42 Món ăn đặc Sản Tây Bắc ấn Tượng Nhất

Tây Bắc không chỉ nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn nổi tiếng với những món ăn đặc sản

Tây Bắc khá rộng lớn gồm có 6 tỉnh miền Bắc đó là Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu. Mỗi tỉnh lại có những món ăn đặc sản riêng nên để bạn dễ tìm kiếm trong hành trình khám phá ẩm thực Tây Bắc thì bài viết sẽ phân chia từng món ăn theo các tỉnh để đi đến đâu bạn có thể thưởng thức món ăn đặc sản của nơi đó nhé!

I. Món ăn đặc sản Lào Cai - Tây Bắc

Lào Cai nổi tiếng với địa điểm du lịch cực kỳ nổi tiếng đó là Sapa. Sapa là điểm sáng trong du lịch Tây Bắc - Việt Nam, số lượng khách du lịch đến với thị trấn sương mù đều tăng lên hàng năm. Đến với Sapa khám phá ẩm thực cũng là một trong những hoạt động cực hấp dẫn đối với du khách. Cùng xem Lào Cai có những món ngon nào chiêu đãi du khách Việt và bạn bè quốc tế nhé!

Sapa là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Tây Bắc và cũng là thiên đường ẩm thực với khách du lịch

Xem thêm: Các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc nước ta là những tỉnh nào? Cẩm nang du lịch Tây Bắc 2023

Khám phá ẩm thực Tây Bắc qua 42 món ăn đặc sản ấn tượng nhất

1. Thắng cố ngựa Bắc Hà

Đến Lào Cai, một trong những món ăn được thực khách tìm kiếm hàng đầu để có trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn trong chuyến đi Sapa - Lào Cai đó là Thắng Cố. Cái tên nghe vừa lạ vừa quen đối với người dân Bắc Bộ và khiến nhiều người hứng thú khi đặt chân đến vùng đất Tây Bắc - Việt Nam. Thắng Cố xuất hiện ở khá nhiều nơi ở vùng núi Bắc Bộ thế nhưng để thưởng thức hương vị truyền thống của món ăn này có lẽ chỉ có ở Lào Cai mới thơm ngon và không lẫn lộn. Thắng cố ngựa Bắc Hà nổi tiếng và được tìm kiếm hàng đầu trong những món ăn đặc sản Tây Bắc.

Thắng cố ngựa Bắc Hà nổi tiếng và được tìm kiếm hàng đầu trong những món ăn đặc sản Tây Bắc

Thắng cố ngựa Bắc Hà được chế biến bởi nội tạng của ngựa. Gia vị để làm nên hương vị thơm ngon truyền thống của thắng cố rất đa dạng gồm có: Quế, hồi, xả, địa liền, thảo quả, hạt dổi… Các nguyên liệu và gia vị được ninh nhừ trong một chiếc chảo sâu truyền thống ở Lào Cai. Đây vốn dĩ không phải là món ăn mà bất cứ ai thưởng thức cũng có thể cảm nhận được hương vị thơm ngon, đối với một số người thì món ăn này còn khá khó ăn thế nhưng một khi đã quen với hương vị đặc sản Tây Bắc này thì chắc chắn sẽ phát nghiện món ăn vừa thơm ngon, béo ngậy đặc sản Lào Cai này.

Thắng cố ngựa Bắc Hà được chế biến bởi nội tạng của ngựa
Xem thêm: Note ngay trọn bộ kinh nghiệm đi tour Sapa từ Hà NộiCó gì đang chờ đón bán trong tour Sapa 3 ngày 2 đêm

Để thưởng thức thắng cố ngựa Bắc Hà thì du khách đến Lào Cai thường lựa chọn đến chợ phiên Bắc Hà. Đến đây bạn sẽ thấy hương thơm ngào ngạt của món ăn này lan tỏa ở nhiều ngóc ngách trong chợ vô cùng hấp dẫn và lôi cuốn thực khách. Đến chợ phiên tìm hiểu về vẻ đẹp trong phong tục tập quán và văn hóa của người dân địa phương vừa thưởng thức món ăn đặc sản thắng cố ngựa Bắc Hà là lựa chọn được nhiều du khách đến Lào Cai yêu thích. Gọi một bát thắng cố ngựa nóng hổi nghi ngút khói kèm theo một chén rượu ngô Bản Phố chắc chắn sẽ là hương vị khó có thể quên được trong chuyến đi du lịch Lào Cai.

Để thưởng thức thắng cố ngựa Bắc Hà thì du khách đến Lào Cai thường lựa chọn đến chợ phiên Bắc Hà hoặc các nhà hàng đặc sản ở Sapa

2. Cá hồi thác Bạc

Cá hồi thác Bạc là món ăn đặc sản tiếp theo mà bạn không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá đặc sản Sapa. Nếu bạn thắc mắc rằng cá hồi thường chỉ xuất hiện ở những vùng ôn đới sao lại là món ăn đặc sản ở Sapa thì câu trả lời dành cho bạn đó là. Thời tiết khí hậu ở Sapa thường mát mẻ hơn rất nhiều so với các tỉnh thành khác của Việt Nam do nằm ở độ cao 1600m so với mực nước biển. Dưới chân Thác Bạc là địa điểm lý tưởng cho những chú cá hồi sinh sống và phát triển tại Việt Nam. Đây là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao được người dân Sapa chế biến thành rất nhiều món ăn ngon đặc sản hấp dẫn thực khách trong chuyến du lịch Sapa của mình.

Đây là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao được người dân Sapa chế biến thành rất nhiều món ăn ngon đặc sản hấp dẫn
Xem thêm: Nên đi du lịch Sapa tự túc hay đi tour SapaCần chuẩn bị những gì khi đi tour du lịch Sapa 3 ngày 2 đêm

Đi du lịch Lào Cai đặc biệt là Sapa rất nhiều du khách đến đây không chỉ với mục đích ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp mà còn là để được khám phá ẩm thực đặc sắc của vùng đất này. Cá hồi là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của du khách khi muốn nếm thử hương vị của núi rừng Tây Bắc. Thịt cá hồi mang màu vàng ngả nghệ đặc trưng, thịt cá săn không có mỡ và mang vị ngọt đậm đà. Cá hồi thác Bạc được chế biến thành khá nhiều món ăn ngon cho thực khách đến Sapa thưởng thức như: lẩu cá hồi, gỏi cá hồi, sashimi phong cách Nhật Bản, cá hồi nướng than, cá hồi hấp xì dầu… Lựa chọn cá hồi chế biến theo phương thức nào tùy vào sở thích của bạn nhé!

Cá hồi là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của du khách khi muốn nếm thử hương vị của núi rừng Tây Bắc

3. Măng đắng Lào Cai

Nếu bạn là “fan cứng” của những món rau củ thì đến Tây Bắc nói chung hay Lào Cai nói riêng thì đừng bỏ qua món ăn mà rừng núi Tây Bắc dành tặng cho người dân bản địa và khách du lịch đó là măng đắng nhé! Ở Lào Cai, măng đắng xuất hiện gần như là quanh năm, đến mùa mưa thì măng phát triển nhanh hơn và có nhiều hơn.

Ở Lào Cai, măng đắng xuất hiện gần như là quanh năm, đến mùa mưa thì măng phát triển nhanh hơn và có nhiều hơn

Ở Lào Cai có 2 loại măng được ưa chuộng và chế biến thành rất nhiều món ăn ngon đó là măng vầu và măng sặt. Măng sặt nhỏ hơn có hình dáng thuôn dài, loại măng này sau khi hái về, bóc vỏ có thể chế biến luôn thành những món ăn ngon như: măng ngâm chua, măng xào với các loại thịt khác nhau. Măng vầu có hình dáng to hơn được đào sâu từ dưới lòng đất lên, vì măng to nên phải mất khá nhiều công sơ chế. Sau khi sơ chế thì măng đắng đặc sản ở Tây Bắc này được để muối chua ăn kèm cùng với nhiều món ăn và nấu cùng với vịt, ngan, sườn lợn rất hấp dẫn và kích thích vị giác.

Măng sặt nhỏ hơn có hình dáng thuôn dài, loại măng này sau khi hái về, bóc vỏ có thể chế biến luôn
Xem thêm: Một vài lưu ý bạn nên biết khi đi tour du lịch SapaCó 24h bạn sẽ làm gì khi đi du lịch Sapa?

Măng đắng được nhiều du khách yêu thích và mua về làm quà dành tặng cho người thân, bạn bè của mình. Bạn có thể mua măng tươi về tự sơ chế hoặc mua măng đã muối chua sẵn, măng khô về để thưởng thức sau chuyến du lịch Sapa nhé!

4. Thịt lợn cắp nách

Lợn cắp nách nghe cái tên có vẻ khá lạ lẫm, nhiều người thắc mắc lợn cắp nách là giống lợn nào, thực tế đây là giống lợn rừng được nuôi bằng cách thả rông mà đồng bào Thái, Mông, Dao ở Lào Cai yêu thích. Gọi là lợn cắp nách là bởi giống lợn này nhỏ thường chỉ khoảng 5 đến 7 kg là người dân đem bán, với cân nặng nhỏ bé nên đồng bào dân tộc có thể “cắp nách” dễ dàng nên cái tên lợn cắp nách cũng từ đó mà ra.

Lợn cắp nách là trải nghiệm ẩm thực mà bất cứ ai đến Sapa - Tây Bắc đều không nên bỏ qua

Lợn cắp nách đặc sản Lào Cai có hương vị thơm hơn, ngọt hơn, chắc hơn so với thịt lợn chúng ta ăn hằng ngày vì được nuôi thả rông. Đi du lịch Sapa Lào Cai rất nhiều du khách tìm kiếm món ăn đặc sản này để có trải nghiệm ẩm thực thú vị trong chuyến đi Tây Bắc của mình. Thịt lợn cắp nách dễ ăn và hợp khẩu vị của hầu hết thực khách đến Lào Cai. Lợn cắp nách được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon đặc sản như: lợn cắp nách quay, lợn cắp nách nướng, luộc hay lòng dồi lợn cắp nách cũng mang hương vị rất riêng gây thương nhớ cho du khách về Lào Cai sau chuyến đi Tây Bắc của mình.

Thịt lợn cắp nách dễ ăn và hợp khẩu vị của hầu hết thực khách đến Lào Cai.
Xem thêm: Những điều thú vị bạn chưa biết về du lịch Sapa 2023

Đến Sapa du khách thường chọn một mẹt lợn cắp nách 7 món khác nhau để thưởng thức đầy đủ nhất các cách chế biến của món ăn đặc sản này.

5. Đào Sapa, mận Bắc Hà

Vùng đất Tây Bắc Việt Nam nổi tiếng là nơi cung cấp những thức quả xứ lạnh tươi ngon cho các tình thành khác ở Việt Nam. Nhắc đến Sapa mà không nhắc đến hoa đào, mận thì quả là thiếu sót đáng tiếc. Đến Sapa mùa hè bạn sẽ có cơ hội được trải nghiệm hái quả đầy hấp dẫn và thường thức Đào, mận Sapa với giá rất rẻ, mua ngay tại vườn hay các khu chợ của thị trấn.

Nhắc đến Sapa mà không nhắc đến hoa đào, mận thì quả là thiếu sót đáng tiếc

Đào Sapa vào mùa thu hoạch chính khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm. Đào Sapa chắc chắn là cái tên quen thuộc với những tín đồ hoa quả. Đào Sapa có khá nhiều loại khác nhau như đào Vàng, đào Vân Nam, đào H’mông… to nhỏ đều có. Giới thiệu với du khách đến Sapa nhiều người gọi chung những giống đào này với cái tên thân thuộc đó là đào rọ. Vào mùa thu hoạch đào ở Sapa chín lúc lỉu trên cây, người dân thường hái rồi cho vào rọ đem bán nên cái tên “đào rọ” vì thế mà ra đời.

Đào Sapa vào mùa thu hoạch chính khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm.

Đào Sapa được trồng khắp mọi nơi, không sử dụng cách canh tác công nghiệp mà được thiên nhiên Sapa chăm chút bằng nên mang hương vị ngọt lành của thiên nhiên. Đến Sapa vào mùa đào bạn có thể mua đào ở khắp các nẻo đường hay đến tận vườn hái nhé!

Khoảng thời gian tháng 5 đến tháng 7 hàng năm là mùa mận Tam Hoa Bắc Hà - Lào Cai chín rộ

Mận Sapa nổi tiếng nhất đó là mận Tam Hoa Bắc Hà. Mận Tam Hoa Bắc Hà có vị ngọt thơm màu sắc bắt mắt hơn so với những loại mận khác. Mận Bắc Hà sinh trưởng phát triển tốt nhất ở cao nguyên Bắc Hà với độ cao trên dưới 1000m so với mực nước biển. Khoảng thời gian tháng 5 đến tháng 7 hàng năm là mùa mận Tam Hoa Bắc Hà - Lào Cai chín rộ. Mận Tâm Hoa là thức quả được người dân bắc bộ yêu thích và tìm kiếm mỗi khi mùa hè đến. Mận Sapa, Đào Sapa là thức quà được nhiều du khách lựa chọn khi đi du lịch Sapa vào mùa hè, đây cũng là món quà mà người nhận nào cùng sẽ vô cùng thích thú khi được biếu tặng đấy nhé!

Mận Sapa là thức quả ngon mà rất nhiều du khách chọn để thưởng thức và làm quà đem về

6. Cơm lam Lào Cai

Cơm Lam là món ăn không còn xa lạ đối với bất cứ ai đã từng đặt chân đến các vùng núi ở Việt Nam đặc biệt là vùng núi phía Bắc. Đây là món ăn đặc sản dân giã nhưng chưa bao giờ làm thực khách thất vọng hay thấy nhàm chán về món ăn này. Món ăn bình dị nhưng đậm chất tình Tây Bắc này được nấu bởi những hạt gạo được thu hoạch trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn ở Lào Cai. Hương vị hạt gạo Lào Cai cũng đậm chất núi rừng, dẻo thơm như cách đồng bào dân tộc bỏ rất nhiều công sức để có được những hạt gạo thơm ngon này.

Cơm Lam là món ăn không còn xa lạ đối với bất cứ ai đã từng đặt chân đến các vùng núi ở Việt Nam đặc biệt là vùng núi phía Bắc

Gạo sau khi vo được cho vào ống nứa rồi nướng trên bếp than hồng, cơm lam Lào Cai có hương thơm ngào ngạt, gạo dẻo và thơm đặc trưng của giống nếp hương hòa quyện cùng mùi thơm của nứa nướng than hồng. Nướng cơm lam cũng cần bàn tay khéo léo, chăm chỉ đảo ống nứa sao cho đều để không bị cháy, không bị sống. Điều đặc biệt là cơm lam để được lâu hơn so với cơm nấu ăn hằng ngày nên nhiều du khách chọn đây là món quà mang hương vị Tây Bắc đặc trưng để đem về tặng cho người thân, bạn bè của mình đấy.

Cơm lam Lào Cai có hương thơm ngào ngạt, gạo dẻo và thơm đặc trưng của giống nếp hương hòa quyện cùng mùi thơm của nứa nướng than hồng

Cơm Lam ở Lào Cai không chỉ là món ăn đặc sản thơm ngon mà còn mang trong mình và một vùng văn hóa, mang trong mình những điều chắt chiu tinh tế nhất của đất trời và đôi bàn tay cần cù khéo léo của đồng bào dân tộc sinh sống ở nơi đây. Cơm lam Lào Cai Tây Bắc được ăn cùng với thịt nướng, cá nướng, gà nướng hay chỉ chấm muối vừng cũng rất ngon.

Cơm lam Lào Cai Tây Bắc được ăn cùng với thịt nướng, cá nướng, gà nướng hay chỉ chấm muối vừng cũng rất ngon

7. Nấm hương rừng Sapa

Đến Lào Cai Tây Bắc nói chung và Sapa nói riêng thì nấm hương rừng là một loại đặc sản quý mà khách du lịch đến đây săn lùng và tìm mua rất nhiều. Nấm hương rừng Sapa trông khá giống với nấm hương thông thường nhưng nấm hương rừng Sapa có hương vị rất quyến rũ, rất ngon mà bất cứ ai thưởng thức qua đều không thể phủ nhật được đây là loại nấm rất ngon, rất đặc biệt.

Đến Lào Cai Tây Bắc nói chung và Sapa nói riêng thì nấm hương rừng là một loại đặc sản quý mà khách du lịch đến đây săn lùng và tìm mua rất nhiều

Nấm hương rừng Sapa thường không có nhiều nên giá bán cũng khá cao. Nếu bạn muốn mua về làm quà thì nên tìm đến những địa chỉ uy tín để tránh mua phải đồ kém chất lượng mà lại đắt nhé!

8. Thịt trâu gác bếp

Nhắc đến đặc sản Tây Bắc, Lào Cai mà không nhắc đến món thịt trâu gác bếp thì quả là một thiếu sót lớn. Thịt trâu gác bếp Tây Bắc nổi tiếng được khách du lịch đến Sapa yêu thích. Món thịt gác bếp này tương đối giống với thịt xông khói nhưng khác ở chỗ là người dân địa phương để rất lâu trên gác bếp để thịt trâu đủ độ khô và thấm gia vị đặc trưng. Đây là món ăn bắt nguồn từ đồng bào Thái Đen ở Lào Cai, người Thái Đen làm thịt trâu gác bếp để tiếp đãi khách vào những dịp đặc biệt hay lễ tết.

Thịt trâu gác bếp Tây Bắc nổi tiếng được khách du lịch đến Sapa yêu thích

Ngày nay thịt trâu gác bếp là món ăn được khách du lịch đến Lào Cai tìm kiếm để thưởng thức và mua về làm quà rất nhiều. Thịt trâu gác bếp đắt bởi để được thưởng thức hương vị truyền thống, đặc trưng của Tây Bắc này thì phải chờ đến rất nhiều tháng mới có thể đem ra thưởng thức được. Thịt trâu bên ngoài có màu nâu sẫm, khi xé từng thớ thịt ra thì bên trong là một màu hồng bắt mắt, nhìn rất hấp dẫn.

Thịt trâu bên ngoài có màu nâu sẫm, khi xé từng thớ thịt ra thì bên trong là một màu hồng bắt mắt, nhìn rất hấp dẫn.

Nếu là tín đồ của món ăn đặc sản Tây Bắc này chắc có lẽ bạn đã biết được thịt trâu gác bếp phải ăn thế nào mới ngon rồi phải không. Thịt trâu gác bếp đặc sản Lào Cai, Tây Bắc thường được xé nhỏ rồi chấm cùng nước chằm chéo, nhiều du khách lại thích chấm với muối ớt chanh, hoặc tương ớt nhưng dù chấm với loại gia vị nào thì cũng rất thơm ngon. Thịt trâu gác bếp còn có thể thưởng thức theo nhiều cách khác như luộc qua cho thịt mềm rồi thái nhỏ. Thịt trâu gác bếp có vị mặn hơi hắc và cay nên đối với nhiều người vị lạ này cần một thời gian để làm quen nhưng khi đã quen rồi thì đây là món ăn nhậu gây nghiện, càng ăn càng thích.

Thịt trâu gác bếp đặc sản Lào Cai, Tây Bắc thường được xé nhỏ rồi chấm cùng nước chằm chéo, nhiều du khách lại thích chấm với muối ớt chanh, hoặc tương ớt

Giá của thịt trâu gác bếp ở Lào Cai lên đến 800.000 đến 1.000.000đ/kg. Món ăn có giá đắt đỏ nhưng lại rất được yêu thích và ai đến Lào Cai cũng muốn thưởng thức hoặc mua về để ăn dần hay đem biếu tặng người thân bạn bè sau chuyến đi Lào Cai của mình.

II. Món ăn đặc sản Yên Bái - Tây Bắc

Yên Bái nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như những nấc thang lên thiên đường ở Mù Cang Chải. Những bản làng bình yên, văn hóa, phong tục tập quán đa dạng, phong phú lôi cuốn bước chân của những ai yêu thiên nhiên quê hương, đất nước, khám phá những điều mới mẻ, tìm hiểu về nét đẹp của người dân địa phương. Đến Yên Bái du khách còn được thưởng thức những món ăn ngon đặc sản Tây Bắc hấp dẫn sau đây.

9. Nhộng ong rừng

Đã đặt chân đến vùng đất Yên Bái, Tây Bắc chắc hẳn bạn đã được người dân địa phương giới thiệu món ăn đặc sản của vùng đất này đó là nhộng ong rừng. Ngoài mật ong rừng thì chuyến đi đến Yên Bái - Tây Bắc nói chung hay Mù Cang Chải nói riêng bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức món ăn đặc sản của núi rừng Tây Bắc này nhé!

Nhộng ong rừng là món ăn đặc sản Yên Bái Tây Bắc mà bạn không nên bỏ qua

Nhộng ong rừng là món ăn đặc sản theo mùa ở Yên Bái vì không phải mùa nào ong rừng cũng làm tổ và sinh sản. Khoảng thời gian bạn có thể thưởng thức món ăn đặc sản này của Yên Bái đó là khoảng tháng 4 đến tháng 8 hàng năm khi ong rừng bắt đầu làm tổ và sinh sản. Nhộng ong rừng là món ăn đặc sản quý hiếm của Yên Bái bởi phải rất khó khăn người dân địa phương mới có thể lấy được những con nhộng, ngon béo để chế biến thành đồ ăn. Có được những con nhộng rồi thì cách chế biến món ăn này để trông thơm ngon hấp dẫn hơn khá đơn giản.

Nhộng ong rừng là món ăn đặc sản quý hiếm của Yên Bái

Nhộng ong rừng - Yên Bái có thể chế biến thành khá nhiều món ăn ngon như: Nhộng ong rừng chiên giòn, nhộng ong rừng tẩm bột rán… Đối với người dân Yên Bái - Mù Cang Chải thì món ăn chế biến từ nhộng ong rừng được yêu thích nhất phải kể đến đó là nhộng ong rừng xào mùng. Người chế biến món ăn này phải khéo léo để không làm nát nhộng mà giữ nguyên được được con nhộng vàng ươm bắt mắt.

Nhộng ong rừng - Yên Bái có thể chế biến thành khá nhiều món ăn ngon

Gia vị không thể thiếu cho món ăn nhộng ong rừng đó là lá chanh. Thường thức nhộng ong rừng cùng với lá chanh rất hợp vị tạo cảm giác vừa thơm vừa béo ngậy không thể nào quên. Nhộng ong rừng xào lá chanh có thể dùng với cơm hoặc nhắm rượu đều rất hấp dẫn nhé! Chắc chắn món ăn này sẽ đem đến trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn trong chuyến du lịch đến Mù Cang Chải Yên Bái trong khoảng thời gian mùa hè nhé!

Gia vị không thể thiếu cho món ăn nhộng ong rừng đó là lá chanh

10. Bánh chưng đen Mường Lò

Bánh chưng đen là món đặc sản mang hương vị Tây Bắc tiếp theo ở Yên Bái mà bạn không nên bỏ lỡ trong chuyến đi của mình. Bánh chưng đen là món ăn được người dân tộc Thái sáng tạo ra được truyền dạy cho con cháu từ bao đời nay gìn giữ món ăn truyền thống này. Bánh chưng đen thường được người dân Yên Bái thưởng thức vào mỗi dịp tết đến, hương vị của món bánh chưng độc đáo này rất đặc biệt: mùi gạo, mùi than núc nác, hoa cây vừng đen, vị ngọt của gạo...Tất cả tạo nên một hương vị đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc và bàn tay cần cù khéo léo của người dân bản địa. Bánh được đồng bào dân tộc Thái nơi đây làm ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Món bánh chưng đen đặc sản này không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi khi xuân về của người dân tộc Thái.

Bánh chưng đen là món ăn được người dân tộc Thái sáng tạo ra được truyền dạy cho con cháu từ bao đời nay gìn giữ món ăn truyền thống này

Để làm nên một chiếc bánh chưng đen truyền thống, người Thái chọn lựa kỹ càng nguyên liệu: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô. Gạo nếp để gói bánh phải là nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ.

Để làm nên một chiếc bánh chưng đen truyền thống, người Thái chọn lựa kỹ càng nguyên liệu

Nhiều người thắc mắc đều là gạo nếp tại sao bánh chưng này lại có màu đen thì câu trả lời đó là người Thái lấy thân cây núc nác tước vỏ hoặc lấy hoa cây vừng đen để đốt thành than rồi giã thật mịn như bột rồi trộn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen rồi mới đem gói. Gói bánh chưng đen phải gói thủ công đun củi than to để giữ lửa tốt. Một nồi bánh chưng đen phải đun khoảng 6 đến 7 tiếng để chín đều.

Gói bánh chưng đen phải gói thủ công đun củi than to để giữ lửa tốt

Thưởng thức một miếng bánh, cảm nhận được hương vị thật đặc biệt, vị thơm của nếp, vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của nhân đỗ xanh, vị là lạ của cây rừng, vị ngọt làm thực khách như thưởng thức được cả mùi cỏ cây, ruộng đồng, đất trời và thiên nhiên nơi miền Tây Yên Bái.

11. Xôi ngũ sắc

Khu vực Mường Lò - Yên Bái được mệnh danh là “lòng chảo” của các tỉnh Tây Bắc. Đến đây bạn không chỉ được ngắm nhìn thiên nhiên Tây Bắc đẹp mộng mơ mà còn được thưởng thức món ăn đặc sản của núi rừng Bắc Bộ mà đặc trưng nhất, nổi tiếng nhất đó là xôi ngũ sắc ở Mường Lò. Món ăn bắt mắt mang hương vị thơm ngon, ngọt ngào, tinh túy, sự kết hợp của thiên nhiên và bàn tay chăm chỉ của con người.

Thưởng thức xôi ngũ sắc Mường Lò Yên Bái để thấy được hương vị thơm ngon và sự khéo léo của người dân địa phương nhé!

Nguyên liệu để làm nên món ăn ngon đặc sản này của Tây Bắc khá đặc biệt. Chọn nguyên liệu làm xôi ngũ sắc là công đoạn quan trọng quyết định khá nhiều đến hương vị và chất lượng món ăn nên phải chọn thật kỹ. Phải lựa chọn được loại gạo ngon thì xôi mới dẻo, thơm (gạo Tú Lệ; hạt to). Để tạo màu cho xôi thêm phần bắt mắt và có nhiều hương vị khác nhau người Yên Bái dùng các loại lá rừng để nhuộm màu gạo như: lá cẩm, củ nghệ, gấc chín…

Để tạo màu cho xôi thêm phần bắt mắt và có nhiều hương vị khác nhau người Yên Bái dùng các loại lá rừng để nhuộm màu gạo

Muốn mẻ xôi ngũ sắc thơm ngon, mang hương vị ngọt ngào hơn thì nước dùng để nấu xôi phải là nước suối tinh khiết. Phải khéo léo để lần lượt từng màu gạo lên nhau để màu xôi không bị lẫn lộn. Khi đồ xôi cũng phải canh lửa để cháy đều, phết một lớp mỡ gà lên bề mặt xôi để màu xôi bóng ngậy hơn.

Không chỉ là món ăn ngon đặc sản mà đối với người dân Mường Lò thì xôi ngũ sắc còn là món ăn gắn liền với rất nhiều ý nghĩa đặc biệt. Món ăn này tượng trưng cho thuyết âm dương ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Nếu xôi màu đỏ, mang ý nghĩa tượng trưng cho khát vọng cuộc sống, xôi màu tím, tượng trưng cho đất đai trù phú, quý giá, xôi màu vàng tượng trưng cho sự ấm no, phồn thịnh. Còn xôi màu xanh, tượng trưng cho cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng đại ngàn Tây Bắc. Xôi ngũ sắc Yên Bái thường được làm vào các dịp lễ hội lớn như: Lễ hội Lồng Tồng (cầu mùa), Tết Nguyên Đán, Tết Xíp Xí (14/7) … hay được làm tại các quán ăn để phục vụ khách du lịch thưởng thức đặc sản Tây Bắc

Xôi ngũ sắc Yên Bái thường được làm vào các dịp lễ hội lớn nhưng ngày nay được làm thường xuyên để phục vụ nhu cầu của du khách

12. Cá nướng Pa pỉnh tộp

Đến Yên Bái nếu có dịp đến thăm Mường Lò nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Thái thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức món cá nướng Pa Pỉnh Tộp nổi tiếng mà bất cứ ai đã từng thưởng thức đều không thể nào quên được hương vị thơm ngon, độc đáo của món ăn này. Tục ngữ Thái có câu: ''Cáy măn mọk má ha, Báu to Pa Pỉnh Tộp ma sú'', nghĩa là: ''Gà tơ tần đem đến, không bằng Pa Pỉnh Tộp đem cho''.

Cá nướng Pa pỉnh tộp là món ăn Tây Bắc bạn không nên bỏ qua khi đến Yên Bái

Cá nướng Pa Pỉnh Tộp là món ăn được người dân địa phương và cả khách du lịch đều vô cùng yêu thích không chỉ bởi hương vị thơm ngon mà cả cách chế biến món ăn tỉ mỉ và khéo léo. Ngay từ cách chọn nguyên liệu của người dân địa phương đã thấy được ẩn chứa một tâm huyết rất lớn cho món ăn này. Pa Pỉnh Tộp có thể làm từ bất cứ loại cá nước ngọt nào. Thế nhưng, để làm được món Pa Pỉnh Tộp thơm ngon, người Thái thường chọn loại cá suối (cá Sỉnh) hoặc cá chép thật béo và còn tươi sống.

Cá nướng Pa Pỉnh Tộp là món ăn được người dân địa phương và cả khách du lịch đều vô cùng yêu thích

Cá được dùng làm món cá nướng Pa Pỉnh Tộp còn tươi đem đi làm sạch, bên trong bụng cá được nhồi gia vị đặc trưng. Mổ cá cũng phải cần kỹ năng khá cầu kỳ Khi mổ cá phải dùng dao thật sắc, khía thẳng, dứt khoát để không làm nát cá. Sau khi bỏ mật cá bắt đầu ướp nhồi gia vị. Cá nướng Pa Pỉnh Tộp được ướp bằng bột khô nên khi nướng dậy mùi thơm quyến rũ, kích thích vị giác. Cá nướng được ướp đậm muối hơn, để khoảng 5 đến 10 phút rồi nhồi gia vị. Gia vị để nhồi vào bụng cá nướng Pa Pỉnh Tộp là những loại rau thơm thái nhỏ như: gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng, mầm măng của cây sa nhân.

Cá được dùng làm món cá nướng Pa Pỉnh Tộp còn tươi đem đi làm sạch, bên trong bụng cá được nhồi gia vị đặc trưng

Sau khi nhồi gia vị, cá được gấp úp đôi lại, xoa một lớp bột riềng và thính gạo ra ngoài vỏ cá rồi kẹp vào gắp nướng. Que nướng để nướng cá Pa Pỉnh Tộp là cây tre bương dày chẻ làm đôi, ba, bốn để kẹp cá. Sau đó phải nướng cá trên than của cây củi gỗ núi đá thì mới chuẩn vị thơm ngon và chín đều được. Cá nướng chín từ từ, nếu vội vàng để cá gần với lửa thì cá chín bên ngoài còn bên trong chưa chín đều sẽ không ngon.

Sau khi nhồi gia vị, cá được gấp úp đôi lại, xoa một lớp bột riềng và thính gạo ra ngoài vỏ cá rồi kẹp vào gắp nướng

Món ăn đặc sản Tây Bắc này cầu kỳ cho đến cách gỡ cá ra đĩa, người Thái ở Mường Lò dùng sợi chỉ vuốt dọc theo chiều gấp cá để cá được gỡ ra nguyên vẹn hình dáng, không bị vỡ, nát. Cá chín thơm lừng, hương vị của cá và các loại gia vị trong bụng cá. Màu sắc cá chín vàng ruộm rất bắt mắt. Thưởng thức món đặc sản cá nướng Pa Pỉnh Tộp trong chuyến đi Yên Bái - Tây Bắc bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, thơm của sả, riềng, rau thơm. Tất cả hòa quyện thành món ăn xứng danh đặc sản Tây Bắc nhất định phải thử khi đến Yên Bái du lịch.

Vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, thơm của sả, riềng, rau thơm khi thưởng thức cá nướng Pa Pỉnh Tộp

Cá nướng Pa Pỉnh Tộp thường được ăn cùng với cơm hay xôi dẻo. Cơm xôi ăn với ''Pa Pỉnh Tộp'' của người Thái cũng được ví như cơm tám nấu niêu đất ăn với cá bống kho của người miền xuôi vậy. Cá nướng Pa Pỉnh Tộp thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên không chỉ vì hương vị thơm ngon mà còn bởi đây là món ăn đậm đà bản sắc dân tộc của người Thái ở Mường Lò.

Cách chế biến món ăn đặc sản của người Mường Lò - Yên Bái Tây Bắc

Mỗi khi có khách quý tới nhà, chủ nhà ở Mường Lò thường sẽ mời và chia một phần ''Pa Pỉnh Tộp'' cho khách và mọi người với ý nghĩa: yêu quý mến khách và muốn gặp lại vì họ coi món "Pa Pỉnh Tộp" là một món ăn đặc biệt và sang trọng. Ngày nay món ''Pa Pỉnh Tộp'' của người Thái ở Mường Lò đã trở nên nổi tiếng và trở thành món ăn được du khách tìm kiếm để thưởng thức khi đến Mường Lò, Yên Bái.

13. Gà nướng lá mắc mật

Gà nướng mắc mật là món ăn đặc sản Yên Bái tiếp theo được rất nhiều người biết đến và yêu thích. Món gà nướng lá mắc mật nổi tiếng là bởi đây là món ăn hội tụ của rất nhiều hương vị. Gà được dùng để nướng là “gà chạy bộ” được người dân nuôi thả tại vườn, sau khi được làm sạch gà được nướng cùng với là mắc mật nên khi ăn có vị chua, ngọt thơm đặc trưng.

Gà nướng lá mắc mật nổi tiếng Tây Bắc

Gà nướng lá mắc mật thường được chấm với gia vị đặc sản của Tây Bắc nữa là chẩm chéo. Chẩm chéo là tên gọi cho một hỗn hợp gồm có tiết, gan gà, chanh ớt, tỏi, quả mắc khén nên. Gia vị vừa chua cay vừa có vị thanh nhẹ của mắc khén nên rất hợp với gà nướng, đã ăn là không muốn dừng lại. Bất cứ ai đến thăm Tây Bắc mà được thưởng thức gà nướng lá mắc mật chấm với chẳm chéo chắc sẽ không thể nào quên hương vị của món ăn đậm đà hương vị núi rừng của văn hóa đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc của tổ quốc.

Thưởng thức gà nướng lá mắc mật cũng những món ăn đặc sản Tây Bắc khác

Để có món gà nướng lá mắc mật thơm ngon thì cách chế biến món ăn cũng phải thật tỉ mỉ. Gà được làm sạch rồi nhồi lá mắc mật vào bụng, tẩm gia vị đặc trưng sau đó nướng trên bếp than. Than, củi dùng để nướng gà phải là loại than củi giữ nhiệt, không để nguội hay lửa cháy quá to, nướng từ từ để gà chín từ trong ra ngoài, mỡ gà chảy ra tự nhiên.

Để có món gà nướng lá mắc mật thơm ngon thì cách chế biến món ăn cũng phải thật tỉ mỉ

Khi gà chín, lớp da gà săn lại, vàng rộm ở bên ngoài và ngọt mềm ở bên trong, thơm ngậy mùi của tiêu rừng, của sả, của mắc khén. Khi ăn chấm cùng chằm chéo mới có thể cảm nhận được trọn vẹn món ăn.Tùy theo sở thích và món ăn mà người ta có thể pha chế chẳm chéo theo những cách riêng biệt. Mọi món ăn dù đơn giản nhất như măng rừng luộc mà được kèm với chẳm chéo đều trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Sức hấp dẫn của Gà nướng lá mắc mật

14. Dế chiên giòn

Đến Yên Bái nếu bạn là người yêu thích trải nghiệm ẩm thực mới lạ thì đừng quên món ăn đặc sản dế chiên giòn của người dân địa phương. Dế tuy là côn trùng và là món ăn không phổ biến ở các địa phương khác nhưng món ăn này khá hiếm và có giá trị dinh dưỡng rất cao. Nên đừng ngại mà hãy thưởng thức món ăn này để hành trình trải nghiệm ẩm thực Tây Bắc của bạn thêm phần phong phú, đa dạng nhé!

Đặc sản dế chiên giòn ở Yên Bái

Dế chiên giòn ở Yên Bái ngày càng nhận được nhiều sự yêu thích của khách du lịch đến với vùng đất Tây Bắc này. Để phục vụ nhu cầu thưởng thức món ăn ngày một tăng lên người dân địa phương đã tìm cách nuôi dế để thực khách có thể trải nghiệm món ăn này quanh năm. Thức ăn cho dế là cỏ sạch, rau khoai lang, rau sắn, rau muống nên dế là loài côn trùng rất lành. Để nuôi khoảng 1 tháng 10 ngày đến 1 tháng rưỡi là có thể đem chế biến thành món ăn ngon đặc sản cho du khách thưởng thức.

Dế chiên giòn ở Yên Bái ngày càng nhận được nhiều sự yêu thích của khách du lịch đến với vùng đất Tây Bắc

Chế biến dế cũng phải biết cách và cẩn thận để dế vừa sạch vừa giữ được hình dáng nguyên vẹn của nó. Chân có gai phải được bỏ, giữ lại phần chân trên khi chiên lên thì phần chân ăn rất giòn và ngon. Sau khi cắt chân thì ruột và túi hôi ở gáy gáy phải được loại bỏ. Sau khi làm sạch thì dế được rửa lại bằng nước sôi, hoặc nước măng chua rồi ướp với nước mắm, tiêu hành, tỏi, bột ngọt cho ngấm trước khi cho vào chảo dầu đã nóng già. Đợi dế chín vàng rồi vớt ra cho vào đĩa, rắc lên một ít lá chanh thái chỉ là hoàn thành món ăn đặc sản Yên Bái Tây Bắc.

Dế chiên giòn hấp dẫn

Món dế chiên có mùi thơm nồng đặc trưng hòa quyện với các loại gia vị. Khi ăn có vị bùi, ngọt, giòn rất lạ và cũng rất ngon. Món ăn này được cánh mày râu yêu thích và trở thành một trong những món nhậu đáng giá hoặc ăn với cơm trắng cũng rất ngon nữa. Ngoài chiên, dế mèn còn được chế biến thành một số món ăn thơm ngon khác như: rang muối ớt, nướng, chiên bơ, kho tiêu. Nếu có cơ hội thưởng thức bạn cũng nên thử qua hương vị của món ăn đậm đà bản sắc núi rừng Tây Bắc này nhé!

Món dế chiên có mùi thơm nồng đặc trưng hòa quyện với các loại gia vị. Khi ăn có vị bùi, ngọt, giòn rất lạ và cũng rất ngon

15. Lạp xưởng Yên Bái

Nếu Lào Cai nổi tiếng với đặc sản thịt trâu gác bếp thì Yên Bái cũng nổi danh với món ăn lạp xưởng gác bếp. Đây là món ăn đặc sản của người dân Yên Bái, tuy không đắt đỏ như thịt trâu gác bếp nhưng cũng mang trong mình tinh hoa ẩm thực của đồng bào dân tộc miền núi nơi đây. Sau khi lạp xưởng được gói lại thì phải treo lên bếp và nổi lửa hồng để miếng lạp xưởng được hơi khói mới. Lạp xưởng để trên gác bếp cả năm không hỏng và có thể thưởng thức sau vài tháng là ngon nhất.

Nếu Lào Cai nổi tiếng với đặc sản thịt trâu gác bếp thì Yên Bái cũng nổi danh với món ăn lạp xưởng gác bếp

Cách làm lạp xưởng có bí quyết riêng của người dân địa phương. Thịt ba chỉ được lựa chọn loại ngon sau đó thái nhỏ, nên với bột canh, tiêu, mật ong, đường, rượu trắng. Nhưng không phải cứ trộn hết vào với nhau là được mà để có những chiếc lạp xưởng ngon nhất thì gia vị nào cho trước, gia vị nào cho sau cũng cần phải thật cẩn thận. Không những thế còn phải chú ý đến thời gian tẩm ướp, độ to của lửa, không được để tắt bếp trong giai đoạn thịt lên men để chiếc lạp xưởng không bị hỏng, lên men hay bị hôi.

Lạp xưởng Yên Bái được nhiều du khách mua về làm quà

Nhiên liệu để sấy thịt và lạp xưởng cũng không đơn giản, phải là than hoa, bã mía, vỏ trấu, lá quế tươi, nếu là củi thì phải là thân cây quế, là thân tươi càng tốt. Phải làm điều này vì nếu sấy lạp xưởng bằng than tổ ong sẽ rất độc, còn than củi cũng có nhiều loại gỗ chứa chất độc nên phải thật cẩn thận để tránh khi ăn bị ngộ độc.

Đến Yên Bái - Tây Bắc bạn hãy thưởng thức món ăn đặc sản này để cảm nhận vị ngon và sự khác biệt so với lạp xưởng thông thường bạn mua ở chợ hay siêu thị nhé! Đây cũng là món đặc sản Yên Bái được nhiều du khách lựa chọn mua để làm quà cho người thân bạn bè.

Đi du lịch Yên Bái bạn đừng bỏ qua món ăn đặc sản này nhé!

16. Khoai tím Lục Yên

“Khi đi nhớ vợ thương con

Khi về nhớ củ khoai môn trên rừng”

Trên đây là 2 câu ca được nhắc đến đặc sản của vùng đất Lục Yên - Yên Bái. Khi rời khỏi vùng đất này, du khách vẫn thường nhắc tới bởi vẫn vương vấn hương vị bùi, béo, dẻo, bở và hương thơm đặc trưng của đặc sản khoai môn nơi đây. Khoai môn thì có ở rất nhiều nơi nhưng khoai môn tím ở Lục Yên khác với các giống khoai môn khác ở miền xuôi vì loại khoai này có thể chịu được hạn rất tốt, ít bị sâu bệnh và có thể trồng xen với các loại cây khác nên được người dân Lục Yên trồng rất nhiều, trở thành món ăn đặc sản và cũng là loài cây đem lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân bản địa.

Khoai tím Lục Yên nổi tiếng

Khoai môn tím Lục Yên trở thành món đặc sản được nhiều người yêu thích bởi hương vị của khoai môn ở đây ngon hơn, bùi hơn, thơm hơn so với khoai môn trồng ở trên đất ruộng miền xuôi. Thêm vào đó khoai môn Lục Yên lại mang sắc tím đặc trưng rất đẹp mắt.Người ta truyền rằng, giống khoai này xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi được du nhập về đất Lục Yên, trải qua thời gian dài được canh tác trên đất nương, do hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất này mà củ khoai nơi đây có được những hương vị đặc trưng riêng.

Thưởng thức khoai tím Lục Yên bạn sẽ nhớ mãi không quên

Đến Yên Bái mà được thưởng thức khoai môn Lục Yên chắc chắn sẽ không thể nào quên được hương vị dẻo thơm và màu sắc hấp dẫn của các món ăn được chế biến từ loại khoai đặc sản này. Khoai môn tím Lục Yên được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, đa dạng cho bạn thưởng thức như: khoai môn chiên, chè khoai môn, bánh khoai môn, xôi khoai môn, khoai môn hầm cùng xương, nấu canh… Nhiều du khách đến Yên Bái du lịch cũng tìm mua khoai môn Lục Yên về để ăn hay làm quà cho người thân, bạn bè của mình.

17. Bánh chuối Lục Yên

Bánh chuối Lục Yên là thức quà đặc sản Yên Bái nổi tiếng mà du khách đến đây thường mua làm quà cho người thân. Món bánh chuối Lục Yên phổ biến và được yêu thích là bởi chuối ở Lục Yên là một trong những giống cây trồng được trồng rất nhiều và giúp bà con nơi đây phát triển kinh tế. Từ những trái chuối chín vàng, bà con dân tộc Tày ở Lục Yên khéo léo chế biến thành món bánh chuối đặc sản. Bánh chuối lục yên có hương vị rất riêng, trở thành thức quà đặc sản của vùng đất này.

Bánh chuối Lục Yên Tây Bắc

Vị hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối. Lá gói bánh cũng từ lá chuối trong vườn, dây buộc bánh cũng từ dây chuối nên mỗi chiếc bánh đều đậm vị ngọt của chuối, hương thơm của lá, hấp dẫn vô cùng. Để làm được một chiếc bánh chuối thơm ngon, giữ được nguyên vẹn hương vị và màu bánh hấp dẫn thì bà con cũng phải mất khá nhiều công sức chuẩn bị và chế biến. Chuối chín được bóc vỏ, phơi khô rồi cất vào trong hũ đến khi làm bánh thì lấy ra ngâm nước nóng. Gạo ngâm 2 tiếng rồi đem xay thành bột, trộn với chuối khô cắt lát làm vỏ bánh.

Chuối là nông sản với giá trị kinh tế cao ở Lục Yên

Nhân bánh thường được cho thêm lạc, đường để hương vị bánh thêm phần hấp dẫn hơn. Bánh chuối Lục Yên khi hoàn thiện có thể nhìn thấy nguyên những lát chuối rất hấp dẫn. Mỗi dịp rằm tháng Giêng, hay rằm tháng Bảy, bà con người Tày ở đây thường làm bánh chuối để dâng cúng tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính của con cháu. Ngày nay món bánh chuối Lục Yên đã được du khách tìm mua khi đến Yên Bái du lịch để thưởng thức và làm quà cho người thân yêu của mình.

18. Chè Shan tuyết suối Giàng

Chè Shan tuyết suối Giàng là thức chè rất đặc biệt. Cây chè Shan tuyết ở Yên Bái là những cây chè cổ thụ thuộc xã Suối Giàng mọc tự nhiên trên dãy Hoàng Liên Sơn ở độ cao từ 1.300m đến 1.800m so với mực nước biển. Chè Shan Tuyết thường có tuổi thọ từ 100 đến 300 năm, sống trên địa hình cao quanh năm mây mù bao phủ. Người ta nói rằng đây là thủy tổ của chè trên thế giới. Ở xã Suối Giàng ước tính có khoảng 400 cây chè Shan Tuyết quý hiếm được Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Trên toàn xã có khoảng 40.000 cây chè Shan Tuyết mọc rải rác từ núi cao đến khe sâu trong rừng, cây chè cao gần chục mét, tán rộng cả chục mét vuông và có tuổi đời hàng vài trăm năm.

Chè Shan Tuyết là những cây chè cổ thụ sống ở Suối Giàng

Ở Yên Bái, nhiều xã vùng cao có chè cổ thụ thế nhưng chỉ ở xã Suối Giàng huyện Văn chân mới có chè shan tuyết ngon hơn cả. Vì hợp với khí hậu vùng cao nên cây chè Shan Tuyết ở đây người dân không cần chăm bón nhiều hay phun thuốc mà cây vẫn xanh tốt quanh năm. Chè Shan Tuyết quý hiếm lại rất ngon nên trở thành một thứ đặc sản nổi danh của Yên Bái nói chung và Suối Giàng nói riêng. Đi du lịch Yên Bái, rất nhiều du khách tìm mua chè Shan Tuyết để thưởng thức và làm quà biếu tặng rất giá trị và đáng đồng tiền vì chất lượng chè ngon tuyệt hảo.

Cây chè Shan Tuyết ở đây người dân không cần chăm bón nhiều hay phun thuốc mà cây vẫn xanh tốt quanh năm

Chè Shan Tuyết Suối Giàng được xếp đầu trong danh sách những loại chè ngon cho những tín đồ của chè Việt. Người ta vẫn hay nói rằng đây là giống chè “5 cực”. Đầu tiên là cái “cực khổ” khi thu hái chè, tiếp là “cực sạch” vì không sử dụng chất hóa học trong chăm bón, nữa là “cực hiếm”, “cực ngon” cuối cùng là “cực đắt” để xứng đáng với chất lượng chè hảo hạng này. Ngoài ra chè Shan Tuyết còn là loại chè “2 không” bởi người mua chè đôi khi “không uống” để đem biếu còn người được uống lại “không phải mua”. Nếu có dịp đến Yên Bái mà có người nhà sành chè, yêu chè thì còn gì quý hơn khi được nhận chè Shan Tuyết Suối Giàng từ người thân yêu phải không nào.

Chè Shan Tuyết Suối Giàng được xếp đầu trong danh sách những loại chè ngon cho những tín đồ của chè Việt.

III. Món ăn Hòa Bình - Tây Bắc

Hòa Bình - Tây Bắc là điểm đến không quá xa Hà Nội thế nhưng vẫn mang trong mình những nét đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Đến Hòa Bình du lịch đang ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách. Vậy đến đây bạn sẽ được trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn ra sao, hãy cùng khám phá nhé!

19. Thịt lợn muối chua

Thịt lợn muối chua là một trong những món đặc sản nổi tiếng nhất của Hòa Bình mà người ta thường tìm kiếm trong chuyến đi đến Mai Châu. Thịt lợn muối chua ở Hòa Bình - Tây Bắc là giống lợn miền núi với cách nuôi thả rông khác hoàn toàn với cách nuôi công nghiệp ở các khu vực đồng bằng. Do được thả và ăn những loại rau, cây rừng nên hương vị của thịt lợn Hòa Bình rất đặc biệt được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon mang nét đặc trưng của miền rừng núi như nướng, thui, gác bếp… Người dân Hòa Bình lại đặc biệt yêu thích món thịt lợn muối chua độc đáo đã thử là không thể nào quên, trở thành đặc sản nổi tiếng cho vùng đất Tây Bắc này.

Thịt lợn muối chua - Hòa Bình

Đây là món ăn được người dân tộc Mường sáng tạo nên, món ăn có cách chế biến khá cầu kỳ. Thịt lợn để muối chua được chọn là loại thịt chắc để muối không bị ướt. Thịt nhất định phải được lấy từ những chú lợn choai nuôi thả rông. Làm men thịt là công đoạn khó nhất làm nên hương vị thơm ngon cho món ăn đặc sản Tây Bắc này. Thịt sau khi thái được ướp muối, giềng khô đã giã nhỏ, trộn cùng rượu nếp cái hoa vàng và lá cây rừng, trộn đều tay để thịt ngấm gia vị.

Đây là món ăn được người dân tộc Mường sáng tạo nên, món ăn có cách chế biến khá cầu kỳ

Thịt sau khi ướp được đem ủ trong một cái bồ lót lá chuối bên dưới, một lớp thịt, một lớp là xen kẽ nhau đến khi đầy bồ. Bồ thịt muối sẽ được nén chặt rồi đặt lên gác bếp để 1 đến 2 tuần là thịt lên men đã ngầm đều các gia vị và có thể thưởng thức món ăn đặc sản thơm ngon của đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình. Thịt muối chua có màu vàng ươm của bột gạo, vị bùi của thịt và ngậy của bì, vị mặn của muối và thơm của thính, vị chua khi lên men của thịt. Tất cả tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng lại của món ăn mang đậm chất núi rừng Tây Bắc.

Đặc sản thịt lợn muối chua - Hòa Bình

Đồng bào Mường thường dùng lá mít, lá quế, lá trầu không để ăn kèm thịt muối chua tốt cho sức khỏe hơn. Thịt cuốn thịt cùng các loại lá đó, bạn sẽ cảm nhận được rất nhiều hương vị khác nhau, ăn rất lạ miệng. Chắc chắn thưởng thức thịt lợn muối chua Hòa Bình sẽ đem đến cho bạn trải nghiệm ẩm thực thú vị không thể nào quên.

20. Chả cuốn lá bưởi

Chả cuốn lá bưởi là món đặc sản của đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình, đây được coi là món ăn độc đáo mà du khách không nên bỏ qua trong chuyến đi đến vùng đất Tây Bắc này. Thường ở miền xuôi, lá bưởi chỉ được sử dụng để làm hương liệu hay xông hơi nhưng đối với người Mường thì đây lại là nguyên liệu nấu ăn tuyệt vời để có món chả cuốn lá bưởi rất hấp dẫn.

Chả cuốn lá bưởi là món đặc sản của đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình

Lá bưởi dùng để cuốn chả là loại lá bưởi vẫn đang độ non bánh tẻ có màu xanh bóng và dẻo. Không phải giống bưởi nào cũng có thể sử dụng lá để làm chả mà lá bưởi thích hợp nhất là lá bưởi ta, bưởi chua để có độ thơm nồng đặc trưng cho món ăn này. Thịt lợn để làm chả là thịt lợn đồng bào tự nuôi, chọn thịt ba chỉ có cả nạc cả mỡ. Lá bưởi được rửa sạch để ráo nước, thịt lợn băm nhuyễn trộn với hành củ, hạt dổi, hạt sẻng, các loại rau thơm nên với nước mắm, bột ngọt để 10 phút cho thấm gia vị rồi cuốn trong lá bưởi.

Lá bưởi dùng để cuốn chả là loại lá bưởi vẫn đang độ non bánh tẻ có màu xanh bóng và dẻo

Cuốn chả xong, miếng chả được kẹp vào phên, thanh tre nướng trên bếp than hồng. Khi nướng phải chú ý và khéo léo cho lá bưởi không bị cháy mà chuyển màu xám là món ăn đã hoàn thành. Chả cuốn lá bưởi mang hương vị độc đáo đậm đà và rất lạ miệng. Chả có vị thơm nồng, cay của lá bưởi, vị ngon ngọt từ thịt và các loại gia vị. Chả cuốn lá bưởi được ăn chấm với muối ớt hoặc hạt dổi nướng. Đã thưởng thức món ăn đặc sản Tây Bắc này thì không thể nào quên.

Chả có vị thơm nồng, cay của lá bưởi, vị ngon ngọt từ thịt và các loại gia vị 21. Thịt trâu lá lồm

Thịt trâu lá lồm là món ăn đặc sản ở Thung Nai, Hòa Bình. Đây cũng là món ăn được đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình sáng tạo nên, đến Hòa Bình du lịch không ít du khách hỏi thăm đến món ăn đặc sản này để thưởng thức hương vị của núi rừng Tây Bắc.

Thịt trâu lá lồm là món ăn đặc sản ở Thung Nai, Hòa Bình

Cách làm món thịt trâu lá lồm khá đơn giản. Thịt trâu được thui, cạo sạch rồi thái miếng nhỏ hầm trong nồi đất cho chín kỹ rồi giã lá lồm, nêm tấm gạo bò vào nồi hầm cùng thịt trâu. Món ăn hoàn thành khi bạn thấy tấm chín nở, sánh, thịt trâu nhừ và ngấm gia vị. Món ăn có hương vị rất lạ, có vị chua chua thanh thanh của lá lồm, thịt trâu chín mềm mà không có vị gây. Đây là món ăn dễ chế biến nhưng không phải cứ chế biến là ngon mà người dân địa phương có kinh nghiệm lựa chọn nguyên liệu mới có thể làm nên món ăn đặc sản mang hương vị đặc trưng truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.

Món ăn có hương vị rất lạ, có vị chua chua thanh thanh của lá lồm, thịt trâu chín mềm mà không có vị gây

Đến Hòa Bình du lịch, vừa thưởng thức món đặc sản thơm ngon lạ miệng vừa ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc mộng mơ vừa hùng vĩ thì quả thật là đáng một chuyến đi phải không nào.

22. Lợn mán thui luộc

Lợn mán thui thuộc cũng là món ăn ngon mà bạn nên thử khi đến với vùng đất Hòa Bình - Tây Bắc. Món ăn đặc sản này có cách chế biến rất hay ho. Lợn sau khi được làm sạch thì mang lên lửa thui, vừa thui vừa cạo lớp cháy bên ngoài để tạo được độ giòn và sắc vàng cho da lợn chứ không cạo lông ngay từ đầu. Đây là cách chế biến độc đáo mà người Mường vần truyền dạy cho con cháu để tạo nên sự khác biệt của món ăn đặc sản Tây Bắc này.

Thịt lợn mán thui luộc

Thui vàng xong, lợn được mang đi rửa sạch, xẻ miếng lớn đều nhau rồi luộc trên bếp than hồng. Thịt mán thui luộc phải được luộc trên bếp than, giữ lửa đều để món ăn chín hoàn hảo nhất. Thịt bắt đầu thơm là lúc chín tới và vớt ra ngay để giữ được vị ngọt và độ mềm cho thịt. Người Mường thường bày thịt mán thui luộc trên một lớp lá chuối để món ăn nổi bật và mang hương vị hòa quyện với thiên nhiên Tây Bắc.

Thưởng thức thịt lợn Mán thui luộc

Lợn mán thui luộc được chấm với muối hạt dổi nướng là chuẩn nhất để hương vị của món ăn đúng kiểu đặc sản núi rừng của Hòa Bình. Thịt mán thui luộc trông có vẻ không đặc biệt nhưng khi thưởng thức mới thấy được cái khác, cái ngon của món ăn đặc sản Tây Bắc này.

23. Măng chua nấu thịt gà

Măng chua nấu thịt gà là món ăn quen thuộc của người dân Hòa Bình. Đến Hòa Bình du lịch thưởng thức món ăn trong căn bếp của người dân địa phương sẽ là trải nghiệm ẩm thực hay ho mà bạn nên thử nhé!

Măng chua nấu thịt gà - đặc sản Hòa Bình

Măng để nấu với thịt gà ở Hòa Bình là măng giang. Sau khi hái trên rừng về, măng được thái nhỏ, ngâm nước sạch 1 ngày rồi được rửa sạch rồi ngâm tiếp với muối để lên men để măng có vị chua đặc trưng. Nước muối măng là nước suối ở Hòa Bình nên mang đậm hương vị của món ăn núi rừng Tây Bắc. Gà để nấu măng là loại gà đồi nên thịt săn chắc, thơm hơn so với gà được nuôi theo cách công nghiệp.

Măng để nấu với thịt gà ở Hòa Bình là măng giang

Gà được làm sạch, chặt miếng rồi ướp gia vị, măng chua cho ngấm. Hành được phi thơm rồi cho măng, thịt gà vào đảo đều đến khi săn lại. Tiếp theo cho thêm nước ngập thịt gà, đun lửa nhỏ cho đến khi gà chín mềm, tỏa hương thơm nức. Gia vị không thể thiếu làm nên hương vị của núi rừng Tây Bắc cho món ăn này đó là hạt dổi. Chỉ khi thưởng thức mới có thể cảm nhận hết được độ ngon và hấp dẫn của món đặc sản Hòa Bình này.

24. Rau rừng đồ

Đến Hòa Bình du lịch để có trải nghiệm ẩm thực trọn vẹn nhất thì không thể bỏ qua món ăn rau rừng đồ của người dân địa phương. Ở vùng đất Tây Bắc này có rất nhiều loại cây rừng mà người dân sử dụng như món rau ăn hằng ngày. Các loại rau rừng mà người dân địa phương thường ăn đó là: rau beo, rau tầm bóp, rau đốm, rau đu đủ, rau the hởi, hoa chuối, quả quạnh…

Rau rừng đồ Hòa Bình

Cách chế biến rau rừng cũng khá đơn giản, rau rửa sạch rồi đem đồ khoảng 30 đến 40 phút là chín. Rau rừng đồ thường được ăn kèm với bánh chưng, bánh dày, sắn để món ăn không bị ngấy. Rau rừng đồ được chấm với nước chấm rất lạ của người dân địa phương. Rau rừng có nhiều hương vị khác nhau như đắng, cay, ngọt, bùi nên rất lạ miệng. Đến Hòa Bình du lịch bạn đừng bỏ lỡ món ăn dân dã nhưng mang đậm chất núi rừng và văn hóa độc đáo của người dân bản địa nhé!

Rau rừng đồ chế biến đơn giản

25. Xôi nếp nương Mai Châu

Xôi nếp nương Mai Châu từ lâu đã rất nổi tiếng với khách du lịch đặt chân đến mảnh đất Hòa Bình - Tây Bắc. Xôi nếp nương Mai Châu có nhiều màu sắc hấp dẫn thường được đồng bào dân tộc chế biến vào những dịp đặc biệt như lễ tết, hội hè. Nhưng món ăn này nhận được nhiều cảm tình của khách du lịch nên được người dân làm thường xuyên hơn để phục vụ nhu cầu thưởng thức món ăn đặc sản của Mai Châu Hòa Bình này.

Xôi nếp nương Mai Châu từ lâu đã rất nổi tiếng với khách du lịch đặt chân đến mảnh đất Hòa Bình - Tây Bắc

Để làm nên màu sắc đa dạng cho món ăn đồng bào dân tộc sử dụng những nguyên liệu chắt lọc từ thiên nhiên mà không hề sử dụng phẩm màu nên mang theo hương vị của cả gạo nếp nương và nguyên liệu tạo màu rất hấp dẫn.

Xôi nếp nương

III. Món ăn Điện Biên - Tây Bắc

Vùng đất Điện Biên Tây Bắc gắn liền với chiến thắng lịch sử lừng lẫy năm châu của người Việt. Rất nhiều du khách đến đây để được tìm hiểu và cảm nhận được những gian khó của ông cha trong suốt những năm tháng tìm kiếm sự tự do cho dân tộc. Đến du lịch Điện Biên du khách còn được thưởng thức rất nhiều món ăn đặc sản mang hương vị núi rừng Tây Bắc. Cùng khám phá hành trình ẩm thực Tây Bắc tại Điện Biên nhé!

26. Thịt gà đen Tủa Chùa

Thịt gà đen Tủa Chùa là món ăn độc đáo đặc sản của Điện Biên được rất nhiều du khách biết đến. Món ăn này được đồng bào dân tộc H’mông ở Điện Biên truyền từ đời này qua đời khác. Giống gà để làm nên món ăn đặc sản này rất đặc biệt, đây là giống gà xương đen đặc hữu của đồng bào H’mông còn có tên gọi là Ka Đu.

Thịt gà đen Tủa Chùa là món ăn độc đáo đặc sản của Điện Biên được rất nhiều du khách biết đến

Người H’mông ở Điện Biên coi giống gà này là một tài sản quý của dân tộc mình, Ka Đu luôn có trong danh mục tài sản thừa kế, biếu tặng hay dựng vợ gả chồng của người dân H’mông. Giống gà này có da đen, mắt viền đen, vân thịt đen và phủ tạng, xương gà cũng đều là một màu đen rất đặc biệt. Thịt gà Ka Đu rất săn chắc vì được người H’mông nuôi thả. Trong thịt gà Ka Đu có hàm lượng glutamic và sắt cao gấp 2 lần so với gà bình thường và hàm lượng colesterol thấp nên rất tốt cho sức khỏe.

Người H’mông ở Điện Biên coi giống gà này là một tài sản quý của dân tộc mình

Gà đen Ka Đu được người H’mông nấu cháo cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, cho con bú. Xương gà được dùng để ngâm rượu hoặc nấu cao sử dụng cho người già, ốm yếu, chân tay run có tác dụng rất tốt. Đến với du lịch Điện Biên Phủ được thưởng thức gà đen Tủa Chùa chắc chắn là trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ trong chuyến đi của bạn đấy nhé, vừa ngon lại rất tốt cho sức khỏe.

27. Vịt om hoa chuối

Vịt om hoa chuối là món ăn quen thuộc của người dân Điện Biên mà bạn nên thưởng thức trong chuyến đi đến vùng đất Tây Bắc hào hùng này. Vịt om hoa chuối là một món ăn chắc chắn sẽ có trên mâm cơm đãi khách của mỗi gia đình. Nguồn gốc của món ăn đến từ sự sáng tạo và khéo léo của người phụ nữ Thái đảm đang.

Vịt om hoa chuối là món ăn quen thuộc của người dân Điện Biên

Ở Điện Biên, hầu hết các món ăn hấp hay om đều được gói kín trong lá chuối, lá dong. Vịt om hoa chuối cũng không ngoại lệ. Vịt om hoa chuối có cách chế biến đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Vịt được chọn phải là vịt ngon, sau khi được sơ chế sạch sẽ, chặt thành những miếng bé bé vừa ăn sẽ được ướp với các loại gia vị: muối, gừng, xả, ớt, bột ngọt cộng thêm vài quả mắc khén mới đúng vị rồi ướp trong khoảng 1 tiếng. Hoa chuối cùng được chọn những búp còn non, thái mỏng theo từng lát rồi ngâm ngay vào nước muối loãng cho hết nhựa rồi mới để ráo.

Ngày nay món ăn đơn giản cách chế biến hơn

Thịt vịt sau khi được tẩm ướp, trộn với hoa chuối rồi gói vào lá dong thật khéo đem om lửa nhỏ khoảng 3 tiếng là có thể thưởng thức được. Thịt vịt om hoa chuối của người Thái chín mềm ngấm đều gia vị và vị hoa chuối thanh mát chỉ cần bỏ lớp lá dong ra là tỏa hương thơm ngào ngạt kích thích vị giác. Khi thưởng thức, vị ngọt của thịt vịt, hơi chát của hoa chuối, thơm nồng của mắc khén, tất cả hòa quyện lại trong 1 món ăn mà ai ai thưởng thức cũng phải gật gù khen ngon.

28. Bắp cải cuốn nhót xanh

Bắp cải cuốn nhót xanh là món ăn mang hương vị núi rừng đậm chất Tây Bắc mà bạn nên thử trong chuyến tour Điện Biên của mình. Để làm món bắp cải cuốn nhót xanh thì người Thái ở Điện Biên lựa chọn những trái nhót không non quá cũng không già quá. Quả nhót phải thanh tân, xanh mướt, mềm mềm và chua rôn rốt.

Bắp cải cuốn nhót xanh là món ăn mang hương vị núi rừng đậm chất Tây Bắc mà bạn nên thử

Bắp cải cuốn nhót xanh không chỉ có bắp cải và nhót mà món ăn này còn được ăn kèm với rất nhiều loại rau gia vị khác như: cây tỏi tươi, gừng già, rau mùi, ớt đỏ. Vị chua chua của nhót được hòa tan trong vị cay nhặng nhặng của lá bắp cải, vị cay nồng của gừng, cay dịu của tỏi và cay xé lưỡi của những miếng ớt tươi được dầm đỏ trong bát chấm. Hương vị của bắp cải cuốn nhót xanh chắc chắn sẽ khiến những tín đồ ăn chua cay không thể nào quên được.

Món ăn dần phổ biến ở những thành phố lớn
Xem thêm: Có gì "hot" trong tour Điện Biện 3 ngày 2 đêm mà thu hút nhiều du khách ghé thăm

Nước chấm để làm nên món ăn mang hương vị Tây Bắc này cũng rất quan trọng. Ăn bắp cải cuốn nhót xanh thì phải chấm với chẳm chéo mới chuẩn hương vị của núi rừng Tây Bắc. Nếu có dịp đến Điện Biên thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức món bắp cải cuốn nhót xanh không lẫn vào đâu được của người Tây Bắc nhé!

Ăn bắp cải cuốn nhót xanh thì phải chấm với chẳm chéo mới chuẩn hương vị của núi rừng Tây Bắc

29. Rêu đá

Ẩm thực Tây Bắc luôn khiến thực khách trầm trồ ngạc nhiên về sự sáng tạo cách chế biến và cả nguyên liệu làm món ăn. Đặc sản rêu đá của Điện Biên là một trong những món ăn như thế. Nguyên liệu làm món ăn là rêu thường mọc bám vào các gờ đá trong lòng suối. Từ những đám rêu bám vào gờ đá nơi lòng suối, người Thái chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn bằng cách xào, hấp, luộc hay nướng, làm nộm đều rất hấp dẫn mà chỉ ở Tây Bắc mới có.

Rêu đá

Món ăn đặc sản này là món ăn có theo mùa của rêu đá từ tháng 9 âm lịch đến hết tháng 5 năm sau. Ở Điện Biên rêu đá thường có ở Tuần Giáo hay Mường Chà. Rêu mọc tự nhiên không có sự chăm bón của bàn tay con người. Nếu lấy được rêu non, đồng bào dân tộc Thái thường dùng để làm nộm. Rêu được rửa sạch, cho vào chõ đồ chín rồi trộn với súp, mì chính, gia vị (gừng, rau mùi, mắc khén, ớt), nộm ăn rất giòn và đậm vị.

Chế biến rêu đá

Rêu nướng là món ăn được yêu thích nhất với nguyên liệu là rêu đá. Đồng bào Thái dung rêu nướng bọc trong lá dong hoặc là chuối nướng với cá suối, thịt lợn, thịt gà, ớt. Nhiều nơi còn dùng ống nứa non nên rêu nướng có vị ngọt đặc trưng. Sau khi nướng rêu đá mỏng tang, giòn, và thơm ngon rất lạ và đặc biệt. Rêu nướng thường ăn với rượu sán lùng và xôi đồ. Ngoài là món ăn ngon thì rêu đá còn là món ăn tốt cho sức khỏe giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp…

Rêu nướng hấp dẫn

Rêu đá là món ăn không được bán ở các nhà hàng mà thường chỉ có ở những bản làng người Thái nên muốn thưởng thức món ăn đặc sản Tây Bắc này thì chỉ có đặt chân đến Điện Biên thôi nhé!

30. Rau hoa ban

Người ta biết đến hoa ban như một loài hoa đặc trưng cho xứ sở Tây Bắc - vẻ đẹp của hoa ban làm người ta nghĩ ngay đến những bản làng, những bộ váy xòe của đồng bào dân tộc thiểu số chứ ít ai biết đến món ăn được làm từ cây hoa ban - đặc sản của Tây Bắc. Sau mùa hoa ban nở là khoảng thời gian chồi non của cây bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Rau hoa ban là những búp ban mới mọc được đồng bào dân tộc Thái hái về, đem rửa sạch rồi muối chua gần giống như cách muối dưa chua của người miền xuôi.

Rau hoa ban Tây Bắc
Xem thêm: Hé lộ hành trình du lịch Điện Biên 3 ngày 2 đêm cực thú vị

Để thưởng thức món ăn đặc sản Tây Bắc này bạn đến khu chợ Mường Thanh ở Điện Biên hoặc tới thăm những bản làng người Thái ở Điện Biên sẽ được thưởng thức món ăn dân dã đặc sản mang nét đẹp văn hóa đặc trưng của Tây Bắc. Búp ban muối, ăn với cá sông Nậm Rốm kho thì ngon không gì sánh được

Để thưởng thức món ăn đặc sản Tây Bắc này bạn đến khu chợ Mường Thanh ở Điện Biên hoặc tới thăm những bản làng người Thái

31. Bánh Khẩu Xén

Bánh khẩu xén là loại bánh truyền thống của người Thái tại Điện Biên. Bánh này được làm từ gạo nếp, sắn tươi có nhiều màu sắc bắt mắt và mang hương vị đặc trưng của người Thái trắng tạo nên. Bánh Khẩu Xén được người Thái ở xã Mường Lay, Điện Biên chế biến mỗi dịp tết đến xuân về. Khẩu Xén - một loại bánh phồng cổ truyền dùng để đãi khách, làm quà biếu cho bà con, bạn bè từ phương xa tới chúc Tết mà người Thái ở Mường Lay vẫn gìn giữ cho đến tận ngày nay.

Bánh Khẩu Xén

Món bánh khẩu xén thường được cắt thành hình bình hành, đem rán lên nở phồng rất ngon mắt. Bánh ăn giòn tan có vị mặn, ngọt tùy theo sở thích của người chế biến nhưng vẫn không thể làm át đi được vị thơm của gạo nếp, sắn tươi là nguyên liệu chính để làm bánh. Bánh Khẩu Xén ngày nay đã trở thành món ăn đặc sản ở Điện Biên mà rất nhiều du khách đến đây tìm mua để thưởng thức và làm quà tặng cho người thân yêu, bạn bè sau chuyến đi Điện Biên của mình.

Bánh Khẩu Xén được dùng để làm quà

IV. Món ăn Sơn La - Tây Bắc

Sơn La là tỉnh thành Tây Bắc nổi tiếng với địa điểm du lịch hấp dẫn Mộc Châu. Vẻ đẹp của Mộc Châu thu hút đông đảo sự quan tâm và yêu thích của du khách khắp đất nước. Đến Mộc Châu du khách đều muốn được thưởng thức những món ăn đặc sản của Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung. Cùng tìm hiểu xem Sơn La có gì ngon nhé!

32. Gỏi cá Sơn La

Nghe danh đến các món Ăn Tây Bắc thì chắc hẳn bạn đã từng nghe đến món ăn gỏi cá của người Sơn La. Đây là món ăn ngon mà đồng bào dân tộc Thái thường dùng để đãi khách thể hiện sự yêu mến dành cho khách quý đến nhà. Món ăn này ngày nay trở nên phổ biến và có mặt ở rất nhiều nhà hàng ẩm thực Tây Bắc tại Sơn La nói riêng và khắp đất nước nói chung.

Gỏi cá Sơn La

Cá để làm món gỏi cá đặc sản Sơn La phải là cá được bắt từ suối, sông còn tươi và nước phải thật sạch để đảm bảo vệ sinh. Cá to thì được được lọc xương, tước da, thái lát mỏng rồi dùng giấy trắng để bọc thịt cho thấm chất tanh, làm khô thịt cá. Gia vị để ăn cùng với gỏi cá rất quan trọng. Nguyên liệu không thể thiếu cho món gỏi cá thơm ngon đó là hoa chuối. Ngoài ra còn có rất nhiều loại rau thơm, gia vị khác như rau mùi tàu, rau thơm, húng, mu chưn, ớt, tỏi, lạc rang giã nhỏ, nước măng chưng cất.

Thưởng thức món gỏi cá là thử thách lớn đối với rất nhiều du khách đến Tây Bắc vì là món cá sống. Nhưng đối với ai thưởng thức được thì đây lại là món ăn đặc sản ngon khó cưỡng mỗi khi đến Tây Bắc đều không thể bỏ qua.

33. Nậm Pịa

Nậm Pịa là một trong những món ăn đặc sản Tây Bắc nổi tiếng hàng đầu mà không phải ai cũng dám thử. Đây là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái tại Sơn La, được chế biến vào những dịp lễ tết, cưới hỏi, những bữa tiệc chiêu đãi khách đến nhà. Vì sao ít người dám thử món ăn này là bởi nguyên liệu làm Nậm Pịa rất đặc biệt. Tiết đông, bạc nhạc, sụn, đuôi, thịt, và lục phủ ngũ tạng của động vật ăn cỏ như lòng, gan, phổi, phèo thường là của bò, dê. Không chỉ có vậy nguyên liệu khiến món ăn này trở nên “kinh khủng” với nhiều người đó là “pịa”.

Nậm Pịa là một trong những món ăn đặc sản Tây Bắc nổi tiếng hàng đầu mà không phải ai cũng dám thử

“Pịa” thực chất là phân non, là chất sền sệt trong ruột non của các loài động vật ăn cỏ như bò, dê. Phong tục của người Thái mỗi khi mổ trâu, bò, dê thường là món nướng và Nậm Pịa là món đồ chấm thịt nướng để món ăn đặc biệt hơn mang hương vị đặc sản, truyền thống của người dân tộc Thái.

“Pịa” thực chất là phân non, là chất sền sệt trong ruột non của các loài động vật ăn cỏ như bò, dê

Nậm pịa không phải là một món dễ ăn. Nó có vị đắng của lòng và pịa cũng đắng, tuy nhiên sau khi ăn sẽ để lại vị ngọt trong cuống họng, nậm pịa cũng có vị cay cay của hạt mắc khén. Nậm pịa có tác dụng giải rượu rất tốt. Nếu là người dễ ăn thì bạn nên thử món ăn độc đáo này của người dân tộc Thái khi đến Sơn La du lịch nhé!

34. Cháo mắc nhung

Cháo mắc nhung là món cháo nghe rất lạ - đặc sản của núi rừng Sơn La. Món cháo này được chế biến từ quả mắc nhung nên cái tên này cũng là từ nguyên liệu tạo nên sức hấp dẫn của món ăn mà ra. Quả mắc nhung có màu xanh, cùng họ với cà chua. Trái của nó chỉ nhỏ bằng hạt đu đủ, có vị đắng pha trộn với ngọt và cay. Loại cây này rất phổ biến ở Sơn La, người dân địa phương thường sử dụng loại quả này để nấu cháo ăn rất ngon, rất hấp dẫn.

Cháo mắc nhung là món cháo nghe rất lạ - đặc sản của núi rừng Sơn La

Mùa quả mắc nhung là sau mùa gặt. Bà con ở Sơn La thường hái quả về rồi rửa sạch, chế biến khéo léo thành món ăn đặc sản Tây Bắc mà rất nhiều du khách đến Sơn La yêu thích. Cháo mắc nhung là món ăn làm từ quả mắc nhung nổi tiếng nhất.

Cháo mắc nhung bổ dưỡng

Nấu cháo mắc nhưng phải dùng loại gạo tẻ thơm, hoặc gạo tấm. Sau đó dùng thịt xương sườn lợn băm nhỏ đem nấu nhuyễn với tấm. Khi cháo chín tới thì cho quả mắc nhưng đã rửa sạch vào. Tiếp theo cho một ít gừng đập nhỏ, ớt nướng, sả và rồi khuấy đều.Vài phút, sau đó bắc ra là có ngay một nồi cháo mắc nhung thơm ngon, bổ dưỡng đã ăn là nhớ mãi không quên hương vị độc đáo này.

Cháo mắc nhung

35. Nộm da trâu

Nộm da trâu là món ăn đặc sản Sơn La tiếp theo mà bạn nên thử trong chuyến đi đến miền đất Tây Bắc này. Những miếng da trâu sau khi được lột, người Thái có cách chế biến vô cùng đặc biệt để tạo ra món ăn vừa tinh tế lại độc đáo và hấp dẫn. Nộm da trâu tuy không đòi hỏi sự cầu kỳ nhưng lại cần kiên trì, khéo léo. Da trâu vốn dĩ đã rất dày, cứng nên cần phải xử lý đúng cách. Có như vậy món ăn này mới mềm, không bị cứng. Để làm nộm, trước hết da trâu được nướng chín sau đó đem làm sạch. Trải qua bước nướng, da trâu sẽ có màu vàng ruộm vô cùng đẹp mắt.

Nộm da trâu

Ngoài da trâu là nguyên liệu chính thì người Thái làm nộm da trâu còn sử dụng nguyên liệu rất đa dạng như đậu phộng rang, ớt, gừng, rau mùi, hoa chuối, rau dớn, mắc khén … Thêm vào đó sẽ là nước măng chua sẽ được trộn cùng với món nộm này. Nước măng chua không chỉ khiến món ăn có độ chua vừa miệng và còn giúp da trâu giòn và mềm hơn.

Nộm da trâu

Nộm da trâu là món ăn vừa hấp dẫn về màu sắc lại lôi cuốn về mùi vị. Thưởng thức món Nộm da trâu trong chuyến đi đến Sơn La - Tây Bắc chắc chắn sẽ là trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ trong chuyến đi của bạn đấy nhé!

36. Bê chao Mộc Châu

Bê chao Mộc Châu là món ăn mà bất cứ ai đi du lịch Mộc Châu đều nghe danh đến. Hương vị món ăn vừa thơm ngon vừa mang đậm chất núi rừng Tây Bắc. Nguyên liệu để làm nên món ăn ngon đặc sản Sơn La này ngon nhất là bê đực khoảng 1 tuần tuổi, chưa từng ăn cỏ càng tốt bởi bê non chỉ bú sữa mẹ sẽ có vị thơm và mềm ngọt mà bê già tuổi hơn không thể nào có được.

Bê chao Mộc Châu - Sơn La - Tây Bắc

Bê được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon hấp dẫn như tái chanh, hấp, xào lăn … nhưng bê chao là món ăn ngon đặc sản Mộc Châu được yêu thích nhất. Thịt bê chao không được cháy quá ăn sẽ đắng. Thịt bê sau khi chao xong vẫn sẽ giữ lại được độ ngọt là ngon nhất. Đến Mộc Châu bạn sẽ thấy rất nhiều nhà hàng bê chao phục vụ thực khách món ăn nổi tiếng này.

Thưởng thức món ăn đặc sản của Mộc Châu

V. Món ăn Lai Châu - Tây Bắc

Đến Lai Châu thưởng thức những món ăn đặc sản Tây Bắc sẽ khiến chuyến đi của bạn không chỉ dừng lại ở việc được thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên mà sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều nếu được nếm thử hương vị đặc sản của núi rừng Tây Bắc

37. Cá bống vùi tro

Cá bống vùi tro là món ăn đặc sản Tây Bắc được khách du lịch yêu thích khi đến với Lai Châu. Món ăn ngon phải cầu kỳ từ khâu chuẩn bị nguyên liệu. Cá bống để làm món ăn đặc sản cá bống vùi tro phải là cá bắt được ở các con sông, suối tại Lai Châu. Để có được món cá bống vùi gio ngon và đẹp mắt phải trải qua khá nhiều bước: cá bống phải chọn con đều nhau, các loại gia vị sả, ớt, gừng, hạt tiêu, mắc khén … lá húng, và lá hom húng phải được băm nhỏ, lá dong phải là lá bánh tẻ, khổ to vừa không bị rách và rửa sạch để khô.

Cá bống sau khi ướp gia vị khoảng 15 đến 30 phút sẽ được gói khéo léo vào lá dong và vùi trong tro nóng khoảng 30 phút lật 1 lần, vài lần là cá chín.

Cá bống suối

Thưởng thức cá bống vùi tro bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc biệt của gia vị, vị ngậy của cá bống và mùi thơm nhẹ nhàng của lá dong nướng. Cá bống vùi tro mà ăn với cơm nóng, xôi hoặc nhắm rượu đều rất tuyệt.

Cá bống vùi tro

38. Nộm rau dớn

Rau dớn là món rau rất lạ, đặc sản của người Thái ở Lai Châu. Trong tiếng Thái người ra gọi món rau này là “pắc cút”, loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, mặt lá có màu xanh nhẵn. Rau dớn là rau rừng mọc ở ven bờ suối, khe suối chứ không được trồng nên là món đặc sản chỉ thấy ở Tây Bắc mà thôi.

Nộm rau dớn Sơn La

Đồng bào Thái hái những ngọn rau dớn cong non, rửa sạch, phơi nắng cho táu rồi cho rau vào chõ đồ xôi để đồ. sau khoảng thời gian 20 phút là rau chín và giữ được màu xanh bắt mắt. Khi rau đã đồ chín, bỏ rau vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Để một lúc cho rau thấm gia vị rồi cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể thưởng thức món ăn đặc sản của Tây Bắc.

Nộm rau dớn lạ miệng của Tây Bắc

Nộm rau dớn có mùi thơm đặc trưng của rau, vị bùi của rau vị chua ngọt cay cay của gia vị ăn rất ngon và nhớ mãi không quên.

39. Quả óc chó Sìn Hồ

Óc chó Sìn Hồ Lai Châu là thứ quả đặc sản mà rất nhiều người yêu thích. Không chỉ người đã từng đến Lai Châu mà ai đã từng được thưởng thức óc chó vẫn đặt mua để ăn hàng ngày. Đây là loại quả mang hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho não nên rất nhiều người yêu thích và tìm mua tận gốc khi đến Lai Châu du lịch.

Quả óc chó Sìn Hồ

Hạt óc chó ăn bùi và ngậy lại có vị thơm nên bất cứ ai thưởng thức đều không thể nào quên được hương vị đặc trưng của loại quả đặc sản Tây Bắc này. Đến Lai Châu du lịch bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức thứ quả ngon độc đáo này nhé!

Hạt óc chó ăn bùi và ngậy lại có vị thơm

40. Thịt lợn trộn lá chua

Thịt lợn trộn lá chua là món ăn độc đáo của Tây Bắc tiếp theo mà bạn nên thử khi đặt chân đến vùng đất Lai Châu. Thịt lợn ba chỉ sau khi luộc lên sẽ được trộn với lá chua và các loại gia vị tạo nên món ăn độc đáo chỉ có ở Tây Bắc.

Thịt lợn trộn lá chua

Lá chua là lá cây rừng mọc quanh năm ở Lai Châu. Người ta hái lá chua về giã nhỏ, cho thêm ớt, hạt dổi rồi trộn đều với miếng thịt ba chỉ thái nhỏ để món ăn thêm hương vị thơm ngon mà ăn lạ miệng không bị ngán. Đây là món ăn đặc sản của đồng bào Thái Trắng mà bạn nên thử khi đi du lịch Lai Châu.

41. Canh tiết lá đắng

Canh tiết lá đắng là món ăn chỉ có ở Lai Châu - Tây Bắc. Lá đắng là loại lá cây chỉ có ở Lai Châu và cũng là nguyên liệu chính để tạo nên sự khác biệt cho món ăn đặc sản Tây Bắc này.

Canh tiết lá đắng là món ăn chỉ có ở Lai Châu - Tây Bắc

Nấu canh tiết đắng không quá khó, cần có phổi lợn, tiết, rau thơm và lá đắng. Món ăn mang hương vị rất lạ nên nhiều người lần đầu ăn sẽ thấy hơi khó ăn một chút nhưng ăn quen thì lại mê cái vị đắng, tê tê của món ăn độc lạ này. Đến Lai Châu bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức món ăn đặc sản này nhé!

42. Măng nộm hoa ban

Nếu ghé đến thăm những bản làng của người Thái ở Lai Châu bạn sẽ được thưởng thức món ăn đặc sản nổi tiếng của người dân địa phương mà có đủ vị đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi đó là món măng nộm hoa ban. Nói tên món ăn này chắc bạn đã có thể tưởng tượng được nguyên liệu để chế biến món ăn này đó là măng và hoa ban.

Măng và hoa ban là nguyên liệu chính của món ăn đặc sản này

Măng để làm món nộm hoa ban ngon nhất đó là măng nứa hay măng đắng. Măng đắng thái nhỏ, ngâm nước muối khoảng 30 phút rồi luộc 2 lần, vớt ra để ráo. Còn măng nứa thì đem luộc rồi tước nhỏ. Hoa ban để làm nộm là những bông hoa tươi, ngắt lấy những cánh hoa dày là ngon nhất.

Nộm còn có cá suối, cá sau khi được nướng trên than củi, gỡ lấy thịt. Pha hỗn hợp nước trộn chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ. Sau cùng là trộn đều nước trộn với măng, hoa ban và cá là có thể thưởng thức món ăn đặc sản Tây Bắc hấp dẫn này rồi.

Măng trộn hoa ban là món ăn đặc sản Tây Bắc

Măng nộm hoa ban hương vị đặc trưng của núi rừng, du khách sẽ cảm nhận được vị đậm đà, thơm nồng của cá nướng, vị bùi bùi, ngầy ngậy của hoa ban, và đắng của măng tươi. Đến Lai Châu bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức món ăn ngon đặc sản này nhé!

Trên đây là tổng hợp 42 món ăn ngon đặc sản của vùng đất Tây Bắc đẹp mộng mơ lại hùng vĩ. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có những thông tin hữu ích trong hành trình khám phá ẩm thực Tây Bắc nhé! Chúc bạn có thật nhiều những chuyến đi thú vị và ý nghĩa có những trải nghiệm mới mẻ, đáng nhớ trong hành trình chinh phục những miền đất hứa của tổ quốc nhé!

Bài viết có liên quan:
Những quán ăn sáng ngon nên thử khi đi du lịch Sapa57 địa điểm du lịch ở Yên Bái đẹp và hùng vỹ nhất, có nơi giống hệt như Đà LạtĐặc sản Mộc Châu có gì: Top 15 đặc sản Mộc Châu vừa ăn, vừa mua về làm quà

Thanh Tuyền - Cattour.vn - Ảnh: Internet

Từ khóa » Cho Bố Xem ẩm Thực Tây Bắc