5 Huyện Của Hà Nội Sắp Lên Quận: Gấp Rút Giải Quyết Các Cơ Chế ...

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030. Theo dự kiến trong giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng dự kiến thành lập quận.

Việc phát triển 5 huyện thành quận là nhiệm vụ chính trị quan trọng của TP. Hà Nội trong giai đoạn 2021-2025, hiện Hà Nội đang nghiên cứu các cơ chế chính sách đặc thù tháo gỡ nút thắt về nguồn lực, giải quyết các cơ chế vướng mắc về đất đai, quy hoạch, hạ tầng… Theo đó, về cơ bản cả 5 huyện trên đã hoàn thành hầu hết các tiêu chí chính.

Huyện Đông Anh “cố gắng” 2023 lên quận

Với huyện Đông Anh, tháng 11/2020, Bộ tiêu chí hợp nhất xây dựng huyện thành quận, huyện Nông thôn mới nâng cao đã được triển khai, áp dụng trên toàn địa. Đến 2021, đối với 27 tiêu chí xây dựng huyện lên quận, Đông Anh hiện còn 8 tiêu chí chưa đạt, đa phần là do vướng về cơ chế như chỉ tiêu cân đối ngân sách, xử lí nước thải,...

Tại huyện Đông Anh, đã có 13/15 đồ án quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt, trong đó 88,68% đất tự nhiên của huyện được xác nhận là vùng đô thị trung tâm mở rộng. Trong 81 khu dân cư hiện hữu, có 72 đồ án đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và 4 đồ án đang nghiên cứu đề xuất. Đối với đầu tư hạ tầng, huyện đầu tư phát triển các tuyến cao tốc, quốc lộ và hoàn thiện 20 tuyến giao thông khung, gồm 14 tuyến liên khu vực và 4 trục chính đô thị…

Thời gian tới, địa phương triển khai thực hiện 22 dự án hạ tầng khung thuộc nhiệm vụ chi TP giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra kiến nghị TP điều chỉnh quy hoạch chung, đưa khoảng 2.000 ha thuộc địa bàn các xã Vân Hà, Liên Hà, Thụy Lâm, Việt Hùng, Xuân Nộn và Dục Tú thành khu vực phát triển đô thị và lập quy hoạch phân khu đô thị tại khu vực này; sớm phê duyệt quy hoạch phân khu Sông Hồng và Sông Đuống.

Bên cạnh đó, Đông Anh kiến nghị TP cho phép huyện triển khai đồng thời 3 dự án cùng với quá trình hoàn thiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thôn Lại Đà, xã Đông Hội, gồm Dự án Xây dựng trường mầm non Đông Hội; Dự án Xây dựng tuyến đường xung quanh thôn Lại Đà theo quy hoạch và Dự án Xây dựng khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn Lại Đà.

Cần tầm nhìn, giải pháp để đưa Đan Phượng lên quận năm 2025

Đây là khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng ngày 5/5/2020. Theo đó, hiện nay Đan Phượng có nhiều đồ án quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 do TP phê duyệt đã, đang triển khai xây dựng.

Chạy “nước rút” 05 huyện của Hà Nội đã chuẩn bị được gì cho kế hoạch lên quận

Đơn cử như khu chức năng đô thị Green City quy mô 130 ha đang được triển khai đầu tư xây dựng; Khu đô thị sinh thái cao cấp Đan Phượng quy mô 45ha đang chuẩn bị thi công các hạng mục; Khu đô thị mới Tây Nam xã Tân Lập đã giải phóng mặt bằng diện tích 35 ha/42 ha. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng xã hội, 8 tuyến đường giao thông cấp huyện có mặt cắt rộng 13 - 22 m.

Trong quá trình tập trung triển khai đầu tư, xây dựng lên quận đến năm 2025, huyện Đan Phượng cần giải quyết vướng mắc lớn nhất là hạ tầng khung và khai thác các quỹ đất phía Đông Vành đai 4. Đồng thời, quỹ đất phía Tây Vành đai 4 chưa đáp ứng các tiêu chí lên phường. Thành phố cũng đang đề xuất xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long, đoạn từ đường Vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài. Đối với các tuyến đường khung kết nối khu vực, thành phố đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ và giao cho huyện triển khai đầu tư xây dựng.

Để khai thác hiểu quả quỹ đất phân khu đô thị S1, GS khu vực phía Đông Vành đai 4, thành phố kêu gọi đầu tư thực hiện xã hội hoá công tác lập quy hoạch chi tiết theo định hướng phát triển đô thị.

Mục tiêu lên quận vào năm 2022 hiện Hoài Đức đã đạt 22 tiêu chí

Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Trường, thực hiện đề án phát triển lên quận, huyện đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để triển khai một số dự án hạ tầng khung như: Xây dựng 8 tuyến đường giao thông khung với chiều dài 40,52km; xây dựng 9 tuyến đường trục chính, đường bao các khu dân cư với chiều dài 16km; xây dựng mới 18 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp 16 trạm y tế, xây dựng mới 15 bãi trung chuyển rác thải. 100% số xã, thị trấn có hệ thống cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 90%... Hiện đã đạt 22/27 tiêu chí để trở thành quận.

Trong đó đạt 5/6 tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, 17/21 tiêu chí về phát triển hạ tầng. Các tiêu chí huyện này đạt và vượt mức quy định như: Mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất đạt 10,74%, thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm, hiện nay huyện không còn hộ nghèo, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đạt 95,3% (yêu cầu là 90%), tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, điện chiếu sáng…

Một số tiêu chí chưa đạt như: Cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị, cơ sở y tế cấp đô thị, đất cây xanh công cộng, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý…

Bước sang năm 2021, huyện Hoài Đức duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 11%/năm, phát triển cơ sở hạ tầng kiến trúc, cảnh quan đô thị như tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông khung; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; phát triển không gian xanh đô thị, tuyến đường văn minh đô thị. Ngoài ra, địa phương này tập trung đầu tư các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Huyện Thanh Trì phấn đấu lên quận vào năm 2023

Với thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì thành quận, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường thông tin: Đối với các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, Thanh Trì đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt là cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng. Còn đối với các tiêu chí xã lên phường, đến nay, Thanh Trì có 8/18 tiêu chí đạt, 10 tiêu chí chưa đạt.

Để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng huyện lên quận vào năm 2023, huyện Thanh Trì phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách huyện bình quân 12-14% và đến năm 2023, tỷ lệ cân đối thu chi ngân sách của huyện đạt 99,8%, cơ bản đáp ứng tiêu chí của quận. Ngoài ra, quận đã xác định danh mục các dự án đầu tư về hạ tầng đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xã hội... với tổng nhu cầu kinh phí của huyện trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 11.214 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Thanh Trì kiến nghị với Thành phố 6 nhóm kiến nghị lớn, với gần 30 kiến nghị cụ thể. Trong đó, về phân cấp quản lý nhà nước, huyện kiến nghị Thành phố sớm sửa đổi Quyết định 41/2016/QĐ-UBND của UBND Thành phố theo hướng phân cấp cho huyện quản lý và đầu tư các tuyến đường giao thông đô thị cấp khu vực hoặc các tuyến đường giao thông tại các vùng quy hoạch phát triển đô thị nằm trong địa giới hành chính của huyện, có mặt cắt ngang dưới 25m. Phân cấp cho huyện được hưởng 100% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất và các khoản thuế phát sinh trên địa bàn, như thuế tài nguyên, thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp...

Về quy hoạch, huyện kiến nghị Thành phố điều chỉnh một số đồ án phân khu đô thị, như S4, S5, H2-3, H2-4... theo hướng tăng diện tích đất đô thị, tăng chiều cao và mật độ xây dựng.

Với lĩnh vực đầu tư, Thanh Trì kiến nghị bố trí vốn thực hiện trong năm 2021 dự án nâng cấp, cải tạo đường Ngũ Hiệp đi Đông Mỹ; giao huyện làm chủ đầu tư 2 dự án: Nâng cấp, mở rộng đường Tựu Liệt và đường tránh Phan Trọng Tuệ (từ đường Phan Trọng Tuệ đến đường Ngọc Hồi); triển khai dự án cầu qua sông Nhuệ, nối đường Liên Ninh - Đại Áng - Tả Thanh Oai với khu đô thị Cienco 5;

Giao nhiệm vụ cho huyện lập chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đê Hữu Hồng và đê sông Nhuệ; sớm triển khai dự án nâng cấp, mở rộng đường 70 (đoạn Hà Đông - Văn Điển), đường vành đai 3,5 (đoạn Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ); đường 70 (từ Văn Điển đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) và đường nối đường Chiến Thắng kéo dài đến đường Nguyễn Xiển - Xa La...

Gia Lâm đạt 25/28 tiêu chí để lên quận

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, Gia Lâm hiện đã đạt được 25/28 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa hoàn thành, đang gặp khó khăn.

Cụ thể, tiêu chí thứ nhất là tiêu chí về giường bệnh, muốn thành quận thì huyện phải đạt 2,4 giường bệnh/ 1.000 dân trở lên. Huyện Gia Lâm hiện đang đạt 1,93 giường bệnh/ 1.000 dân.

Tuy nhiên theo ông Thuần, tiêu chí này có thể hoàn thành được trong giai đoạn tới khi Bệnh viện quốc tế Vinmec quy mô 1.000 giường bệnh sẽ được đầu tư xây dựng trong khu đô thị Vincity Ocean Park thời gian tới, đồng thời huyện cũng sẽ đầu tư nâng cấp Bệnh viện đa khoa Gia Lâm.

Tiêu chí thứ 2 là tự cân đối được ngân sách. Để hoàn thành được tiêu chí này, huyện Gia Lâm đang xin cơ chế của thành phố theo hình thức để cho huyện được thu thuế của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Nếu được cơ chế này thì huyện có thể tự cân đối được ngân sách.

Tiêu chí thứ 3, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, cũng là tiêu chí mà huyện đang gặp khó nhất, đó là tỷ lệ đường giao thông trên 10 km2. Hiện huyện đang thiếu gần 100 km đường giao thông cấp huyện (đường liên xã trở lên), để hoàn thành thì nhanh nhất cũng phải vài ba năm tới.

Để hoàn thành được tiêu chí này, huyện Gia Lâm đã đề xuất UBND TP Hà Nội phê duyệt trên cơ sở quy hoạch của huyện xây dựng thêm 42 con đường từ nay đến 2025. Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã triển khai 306 dự án với tổng kinh phí 5.506 tỷ đồng. Về hạ tầng, huyện đã đầu tư nâng cấp 190,5 km đường liên thôn, đường giao thông trục chính, trục thôn. Cùng với việc đầu tư 411,8 km hệ thống chiếu sáng công nghệ cao, huyện Gia Lâm hiện đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại.

Riêng trong năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Gia Lâm đạt hơn 4.664 tỷ đồng, đạt 157,1% so với dự toán Thành phố giao. Nhiều chỉ tiêu đạt cao như thu tiền thuê đất (đạt 2.126,7%), thu lệ phí trước bạ nhà đất (đạt 178,7%),…

Cần tháo gỡ khó khăn cho các huyện để thực hiện mục tiêu lên quận

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, để tạo điều kiện phát triển lên quận, cả 5 huyện đều có đề xuất về cơ chế, chính sách và đầu tư. Cụ thể như đề xuất điều chỉnh tỷ lệ phân cấp nguồn thu và tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa cấp Thành phố với cấp huyện, cấp xã theo hướng tăng cường phân cấp cho cấp huyện, cấp xã nhằm sớm hoàn thiện tiêu chí cân đối thu chi và tạo nguồn đầu tư xây dựng các dự án. Đồng thời kiến nghị Thành phố sớm ban hành phân cấp quản lý một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn Thành phố, trong đó có cơ chế đặc thù đối với các huyện đang triển khai xây dựng thành quận nhằm tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án…

Bên cạnh đó đề xuất Thành phố sớm triển khai thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các tuyến đường trục chính, tuyến đường hạ tầng khung tạo tiền đề thu hút, xúc tiến đầu tư và đẩy nhanh quá trình  phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Huyện, sớm hoàn thành các tiêu chí còn chưa đạt.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, đến thời điểm hiện nay, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các tiêu chí để 5 huyện thành lập quận còn nhiều khó khăn, thách thức. Đối với tiêu chí “Mật độ đường giao thông đô thị”, kết quả tính đến 31/01/2021, một số huyện có mật độ đường giao thông đô thị thấp và nhu cầu phải có thêm số km đường là huyện Đông Anh, Đan Phượng.

Sau khi rà soát đề xuất của 05 huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình tham mưu, đề xuất đến UBND TP về dự kiến xây dựng Danh mục đầu tư công trung hạn 2021-2025; chỉ đạo các huyện Rà soát lại danh mục các dự án đề xuất Thành phố hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 để đáp ứng các tiêu chí chưa đạt bám sát theo Đề án đã được duyệt, báo cáo cụ thể theo Đề án, các dự án đã được thực hiện, các dự án chưa được thực hiện và đề xuất vào giai đoạn 2021 - 2025.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đang trong quá trình tham mưu, đề xuất đến UBND Thành phố có chỉ đạo 5 huyện xây dựng rõ lộ trình, giải pháp thực hiện để đạt được các tiêu chí còn chưa đạt hiện nay, dự kiến năm nào hoàn thành Đề án. Báo cáo các Sở liên quan theo chức năng, nhiệm vụ về Danh mục dự án; giải pháp, lộ trình để hoàn thành các tiêu chí lên quận chưa đạt để các Sở tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo, UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo./.

Minh Tín (t/h)

Từ khóa » Thanh Trì Lên Quận 2020