5 CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG LAY ĐỘNG TRÁI TIM PHÁI ĐẸP

Những người phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày nay ngày càng có nhiều đóng góp tài năng, trí tuệ, công sức lao động trong nhiều lĩnh vực của xã hội. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Elite PR School gửi đến các bạn, đặc biệt là phái đẹp những chiến dịch truyền thông để lại nhiều cảm xúc nhất.

1. Dove – Real Beauty

Phụ nữ thường không có cái nhìn tích cực về vẻ đẹp của họ và luôn tự đánh giá thấp bản thân mình. Hiểu được điều đó, Dove đã thực hiện chiến dịch “Real Beauty – Vẻ đẹp thực sự” trên quy mô toàn cầu, khuyến khích lòng tự tôn của phụ nữ với phong trào Dove Movement for Self-Esteem (Phong trào Dove vì sự tự tôn của phụ nữ).

Nhờ video “Real Beauty Sketches”, chiến dịch đã chạm đến trái tim của hàng trăm triệu phụ nữ trên khắp thế giới và trở thành video được lan truyền nhiều nhất mọi thời đại với 114 triệu lượt view, 3.74 triệu lượt chia sẻ chỉ sau một tháng ra mắt.

Video clip ghi lại câu chuyện về một số phụ nữ trẻ tự miêu tả gương mặt mình để một nghệ sĩ pháp y của FBI (ngồi sau tấm màn) phác hoạ chân dung. Sau đó, gương mặt họ sẽ được người thứ ba miêu tả để nghệ sĩ này lại phác họa thành một bức chân dung khác. Cuộc thử nghiệm cho thấy có sự khác biệt lớn giữa hai bản vẽ chân dung của những người phụ nữ, một tác phẩm do họ tự hình dung về mình so với một tác phẩm được người khác mô tả lại.

Đây là một thử nghiệm xã hội dựa trên sự thấu hiểu tâm lý, rằng chính người phụ nữ có xu hướng nhận xét tiêu cực về ngoại hình của bản thân hơn người ngoài; tâm lý này gây ra áp lực khiến họ trở nên mất tự tin vào vẻ ngoài của mình. 

Cuộc thử nghiệm đã tạo ra sự đồng cảm mạnh mẽ với công chúng, đặc biệt là phụ nữ. Điểm sáng của video “Real Beauty Sketches” chính là sự thấu hiểu tâm lý sâu sắc – vẻ đẹp thực ra không nằm ở mắt người nhìn, mà nằm ở trái tim và thần thái của chính người phụ nữ. Chiến dịch Real Beauty của Dove góp phần khẳng định rằng, phụ nữ đẹp khi họ tự tin vào chính mình.

Xem video tại đây:

2. Always – Like a Girl

Always là một thương hiệu băng vệ sinh phụ nữ của tập đoàn P&G, mục đích của nhãn hàng Always luôn là gia tăng sự tự tin của các cô gái bằng cách nói cho họ biết về tầm quan trọng của tuổi dậy thì.

Always đã nghiên cứu và tìm ra Insight của đối tượng khách hàng tiềm năng, họ nhận thấy “Ở tuổi dậy thì, sự tự tin của con gái chạm đến ngưỡng thấp nhất, đặc biệt là trong kỳ kinh đầu tiên”. Điều này mở ra cơ hội lớn cho vai trò của thương hiệu: chấm dứt sự mất tự tin.

Chiến dịch “Like a girl” đặt mục tiêu chiến đấu với thứ “giết chết sự tự tin”, đó chính là những lời chế giễu cái gì cũng “Như con gái”. Always muốn tìm lại ý nghĩa tích cực của cụm từ này bằng một video phản ánh thử nghiệm xã hội có thể tác động trực tiếp đến người tiêu dùng.

Always đặt ra giả định rằng khi yêu cầu những người trưởng thành làm những thứ “Như con gái”, họ sẽ thể hiện một cách dè dặt và thậm chí phụ nữ cũng tự cười nhạo chính mình mà không hề suy nghĩ lại về hành động đó. Ngược lại, những em gái trước tuổi dậy thì sẽ ít biết về ý nghĩa tiêu cực mà xã hội vẫn sử dụng với cụm từ “Như con gái”, và những bé gái ấy sẽ làm theo yêu cầu một cách thật tự tin và mạnh dạn hết sức có thể. Và giả định của hãng đã đúng.

Chiến dịch Like a girl của Always đã thu được kết quả ấn tượng trong mảng Digital & Social, trở thành một hiện tượng toàn cầu với hơn 85 triệu lượt xem trên 150 quốc gia, hơn 1.5 triệu lượt chia sẻ đoạn phim. Đặc biệt, Tổ chức thuộc Liên hiệp quốc Women National Committee cũng tôn vinh chiến dịch này với một giải thưởng về việc “Phá bỏ những định kiến xã hội”.

Xem video tại đây:

https://youtu.be/XjJQBjWYDTs

3. Fanpage.it – Slap Her

“Slap her” là một chiến dịch truyền thông nói về vấn nạn bạo lực của phụ nữ. Video nằm trong chiến dịch chống bạo hành phụ nữ của một tạp chí tại Ý. Chỉ trong vòng 7 ngày từ khi ra mắt, nó đã nhận được 1,3 triệu lượt chia sẻ. Hiện nay, số lượng người theo dõi đoạn video này đã vượt qua 28 triệu người.

Đây là một video phản ánh thử nghiệm xã hội để tìm hiểu phản ứng của những đứa trẻ về vấn đề bạo hành với phụ nữ. Để thực hiện thử nghiệm này, nhóm sản xuất đã phỏng vấn độc lập một nhóm bé trai độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi. Những câu hỏi đơn giản được đưa ra cho những cậu bé như tên tuổi và những gì chúng muốn làm khi lớn lên. Sau đó, nhóm sản xuất đưa một cô gái tới trước mặt từng bé trai và yêu cầu các cậu bé đưa ra lý do mình thích cô gái đó.

Tuy nhiên, sau đó, những bé trai nhận được một yêu cầu bất ngờ: Hãy tát cô gái đứng trước mặt mình. Tất cả đều đưa ra một câu trả lời: Không.

Phản ứng của các bé trai cho thấy bạo lực đối với phụ nữ không phải tự nhiên sẵn có mà là một hành vi “học được”. 

“IN THE KIDS’ WORLD, WOMEN DON’T GET HIT” là dòng chữ hiện lên cuối video, đó cũng là thông điệp chống bạo hành phụ nữ của nhóm sản xuất.

Chiến dịch Slap her “gây sốt” trong cộng đồng mạng vì đã ghi lại những phản ứng gây xúc động của những đứa trẻ và lan tỏa một thông điệp ý nghĩa về chống bạo hành phụ nữ.

Xem video tại đây:

4. Cardstore – World’s Toughest Job

American Greetings – một công ty kinh doanh thiệp mừng muốn tổ chức một chiến dịch chào đón ngày của mẹ (Mother’s Day – Chủ nhật thứ 2 của tháng 5 hằng năm) bằng một đoạn video viral gây bất ngờ và nhiều cảm xúc mang tên “The toughest job in the world”.

Trước khi bắt đầu thực hiện video, họ tạo ra một công ty tên là Rehtom Inc và đăng tin tuyển dụng trên mạng và trên báo cho vị trí Director of Operations (Giám đốc điều phối) với yêu cầu cao, bao gồm tần suất làm việc trên 135 giờ không giới hạn/ tuần, thường xuyên tăng ca vào các ngày lễ như Giáng Sinh, năm mới, Thanks Giving…, không có ngày nghỉ, không có giờ giải lao, luôn luôn trong tư thế sẵn sàng với mọi tình huống, làm việc hết mình, thông thạo về các kĩ năng y tế, tài chính và giỏi nội trợ với mức lương là 0 $. Thông tin này đã gây sốc trên cộng đồng mạng với 2.7 triệu lượt theo dõi và chỉ có 24 người đồng ý phỏng vấn cho vị trí “đặc biệt” này – Công việc vất vả nhất thế giới. Sau đó, họ gọi điện cho các ứng viên để phỏng vấn.

Video được dàn dựng chuyên nghiệp, ghi lại biểu cảm của các ứng viên được phỏng vấn qua webcam. Khi đã rõ về những yêu cầu khắc nghiệt của công việc, các ứng viên đều sửng sốt, lắc đầu, hoài nghi và thậm chí có người cho rằng đó là một công việc vô nhân đạo. Nhưng trên hết, họ đều tò mò, không biết đó rốt cuộc là công việc gì. 

Và khi biết đáp án cho công việc vất vả đó chính là người mẹ, các ứng viên đều bất ngờ, một số thì bật cười vì trò đùa, số còn lại thì xúc động, nhận ra sự vô tâm của bản thân và  muốn gửi những lời yêu thương chân thành tới mẹ. Mẹ chính là người thực hiện công việc khó khăn và vất vả nhất trên đời – “The toughest job in the world”.

Chiến dịch đã thành công khi truyền tải và lan tỏa thông điệp về lòng biết ơn và sự tri ân đối với các bà mẹ trên khắp thế giới.

Xem video tại đây:

https://youtu.be/HB3xM93rXbY

5. Sport England – This Girl Can

Theo một kết quả nghiên cứu, nỗi sợ hãi vì bị đánh giá là một trong những lý do chính khiến nữ giới nản lòng khi tập luyện. Do đó, Sport England đã tạo ra chiến dịch “This Girl Can” nhằm khuyến khích phụ nữ tập thể dục, thu hút phụ nữ với mọi hình dáng, tầm vóc, khả năng với hy vọng giúp họ đẩy lùi sự tự ti. 

“This Girl Can” ca ngợi phụ nữ ở mọi độ tuổi, vóc dáng cơ thể, sở thích với các bộ môn thể thao khác nhau. Thay vì sử dụng những từ như “mảnh mai”, “quyến rũ” để mô tả hình dáng đáng mơ ước của phái nữ, chiến dịch “This Girl Can” tôn vinh những nỗ lực họ bỏ ra để đạt được thành công, khuyến khích và tạo động lực cho nữ giới khi tập luyện thể thao. 

“This Girl Can” chủ yếu tập trung vào truyền thông xã hội để tăng mức độ tiếp cận. Chiến dịch này đã thu được hơn 37 triệu lượt xem, phát triển cộng đồng kết nối với 600 nghìn thành viên,…

Ngoài ra, chiến dịch đã thành công nhờ tác động thay đổi suy nghĩ của công chúng. Không còn ám ảnh bởi những tiêu chuẩn về vóc dáng cơ thể trong quảng cáo thể hình, giờ đây công chúng của “This Girl Can” cảm thấy tự tin hơn vào chính mình.

Xem video tại đây:

https://youtu.be/toH4GcPQXpc

#Elite_PR_School #Happy_Women_Day

Từ khóa » Chiến Dịch Pr Thất Bại Của Dove