5 đề Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt (đề 2) - Thi Thử THPT QG Môn ...

ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Cớ gì ta không sống thật vui

Biết đâu ngày mai khi tỉnh giấc

Sẽ chẳng còn ta ở trên đời

Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Cớ gì ta cứ mãi oán than

Hãy trân trọng từng giây được sống

Vì biết đâu, mai đã muộn màng

Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Sao ta không sống để sẻ chia

Bởi cho đi là muôn lần nhận lại

Giữ cho riêng nghĩa là chẳng có gì

Và nếu trăm năm là hữu hạn

Thì ta hãy sống đẹp cho đời

Nếu không thể là một vì sao sáng

Cũng xin đừng như hạt cát vô tri.

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Lê Trà My)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra hai từ ngữ thể hiện lời khuyên hãy sống tích cực ở hai khổ đầu của đoạn thơ.

Câu 3. Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về một lối sống:

Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Sao ta không sống để sẻ chia

Bởi cho đi là muôn lần nhận lại

Giữ cho riêng nghĩa là chẳng có gì.

Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về cảm xúc và suy nghĩ của tác giả về cuộc sống qua đoạn thơ trên.

LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 12-15 dòng) trình bày suy nghĩ về thông điệp được tác giả gửi gắm qua hai câu thơ: Nếu không thể là một vì sao sáng/Cũng xin đừng như hạt cát vô tri.

Câu 2 (5 điểm)

Xác hàng thịt: (bắt đầu) Vô ích, cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi, ông không tách ra khỏi tôi được đâu, dù tôi chỉ là thân xác…

Hồn Trương Ba: A, mày biết nói kia à? Vô lí, mày không thể biết nói! Mày không có tiếng nói, mày chỉ là xác thịt âm u đui mù…

Xác hàng thịt: Có đấy! Xác thịt có tiếng nói đấy! Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, đã luôn luôn bị tiếng nói ấy sai khiến. Chính vì âm u, đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả linh hồn cao khiết của ông đấy!

Hồn Trương Ba: Nói láo! Mày chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc!

Xác hàng thịt: Có thật thế không?

Hồn Trương Ba: Hoặc nếu có, thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt, …

 

 

Xác hàng thịt: Tất nhiên, tất nhiên. Sao ông không kể tiếp: Khi ông đứng ở bên nhà tôi … Khi ông đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại … Đêm hôm đó, suýt nữa thì …

Hồn Trương Ba: Im đi! Đấy là mày chứ, chân tay mày, hơi thở của mày …

Xác hàng thịt: […] Chẳng lẽ ông không xao xuyến chút gì? Hà hà, cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi và đủ các thứ thú vị khác không làm hồn ông lâng lâng cảm xúc sao? Để thỏa mãn thôi, chẳng lẽ ông không tham dự vào chút đỉnh gì? Nào hãy thành thật trả lời!

Hồn Trương Ba: Ta … ta … đã bảo mày im đi!

Xác hàng thịt: Rõ ràng là ông không dám trả lời. Giấu ai chứ không thể giấu tôi được! Hai ta đã hòa với nhau làm một rồi!

Hồn Trương Ba: Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn …

Xác hàng thịt: Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!

(Trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ,

Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, tr.144 – 145)

Phân tích màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt qua đoạn trích trên và rút ra ý nghĩa triết lí được gửi gắm qua màn đối thoại đó.

 

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Phần/

  Câu

Nội dung Điểm
     I ĐỌC HIỂU  
   1 Thể thơ tự do 0.5
   2 – Hai từ ngữ thể hiện lời khuyên hãy sống tích cực ở hai khổ đầu của đoạn thơ: sống thật vui, trân trọng. 0.5
   3 – HS có thể tự lý giải sao cho hợp lý. Cần nêu được ý chính:

+ Sống biết cho đi là biết chia sẻ, giúp đỡ với những người xung quanh (có thể là về vật chất/ tinh thần; có thể lớn lao/ nhỏ bé…), làm cuộc sống trở nên có ý nghĩa.

+ Người biết cho đi sẽ nhận lại được sự giúp đỡ, đồng cảm, yêu thương … từ người khác.

 1.0
   4 Cảm xúc và suy nghĩ của tác giả về cuộc sống: Cuộc sống là hữu hạn, vì vậy cần phải biết trân trọng, yêu quý cuộc sống, cần có sự đồng cảm, chia sẻ với những người xung quanh để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.  1.0
   II LÀM VĂN  
   1 Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về câu thơ: “Nếu không thể là một vì sao sáng/Cũng xin đừng như hạt cát vô tri …”   2.0
  a. Đảm bảo yêu cầu hình thức: đoạn văn (khoảng 12-15 dòng)

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành.

 0.25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Dù hoàn cảnh có như thế nào cũng cần sống một cách có ý nghĩa, có ích cho đời, tránh việc sống hoài, sống phí.

    0.25
  c. Triển khai vấn đề nghị luận

– Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách, nhưng phải bày tỏ rõ ràng quan điểm và đưa ra các lí lẽ bảo vệ quan điểm một cách thuyết phục. Có thể theo hướng sau:

+ Không cần phải ép buộc mình trở thành người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xã hội.

+ Sống một cách có ý nghĩa, đóng góp giá trị bản thân cho xã hội, biết trân trọng cuộc sống, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, làm những việc tốt trong khả năng của bản thân.

+ Tránh việc sống vô danh, vô tri trong sự tẻ nhạt, khép kín, không dám khẳng định mình, không dám ước mơ …

 1.0
  d. Chính tả, dùng từ, đặt câu  

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháptiếng Việt.

0.25
  e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận. 0.25
2 Phân tích màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt qua đoạn trích và rút ra ý nghĩa triết lí được gửi gắm qua màn đối thoại đó. 5,0
a.     Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận

Mở bài: giới thiệu được vấn đề, Thân bài: triển khai vấn đề; Kết bài: khái quát vấn đề

0,25
b.     Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt qua đoạn trích và rút ra ý nghĩa triết lí được gửi gắm qua màn đối thoại đó.

0,5
c.     Triển khai vấn đề nghị luận 3,5
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luậnvà trích dẫn

– Lưu Quang Vũ (1948- 1988), sinh tại Phú Thọ, quê gốc ở Đà Nẵng, là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, sáng tác kịch.

– Với những vở kịch gây chấn động dư luận như: “Lời nói dối cuối cùng”, “Nếu anh không đốt lửa”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, …, Lưu Quang Vũ không chỉ trở thành một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm 80 của thế kỉ XX mà còn được coi là nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

– Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được viết năm 1981, được công diễn năm 1984, dựa trên cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch hiện đại và đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ có ý nghĩa nhân văn và thể hiện tư tưởng, triết lí sâu sắc.

– Trong đó, màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt đã thể hiện rõ thông điệp về khát vọng được sống là chính mình và sự đấu tranh chống lại cái dung tục để hoàn thiện nhân cách.

– Trích dẫn.

 

0,5

* Phân tích màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt và rút ra ý nghĩa 2,5
v Giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh của cuộc đối thoại

Trương Ba là một ông lão làm vườn gần 60 tuổi, hiền lành, nhân hậu và có tài chơi cờ rất giỏi với những nước cờ rất khoáng hoạt và trí tuệ. Do sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu, Trương Ba bị bắt chết nhầm. Để sửa sai, Đế Thích đã cho Trương Ba được sống lại trong xác của anh hàng thịt. Trú ngụ trong thân xác thô phàm, dung tục của người hàng thịt, Trương Ba dần thay đổi, trở nên tầm thường, thô lỗ. Trương Ba cũng nhận thấy sự thay đổi đó, ông đau khổ, tuyệt vọng và vô cùng chán nản, muốn thoát khỏi tình cảnh sống nhờ, sống gửi để được sống là chính mình. Từ mong muốn đó, hồn Trương Ba đã tách ra khỏi xác hàng thịt và cả hai có một cuộc tranh luận vô cùng căng thẳng.

v Màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt:

–        Mở đầu màn đối thoại, hồn Trương Ba đã lớn tiếng mắng mỏ xác hàng thịt với thái độ đầy tức giận và khinh thường, nhằm phủ định hoàn toàn sự tồn tại của thể xác: “Vô lí! Mày không thể biết nói…không có tiếng nói, mà chỉ là xác thịt âm u đui mù, chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc!”. Từ chỗ hồn kiên quyết không công nhận sự tồn tại của thân xác, coi khinh xác chỉ thứ vô nghĩa, hồn Trương Ba buộc phải thừa nhận sự tồn tại của xác nhưng gán cho nó gắn với những thứ tầm thường, thấp kém: “Nếu có thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được: thèm ăn ngon, thèm rượu thịt, …”. Lời thoại dài, giọng điệu mạnh mẽ, cách xưng hô “Ta – mày” càng khẳng định thái độ coi thường, khinh bỉ, căm ghét của Hồn đối với xác – loại thấp kém so với sự cao quý của tâm hồn. Cho nên, tất cả những hành động tầm thường như sự rung động trước cô vợ người hàng thịt hay sự xao xuyến trước các món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, … đều là của sự thỏa mãn thèm khát của xác: “Đó là mày chứ, chân tay mày, hơi thở mày, …”.

+ Không chỉ khẳng định sự cao quý của mình trước xác, hồn còn khẳng định cho xác thấy sự tồn tại độc lập, nguyên vẹn, thẳng thắn của mình, không hề bị thể xác vấy bẩn, tha hóa: “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”. Hồn vẫn ngụy biện rằng dù ở trong thân xác của xác hàng thịt dung tục nhưng hồn vẫn giữ được sự trong sạch của mình, không vì hoàn cảnh tầm thường mà trở thành thô thiển, phàm tục. Tuy nhiên, trước những lí lẽ và dẫn chứng của xác, hồn cũng đã vô cùng đau khổ, không thể che giấu được sự xấu hổ và tìm cách chạy trốn: “Im đi! …. Ta đã bảo mày im đi!”.

–        Ban đầu, xác nhạo báng gọi hồn là “cái linh hồn mờ nhạt” và khẳng định sự tồn tại của mình: “Xác thịt có tiếng nói đấy! …có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả linh hồn cao khiết” của hồn. Xác đưa ra những bằng chứng về sức mạnh sai khiến ghê gớm, lấn át cả linh hồn cao khiết mà hồn cũng phải thừa nhận, bằng thái độ ngạo nghễ, thách thức, giễu cợt và cách xưng hô ngang hàng “tôi – ông”. Đó là cái đêm khi ông đứng cạnh vợ anh hàng thịt với “tay chân run rẩy”, “hơi thở nóng rực”, “cổ nghẹn lại”, đêm hôm đó suýt nữa thì…; đó là cảm giác “xao xuyến” trước những món ăn mà trước đây hồn cho là “phàm”: tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, …Đó còn là cái lần ông tát thằng con “toé máu mồm máu mũi”,…, cơn giận có thêm sức mạnh đôi tay.Xác cũng cười nhạo cái lí lẽ mà hồn đưa ra để ngụy biện: “Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn,…”. Xác chỉ rõ cho hồn thấy sự tha hóa của hồn khi ở trong xác, hồn Trương Ba đã bị xác sai khiến, lấn át và thậm chí đã thay đổi hoàn toàn, đã trở thành con người khác, không còn có đời sống riêng, trong sạch như hồn đã khẳng định.

–        Trong màn đối thoại với xác hàng thịt, hồn Trương Ba từ thế chủ động ban đầu đã dần trở nên yếu thế, đuối lí và bị dồn vào thế bị động, lời thoại ngắn dần, chỉ còn là những lời kêu, tiếng than đầy đau khổ, nhát gừng: “Nhưng …nhưng…”. Cuối cùng, hồn đành bần thần nhập lại vào xác trong sự ngậm ngùi, tuyệt vọng. Còn xác hàng thịt, luôn ở thế chủ động, lấn lướt hồn, xảo quyệt an ủi, dụ dỗ hồn thỏa hiệp, chiều theo những đòi hỏi của mình.

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2,0

v Ý nghĩa của màn đối thoại

–        – Hai hình tượng hồn và xác mang ý nghĩa ẩn dụ. Hồn biểu tượng cho khát vọng, lí tưởng sống thanh cao, trong sạch, cho những gì đẹp đẽ bên trong con người; còn xác là biểu tượng cho sự dung tục, tầm thường, những nhu cầu bản năng của con người.

–        – Màn đối thoại giữa hồn và xác gửi gắm nhiều thông điệp có ý nghĩa triết lí:

–        + Phản ánh bi kịch sống không được là chính mình của Trương Ba. Trương Ba được trả lại cuộc sống nhưng đó là cuộc sống đáng hổ thẹn vì phải sống chung với cái dung tục và bị cái dung tục đồng hóa.

–        + Đặt ra vấn đề: con người sống là chính mình, phải có sự hài hòa giữa tâm hồn và thể xác.

–        + Cảnh báo khi con người phải sống cùng với cái dung tục thì tất yếu sẽ bị nó ngự trị, lấn át và tàn phá những gì trong sạch, đẹp đẽ, cao quý trong con người. Do đó, mỗi người cần phải đấu tranh đấu tranh với chính mình và với hoàn cảnh để hoàn thiện nhân cách, cũng như phải đấu tranh chống lại cái dung tục, cái giả tạo để cuộc sống trở nên tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.

 

0,5

d.     Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt

0,25
e.     Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0,5

 

 

đề thi thử THPT quốc gia ngữ văn, Hồn trương ba da hàng thịt

Từ khóa » đề Thi Văn Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn