quang Hòa. - Thi hành: Đường lối ôn hòa, nếu địch khai hỏa kháng cự thì tập trung hỏa lực tiêu diệt địch. - Kế hoạch: Hai chiến hạm HQ-4 và HQ-16 có nhiệm vụ yểm trợ lực lượng đổ bộ bằng cách bám sát hai chiến hạm Kronstadt 271 và 274. Nếu địch khai hỏa thì hai chiến hạm này sẽ nổ súng tiêu diệt. HQ-4 đổ bộ biệt hải từ phía tây đảo Quang Hòa và yểm trợ hải pháo cho lực lượng đổ bộ. Chiến hạm này cũng canh chừng các tàu nhỏ và tàu giả trang đánh cá Trung Quốc. - Ngày N là ngày 19-1, giờ H là 6 giờ sáng. - Quy luật khai hỏa được căn cứ trên hai trường hợp: Nếu địch khai hỏa trước sẽ phản ứng bằng hỏa lực cơ hữu tiêu diệt càng nhiều càng tốt, ưu tiên hỏa lực vào các chiến hạm quan trọng như Kronstadt hoặc các tàu lớn. Nếu địch tỏ vẻ ôn hòa, sẽ dè dặt và cảnh giác tối đa với phản ứng ôn hòa tương ứng, đồng thời tiến hành nhiệm vụ tái chiếm đảo Quang Hòa bằng thương lượng, sau đó cắm quốc kỳ lên đảo... Tình hình Hoàng Sa được tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải Hồ Văn Kỳ Thoại báo cáo khẩn cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhân chuyến kinh lý miền Trung. Ông Thoại kể: “Sau khi nghe tôi trình bày, tổng thống Thiệu lấy bút giấy ra viết liên tục trong khoảng 15 phút. Sau khi viết xong, ông gọi tôi đến ngay trước mặt ông và yêu cầu tôi đọc mấy trang giấy đó. Tổng thống Thiệu nói: “Anh Thoại đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng cho tôi biết ngay từ bây giờ”. Trên đầu trang giấy có mấy chữ “chỉ thị cho tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải”. Sau khi trao thủ bút cho tôi, tổng thống Thiệu hỏi các vị tướng lãnh bộ binh hiện diện có ý kiến gì không. Không ai trả lời. Ông nói tiếp: “Chúng ta không để mất một tấc đất nào cả”. Chỉ thị này ghi rõ: “Tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm đối phương ra khỏi lãnh hải VN. Nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ VN”. Phần sau, yêu cầu thủ tướng chính phủ “dùng mọi phương tiện để phản đối với quốc tế về sự xâm phạm lãnh hải VN”. Đồng thời yêu cầu “thủ tướng Khiêm và các đại sứ VN tại các quốc gia trên thế giới phải lên tiếng và trình bày rõ ràng về chủ quyền trên các hải đảo Hoàng Sa là thuộc chính phủ VNCH”.

Kỳ tới:Đổ bộ đảo Quang Hòa QUỐC VIỆT - TRẦN NHẬT VY Nguồn: TTO

Từ khóa » Tái Chiếm đảo Len đao