5 Câu Hỏi Thường Gặp Về Tật Khúc Xạ - Kính Mắt Đăng Quang

1. Thưa BS, chúng ta ngầm hiểu cận là gần và cận thị là nhìn gần. Còn về chuyên môn Cận thị là gì? BS có thể giải thích cụ thể để mọi người hiểu rõ hơn không? ▪️Trả lời: Mắt người được ví như máy ảnh, hình ảnh rõ nét khi ảnh của vật hội tụ ở võng mạc. Nếu hình ảnh hội tụ trước võng mạc được gọi là cận thị. Tật khúc xạ là tình trạng mà hình ảnh của vật không hội tụ đúng trên võng mạc. Tật khúc xạ bao gồm: cận thị, viễn thị và loạn thị. Loạn thị có thể phối hợp với cận hoặc viễn thị mà người ta thường gọi là cận loạn hoặc viễn loạn. Trong các loại tật khúc xạ nêu trên thì cận thị là phổ biến nhất. Cận thị xảy ra khi hình ảnh của vật hội tụ phía trước của võng mạc. Khi đưa vật lại gần mắt thì ảnh sẽ lùi về sau. Khi ảnh lùi về đúng võng mạc thì bệnh nhân nhìn rõ. Do vậy, mắt cận thị chỉ nhìn rõ khi vật gần mắt.

2. Do điều kiện học tập, các em phải dành nhiều thời gian trong ngày để nhìn đọc nên thị lực bị ảnh hưởng như lời BS vừa giải thích. Theo nhận định của BS thì tình trạng cận thị học đường hiện nay diễn ra như thế nào? ▪️Trả lời: Có 02 yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện và gia tăng của cận thị đó là: yếu tố di truyền, yếu tố môi trường. Theo một nghiên cứu ở học sinh đầu cấp hai tại nội và ngoại thành của TP.HCM thì tỉ lệ các em bị cận thị ở cùng cấp lớp của các em ở nội thành cao hơn ở ngoại thành và ngay trong nội thành thì tỉ lệ cận thị của các em ở lớp chuyên sẽ cao hơn các em ở lớp thường.Điều này nói lên là: thời gian và cường độ làm việc gần có ảnh hưởng đáng kể đến việc xuất hiện và gia tăng cận thị. Cũng theo lý luận trên thì trong điều kiện của xã hội hiện đại khi các em dành nhiều thời gian cho học tập và học thêm cộng với việc giải trí là: xem phim và chơi game nhưng ít có các hoạt động ngoài trời. Điều này là những yếu tố môi trường tác động không nhỏ lên hệ thống thị giác. Những hoạt động thị giác nhìn gần càng căng thẳng, kéo dài thiếu nghỉ ngơi có thể làm cận thị xuất hiện và phát triển.

3. Tâm lý của các em là thích đọc sách, báo, xem TV, chơi game với nhiều thời gian trong ngày, nếu các bậc phụ huynh không can thiệp. Vậy có phải do khi còn nhỏ thường xuyên nhìn gần mà dẫn đến bị cận thị không, thưa BS? (Nguyên nhân gây cận thị là gì?) ▪️Trả lời: (Câu hỏi này có cùng câu trả lời với câu trên) Như đã nêu trên, có 02 yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện và gia tăng của cận thị đó là: yếu tố di truyền, yếu tố môi trường. Tuy nhiên, cận thị xuất hiện trong thời gian đi học thường là cận thị nhẹ, còn gọi là cận thị học đường. Loại này thường được coi là tật chứ không phải bệnh. Yếu tố di truyền và yếu tố nhìn gần là: hai cơ chế giả định của việc xuất hiện cận thị vì nguyên nhân gây xuất hiện cận thị là một có cơ chế phức tạp và có yếu tố chưa xác định rõ.

4. Theo thông tin mà TT có được là Thị lực có thể phục hồi nếu tình trạng thị lực được điều trị khi trẻ dưới 06 tuổi có thị lực yếu. Do vậy phát hiện sớm để được điều trị kịp thời về thị lực là rất quan trọng. Vậy có những biểu hiện như thế nào để biết con mình bị cận thị, thưa BS? ▪️Trả lời: Theo ý chúng tôi hiểu thì ý phóng viên muốn nhắc tới tình trạng nhược thị. Nhược thị là tình trạng giảm thị lực không do bệnh lý và sau khi đeo kính đúng độ mắt vẫn không đạt được thị lực tối đa. Một nguyên nhân thông thường của nhược thị là: do tật khúc xạ nặng hoặc do bất đồng khúc xạ nặng (một mắt có độ nặng và mắt kia có độ nhẹ). Đúng như phóng viên nói: nhược thị được điều trị thành công khi trẻ được đeo kính đúng và đeo kính sớm (lý tưởng là trước 07 tuổi). Điều quan trọng là chúng ta cần phát hiện ra những em có tật khúc xạ để cho các em đeo kính sớm, nhất là các em có tật khúc xạ nặng và bất đồng khúc xạ nặng. Những dấu hiệu sau đây là những dấu hiệu của các em mắc tật khúc xạ. Ở nhà, trẻ thường ngồi quá gần khi xem TV hoặc đểtruyện gần sát mắt khi đọc. Trẻ hay nheo mắt, nhắm 01 mắt hoặc có tư thế (nghiêng đầu, liếc mắt…) khi xem TV hay nhìn vật gì. Tại lớp, trẻ hay chạy lại gần bảng mới thấy chữ hoặc chép bài của bạn bên cạnh. Kết quả học tập giảm sút, thầy cô phát hiện trẻhay chép bài sai hoặc viết chữ sai. Đọc chữ hay bị nhảy hàng, phải dùng ngón tay để dò theo các chữ khi đọc. Trẻ thường hay dụi mắt mặc dù các em không buồn ngủ. Trẻ thường hay mỏi mắt, nhức đầu, chảy nước mắt và đôi khi các em sợ ánh sáng hoặc chói mắt. Trẻ thường không thích các hoạt động liên quan tới thị giác gần như: vẽ hình, tô màuhay tập đọc hoặc các hoạt động liên quan tới thị giác xa như chơi ném bóng… Đối với trẻ nhỏ, khi trẻ xem TV thì các em có thể che luân phiên từng mắt để phát hiện tình trạng trẻ bị yếu 01 mắt (ví dụ: nếu ta che đúng mắt tốt của trẻ thì trẻ sẽ nghiêng đầu hoặc kéo tay ra…). Trẻ có dấu hiệu lé mắt (01 mắt có tròng đen lệch ra ngoài hoặc vào trong…), ta cần đưa trẻ đi khám bệnh sớm vì lé mắt chỉ được điều trị hữu hiệu khi được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

5. Như chúng ta đã thấy hiện nay, tình trạng trẻ em bị cận thị rất là nhiều, thậm chí có những em mới đi mẫu giáo mà đã mang kính rất dày. BS vui lòng cho biết mắt bị cận bao nhiêu độ được coi là cận thị nhẹ và ngược lại được xếp vào cận thị nặng, hay nói chính xác bệnh cận thị là gì? ▪️Trả lời: Có nhiều loại cận thị và cận thị được phân loại theo độ như sau: Cận nhẹ(< -3.00D) Cận trung bình (-3.00D đến -6.00D) Cận nặng (> -6.00D) Độ cận thường không tăng sau tuổi trường thành. Không có thoái hóa ở nhãn cầu (võng mạc). Cận thị bệnh lý hay cận thị nặng có độ cận > -6.00D. Đây là loại cận thị có kèm theo thoái hóa bán phần sau của nhãn cầu.

Từ khóa » Các Câu Hỏi Về Loạn Thị