[47] Định Nghĩa Về Điều ước Quốc Tế Theo Luật Pháp Quốc Tế (bao ...
Có thể bạn quan tâm
Định nghĩa theo Công ước Viên năm 1969 và 1986 – Định nghĩa theo án lệ quốc tế – Định nghĩa theo pháp luật Việt Nam – Kết luận
Điều ước quốc tế là một trong các nguồn chính của luật pháp quốc tế và là nguồn quan trọng nhất xét về số lượng các quy phạm chứa đựng. Mặc dù chưa có thống kế chính xác nhưng có thể nói hiện đang tồn tại một số lượng khổng lồ các điều ước quốc tế trong luật pháp quốc tế. Riêng Việt Nam, chỉ trong giai đoạn 10 năm thực hiện Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2006 đã ký kết khoảng 2000 điều ước.[1] Định nghĩa về điều ước quốc tế đã được ghi nhận trong hai Công ước Viên năm 1969 và 1986. Từ góc độ nội luật pháp luật Việt Nam cũng có định nghĩa khá tương tự với định nghĩa của hai công ước trên. Tuy nhiên, trong các án lệ quốc tế các cơ quan tài phán không sử dụng định nghĩa của hai Công ước mà dùng tiêu chí khác. Bài viết này nhằm làm rõ sự khác nhau trong định nghĩa điều ước quốc tế từ ba góc độ – hai Công ước Viên, án lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam – qua đó làm sáng tỏ hơn bản chất pháp lý chung của điều ước quốc tế.
- Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 và 1986
Cho đến hiện nay có hai Công ước điều chỉnh quan hệ điều ước quốc tế trong luật pháp quốc tế, cụ thể Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 và Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế giữa quốc gia và tổ chức quốc tế và giữa các tổ chức quốc tế năm 1986 (gọi tắt là Công ước Viên 1969 và 1986). Công ước Viên năm 1969 đã có hiệu lực và chỉ giới hạn điều chỉnh quan hệ điều ước quốc tế giữa các quốc gia với nhau. Công ước Viên năm 1986 điều chỉnh quan hệ điều ước giữa một bên là tổ chức quốc tế và bên còn lại là quốc gia hoặc tổ chức quốc tế. Công ước Viên năm 1986 chưa có hiệu lực.
Định nghĩa điều ước quốc tế được ghi nhận tại Điều 2(1)(a) của hai Công ước trên, có gần như giống nhau trừ chủ thể ký kết điều ước quốc tế. Điều 2(1)(a) Công ước Viên năm 1969 quy định “Điều ước quốc tế là một thoả thuận bằng văn bản được ký kết giữa các quốc gia và chịu sự điều chỉnh của luật pháp quốc tế bất kể được chứa đựng trong một hay nhiều văn kiện có liên quan và tên gọi của chúng.” Công ước Viên năm 1986 chỉ mở rộng cụm từ “được ký kết giữa các quốc gia” thành “được ký kết (i) giữa một hay nhiều quốc gia với một hay nhiều tổ chức quốc tế, hoặc (ii) giữa các tổ chức quốc tế với nhau.” Định nghĩa của hai Công ước có thể được giải thích như sau:
Về chủ thể ký kết. Cả hai Công ước đều công nhận quốc gia có quyền năng ký kết điều ước quốc tế. Công ước Viên năm 1986 mở rộng thêm quyền năng này cho cả các tổ chức quốc tế liên chính phủ. Tuy nhiên, khác với quyền năng mang tính chất vốn có của các quốc gia dựa trên cơ sở chủ quyền, các tổ chức quốc tế có quyền năng trong giới hạn các quy định của từng tổ chức quốc tế.[2] Theo đó quyền năng ký kết điều ước quốc tế của từng tổ chức quốc tế sẽ khác nhau, theo nghĩa, có thể có tổ chức quốc tế có quyền năng ký nhiều loại điều ước quốc tế nhưng cũng có tổ chức quốc tế không có hoặc có rất ít quyền năng.
Về luật điều chỉnh. Hai Công ước đều ghi nhận luật điều chỉnh duy nhất của điều ước quốc tế là luật quốc tế. Điều ước quốc tế là một nguồn của luật pháp quốc tế, chứa đựng quyền và nghĩa vụ của các quốc gia do đó chỉ có thể được điều chỉnh bởi luật pháp quốc Nếu thoả thuận giữa các quốc gia hay tổ chức quốc tế mà ghi nhận luật điều chỉnh là một hệ thống pháp luật khác, ví dụ như pháp luật của một quốc gia nào đó, thì thoả thuận này không phải là điều ước quốc tế. Các thoả thuận giữa các quốc gia hay tổ chức quốc tế thường được mặc nhiên xem như chịu điều chỉnh của luật pháp quốc tế, trừ khi có quy định hay thoả thuận khác.
Về hình thức. Hai Công ước quy định điều ước quốc tế phải dưới hình thức văn bản. Tuy nhiên hai Công ước cũng không loại trừ điều ước quốc tế dưới hình thức phi-văn bản, như lời nói.[3] Ngoại trừ yêu cầu điều ước quốc tế bằng văn bản, hai Công ước không đặt ra các yêu cầu khác về hình thức mà quy định rất mở. Điều ước quốc tế có thể được ghi nhận trong một văn kiện (như các điều ước quốc tế chuẩn mực) hoặc trong nhiều văn kiện có liên quan (như các điều ước quốc tế hình thành qua việc trao đổi công hàm giữa hai nước). Tên gọi của điều ước quốc tế cũng không quan trọng, và thậm chí có thể không có tên gọi.
Trong quá trình soạn thoả dự thảo của Công ước Viên năm 1969 và 1986, có quan điểm trong cơ quan soạn thảo – Uỷ ban Luật pháp Quốc tế (ILC) của Liên hợp quốc – là nên ghi nhận yếu tố “ý định tạo ra nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế” vào định nghĩa điều ước. Cuối cùng ILC đã không ghi nhận vào câu chữ của dự thảo nhưng ghi chú rằng yếu tố ý định này được lồng trong nội hàm của cụm từ “chịu sự điều chỉnh của luật quốc tế”.[4]
- Án lệ quốc tế
Mặc dù định nghĩa điều ước quốc tế đã được ghi nhận trong hai Công ước Viên năm 1969 và 1986 nhưng các cơ quan tài phán thường không áp dụng trực tiếp định nghĩa này, và thậm chí không viện dẫn đến. Cho đến hiện nay có một số án lệ nổi bật mà trong đó các cơ quan tài phán quốc tế phải xem xét liệu một văn kiện nhất định có phải là điều ước quốc tế hay không. Ví dụ như văn kiện “thông cáo chung” sau cuộc gặp của hai thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ và Hi Lạp trong vụ Thềm lục địa Biển Aegen, “biên bản” cuộc gặp ba giữa ba ngoại trưởng Qatar, Bharain và Ảrập Saudi trong vụ Phân định biển và tranh chấp lãnh thổ giữa Qatar và Bharain, “Tuyên bố Maroua” về hoạch định biên giới được ký kết giữa nguyên thủ quốc gia hai nước nhưng không thông qua bất kỳ thủ tục phê chuẩn nào trong vụ Biên giới đất liền và trên biển giữa Cameroon và Nigeria, hay gần đây nhất là “Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông” (DOC) ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc năm 2002 trong Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.[5] Mỗi vụ kiện trên liên quan đến những văn kiện khác nhau; điểm chung duy nhất của các văn kiện này là không có hình thức một điều ước quốc tế chuẩn mực. Trong các án lệ trên các cơ quan tài phán quốc tế khá thống nhất trong việc áp dụng các tiêu chí nào để xác định bản chất pháp lý của văn kiện liên quan có phải là điều ước quốc tế hay không. Cụ thể:
Về hình thức. Các cơ quan tài phán không xem trọng hình thức và tên gọi của văn kiện liên quan. Hình thức hay tên gọi của văn kiện chưa bao giờ là yếu tố quan trọng trong xem xét của các cơ quan tài phán quốc tế. Điểm này giống với định nghĩa điều ước quốc tế trong hai Công ước Viên.
Tiêu chí quan trọng nhất được áp dụng. Các cơ quan tài phán khá thống nhất trong việc áp dụng tiêu chí “ý định của các bên”, theo đó các cơ quan tài phán sẽ xem xét bằng chứng để xác lập liệu các bên có ý định tạo ra quyền và nghĩa vụ pháp lý ràng buộc các bên thông qua văn kiện liên quan hay không. Các bằng chứng này thường là câu chữ của chính văn kiện và hoàn cảnh liên quan đến văn kiện đang được xem. Hoàn cảnh liên quan có thể trước, trong quá trình hoặc sau khi văn kiện ra đời. Toà trong tài trong Vụ kiện Biển Đông nêu rất rõ ràng rằng “Ý định rõ ràng [tạo ra quyền và nghĩa vụ pháp lý ràng buộc các bên] được xác định thông qua việc xem xét câu chữ thực sự của văn kiện và hoàn cảnh cụ thể ra đời của văn kiện đó. Hành vi liên quan của các bên liên quan đến văn kiện cũng hỗ trợ cho việc xác định bản chất pháp lý của văn kiện.”[6] Các bằng chứng này được xem xét một cách tổng thể để có thể đi đến kết luận, và tuỳ từng vụ việc mà sức nặng của bằng chứng khác nhau. Ví dụ như trong Vụ thềm lục địa Biển Aegean, trong khi câu chữ của “thông cáo chung” của hai thủ tướng ghi nhận rõ ràng cam kết của Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) vẫn kết luận văn kiện đó không là điều ước quốc tế. Lý do chính là các hành vi trước và sau khi “thông cáo chung” ra đời đều cho thấy rằng hai nước vẫn đang đàm phán về cam kết đó và chẳng có dấu hiệu cho thấy đã có cơ sở cho một cam kết tại thời điểm “thông cáo chung” được đưa ra.
Như đã đề cập ở trên, yếu tố ý định của các bên được ngầm trong cụm từ “chịu điều chỉnh của luật quốc tế” trong định nghĩa điều ước quốc tế của Công ước Viên năm 1969. Do đó thực chất các cơ quan tài phán không áp dụng tiêu chí nào bên ngoài định nghĩa của Công ước cả, mà chỉ làm nổi bật và trao cho yếu tố “ý định của các bên” vị thế của một tiêu chí quan trọng nhất. Có thể thấy việc làm nổi bật yếu tố ý định của các bên, cơ quan tài phán quốc tế đã đi thẳng vào bản chất pháp lý của điều ước quốc tế là một cam kết pháp lý thể hiện ý chí chung của các bên. Do đó cách tiếp cận này phù hợp hoàn toàn với bản chất của luật pháp quốc tế là được xây dựng dựa trên sự đồng ý của các chủ thể của luật pháp quốc tế – sự đồng ý tạo ra quyền và nghĩa vụ hay các quy định của luật pháp quốc tế, bất kể rõ ràng như thông qua điều ước quốc tế, hay ngầm định thông qua tập quán quốc tế hay các nguồn khác.
Nếu một văn kiện thoả mãn rằng có bằng chứng cho thấy các bên có ý định rõ ràng tạo ra quyền và nghĩa vụ pháp lý thông qua văn kiện đó, thì các yếu tố khác sẽ không có sức nặng quan trọng. Ví dụ như trong vụ Phân định biển và tranh chấp lãnh thổ giữa Qatar và Bharain hay vụ Biên giới đất liền và trên biển giữa Cameroon và Nigeria, Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) đã bác bỏ có lập luận rằng các văn kiện không có giá trị pháp lý bởi vì chúng chỉ được ký mà chưa được phê chuẩn theo quy định của luật pháp quốc gia.
- Pháp luật Việt Nam
Cho đến hiện nay định nghĩa điều ước quốc tế được ghi nhận trong 04 văn bản quy phạm pháp lý, cụ thể là Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1989, Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2006 và sau đó được thay thế bằng Luật điều ước quốc tế năm 2016. Định nghĩa đã có sự phát triển qua thời gian với bằng chứng là sự thay đổi qua bốn lần sửa đổi luật, đặc biệt là giữa luật năm 2006 và luật năm 2016, thể hiện nhận thức chính xác hơn về điều ước quốc tế nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung.
Pháp lệnh năm 1989 quy định ở Điều 1(1) rằng “Điều ước quốc tế của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm hiệp ước, công ước, định ước, hiệp định, nghị định thư, thoả thuận, công hàm trao đổi và các văn kiện pháp lý quốc tế khác ký kết giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hay nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế”. Đến Pháp lệnh năm 1998 quy định chi tiết hơn ở Điều 2(1) rằng “… điều ước quốc tế, là thoả thuận bằng văn bản được ký kết giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi như hiệp ước, công ước, định ước, hiệp định, nghị định thư, công hàm trao đổi và danh nghĩa ký kết quy định tại khoản 2 Điều 1 của Pháp lệnh này.”
Điều 2(1) của Luật năm 2006 quy định “Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.” Về cơ bản, cả ba văn bản quy phạm pháp luật trên đểu chỉ dựa vào yếu tố chủ thể ký kết làm căn cứ xác định điều ước quốc tế. Định nghĩa điều ước quốc tế đều có nội dung giống nhau chỉ thay đổi câu chữ.
Luật năm 2016 quy định “Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác” (Điều 2(1)).
Về cơ bản định nghĩa trong luật năm 2016 giữa nguyên nhiều câu chữ trong các luật cũ. Về chủ thể ký kết, cả hai luật đều ghi nhận rộng hơn hai Công ước Viên, bao gồm cả quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ và các chủ thể khác của pháp luật quốc tế.[7] Không có quy định giải thích rõ nội hàm của “các chủ thể khác của pháp luật quốc tế” theo luật năm 2006 hay “các chủ thể khác được công nhận là chủ thể của luật pháp quốc tế” theo luật năm 2016. Trong một bản dự thảo của luật năm 2016, Ban soạn thảo đã ghi nhận “các phong trào giải phóng dân tộc” là một trong các chủ thể ký kết nhưng sau đó đã loại bỏ.
Về luật điều chỉnh, luật năm 2006 không nhắc đến và đây là điểm khác quan trọng so với định nghĩa trong hai Công ước Viên. Luật năm 2016 đã bổ sung thiếu soát này, nhưng thay vì sử dụng cụm từ khá trừu tượng “chịu sự điều chỉnh của luật quốc tế”, luật sử dụng cụm từ “làm phát sinh, thay dổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ … theo pháp luật quốc tế.” Với sự bổ sung này, luật năm 2016 đã hoàn thiện định nghĩa điều ước trong pháp luật Việt Nam, ghi nhận đầy đủ các yếu tố quan trọng như trong hai Công ước Viên.
Về hình thức, cả hai luật đều quy định hình thức của điều ước quốc tế là bằng văn bản, không nhắc đến điều ước quốc tế bằng hình thức phi-văn bản. Do đó, có thể suy luận rằng các cam kết giữa Việt Nam và các nước bằng hình thức phi-văn bản sẽ không là điều ước quốc tế và không chịu điều chỉnh bởi luật này. Ví dụ như các cam kết có thể có giữa Việt Nam và các nước bằng lời nói trong các cuộc gặp giữa lãnh đạo nhà nước. Trên thực tế vấn đề này sẽ không gây khó khăn trên thực tế bởi lẻ các cam kết bằng lời nói sau đó thường được xác nhận lại bằng các ghi nhận bằng văn bản sau đó.
Có thể thấy với luật năm 2016 Việt Nam đã có một định nghĩa điều ước quốc tế cơ bản hoàn chỉnh. Mặc dù vậy, do không đi thẳng vào bản chất của điều ước quốc tế như cách tiếp cận của các cơ quan tài phán quốc tế do đó vẫn còn cần nghiên cứu để có bổ sung phù hợp trong tương lai, khi nhận thức về luật pháp quốc tế được nâng cao hơn.
Kết luận
Điều ước quốc tế là một trong các nguồn chính của luật pháp quốc tế và là nguồn phổ biến, quan trọng nhất. Mặc dù vậy cho đến nay chưa có bất kỳ định nghĩa thống nhất chung nào trong luật pháp quốc tế về điều ước quốc tế. Điều ước quốc tế được định nghĩa trong hai Công ước Viên năm 1969 và 1986, và lại được định nghĩa theo cách thức khác trong các án lệ quốc tế. Có thể đây chỉ là các cách tiếp cận, cách diễn đạt khác nhau của cùng một thứ, nhưng việc thiếu một định nghĩa được chấp nhận chung là một điều đáng tiếc. Pháp luật Việt Nam cũng đã có sự phát triển và ghi nhận định nghĩa điều ước quốc tế đầy đủ hơn, bám sát vào định nghĩa trong hai Công ước Viên. Tuy nhiên định nghĩa này lại không bao hàm được cách tiếp cận trong các án lệ quốc tế.
Trần H. D. Minh
Xem thêm các bài về luật điều ước quốc tế:
- Giới thiệu chung về Công ước Viên năm 1969
- Quyền năng và thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế
- Các bước ký kết điều ước quốc tế
- Bảo lưu điều ước quốc tế (xem thêm Thực tiễn bảo lưu điều ước của Việt Nam)
- Hiệu lực của điều ước quốc tế
- Áp dụng các điều ước quốc tế cùng điều chỉnh một vấn đề (xung đột điều ước)
- Hiệu lực pháp lí và việc áp dụng điều ước ở Việt Nam
- Thực tiễn áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế tại Việt Nam
- Sửa đổi và bổ sung điều ước
- Vô hiệu điều ước
- Huỷ bỏ, đình chỉ thi hành điều ước
- Các bài về Giải thích điều ước quốc tế: Công ước Viên 1969: Giải thích điều ước quốc tế; Các cách tiếp cận về giải thích điều ước quốc tế ngoài Công ước Viên 1969; và Thẩm quyền giải thích điều ước quốc tế.
Eng: Definition of treaties in international law and Vietnamese law. The definitions in VCLT 1969 and 1986 will be discussed on subjects having capacity to conclude treaties, governing law and formality. Then they will compare with the test actually applied by international courts and tribunals – the test of intention of states to create rights and obligations. The definition in Vietnam Law on treaties, one in 2006 and another in 2016, will be looked at.
—————————————————————
[1] Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), số 573/TTr-CP, ngày 26/10/2015, xem tại http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1142&TabIndex=2&TaiLieuID=2303
[2] Công ước Viên năm 1986, Điều 6.
[3] Công ước Viên năm 1969, Điều 3; Công ước Viên năm 1986, Điều 3. Xem thêm “Thoả thuận bằng lời nói”/ “Oral agreement” trong Anthony Aust, Modern Treaty Law and Practice (Cambridge University Press 2002) 7.
[4] ILC, Draft Articles on the Law of Treaties with commentary, in trong ILC, Yearbook of the International Law Commission, 1966, vol. II (United Nations 1967) 189 [6].
[5] Vụ Thềm lục địa Biển Aegean (Hi Lạp v. Thổ NHĩ Kỳ) [1978] (Phán quyết) ICJ [96]; Vụ Phân định biển và tranh chấp lãnh thổ giữa Qatar và Bharain (Qatar v. Bharain) [1994] (Phán quyết về thẩm quyền và điều kiện thụ lý) ICJ [23]-[29]; Vụ Biên giới đất liền và trên biển (Cameroon v. Nigeria) [2002] (Phán quyết) ICJ [258], [262]-[263]; Vụ kiện Biển Đông (Philippines v. Trung Quốc) [2015] (Phán quyết về thẩm quyền và điều kiện thụ lý) Toà trọng tài [212] – [219].
[6] Vụ kiện Biển Đông (Philippines v. Trung Quốc), như trên, [213].
[7] Hai Công ước Viên cũng đã ngầm thừa nhận sự tồn tại của điều ước quốc tế giữa “các chủ thể khác của luật quốc tế”, xem Điều 3 chung của hai Công ước.
Chia sẻ:
- Tweet
Từ khóa » Ví Dụ Về Thực Hiện điều ước Quốc Tế
-
Điều 5.X.2.9: Áp Dụng Điều ước Quốc Tế
-
Điều ước Quốc Tế Là Gì? Đặc điểm Của điều ước Quốc Tế?
-
Phương Thức Thực Hiện điều ước Quốc Tế Thông Qua áp Dụng Trực ...
-
Khái Niệm Luật điều ước Quốc Tế Là Gì ? Nguồn Của ... - Luật Minh Khuê
-
Điều ước Quốc Tế Là Gì? Đặc điểm, Vai Trò Và Hiệu Lực Của điều ước ...
-
Điều ước Quốc Tế Là Gì?? Quy định Chung Về điều ước Quốc Tế?
-
Điều ước Quốc Tế – Wikipedia Tiếng Việt
-
Điều ước Quốc Tế Là Gì? Đặc điểm Và Phân Loại Điều ước Quốc Tế
-
[DOC] Điều ước Quốc Tế Mà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Là ...
-
Sự Hình Thành Tập Quán Quốc Tế :: Đoàn Luật Sư Tp. Hồ Chí Minh
-
[PDF] Bảo Lưu Và Tuyên Bô' Trong điều ước Quôc Tê'
-
[PDF] BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA LUẬT KÝ KẾT, GIA NHẬP VÀ ...
-
Các Quy Tắc Về Lựa Chọn Pháp Luật áp Dụng Trong Hợp đồng Thương ...
-
Thực Trạng Và Nhu Cầu Ký Kết, Gia Nhập Các điều ước Quốc Tế Về ...